BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I : Cv 10,34a . 37-43
34a Bấy giờ ông Phê-rô
lên tiếng nói: " 37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn
cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38
Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh
Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng
phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.39
Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân
Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi.40
Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ
tường,41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng
nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn
cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.42 Người
truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính
Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.43
Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì
sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội."
ĐÁP CA : Tv 117
Đ. Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào
ta hãy vui mừng hoan hỷ.
(c.24)
1 Hãy tạ ơn Chúa vì
Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 2 Ít-ra-en
hãy nói lên rằng : muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
16 "Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao.
17 Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc
Chúa làm.
22 Tảng đá thợ xây nhà
loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 23 Đó chính là công trình của
Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
BÀI ĐỌC II : Cl 3,1-4
1 Thưa anh em, anh em đã
được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới,
nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.2 Anh em hãy hướng lòng
trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.3
Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức
Ki-tô nơi Thiên Chúa.4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất
hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
CA TIẾP LIÊN :
Nào tín hữu ca mừng hoan hỷ
Đức Ki-tô
chiên lễ Vượt Qua
Chiên Con
máu đổ chan hòa
Cứu bầy
chiên lạc chúng ta về đoàn.
Đức Ki-tô
hoàn toàn vô tội
Đã đứng ra
môi giới giao hòa
Tội nhân
cùng với Chúa Cha
Từ đây sum
họp một nhà Cha con.
Sinh mệnh
cùng tử vong ác chiến
Cuộc giao
tranh khai diễn diệu kỳ
Chúa sự
sống đã chết đi
Giờ đây
hằng sống trị vì oai linh.
Ma-ri-a
hỡi, xin thuật lại
Trên đường
đi đã thấy gì cô ?
Thấy mồ
trống Đức Ki-tô
Phục sinh
vinh hiển thiên thu khải hoàn.
Thấy thiên
sứ chứng nhân hiển hiện
Y phục và
khăn liệm xếp rời
Giê-su, hy
vọng của tôi
Sẽ đón các
ngài tại xứ Ga-lin.
Chúng tôi
vững niềm tin sắt đá
Đức Ki-tô
thật đã phục sinh.
Tâu Vua
chiến thắng hiển vinh
Đoàn con
xin Chúa dủ tình xót thương.
BÀI GIẢNG
CẢM
NGHIỆM ĐƯỢC CHÚA YÊU
MỚI
LÀM CHỨNG CHO CHÚA
Ai là “người Chúa yêu” và muốn đáp lại tình
yêu ấy thì phải thực hành ba điểm giáo lý, dựa vào các bài Kinh Thánh đọc trong Thánh Lễ hôm nay :
1/ KẺ CÓ TỘI MÀ KHÔNG
ĐƯỢC CHÚA GIÊSU CHIẾM ĐOẠT LÀ CHẾT.
Ông Gioan ghi nhận : “Sáng
sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc TRỜI CÒN TỐI, bà Maria Madalêna đi đến mộ” (Ga 20,1a : Tin
Mừng). Gợi đến cuộc sáng tạo, con người tội lỗi như bà Maria Madalêna - hiện
thân bà Evà đã lỗi Luật Chúa – đi đến mộ là đi vào sự chết, thuộc quyền lực của
ma quỷ biểu lộ qua hình ảnh “TRỜI
CÒN TỐI”;
cũng thế ông Giuđa vì tham 30 đồng bạc, nên khi đang ăn tiệc với Thầy Giêsu và
các anh em, ông đã bỏ bàn tiệc đi vào đêm
tối (x Ga
13,30) để thông đồng với các đầu mục Do Thái và quân Roma bàn mưu nộp Thầy.
Nhưng điều ta cần lưu ý hơn cả “sáng
sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ”, tức là bà này từ
trong đêm tối tội lỗi dẫn đến sự chết, bà bước vào nguồn ánh sáng ban sự sống
của ngày mới. Khác nào ông Nicôđêmô ban đêm đến học giáo lý nơi Đức Giêsu, cuối
bài giảng Ngài đã dẫn ông đến nguồn ánh sáng ban sự sống, để chứng thực mọi
việc ông làm là ngay chính (x Ga 3,1-21). Đây
là những con người đang sống trong lầm lạc của đêm tối sự chết đi đến gặp Chúa
Giêsu là Mặt Trời chiếu sáng ban sự sống (x Lc 1,78 ; Ga 8,12 ; Ga 9,5).
2/ PHẢI TIN VÀO CHÚA
GIÊSU, ĐẤNG DUY NHẤT CHO CON NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG LẠI VINH HIỂN
“Maria Madalêna thấy
tảng đá đã lăn khỏi mộ, liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu yêu. Bà nói: Người ta đã đem Chúa
đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (Ga 20,1b-2 : Tin
Mừng). Đó là dấu ứng nghiệm lời ngôn sứ Êzêkiel tiên báo về ngày Chúa phục sinh
dân Ngài : “Này Ta sẽ mở cửa mộ các
ngươi, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi mồ, hỡi dân Ta !” (x Ed 36)
3/
CHỈ NGƯỜI NÀO CẢM NGHIỆM ĐƯỢC CHÚA YÊU NHƯ BÀ MARIA MAĐALÊNA, HOẶC NHƯ ÔNG GIOAN,
MỚI LÀM CHỨNG CHO CHÚA PHỤC SINH.
Thực vậy :
a- Bà Maria Madalêna sám hối vì quá nhiều tội lỗi đã phạm, nên được Đức Giêsu
trừ bảy quỷ xuất khỏi bà. Bà biết mình được Đức Giêsu yêu, từ bấy giờ theo Ngài
đi truyền giáo và dùng tiền của giúp Ngài và các môn đệ (x Lc 7,36 - 8,3) ; khi
Đức Giêsu đã được an táng, với tình yêu thúc bách, bà chạy ra mộ ngay lúc trời
còn tối để xức dầu trên xác Ngài (x Mc 16,1), thì lại được phúc gặp Ngài đầu
tiên, rồi trở về thành loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông Đồ, để các ông
rao truyền cho mọi người (x Ga 20,2 : Tin Mừng).
b- Ông Gioan tự nhận mình là “người Chúa yêu”, dù ông đã từng xin
Thầy ban cho quyền cao chức cả (x Mt 20,20t). Nhưng quyền ấy Thầy lại ban cho ông Phêrô (x Mt 16,19). Dầu thế
ông Gioan vẫn cảm nghiệm được Chúa yêu, nên sáu lần ông kích lòng nhiệt thành
của thủ lãnh Phêrô:
- Lần I : Ông Phêrô được Thầy đặt làm thủ lãnh Nhóm Mười Hai
mà không biết kẻ nào có ác ý nộp Thầy, phải nhờ đến người môn đệ Chúa yêu đang nằm sát cạnh
Thầy hỏi giúp xem …! (x Ga 13,24)
- Lần II : Lúc Thầy bị xử án, ông Gioan, người môn đệ Chúa yêu đã có mặt trong sân tòa, ông Phêrô tới sau, thì cổng đã
đóng, ông phải làm cho hiệu người
môn đệ Chúa yêu để nói với người giữ cổng mở cho ông Phêrô vào để dự phiên tòa xử Thầy
! (x Ga 18,12-16)
- Lần III : Khi hai ông Phêrô và Gioan chạy ra mộ Đức Giêsu, thì
người môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn ông
Phêrô ! (x Ga 20, 3-4 : Tin Mừng)
- Lần IV : Ông Gioan, người
môn đệ Chúa yêu tới mộ trước, nhưng ông không vào, vì muốn tôn trọng quyền thủ lãnh
của ông Phêrô và ông cũng không muốn làm mất đi giá trị lời chứng xác thực của
hai người (x Ga 8,17). Thế mà khi ông Phêrô vào mộ, thấy vải liệm xác Đức Giêsu được xếp lại ngay ngắn cùng với dải băng, ông
vẫn chưa nói lên điều đã thấy “Chúa đã sống lại”, thua xa ông Gioan, người môn đệ Chúa yêu nói : “Tôi
đã thấy và tôi tin !” (x Ga 20,6-8).
Ta lưu ý điều ông Gioan ghi nhận : “Tôi
đã thấy và tôi tin”. Nói như thế thật là vô lý! Bởi lẽ tin là chấp nhận điều không thấy nhờ uy tín
người khác nói cho biết. Vì thế không ai nói “tôi tin điều tôi đã thấy”. Thế mà ông Gioan lại hữu ý nói “tôi đã thấy và tôi tin”. Nói thế ông
Gioan chủ ý nhấn mạnh : Tin
quan trọng hơn thấy, như Đức Giêsu đã nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29b : Tin Mừng). Kìa các chú
lính gác mộ đã thấy Đức Giêsu sống lại, vội vàng chạy về thành loan báo cho mọi
người, nhưng các thượng tế đã đút tiền cho chúng để nói dối : “Đang đêm chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ của
ông Giêsu đến trộm xác” (Mt 28,11-15). Kẻ nào nói dối chắc chắn đi đến diệt
vong !(x Cv 5,1-11).
- Lần V : Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài đứng trên bờ biển
bảo ông Phêrô thả lưới bên phải thuyền, ông vâng lời bủa lưới liền bắt được mẻ
cá nhiều đến nỗi không sao kéo lên được, thế mà ông Phêrô vẫn chưa nhận ra
Thầy, nhờ người môn đệ Chúa
yêu nói :
“Chúa
đó !”
Lúc ấy ông mới nhận ra Thầy Giêsu,vì ông đang ở trần nên quấn khăn vào mình
nhảy tùm xuống biển bơi vào bờ để gặp Thầy (x Ga 21,7t).
- Lần VI : Nhờ ông Gioan luôn nhận biết mình là người Chúa yêu, nên đời ông không
phải khổ, không phải chết đổ máu như thủ lãnh Phêrô bị đóng đinh ngược chúc đầu
xuống đất, đến nỗi có lời đồn là ông Gioan không phải chết ! (x Ga 21,23). Đúng
ra ông không bị chết đổ máu như các Tông Đồ kia, ông bị đày ra đảo Patmos và chết ở đây. Ngày nay trên đảo nhỏ hẹp này, dài
12,5 km, rộng 9,5 km, người ta đếm được tới 365 Nhà Thờ kính thánh nhân.
Những chứng từ trên
cho ta hiểu điều ông Gioan muốn nhắn gởi tín hiệu đến thủ lãnh Phêrô : Dù tôi không được Thầy trao quyền lãnh
đạo, nhưng tôi vẫn là người Chúa yêu, và chính nhờ tình yêu thúc bách, tôi đã
làm nhiều điều hơn anh ! Thế thì thủ lãnh Phêrô không được thua kém tinh thần sốt
sắng, mau lẹ đi truyền bá Tin Mừng !
ông Gioan đáp lại tình
Chúa yêu bằng tận dụng mọi cơ năng để đón nhận và loan báo Tin Mừng, như ông
nói : “Điều chúng tôi đã được tai
nghe, điều chúng tôi đã nhìn
tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng (trái
tim và khối óc) và
tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời hằng sống” (1Ga 1,1).
Ông Gioan nói như thế
là có ý nhấn mạnh : Tin Mừng về sự sống chúng tôi loan báo cho anh em rất xác
thực, vì chúng tôi đã tận dụng mọi khả năng Chúa cho để tìm hiểu Đức Tin. Bởi
lẽ muốn đón nhận đối tượng, người ta phải biết lắng tai nghe, nhưng không xác thực bằng mắt thấy, mà thấy cũng chưa rõ bằng tay nắm bắt được. Thí dụ : Tôi nghe tiếng “vù”, tôi
không biết vật gì vụt qua, khiến tôi đưa mắt nhìn, nhưng tôi vẫn chưa xác định
được nó là cái gì, trừ khi tôi chộp được nó! Như thế, chắc chắn ông Gioan muốn
động viên các tín hữu, nhất là những người chức quyền, tài ba, giàu có, ngoài
tay, mắt, tim, óc, tai, còn có nhiều phương tiện như điện thoại, vi tính,
radio, máy quay phim,… để đón nhận Lời Chúa cách phong phú và đầy đủ hơn. Những
người này phải là người biết ơn Chúa hơn người bần cùng, già nua, bệnh tật !
Nếu được như vậy thì Nhà Thờ mỗi ngày sẽ thêm đông giới trí thức, giàu có, địa
vị đến tham dự Thánh Lễ và học hỏi giáo lý ! Nhưng thực tế đã ngược lại hơn 20
thế kỷ nay và con đang tiến diễn!?
Ta biết
rằng, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài chỉ muốn tỏ mình ra cho những người
mau mắn đến dự tiệc Thánh Thể. Chính vì vậy mà ông Phêrô nói : “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã
làm cho Người chỗi dậy, và cho Người
xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt
những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã ĐƯỢC
CÙNG ĂN CÙNG UỐNG VỚI NGƯỜI(dự tiệc Thánh Thể),
sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,40-41: Bài đọc I), để biểu lộ việc làm của Đức Tin
: “Đức Kitô đã chịu hiến tế, làm chiên lễ
Vượt Qua của chúng ta. Nào ta hoan hỷ trong Chúa mà ăn mừng Đại Lễ” (1Cr
5,7b-8a : Tung Hô Tin Mừng).
Vậy nhờ
được kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh qua Bí tích Thánh Thể, ta mới có khả năng
nối dài và mở rộng con đường truyền giáo của Đức Giêsu đã khởi sự từ Galilê
tiến về Giêrusalem. Cũng chính vì vậy mà
tác giả sách Công Vụ nói tiếp : “Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra cho những
người đã đi từ Galilê lên Giêsusalem với Ngài, những người này hiện là chứng
nhân của Ngài trước mặt toàn dân” (Cv 13,31). Bởi thế thánh Phaolô đã thúc giục các tín hữu
: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức
Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới,nơi Đức Kitô đang ngự bên
hữu Chúa Cha. Đức Kitô,Nguồn Sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất
hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang ” (Cl 3,1-4 : Bài đọc
II). Vì “đây là ngày Chúa đã làm ra, chúng ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv
118/117, 24 : Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Anh em hãy tìm kiếm những điều thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô
đang ngự bên hữu Thiên Chúa (Cl 3,1).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH