BÀI GIẢNG
CẦU NGUYỆN, BẬT MẦM SỐNG!
Qua các Bài đọc trong Thánh Lễ ngày 19 tháng 12, chúng ta xác tín như sau:
- Cầu nguyện, bật lên mầm sống.
- Chỉ cầu nguyện nhờ, với, trong Chúa Giêsu,
mới được phúc lành của Thiên Chúa.
- Kẻ nào không tin Chúa là kẻ câm.
- Phải say sưa Lời Chúa, chứ đừng say
rượu, mới trở nên chứng nhân của Chúa.
1/ CẦU NGUYỆN, BẬT LÊN MẦM SỐNG.
Chúng ta biết, tác giả Luca viết Tin Mừng trong bối cảnh cầu nguyện,nói
cách khác, ơn cứu độ Thiên Chúa thực hiện trong Phụng Vụ Chúa Giêsu thiết lập.
Bởi thế mở đầu và kết thúc Tin Mừng của Luca, ông cho chúng ta thấy bóng dáng
cầu nguyện của tư tế Cựu Ước và tư tế Tân Ước:
- Mở đầu Tin Mừng,vị tư tế
thời Cựu Ước, ông Dacarya vào Đền Thờ cầu nguyện, vợ chồng Dacarya đã cao niên mà
chưa có con, sau buổi cầu nguyện đó ông trở về, thì ông bà có con: mầm sống cứu
độ bật lên (x Lc 1,5t).
- Kết thúc Tin Mừng, các tư
tế thời Tân Ước là các Tông Đồ, sau khi tiễn Thầy Giêsu về Trời, các ông không
đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng như ông Mátthêu viết (28,19-20), nhưng hằng
ngày ở trong Đền Thờ chúc tụng Thiên Chúa: Ơn cứu độ được bung ra cho muôn dân
(x Lc 24,52-53).
Vì việc cầu nguyện cần thiết và đem lại hiệu quả hơn lòng mọi người mong
ước, nên Đức Giêsu dạy chúng ta phải kiên tâm luôn luôn cầu nguyện (x Lc 18,1),
đừng thua kém bà góa đã kiên nhẫn cầu xin với vị thẩm phán bất lương bênh vực
bà, vì ông thẩm phán này thua xa Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót (x Ep
2,4-5), Người mau kíp ban ơn cho ta (x Lc 18,1-8 ; Ep 3,20).
Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn năng mà Ngài còn đặt việc cầu nguyện đứng
hàng đầu mọi sinh hoạt. Phúc Âm Lc 4,31-44 ghi lại thời khóa biểu sinh hoạt mỗi
ngày của Đức Giêsu :
Ngài dứt giảng Lời ở hội đường vào khoảng 9 giờ sáng (theo Luật Do Thái
giáo). Sau đó Ngài về nhà mẹ vợ của ông Phêrô, rất nhiều người mắc đủ mọi chứng
bệnh, dù bị quỷ ám, đều được Ngài chữa lành, mãi đến chiều tà vẫn còn nhiều bệnh
nhân được đưa đến cho Đức Giêsu xin Ngài cứu giúp! Đức Giêsu rất cần thiết cho
mọi nhu cầu của người ta đến thế, vậy mà Ngài lại bỏ họ trốn mất ! Ông Phêrô cùng
các bạn đi lùng kiếm Đức Giêsu. Mãi đến sáng, họ gặp thấy Ngài đang cầu nguyện
ở nơi vắng vẻ. Ông Phêrô nói: “Mọi người
đi tìm Thầy !” Nói thế, ông hàm ý trách khéo: Thầy tài năng như vậy, tại
sao Thầy không ở lại cứu giúp người ta cho bớt khổ ?! Thế mà Đức Giêsu lại
không bảo: Ai cần tôi điều chi, cứ lại đây, tôi giúp hết…! Mà Ngài lại giục ông
Phêrô: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các
làng xã lân cận để Ta rao giảng ở đó nữa. Bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi
!” Như vậy, ngày làm việc của Đức Giêsu
ưu tiên theo thứ tự:
CẦU NGUYỆN – GIẢNG LỜI – ĐI PHỤC VỤ NHU CẦU THÂN XÁC MỌI
NGƯỜI.
Còn người đời, kể cả các Kitô hữu chỉ lo tìm “tiền - nhà – cơm – áo - thuốc
men”, chẳng quan tâm đến việc cầu nguyện, chẳng đặt đứng hàng đầu hay quan
trọng nhất, và chẳng khi nào lo việc loan báo Lời Chúa ngay cho những người
sống bên cạnh ! “Cùng đích của họ là diệt
vong, họ lấy cái bụng là Chúa, vinh quang đặt nơi điều đáng xấu hổ, họ chỉ nghĩ
đến những điều ở dưới đất!” (Pl 3,19). Sống như thế làm sao họ muốn đến
cùng Đức Giêsu để “Ngài nâng đỡ bổ sức
cho” (x Mt 11,28). Bởi đó, Đức Giêsu trách: “Ta biết các ngươi: Lòng mến Thiên Chúa các ngươi không có nơi mình các
ngươi. Ta đã đến nhân danh Cha Ta, nhưng các ngươi không chịu lấy Ta, thảng
hoặc có ai khác lấy danh mình mà đến, thì các ngươi chịu lấy nó. Mà làm sao các
ngươi có thể tin được, khi các ngươi cầu vinh với nhau, còn vinh quang Thiên
Chúa, là Thiên Chúa duy nhất, các ngươi
lại không màng” (Ga 5,42-44).
Đức Giêsu phản đối những người nói: Tôi không có đủ giờ cầu nguyện. Ngài
kể dụ ngôn:
Người kia làm tiệc lớn đãi khách, khi tiệc đã dọn xong, ông sai đầy tớ
đi mời thực khách đã được mời trước đến dự tiệc. Nhưng người thứ nhất quyết
liệt chối từ:
- “Tôi mới mua một thửa đất, tôi phải đi xem đất, không có giờ đi dự
tiệc.Người đầy tớ lại đi mời người thứ hai, người này cũng chối:
- “Tôi mới mua được 5 cặp bò, tôi phải đi thử xem nó có khỏe không,
không có giờ đi dự tiệc nào hết !”
Người đầy tớ lại đi mời người thứ ba. Nhưng người này cũng tìm cách
khước từ:
-
“Tôi mới cưới vợ, không có thì giờ đi đâu cả !”
(x Lc
14,15-20)
Thật là vô lý, có ai mua đất mà lại không xem đất trước khi bỏ tiền mua?
Có ai mua bò rồi mới đi thử xem nó khỏe hay yếu ? Còn ai đã lấy vợ, đã ổn định
việc hỏi cưới, sao không đưa vợ đi dự tiệc chung, vì tiệc lúc nào cũng còn
trống chỗ, đến nỗi chủ tiệc sai đầy tớ ra đường nài ép bất luận ai vào dự tiệc!
Vậy:
“Tôi bảo không có giờ làm việc này, chỉ có nghĩa là giờ tôi dành cho
việc mà tôi tự cho là quan trọng. Quan trọng việc gì, thì có giờ cho việc đó
!”
2/ CHỈ
CẦU NGUYỆN NHỜ, VỚI, TRONG CHÚA GIÊSU, MỚI ĐƯỢC PHÚC LÀNH CỦA THIÊN
CHÚA.
Việc cầu nguyện đạt đỉnh cao nơi Phụng Vụ Chúa Giêsu thiết lập, đặc biệt
là Thánh Lễ, vì Đức Giêsu đã nói: “Chúa
Cha chỉ muốn gặp những người thờ phượng Ngài trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga
4,23-24).
- Thần Khí là Lời Chúa (x Ga 6,63).
- Sự Thật là Chúa Giêsu (x Ga 14,6).
Vậy thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, chính là thờ phượng
Người nhờ Hy Tế của Chúa Giêsu. Vì Thần Khí (Lời Chúa) và Sự Thật (Chúa Giêsu)
là hai phần chính của Thánh Lễ.
Thực vậy, mở đầu Tin Mừng của Luca, vị tư tế thời Cựu Ước là ông
Dacarya, sau buổi cầu nguyện, ông trở ra với dân thì ông đã bị câm, ông không
nói được gì với ai, ông chỉ giơ tay quơ quơ làm hiệu, và mọi người hiểu rằng
ông đã gặp sự lạ (x Lc 1,22).
Kết thúc Tin Mừng, Vị Thượng Tế Tối Cao thời Tân Ước chính là Chúa Giêsu,
sau cuộc đời phục vụ đến mất mạng, và Ngài đã từ cõi chết sống lại, trước khi
lìa biệt các môn đệ lên trời, Ngài giơ tay chúc lành cho họ (x Lc 24,50).
Hai sự kiện đối lập trên, thánh sử Luca muốn xác quyết cho chúng ta rằng:
@ Ông Dacarya
là tư tế cuối cùng của Cựu Ước, dù việc ông trúng thăm vào dâng hương trong
cung thánh để cầu nguyện là được Chúa chọn, nên Chúa đã hứa cho ông sinh con
trong tuổi già. Nhưng việc cử hành Phụng Vụ của ông Dacarya theo thể thức ông
Môsê thiết lập từ nay phải cáo chung: Phụng Vụ này không còn nói gì được cho
dân nữa: Ông Dacarya bị câm! Là dấu chỉ Phụng Vụ Do Thái không thể nói với ai
được điều gì có giá trị, vị tư tế có giơ tay lên cũng chỉ quơ quơ vô ích.
@ Khi
Phụng Vụ Cựu Ước đến ngày cáo chung, thì Chúa Giêsu là Vị Thượng Tế của thời
Tân Ước bắt đầu xuất hiện để thi hành ý Cha trên trời, hơn tư tế Dacarya chỉ
làm những động tác theo nghi thức Phụng Vụ của loài người thiết lập, nên thua
xa Chúa Giêsu, Ngài thiết lập Phụng Vụ mới thay thế Phụng Vụ Do Thái bằng cả
một cuộc đời phục vụ theo ý Cha cho đến chết trên thập giá. Rồi Ngài truyền cho
Hội Thánh phải làm hiện tại hóa Hy Lễ đó. Nói như kiểu thánh Gioan: “Ai nói mình ở trong Chúa Giêsu, thì Người đi
đứng thế nào, kẻ ấy cũng phải như thế”
(1Ga 2,6). Chỉ khi nào vị Tư Tế thời Tân Ước sống như Chúa Giêsu đã sống, khi
họ dâng Lễ mới có thể giơ tay ban phúc lành cho dân, nối dài phúc lành từ bàn
tay Chúa Giêsu Phục Sinh trên các thánh Tông Đồ.
3/ KẺ NÀO KHÔNG TIN CHÚA LÀ KẺ CÂM, ngược lại kẻ
không nói về Thiên Chúa thì thua ma quỷ. Vì “trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng:
“Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can
gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng
Thánh của Thiên Chúa !” (Mc 1,23-24).
Trong hai cuộc Truyền Tin cho ông Dacarya và cho Đức Maria, chúng ta
thấy hai câu hỏi của ông Dacarya và của Đức Maria nội dung tương tự giống nhau:
+ Ông Dacarya khi được Thiên thần báo cho biết sẽ sinh con, ông thắc mắc
thưa lại: “Làm sao tôi biết được, vì tôi
đã già và vợ tôi đã cao niên ?” (Lc 1,18).
@ Khi Thiên thần báo tin cho Mẹ Maria: “Bà sẽ sinh Con Đấng Tối Cao”, Mẹ cũng thắc mắc: “Điều ấy sẽ làm sao, vì việc vợ chồng tôi
không nghĩ tới” (Lc 1,34).
+ Tại sao sau câu hỏi của ông Dacarya, Thiên thần liền kết án: “Vì ông không tin nên Chúa cho ông một dấu:
bị câm !” (x Lc 1,19-20)
@ Trong khi đó, bà Elysabeth ca tụng Đức Maria: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người sẽ nói
với em” (Lc 1,45).
Sở dĩ ông Dacarya bị câm vì “sứ
thần đã nói: "Tôi là Gabiel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được
sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm,
không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời
tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” (Lc 1,19-20: Tin
Mừng).
Ông Dacarya là tư tế, ông am hiểu Kinh Thánh,Thiên Chúa là Đấng toàn
năng và yêu thương, Ngài đã từng làm cho nhiều đôi vợ chồng già sinh con, cụ
thể: vợ chồng Abraham và Sara đã được Chúa cho sinh Isaac (x St 18,11) ; vợ
chồng Giacob và Rakel, Chúa cho sinh Giuse và Benyamin (x St 30,22-24 ; 35, 16-19)
; vợ chồng Manoah, Chúa cho sinh Samson (x Tl/Qa 13,2) ; vợ chồng Elqanah và
Anna, Chúa cho sinh Samuel (x 1Sm 1,9t) v.v…
Những đôi vợ chồng cao niên trên đây Chúa đã cho sinh con, không đủ bằng
chứng cho ông Dacarya tin vào quyền năng và tình thương của Chúa hay sao? Mà
ông còn thắc mắc: Già rồi, sao có thể sinh ?
Khác hẳn Đức Maria, Mẹ thắc mắc vì không ăn ở với người nam làm sao lại
có thai? Quả thật trong lịch sử loài người, chưa hề xảy ra một trường hợp nào như
thế, do đó Đức Maria có quyền xin lời giải thích, và khi Thiên thần đã giải
thích cho Đức Maria là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, thì Mẹ mau mắn nói
tiếng Xin Vâng ngay.
Bởi thế, lời Kinh Thánh nói: “Kẻ
nào không tin Thiên Chúa thì vô phương đẹp lòng Chúa” (Dt 11,6).
4/ PHẢI SAY SƯA LỜI CHÚA,
CHỨ ĐỪNG SAY RƯỢU, MỚI TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA.
- Khi vợ ông Manoah được Chúa cho biết sẽ sinh một con trai đặt tên là
Samson, thì Chúa cấm bà không được động đến chất có men (x Tl/Qa 13,4.7: Bài đọc).
- Khi ông Gioan được chào đời, ông Dacarya cũng nói về con của ông: Không
đụng đến chất có men (x Lc 1,15).
Bởi vì rượu như con dao hai lưỡi: Trong sinh hoạt ăn uống hằng ngày,
nhất là tiệc tùng, không có rượu thì không phải là tiệc. Chính Đức Maria khi dự
tiệc cưới Cana, người ta thiếu rượu, Mẹ đã can thiệp lên tiếng nói với Đức Giêsu
ban cho họ rượu mới ngon hơn rượu cũ (x Ga 2,3t) ; Đức Giêsu cũng dùng rượu để
lập Bí tích Thánh Thể (x Lc 22,17) ; thánh Phaolô cũng khuyên đồ đệ Timôthêu
nên uống chút rượu cần cho sức khỏe (x 1Tm 5,23).
Nhưng lạm dụng rượu đến say xỉn thì vô cùng độc ác, con người mất hết
danh dự, mất uy tín. Chính vì vậy mà Thánh Kinh đã không tiếc lời nguyền rủa
những kẻ mê rượu: “Dành cho ai những
“thôi rồi”? Dành cho những “hỡi ôi”? Dành cho ai những gây gổ? Dành cho ai
những lời than vãn? Dành cho ai những vết thương chẳng lý do? Dành cho ai những
con mắt đỏ ngầu? Đó là những kẻ nán lại bên bầu rượu, những kẻ đã nếm đủ thứ
rượu ngon! Đừng để mắt ngó rượu, nó đỏ làm sao, nó óng ánh thế nào trong chén,
rồi nó ực xuống cổ! Nhưng cuối cùng nó cắn như rắn lục, nọc độc hổ mang! Mắt
con sẽ thấy những điều lạ lùng, và miệng con sẽ nói ba hoa bậy bạ” (Cn
23,29-33- Bản dịch NTT).
Ngôn sứ Habacuc cũng lên án: “Khốn
thay kẻ chuốc rượu cho anh em mình,kẻ pha chất độc làm cho nó say sưa, để thấy
nó trần truồng.Ngươi đã thấm nhục nhã, chứ không phải vinh quang. Đến lượt
ngươi, ngươi phải uống và để lộ của quý ra.” (Habacuc 2,15-16a).
Vì những kẻ mê rượu để hưởng thụ sự ngây ngất làm mất uy tín của mình,
nên dù nó có nói phải, người ta cũng kết án là rượu nói, chẳng ai muốn nghe.
Thánh Phêrô trong lúc say sưa giảng Lời cho một tập thể từ khắp tứ phương kéo
đến, ít nhất có 3.000 người nghe ông Phêrô giảng đã xin chịu Thánh Tẩy. Những
người khác chống đối sự kiện ấy, thì họ lếu láo kết án ông: “Lão
bứ rượu rồi !” Ông Phêrô phải lên tiếng giải thích: “Bây giờ mới là giờ thứ ba (9 giờ sáng), chưa
đến giờ ăn uống, làm sao nói tôi say”, nhưng họ vẫn không tin ông ! (x Cv
2,13.15)
Vì vậy thánh Phaolô khuyên: “Đừng say sưa rượu chè chỉ tổ hư thân, nhưng
hãy làm sao cho được no đầy Thần Khí.” (Ep 5,18).
Vậy chỉ những ai say sưa Lời Chúa mới xứng đáng được Lời Kinh Thánh xác
nhận: “Miệng chứa chan lời tán tụng Chúa,
suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh Ngài” (Tv 71/70,8: Đáp ca).
“Lạy Đức Kitô là mầm non từ gốc tổ
Giesê, Ngài chiêu tập muôn dân dưới hiệu kỳ. Xin đến mà giải thoát, đừng trì
hoãn làm chi” (Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
- Đừng say sưa rượu chè chỉ tổ hư
thân, nhưng hãy làm sao cho được no đầy Thần Khí. (Ep 5,18).
- Kẻ nào không tin Thiên Chúa thì
vô phương đẹp lòng Chúa (Dt 11,6).
http://phaolomoi.net
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH