BÀI GIẢNG
CHÚA LÀM NGƯỜI CHO CON NGƯỜI LÀM CHÚA
(thánh Gioan Kim Khẩu)
Ta biết cao điểm của Mùa Vọng là tuần chín ngày trước lễ Giáng Sinh, tức
là từ ngày 17 tháng 12. Hội Thánh ru ta vào niềm hy vọng: Chúng ta sẽ được thừa
hưởng lời chúc phúc của Thiên Chúa, khởi đi từ Đức Tin của ông Abraham. Ông là
cha của những người có lòng tin vào Thiên Chúa: “Nhờ Đức Tin của ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến
một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết
mình đi đâu. Vì ông trông đợi một thành trì có nền móng do Thiên Chúa vẽ mẫu và
xây dựng” (Dt 11, 8.10).
Thành trì ông Abraham ngóng đợi đó chính là Hội Thánh Chúa Kitô. Thực
vậy, chính Hội Thánh được thừa hưởng lời chúc phúc của Thiên Chúa khởi đi từ Đức
Tin và lòng Mến của ông Abraham luôn luôn nhạy bén thực hành tiếng Chúa gọi:
Ông sẵn sàng từ bỏ quê hương ra đi đến miền đất mới mà không biết mình đi đâu…
Một ngày kia vợ chồng Abraham và Sara trong tuổi già cảm thấy gần đất xa trời, Chúa
đã hứa cho họ sinh một con trai tên là Isaac. Cậu bé là cái gậy của vợ chồng
già bám vào để bước đi trong niềm hân hoan vui sướng, thế mà như tiếng sét đánh
vào tai ông Abraham: “Chúa ra lệnh cho
ông đưa con sát tế dâng cho Ngài, dù ai cũng biết lệnh độc ác trái lương tri !
Nhưng ông Abraham không do dự, một mau mắn làm theo lệnh Chúa đã truyền. Cuối
cùng Chúa chỉ nhận Đức Tin và lòng yêu mến của ông, và bảo ông bắt con chiên
sát tế thay cho con ông, từ đó Chúa hứa cho dòng giống ông được đông như sao
trời như cát biển, dòng giống ông sẽ chiếm đoạt cửa thành quân địch, mọi dân
thiên hạ sẽ lấy dòng giống ông mà cầu phúc cho nhau, vì ông đã vâng nghe Lời
Thiên Chúa” (x St 22, 1-19).
Lời chúc phúc của Chúa cho dòng tộc Abraham để xây cho ông một thành trì
vững chắc, thắng mọi thù địch, khởi đi từ lời chúc phúc của ông Giacob là cháu
đích tôn của ông Abraham cho ông Giuđa để được thừa kế gia tài tinh thần và vật
chất của ông nội Abraham (x St 25, 19t ; 49, 8-10: Bài đọc).
Chúng ta tìm hiểu phúc lành Chúa hứa cho dòng tộc Abraham qua lời chúc
phúc của ông Giacob cho các con ông, và lời chúc phúc được thực hiện vào ngày
Thiên Chúa viếng thăm loài người.
I. TẠI SAO ÔNG GIACOB LẠI CHÚC LÀNH CHO GIUĐA HƠN 11
NGƯỜI CON KIA ?
Ta biết ông Giacob muốn cưới nàng Rakel, con gái thứ của cậu Laban, nhưng
cậu bắt cháu chăn chiên 7 năm, mới gả Rakel cho. Nhưng ông Giacob bị cậu gạt
gẫm, trong ngày cưới thay vì cô em thì lại là cô chị tên là Lêa ! Giacob cứ đòi
cậu phải gả cô em, cậu lại bắt cháu tiếp tục chăn chiên thêm 7 năm nữa, tức là
sau 14 năm làm tôi nhà cậu mới lấy được cô Rakel làm vợ, và như vậy Giacob miễn
cưỡng có hai vợ (x St 29).
Cô chị Lêa ăn ở với ông Giacob sinh được 4 người con, Giuđa là người con thứ tư. Bà Rakel vẫn
chưa có con bị người chị khinh dể, nên Rakel đưa nữ tỳ của mình cho ông Giacob ăn
ở sinh được 2 người con ; bà Lêa cũng không vừa, bà cũng đưa nữ tỳ sống với ông
Giacob và sinh được 2 con, rồi bà Lêa lại sinh thêm 2 người con nữa. Sau đó
Chúa mới cho bà Rakel sinh 2 người con: con cả là Giuse, con thứ là Bengiamin.
Như thế ông Giacob có 12 người con: 6 con do Lêa, người vợ không chính thức, 4
người con do hai nữ tỳ, và 2 con do bà Rakel người vợ chính thức (x St 28.30.35,
16-19).
12 người con này làm nên dòng giống Israel được Chúa chúc phúc, đây là
tiền trưng cho 12 môn đệ của Đức Giêsu làm nên Hội Thánh của Ngài là Israel
mới. Từ dòng giống này mới thực sự được hưởng trọn vẹn Lời Chúa chúc phúc cho
giống nòi ông Abraham khởi đi từ lời chúc phúc của ông Giacob cho Giuđa: “Con
sẽ được các anh em con ca tụng, tay con đặt trên ót các địch thù, anh em con
cùng cha với con sẽ sụp lạy con” (St 49, 8: Bài đọc). Lời chúc phúc của
ông Giacob làm chúng ta ngạc nhiên, vì đúng ra theo pháp luật của Do Thái, thì
ông Giacob phải chúc phúc cho Giuse là con trai trưởng của ông do bà vợ chính
thức, thế mà ta lại thấy ông Giacob chúc phúc cho chi họ Giuđa, dù Giuđa là con
thứ 4 của bà Lêa, vợ không chính thức.
Sở dĩ ông Giacob chúc lành cho
chi họ Giuđa vì ông này có công bảo vệ Giuse:
Ông đã ngăn cản anh em của ông không được giết Giuse, ông bày mưu để bán Giuse cho
người Ai Cập, hy vọng Giuse thoát chết. Bởi vì các anh em của ông quyết định
giết Giuse (x St 37, 26-27). Sau này ông Giuse đã trở nên vị cứu tinh, làm cho
cả thế giới khỏi chết đói vì 7 năm mất mùa, đặc biệt là cứu sống anh em ông, những
kẻ có dã tâm muốn giết ông (x St 40t).
Vậy ai
ra tay cứu người của Thiên Chúa, người ấy đáng được thừa hưởng phúc lành của
Chúa, như Đức Giêsu đã chúc phúc:
-
Phúc cho người hiền lành, họ được đất làm cơ
nghiệp.
-
Phúc cho người đói khát sự công chính, vì họ được
no thỏa.
-
Phúc cho người biết thương xót, vì họ sẽ được Chúa
xót thương.
-
Phúc cho ai tác tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là
con Thiên Chúa. (x Mt 5, 4.6.7.9).
II. CHÚA GIÊSU CHÍNH LÀ ĐẤNG THỰC HIỆN LỜI CHÚA ĐÃ
CHÚC PHÚC CHO DÒNG TỘC
ABRAHAM XUỐNG TỚI DÒNG TỘC ÔNG GIUĐA.
1/ Đức Giêsu
thuộc dòng dõi vua David, chi họ Giuđa. Ngài thực hiện phúc lành Thiên Chúa
đã hứa cứu độ loài người.
Chúa đã dùng miệng các ngôn sứ hứa cho nhà Israel một vị Vua – Đấng
Mêsia – là hiện thân của vua David. Đó là vị vua tài đức nhất trong các vua của
Israel (x 2Sm 7, 12 ; Ed 37, 24-35 ; Is 44, 28).
Để minh chứng Đức Giêsu thuộc dòng vua David đến thực hiện lời hứa cứu
độ, ông Matthêu mở đầu Tin Mừng viết về gia phả của Đức Giêsu: Ngài là Con vua David
(x Mt 1, 1: Tin Mừng), và kết thúc gia phả, ông khéo léo nhấn mạnh vai trò quan
trọng của vua David mới là Đức Giêsu: Ba lần ông nhắc đến tên David bằng cách
chơi chữ 14 đời: “Từ tổ phụ Abraham đến
vua David là 14 đời ; từ vua David đến thời lưu đày Babylon là 14 đời ; và từ
thời lưu đày Babylon đến Đức Kitô cũng là 14 đời”. 14 đời là tổng số 3 phụ âm của
tên David: DaWiD (D = 4 ; W = 6), như thế tên của David viết bằng số là: 4a6i4
= 14 (x Mt 1, 17: Tin Mừng).
Vậy những gì Chúa đã hứa cho chúng ta, không bao giờ Ngài quên thực hiện,
như lời Ngài đã nói: “Trời đất qua đi, nhưng
Lời tôi nói không bao giờ qua” (Mt 24, 35).
2/ Đức Giêsu
xóa bỏ giai cấp trong nhân loại.
Người Do Thái khinh dể phụ nữ, đến nỗi họ nghĩ phụ nữ là loài không có
linh hồn, cho nên truyền thống của Do Thái khi viết gia phả của ai, không bao
giờ người ta đưa tên phụ nữ vào danh sách đó. Thế mà ông Matthêu một người Do Thái,
viết Tin Mừng cho người Do Thái, khi ông đề cập đến gia phả của Đức Giêsu, thì
ông đã xé truyền thống Do Thái: tự đưa vào gia phả Đức Giêsu có tên 5 người phụ
nữ: Bà Thamar, bà Rahab, bà Rut, bà Bat Shêba (vợ Uria), và bà Maria, Mẹ Đức
Giêsu (x Mt 1, 3.5.6.16). Năm bà có ý chỉ năm Châu, mang ý nghĩa ơn cứu độ
không dừng lại cho dân tộc Do Thái.
Vậy sống tâm tình con cái Thiên Chúa, không ai được khinh dể người khác,
thánh Phaolô nói: “Trong Chúa không nam
thì cũng chẳng có nữ, không nữ thì cũng chẳng có nam” (1Cr 11, 11). Vì “kẻ
bé nhỏ”là những người không được xã hội quan tâm, nhất là những cô nhi quả phụ,
nhưng Đức Giêsu dùng những người này đóng góp vào chương trình cứu độ loài
người: Trẻ con là mẫu cho người ta vào Thiên Đàng (x Mt 18, 1-3) ; bà Maria
Madalena bị bảy quỷ ám đã được Đức Giêsu trừ cho, và bà đã trở thành người đầu
tiên đem Tin Mừng Phục Sinh cho loài người (x Ga 20, 18) ; đặc biệt nhất là bà
Maria đã sinh Con Thiên Chúa để đem ơn cứu độ cho loài người (x Lc 1).
3/ Đức Giêsu
đến cứu muôn dân, cả những kẻ tội lỗi.
Người Do Thái tự tôn và tự hào: Chúa chỉ cứu dân Do Thái, chính vì vậy
mà ông Giona không tuân lệnh Chúa đi giảng Lời cảnh cáo dân ngoại Ninivê, vì
ông nghĩ như những người Do Thái khác: Chúa không cứu dân ngoại, nên có đến
giảng cho chúng cũng là vô ích (x sách Giona). Thế mà trong gia phả của Đức
Giêsu, tác giả Matthêu lại đưa vào bốn người phụ nữ ngoại giáo: bà Thamar, bà
Rahab, bà Rut, bà Bat Shêba. Bốn bà chỉ dân khắp bốn phương trời.
Thực vậy, trong gia phả của Đức Giêsu, thánh sử Matthêu làm nổi bật bốn
người phụ nữ ngoại giáo tầm thường, nhưng họ có lòng kính sợ Thiên Chúa:
-
Bà Thamar, chỉ muốn ông Giuđa là bố
chồng phải giữ Luật Do Thái, tức là người con cả của ông Giuđa lấy bà Thamar đã
chết, thì ông Giuđa phải bắt cậu em lấy người chị dâu. Nhưng ông Giuđa dối gạt
bà Thamar bày mưu tính kế cho Thamar về quê ngoại, biết âm mưu đó, bà đã giả vờ
làm cô gái điếm ăn ở với ông Giuđa để sinh con nối dòng cho ông, và như vậy bà
cũng được thuộc về dân của Chúa (x St 38).
-
Bà Rahab, là cô gái điếm, nhưng đã có
công bảo vệ người của Thiên Chúa, khi ba thám tử của Thiên Chúa đến dò thám
thành Giêricô, bà đã che mắt bọn lính thành để cho các thám tử thoát mạng, vì
bà tin rằng dân của Chúa sẽ chiến thắng thành Giêricô và bà xin các thám tử cứu
bà (x Gs 2.3.6).
-
Bà Rut, dù là người ngoại giáo, chồng
bà là người Do Thái đã chết, mẹ chồng không còn người con trai nào để chắp nối
với bà theo Luật. Trong lúc còn tuổi xuân, bà không về quê ngoại để tái giá
theo đề nghị của mẹ chồng, nhưng quyết ở lại đi mót lúa nuôi mẹ chồng, vì bà
chỉ ước ao được mẹ chồng coi là dân của mẹ (x sách Rut).
-
Bà Bat Shêba, vợ của Uria, đã ăn ở
bất chính với vua David, cũng chỉ vì áp lực của vua David mà bà phải chiều theo
(x 2Sm 11).
-
Đặc biệt nhất là các vua trong gia
phả của Đức Giêsu mà tác giả Matthêu ghi, đều có đời sống tồi tệ về Đức Tin và
luân lý: Họ đã thờ ngẫu tượng và sống gian ác với nhiều người, trừ có hai ông:
Salathiel và Zorobabel, là hai vua sau thời lưu đày có đời sống gương mẫu mà
thôi (x Mt 1, 12-13: Tin Mừng).
Vậy ơn cứu độ Chúa ban là ơn phổ quát dành cho hết mọi loại người, vì
chủ đích Đức Giêsu đến cứu kẻ có tội, như Ngài nói: “Tôi không đến để kêu gọi những người công chính, mà là những kẻ tội lỗi”
(Mt 9, 13).
4/ Đức Giêsu đặc biệt cứu độ người có tấm
lòng tuyệt đối tùng phục Lời Chúa như Mẹ Maria (x Mt 1, 16: Tin Mừng).
Ta biết, Đức Mẹ được truyền tin sinh Con Thiên Chúa trong một hoàn cảnh
éo le, vì lúc ấy Mẹ đã đính hôn với ông Giuse, tuy chưa về sống chung một nhà, nhưng
đã là vợ chồng chính thức trước pháp luật. Theo sách Ngụy kinh còn kể lại cho
chúng ta: Cô Maria rất xinh đẹp và đầy nhân đức, cho nên chàng trai nào cũng
muốn lấy làm vợ, vì quá đông các chàng theo đuổi, nên họ xin với vị thượng tế
cầu nguyện cho họ, và chàng nào cũng mong mình trúng số lấy được cô Maria. Vị
thượng tế có sáng kiến, bảo các chàng trai mỗi người cầm cây gậy và cùng đến cầu
nguyện, gậy cậu nào nở bông, cậu ấy được lấy cô Maria. Thật là may mắn cho
Giuse, gậy của ông đã nở hoa huệ. Cũng vì lý do đó mà hôm nay các tượng thánh
Giuse, người ta thấy ngài cầm bông huệ, điều ấy xác nhận ngài là chồng của Đức
Maria đã được Thiên Chúa se định. Thế mà khi Thiên thần báo tin cho Đức Maria thụ
thai, thì Thiên thần lại nói Mẹ Maria là một Trinh Nữ, có nghĩa là Maria không
trở thành vợ của ông Giuse như những người phụ nữ khác có đời sống lứa đôi!
Điều ấy có trái với định mệnh của ông Giuse và Maria lấy nhau hay không? Vì gậy
của ông đã được Chúa cho nở bông? Và như vậy Mẹ cũng đã xác định rằng: mình là
vợ chính thức của Giuse, vì đã được tiền định, bây giờ không ăn ở với ông Giuse
mà lại mang bầu, thì biết ăn nói thế nào với xã hội, và liệu có tâm sự với
Giuse, thì ông có tin hay không? Chính ông Giuse khi biết Maria có thai, ông “đã định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (x Mt 1, 18t).
Mẹ Maria vâng nghe Lời Chúa để sinh Con Đấng Tối Cao vào đời, đối với Mẹ
là một đau khổ hơn là vinh dự, bởi vì Mẹ phải đối phó với bao nghịch cảnh Luật
xã hội thời bấy giờ.
Đặc biệt hơn nữa là khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu, tất cả Lời
Thiên Chúa hứa trong ngày Truyền Tin: “Con
Bà là Con Đấng Tối Cao, Ngài sẽ làm Vua, triều đại của Ngài vô cùng tận” (Lc
1, 32-33), và “Bà là người có phúc giữa
các người phụ nữ” (Lc 1, 42) xuyên thấu tim Mẹ khi Mẹ đứng nhìn Con bị treo
trên thập giá (x Ga 19, 25). Cứ như suy nghĩ của người đời thì Thiên Chúa đã
dối gạt Mẹ, thế mà Mẹ vẫn vững tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa,
Mẹ đứng nhìn Con như một dũng tướng
giữa chiến trường thiện ác, Mẹ đứng lèo lái con thuyền Hội Thánh đang gặp sóng
gió của niềm tin kinh hoàng nhất! Xưa Chúa dạy ông Noe đóng tầu mà không hướng
dẫn ông làm bánh lái (x St 6-7), vì tầu Noe chính là Hội Thánh, Đức Maria mới
là bánh lái Chúa lắp vào để lèo lái con tầu Giáo Hội cập bến an toàn. Bởi thế Mẹ
Maria là mẫu của những người được Thiên Chúa cứu độ, Mẹ là hình ảnh Hội Thánh
viên mãn trong ngày cánh chung.
Vậy nhờ Con Thiên Chúa làm người, Ngài đến thực hiện lời Chúa hứa cứu
loài người khỏi tay ác thần, khỏi Satan (x St 3, 15), và ban muôn phúc cho
những ai sống Đức Tin bắt nguồn từ tổ phụ Abraham, mà trong gia phả Đức Giêsu, tác
giả Matthêu đã ghi nhận, để Ngài làm cho chúng ta trở thành cùng một xương thịt,
cùng một sự sống, cùng vinh hiển với Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện (x Dt 2, 11
; Ga 6, 57 ; Gl 2, 20 ; 2Tm 2, 10). Nên chúng ta phải cất lời tuyên xưng Đức
Tin và cầu nguyện: “Lạy Ngôi Lời khôn ngoan của Đấng Tối Cao, Ngài an bài mọi sự, mạnh mẽ
nhưng dịu dàng. Xin đến mà chỉ dạy đường khôn ngoan cho chúng con” (Tung Hô
Tin Mừng), để chúng con cất cao lời nói cho thế giới: “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời”
(Tv 72/71, 7: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Thiên Chúa dùng quyền năng
đang hoạt động nơi chúng ta mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay
nghĩ tới (Ep 3, 20)
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH