Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC I: Lv 13,1-2.44-46

            Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron:2 "Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. 44 thì người ấy bị phong hủi: người ấy ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; nó bị vết thương ở đầu.

            45 Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế! "46 Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.

ĐÁP CA : Tv 31

Đ.        7  Chính Chúa là nơi con ẩn náu, khắp bốn bề trổi vang

những khúc ca mừng con được giải thoát.

1 Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. 2 Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.

5 Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: "Nào ta đi thú tội với Chúa,"và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.

11 Hỡi những người công chính, hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng. Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo.

BÀI ĐỌC II : 1Cr 10,31-11,1

            Thưa anh em, 10 31 dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. 32 Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa;33 cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.

            11 1 Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.

BÀI TIN MỪNG

     TUNG HÔ TIN MỪNG : Lc 7,16

            Hall-Hall : Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Hall.

TIN MỪNG : Mc 1,40-45

            Khi ấy 40 có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi! "42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

 

BÀI GIẢNG

HIỆP NHẤT TRONG CHÚA GIÊSU MỚI SỐNG THỰC

            Thánh Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 9 đã khẳng định : “Thiên Chúa không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết.”

            Phụng vụ Chúa nhật 6 Thường niên năm B này hướng dẫn ta sống liên kết theo hai chiều kích :

            - Chiều dọc : Liên kết với Chúa Kitô.

            - Chiều ngang : Liên kết với mọi người, nhất là liên kết với cộng đoàn Phụng Vụ.

 

I. LIÊN KẾT VỚI CHÚA GIÊSU.

            Vì Ngài là Đấng yêu thương và là Đấng toàn năng muốn cứu độ muôn dân. Ngài yêu loài người hơn lòng mơ ước. Thánh Tông Đồ nói : “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ ! Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 2,4-5 ; 3,20). Do đó, ai đến khẩn cầu Ngài thì không được nói “nếu Ngài muốn”, nơi Ngài không có “nếu”, vì Ngài là Đấng “CÓ” (Giavê) ;  cũng không được nói “Ngài có thể”, vì Ngài TOÀN NĂNG. Do đó khi Đức Giêsu nghe lời van xin của anh bị phong hủi : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” đã làm cho Ngài “phẫn nộ” (x Mc 1,40-41a : Tin Mừng). Mà cho dù anh này có làm phật lòng Đức Giêsu thì Ngài cũng vẫn thương cứu chữa, không phải Ngài chỉ “xuất chưởng muốn” mà còn đụng vào người anh. Theo Luật Do Thái, ai đụng vào người cùi là bị dơ từ sáng đến chiều (x Lv 14,46). Vì vậy,người ta phải tránh xa (x Lv 13,45-46 : Bài đọc I), còn Đức Giêsu thì lại cố ý đụng vào anh cùi, bất chấp luật lệ và miệng lưỡi thế gian. Đó chính là dấu phục vụ vì yêu, chấp nhận mất mát, thiệt thòi, và như vậy còn là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo về Đấng Mêsia qua hình ảnh Người Tôi Tớ của Giavê : “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề” (Is 53,4).

            Để qua dấu này, những kẻ chứng kiến phép lạ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Chúa Cha sai đến để cứu những ai tin vào Ngài là Chúa Cứu Độ duy nhất (x Cv 4,12). Vì bệnh tật (tội lỗi) của chúng ta Ngài đã mang lấy cả.

II. LIÊN KẾT VỚI ĐỒNG LOẠI.

            1/ Liên kết với mọi người trong xã hội.

            Thánh Tông Đồ dạy : “Trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.” (1Cr 10,33 : Bài đọc II).

            Như thế, khi ta quên mình, biết đặt quyền lợi của người anh em trên quyền lợi bản thân, thì ta mới tạo nên một cộng đoàn sống hài hòa.

            2/ Hiệp thông với cộng đoàn Phụng Vụ trong Hội Thánh.

            Mục đích Đức Giêu đến trần gian không nhằm chữa bệnh, nhưng để tha tội và liên kết mọi người trong cộng đoàn Phụng Vụ của Hội Thánh. Do đó, sau khi Ngài làm cho anh bị phong cùi được lành mạnh, thì Ngài ra lệnh cho anh phải đến trình diện với các tư tế để anh được xác nhận khỏi bệnh và được trở lại tham dự Phụng Vụ với mọi người nơi Đền Thờ (x Mc 1,44 : Tin Mừng). Vì thế ai được ơn Chúa ban về thể xác vào thời Tân Ước, thì phải siêng năng sốt sắng tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, đó là cách hiệp thông bền vững nhất trong Chúa Giêsu và mọi thành phần trong Hội Thánh. Có thế mới đạt mục đích Chúa ban ơn, vì “chính Chúa là nơi con ẩn náu, khắp bốn bề trổi vang những khúc ca mừng con được giải thoát” (Tv 32/31,7 : Đáp ca).

III. NGUYÊN LÝ CỦA SỰ HIỆP NHẤT.

            Ai nhiệt tình loan báo Lời Chúa để sinh ơn cứu độ cho người có tâm khao khát chân lý, thì cả đến Đức Giêsu cũng không “cấm” nổi.

            Trong Tin Mừng Marcô ghi lại bốn lần Đức Giêsu cấm người đã thụ ơn Ngài không được nói cho ai biết về Ngài, nhưng hai lần (lần 1và 3) lệnh cấm không được tôn trọng :

1-     Chữa lành anh bị phong cùi.  (x Mc 1,40t)

2-     Phục sinh con gái ông Giairô. (x Mc 5,3t)

3-     Chữa lành anh điếc và ngọng. (x Mc 7,36)

4-     Cho anh mù được sáng mắt. (x Mc 8,26)

            Sự nghịch lý này có ý nhấn mạnh : Trong mọi trường hợp ai làm trái lệnh Chúa đều có tội. Nhưng chỉ duy lệnh cấm nói về Chúa mà không tuân theo, lại có phúc lớn! Vì việc loan báo Tin Mừng không phải do Luật buộc mà bởi tình yêu Đức Kitô thúc bách (x 2Cr 5,14). Bởi đó thánh Tông Đồ nói : “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng, tự ý làm việc đó thì tôi có công, còn nếu ngoài ý tôi, thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi” (1Cr 9,16-17). Cho nên : “Tôi có sự thật về Đức Kitô, thì không ai bịt miệng tôi được!” (2Cr 11,10).Mà việc rao giảng Tin Mừng không nhất thiết là phải giống như tông đồ Phaolô, miễn là làm bất cứ việc gì đều có ý hướng làm vinh danh Chúa, vì thế thánh Phaolô khuyên dạy : “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do Thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.”  (1Cr 10,31-11,1 : Bài đọc II). Như thế cũng đã là bắt chước đời sống của thánh Phaolô nối dài và mở rộng sứ mệnh Vị Ngôn Sứ vĩ đại là Chúa Giêsu, vì “Vị Ngôn Sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16 : Tung Hô Tin Mừng).

            Luật chơi dế, dế phải gáy, phải đá, con nào không gáy, không đá, thì lấy sợi tóc cột vào đầu nó rồi quay tít, để khi nó gặp đối thủ, nó phải gáy, phải đá. Làm thế, mà dế không gáy, không đá, thì nó bị ngắt đầu lấy tăm ghim đầu nó, kích cho con khác gáy, đá ! Thế thì kẻ không biết nói về Chúa Kitô, có nên xử nó để kích người khác rao truyền về Chúa Kitô hay không ?

Năm 1974, ông Jacques Lebreton 78 tuổi, được Đức Giám mục địa phận Beauvais nước Pháp truyền chức Phó tế cho.

Người ta thắc mắc   :

-     Trước đây ông là một đảng viên Cộng sản vô thần, vì một tai nạn xe hơi, ông đã bị cụt hai tay, và mù cả hai mắt ! Chức Phó tế cần phải đọc sách mới có khả năng giảng. Mắt đâu? Cần cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho người ta. Tay đâu? Thế thì truyền chức Phó tế cho ông để làm gì ?!

            Đức Giám mục trả lời :

-   Jacques Lebreton còn trái tim.

            Quả thực, sau khi lãnh chức Phó tế, thầy Jacques Lebreton đã giảng mỗi năm khoảng 200 bài Thánh Kinh trong các trường Đại học, được rất nhiều sinh viên ca tụng.

            Tâm tình của thầy Jacques Lebreton rất giống tâm tình của thánh Phaolô : “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, tự ý làm việc ấy thì tôi có công, còn nếu ngoài ý tôi, thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi !” (1 Cr 9,16-17).

THUỘC LÒNG

            Tôi có sự thật về Đức Kitô, thì không ai bịt miệng tôi được! (2Cr 11,10)

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

           


 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: