Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B
Âm thanh
BÀI TIN MỪNG

TIN MỪNG : Mc 11,1-10

            1 Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ 2 và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây.3 Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy? ", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay."4 Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra.5 Mấy người đứng đó nói với các ông: "Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy? "6 Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông.7 Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên.8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải.9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời! "

 

BÀI GIẢNG

ĐỨC GIÊSU KHẢI HOÀN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM                                                                      

HÉ MỞ VINH QUANG THỜI CÁNH CHUNG

            Ông Marcô ghi lại biến cố Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem : Hôm ấy hai môn đệ đem con lừa về cho Đức Giêsu : “Lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giêsu cỡi lên.Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải.Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavid, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11,7-10:Tin Mừng). Cảnh huy hoàng vinh quang này dạy ta những bài giáo lý :

            1- Đức Giêsu là Thiên Chúa :

            Trong văn hoá Hy Lạp thời bấy giờ, con lừa chỉ để dành riêng cho thần minh cưỡi. Ví dụ : người Hy Lạp có hai thần : Tiphong và Dionysiss, người ta tạc tượng thờ hai thần đó khi đang cưỡi lừa đến với dân, có khi con vật ấy mình thì giống người, đầu lại là đầu lừa.

      Ngày Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, hôm đó có biết bao nhiêu đối thủ đang hầm hừ chờ dịp triệt hạ Đức Giêsu như chúng đã ra lệnh cho dân : “Hễ các người thấy tên Giêsu, thì phải báo ngay cho chúng tôi biết”. Thế mà Đức Giêsu vẫn công khai tiến vào thành giữa những tiếng tung hô, thấy thế đối thủ ra lệnh cấm dân, nhưng chúng không thể làm gì hại Ngài được.

            Sự kiện trên càng chứng minh Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn năng.

            2/ Đức Giêsu là Vua nối dòng Đavid :

            Việc Đức Giêsu cưỡi lừa tiến vào thành để ứng nghiệm ngày lễ đăng quang của vua Salômôn, con vua Đavid, như lệnh vua Đavid đã truyền: “Hãy đem theo đội thị vệ, hãy đặt Salômôn con ta ngồi trên lưng lừa của ta mà hộ tống xuống Ghihom.” (Ghihom là tên của một giếng nước nằm ở chân đồi Sion nơi xây thành Giêrusalem) [x 1V 1,33].

            3/ Đức Giêsu thực hiện chúc ngôn của ông Giacob cho con cháu ông : “Người cột con lừa vào gốc nho.” (St 49,11)

-   Gốc nho chính là Chúa Giêsu. (x Ga 15,1)

-   Cột vào gốc nho là dân được Chúa tuyển chọn phải lệ thuộc vào Chúa Giêsu. Và ngôn sứ Dacarya chương 9 câu 9 đã loan báo về ngày Đấng Cứu Thế đến cứu dân : “Này đây Vua ngươi đến với ngươi, Người công minh, chiến thắng, khiêm tốn và cưỡi trên một con lừa”: lừa con Đức Giêsu cưỡi là người Công Giáo phục vụ mọi người mới làm vinh danh Chúa, vì họ được cột (tháp) vào gốc nho là Đức Giêsu.

            4/ Người Kitô hữu phải là con lừa tơ để Chúa cưỡi :

Þ    Thân phận lừa là kiếp phục vụ, như con lừa của ông Balaam thưa với chủ nó : “Tôi đã làm gì ông, mà ông lại đánh tôi những ba lần? Tôi không phải là con lừa cái của ông, mà ông đã cưỡi mãi cho tới ngày hôm nay sao? Tôi có quên làm như vậy với ông bao giờ chưa?” (Ds 22,28.30)

Þ    Con lừa tơ là con vật chưa ai cưỡi, nó được dành riêng dâng Đức Giêsu. Cũng thế, người Kitô hữu không được làm nô lệ cho bất cứ thần nào ngoài Thiên Chúa, không để cho các đam mê thế tục làm chủ cưỡi lên .vì như thế là tôn thờ nó thay Thiên Chúa. Nói rõ hơn : không ai được làm nô lệ cho của cải, rượu chè, ma tuý, cờ bạc, dâm dật… mà chỉ làm tôi tớ Thiên Chúa.

            * ĐỨC GIÊSU CƯỠI TRÊN MỘT CON LỪA TƠ HAY TRÊN LỪA MẸ VÀ LỪA CON ?

            - Theo Tin Mừng của Mc 11,2 ; Lc 19,30 ; Ga 12,14 thì, Đức Giêsu cưỡi trên lưng con lừa tơ chưa ai cưỡi, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Dacarya 9,9 : “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.”

            - Trong khi Tin Mừng của Mt 21,6-7 thì lại nói Đức Giêsu cưỡi trên lưng hai con lừa : lừa mẹ và lừa con. Ông Matthêu ghi như vậy chắc là không đúng với lịch sử, không làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Dacarya. Nhưng viết như vậy là có ý muốn nói :

§   Hai đặc tính của con vật được Đức Giêsu sử dụng : cưỡi trên lưng lừa mẹ ám chỉ con vật đã lớn, có khả năng chuyên chở ; cưỡi trên lưng lừa tơ chưa ai dùng, có nghĩa là con vật dành riêng cho Chúa sử dụng mà thôi.

§   Chủ đích lời chứng của ông Matthêu dựa theo Lề Luật:“Chứng của hai người thì xác thực” (x Dnl 17,6). Vì chủ đích này mà ông Matthêu trong nhiều trường hợp cùng một sự việc xảy ra, các tác giả khác ghi nhận có một nhân vật, trong khi ông Matthêu lại ghi có hai. Ví dụ :

Þ    Hai người qủy ám ở Gađara (x Mt 8).

Þ    Hai người mù trên đường Giêricô (x Mt 20,29-34).

Þ    Cả hai tên trộm bị đóng đinh đều sỉ nhục Đức Giêsu (x Mt 27,44).

            5/   Giáo dân phải đồng hành với thủ lãnh trong Hội Thánh :

                  * Lừa mẹ biểu tượng cho Chúa Giêsu hay biểu tượng cho các thủ lãnh trong cung cách phục vụ.

                  * Lừa con biểu tượng cho Hội Thánh hay các Kitô hữu.

            Vậy Chúa Giêsu cưỡi trên hai con lừa là dấu hiệu Ngài chỉ được vinh hiển khi các thủ lãnh trong Hội Thánh đồng hành với Chúa Giêsu và các tín hữu cùng đi trên con đường phục vụ như Chúa Giêsu (x 1Ga 2,6).

            6/   Chỉ những người mặc lấy Chúa Kitô, mới sống thực để tôn vinh Thiên Chúa :

            Ông Marcô ghi nhận : “Dân chúng trải áo,chặt cành lá tươi lót đường cho Đức Giêsu đi qua” (Mc 11,8 : Tin Mừng).

                  * Cởi áo trải đường : Áo là hiện trạng nội tâm, thực tại sâu xa nhất của một người :

                  - Kẻ được mời dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới bị khai trừ. (x Mt 22,1-14)

                  - Kẻ mặc áo cưới dự tiệc (được cứu độ) tức là những công đức của họ nhờ Chúa Kitô mà có (x Kh 3,17-18 ; 19,8).

      Vậy :

                  - Tôi sẽ được nhảy mừng trong Thiên Chúa, vì Người đã mặc cho tôi hồng ân cứu độ (x Is 61,10), đó là mặc lấy Chúa Kitô (Gl 3,27).

                  - Kẻ không được Thiên Chúa lấy áo mặc cho, nó như người đến tuổi dậy thì tô hô trần truồng bị quẳng nằm giữa đường. Nhưng người nào được mặc lấy Chúa Kitô, họ mới là Hiền Thê của Ngài (x Ez 16,8-18).

                  * Chặt nhành lá tươi lót đường.

            Dân không lót lá khô mà là lá tươi, đó dấu chỉ những người sống trong ân nghĩa Chúa mới tôn vinh Chúa.Họ là đoàn lũ những người xứng đáng cất giọng ca vang Hosanna”(x Ga 12,13).

            Thực vậy, Kinh Thánh nói : “Chỉ người sống, vâng chỉ người sống mới ca tụng Ngài như thể con nay.Người cha sẽ dạy cho con cái rõ Ngài là Đấng tín trung” (Is 38,19).

            Cành lá vạn tuế biểu tượng dân Israel và biểu tượng sự chiến thắng (x Lv 23,40 và Ne 8,15). Những nhành lá vạn tuế có khi được bó chung với những bông hoa làm thành bó “lulab”. Tay vẫy bó “lulab” và miệng ca vang “Hosanna”: Chúc tụng Thiên Chúa… Những bó “lulab” có khi còn được gọi là “Hosanna”.

            Lời tung hô Hosanna được trích từ Tv 118/117,25-26. Thánh vịnh này được hát trong dịp lễ Lều trại. Như vậy hình ảnh cởi áo trải đường, chặt lá tươi lót lối đi, tay cầm nhành lá vạn tuế miệng hát vang lời Thánh vịnh “chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” trong dịp lễ Lều trại với cảnh đốt đuốc ban đêm, và đoàn rước múc nước suối Silôê ở chân đồi Sion tiến lên đỉnh đồi và vào đền thờ Giêrusalem. Chúa Giêsu được chúc tụng trong dịp này,Ngài là Chủ của nghi lễ,Ngài là ánh sáng dẫn lối đoàn rước tiến vào Giêrusalem.

            Vậy Chúa Giêsu muốn mọi dân tộc cùng cộng tác với Ngài, như Ngài đã bảo hai môn đệ : “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy?", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay." Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. Mấy người đứng đó nói với các ông: "Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy? " Hai ông trả lời như Đức Giêsu đã dặn. Và họ để mặc các ông” (Mc 11,1-6 : Tin Mừng). Ngõ hầu muôn dân tộc cùng với Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem Thiên Quốc, với nội tâm sâu xa nhất của họ là phải được mặc lấy Chúa Kitô (x Gl 3,27), Ngài là chiếc áo cưới mặc cho người Công Giáo là Hiền Thê của Ngài, nhờ tham dự tiệc Thánh Thể, chuẩn bị vào dự tiệc Cưới của Chiên Con trên trời.

            Bởi thế, kẻ nào tung hô Chúa mà không dự tiệc của Chúa Giêsu thiết đãi, thì Ngài không tín nhiệm nó (x Ga 2,24). Thực ra dân chúng tôn vinh Đức Giêsu là vị Vua trong ngày Ngài tiến vào thành Giêrusalem, vì họ hy vọng Ngài sẽ cho họ dư của ăn (x Ga 6,14-15). Kẻ nào tôn vinh Chúa chỉ vì của đời này, hoặc là vì danh vọng trần thế, thì chính những thực tại đó sẽ bịt miệng họ, không thể ca tụng Thiên Chúa. Bởi vì nếu Chúa không đáp ứng khát vọng của họ, họ sẽ chối bỏ không tin Đức Giêsu là Vua, và trở mặt thành những kẻ độc ác! Đúng thế, những kẻ giơ cao vẫy bó “lulab” chen lẫn tiếng tung hô Đức Giêsu, thì chỉ sau đó ít ngày, lại nhìn thấy cảnh trớ trêu diễn ra : chính những kẻ ấy đứng trước tòa án Philatô lại đổi giọng, đổi điệu : từ cử điệu vẫy tay tung hô chuyển sang những cú đấm vào mặt Đức Giêsu ; từ lời ca tụng vang dội biến thành những tiếng la hét quyết liệt : “Đem đi, đem đi, đóng đinh nó vào thập giá!” (x Ga 19).

Quả thật trước mặt ông Philatô, nếu chỉ có một nhóm đầu mục chống đối Đức Giêsu, còn toàn dân vẫn giữ lập trường như trước, thì Ngài đâu có bị giết ! Ngày nay liệu được mấy người thoát khỏi lối sống a dua với quyền bính đang chà đạp chân lý?

Lần kia tên Gian Dối đang đi đường thấy anh Sự Thật ốm tong teo nằm co ro bên vệ đường. Gian Dối hỏi Sự Thật :

-         Sao mày nằm co ro ở đây?

-         Tôi đói quá anh ơi!

-         Hãy đứng dậy theo tao, mày sẽ được  no thỏa.

Sự Thật nghe thế mừng quá đứng lên đi theo Gian Dối, nó dẫn vào một nhà hàng sang trọng, gọi đủ thứ món cao lương mỹ vị, cùng với nhiều loại rượu hảo hạng. Ăn xong, Gian Dối gọi người  hầu bàn lại gạn hỏi :

-         Tiền thối lại của tao đâu, sao lâu vậy?

Chủ quán nghe được vội chạy ra xin lỗi và hỏi Gian Dối đã đưa tiền cho ai, nhưng Gian Dối đáp :

-         Ông hãy đi hỏi những người phục vụ của ông.

Chủ quán vội gọi tất cả các nhân viên lại và hỏi xem ai đã nhận tiền của khách, nhưng tất cả đều ngạc nhiên và lắc đầu. Lúc ấy Gian Dối rút ra một gói tiền lớn và gay gắt nói :

-    Tôi không có giờ để cãi với các người, đây tôi trả tiền lần thứ hai, lo tính và thối lại cho tôi.

Ông chủ mắc cỡ với các thực khách đang ngồi trong nhà hàng, nên xin lỗi Gian Dối và nói hãy bỏ tiền vào túi, để ông điều tra và sẽ phạt sau. Nghe thế các nhân viên đều giơ tay lên trời thề và van lơn :

            -    Ôi sự thật ở đâu? Hãy hiện diện để minh chứng cho chúng tôi.

Anh Sự Thật ngồi ở bàn nói thầm :

-         Đây Sự Thật đây, nhưng tôi đã bị cột lưỡi!

Thế là Gian Dối và Sự Thật ra khỏi quán mà không phải trả đồng nào. Gian Dối nói với Sự Thật :

            -    Anh thấy tôi tài chưa, lúc nào cũng ăn ngon mặc đẹp, và thiên hạ luôn phải kính nể tôi.

            Chúa Giêsu nói với quan Philatô : “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi”, ông Philatô đáp ngay : “Sự thật là cái quái gì?” (Ga 18,37-38).

            Ông Philatô biết rõ Chúa Giêsu vô tội, những kẻ cáo gian Ngài chỉ vì ghen tỵ. Sự thật là thế! Nhưng ông Philatô không can đảm tha bổng cho Chúa Giêsu, vì danh lợi đã cột lưỡi ông! Đúng như ông nói : “Sự thật là cái quái gì ?”

THUỘC LÒNG.

            Thà rằng một người chết cho mọi người được sống, còn hơn là hết mọi người phải chết. (Ga 11,50).

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

 

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: