BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I : Is 56,1.6-7
1 Đức Chúa phán như sau:
Hãy tuân giữ điều chính trực,thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã
gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ.6 Người ngoại
bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở
nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những
ai tuân thủ giao ước của Ta, 7 đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho
hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ
toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của
muôn dân.
ĐÁP CA : Tv 66
Đ. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài. (c 4)
2 Nguyện Chúa Trời dủ
thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, 3
cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.
5 Ước gì muôn nước reo
hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn
nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.
6 Ước gì chư dân cảm tạ
Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài. 8 Nguyện
Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!
BÀI ĐỌC II : Rm 11,13-15.29-32
13 Tôi xin ngỏ lời với
anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các dân ngoại, tôi
coi trọng chức vụ của tôi,14 mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em
đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó.15 Thật
vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì
việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi
sống ?
29 Quả thế, khi Thiên
Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.
30 Thật vậy, trước kia
anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì
họ không vâng phục;31 họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên
Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.32
Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương
xót mọi người.
BÀI GIẢNG
NGƯỜI CÔNG
CHÍNH SỐNG BỞI ĐỨC TIN
Giáo
lý Công Giáo dạy rằng : mỗi người được Chúa cứu độ, dựa trên ba hành động Đức
Tin :
- Tin bởi kết hợp với Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất.
- Tin vào Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công.
- Tin vào công nghiệp của mỗi người sống Lời Chúa.
Tin vào Chúa Giêsu là
Đấng Cứu Độ duy nhất và tin vào Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công, là quan
trọng nhất. Vì thế thánh Phaolô nói : “Giả
như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà chia sẻ, hay nộp cả thân xác tôi để
chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1Cr
13,3). “Đức Mến là Thiên Chúa” (1Ga
4,8). Kìa anh trộm suốt đời chỉ làm khổ nhiều người, thế mà trước giờ chết anh biết
sám hối và kêu cầu Đức Giêsu thương xót, Ngài đã cho anh vào Thiên Đàng ngay (x
Lc 23,43). Bởi thế, giáo lý về ơn cứu độ qua các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay
không đề cập đến công đức của cá nhân nào.
1/ TIN ĐƯỢC CỨU ĐỘ NHỜ
KẾT HỢP VỚI CHÚA GIÊSU.
Người Do Thái vẫn tự hào Thiên Chúa
chỉ coi trọng dân tộc họ mà thôi, dân ngoại không có giá trị gì đối với Chúa,
họ ví Chúa quý dân Do Thái như “nước
trong thùng, còn dân ngoại chỉ như giọt nước bám miệng thùng, hoặc như hạt cái
dính bàn cân” (x Is 40,1-10) ; hoặc dân Do Thái tự hào được Chúa yêu quý
như con cái trong nhà, còn dân ngoại thì Chúa coi như con chó (Kuon).Thế nhưng
Đức Giêsu lại gọi bà ngoại giáo miền Canaan là chó con (Kunarion), mà chó con
nhiều khi được chủ nhà yêu quý như con cái trong gia đình vậy. Bởi thế đối với
Chúa bất cứ ai có Đức Tin và lòng Mến không thua kém những người Do Thái giữ
Luật Môsê cũng được Chúa coi trọng như dân Ngài tuyển chọn. Ngôn sứ Isaia đã
ghi lại Lời Chúa kêu gọi dân ngoại nên thánh: “Hãy tuân giữ điều chính trực,thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của
Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ. Người ngoại bang nào
gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi
tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân
thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên
núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ
ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là
nhà cầu nguyện của muôn dân.” (Is 56,1.6-7 : Bài đọc I).
Điều ấy làm cho người Do Thái phát
ghen, hòng họ cũng biết đón nhận ơn cứu độ Chúa ban như lời thánh Tông Đồ nói :
“Tôi coi trọng chức vụ của tôi, mong sao
nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tỵ, và tôi cứu được một số
anh em đó. Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với
Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết
bước vào cõi sống ?
Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người
không hề đổi ý. Thật vậy, trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng
nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục; họ cũng thế: nay họ không
vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng
được thương xót. Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng
phục, để thương xót mọi người.” (Rm 11,13-15.29-32: Bài đọc II).
“Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục” là vì muôn dân kể cả dân Do Thái, ai
sống cũng phải có Luật, nhưng bất cứ Luật nào, Luật đời hay Luật đạo đều giam
người ta trong tội (x Gl 3,22). Vì không ai chu toàn hai mục đích của Luật :
cấm làm điều xấu, dạy làm điều tốt. Người không có Luật trở thành ngựa bất
kham. Bởi đó bất cứ dân ngoại hay Do Thái muốn nên người hoàn hảo đều thấy đi
vào ngõ cụt. Mà thực cả đến người Do Thái được Chúa chọn và giáo dục bằng Luật
Chúa ban qua ông Môsê cũng chống đối Đức Giêsu, nên họ đã bị Ngài liệt kê vào
loại con cháu của Satan (x Ga 8,44a).
Thực ra, Đức Giêsu
muốn cứu chiên lạc nhà Israel
(Do Thái) trước như Ngài đã nói với các môn đệ : "Thầy
chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi." (Mt 15,24 :
Tin Mừng). Thế nhưng dân Do Thái đã cố thủ tập tục tiền nhân mà gạt bỏ Lời
Thiên Chúa (x Mt 15,1-20). Họ là con cháu của dòng giống Israel lạc mất Đức Tin vì hai lý do
:
a- Lý do chính trị : Vì tội của vua Salômôn xây Đền Thờ cho
các bà vợ ngoại thờ ngẫu tượng, nên Chúa để cho Giơrôbôam chống lại vua Salômôn,
kéo mười chi họ về phía Bắc lập quốc lấy tên là Israel, chỉ còn hai chi họ ở
miền Nam gọi là nước Giuđa (x 1V 11,26t). Dòng tộc Ephraim lãnh đạo nước Israel
và cho xây Đền Thờ ở núi Garizim. Đúng lý ra dòng giống Giacob chỉ có một Đền
Thờ ở Giêrusalem tại nước Giuđa. Bởi đó những người Israel không thờ Thiên Chúa ở
Giêrusalem đều bị liệt vào loại chiên lạc. Đức Giêsu muốn quy tụ đoàn chiên lạc
này, thống nhất một niềm tin tôn thờ Thiên Chúa không cần thiết phải đến Garizim
hay đến Giêrusalem nữa, mà “những người
thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật” (x
Ga 4, 22-23). “Thần Khí và Sự Thật” là
Lời Chúa và Chúa Giêsu Phục Sinh, người Công Giáo tìm được nơi hai Bàn Tiệc
trong Thánh Lễ.
b- Lý do tín lý : Chiên lạc nhà Israel còn hiểu về những người Do
Thái chỉ tin vào việc giữ Luật Môsê thì được trở nên công chính, được cứu độ.
Trong khi đó Luật Môsê chỉ có giá trị hướng dẫn người ta đến kết hợp với Chúa Giêsu, mới được trở nên công chính và được cứu độ (x Gl 3,24), bởi vì “dưới gầm trời này ngoài danh Chúa Giêsu Kitô
không có danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại, để nhờ vào danh đó mà chúng
ta được cứu độ” (Cv 4,12).
Nhưng
vì ý muốn ngàn đời Thiên Chúa đã quyết chọn dân tộc Do Thái làm mảnh đất trồng “Hạt Giống Sự Sống” là Chúa Giêsu từ cội
rễ Giesê sinh ra (x Is 11). Chính Ngài mới thực là phúc lộc Chúa đã hứa ban cho
những dân tộc có Đức Tin như ông Abraham, để muôn dân nhờ đó mà cầu phúc cho
nhau (x St 22,18). Vì thế mà Ngài nói với người phụ nữ Israel lạc đạo tại bờ giếng Giacob:
“Ơn cứu độ khơi nguồn từ Do Thái” (Ga 4,22b). Bà ngoại giáo Canaan đã tin như thế, nên bà kêu cầu Đức Giêsu cứu giúp
con bà : “Lạy Ngài là con vua Đavid, xin
dủ lòng thương tôi, đứa con gái của tôi bị quỷ ám khổ sở lắm” (Mt 15,22 :
Tin Mừng). Lời bà ngoại giáo kêu xin như thế, làm ứng nghiệm Lời Chúa phán qua
miệng ngôn sứ Isaia: “ Người ngoại bang
nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến thánh danh,
cùng trở nên tôi tớ của Người, đều được Ta dẫn lên núi Thánh và cho hoan hỷ nơi
Nhà cầu nguyện của Ta” (Is 56,6a.7a : Bài đọc I). Chân lý này được thể hiện
qua Phụng Vụ Đức Giêsu thiết lập để làm hoàn hảo giá trị Phụng Vụ Do Thái giáo.
Đây là trung tâm ơn cứu độ mà Ngài đã truyền cho Hội Thánh tiếp tục làm hiện
tại hóa mỗi khi Hội Thánh cử hành Thánh Lễ (x 1Cr 11,23-27).
2/ ƠN CỨU ĐỘ CÒN PHÁT
XUẤT DO TÍN ĐIỀU CÁC THÁNH CÙNG THÔNG CÔNG.
Em bé được Đức Giêsu
cứu thoát khỏi tay tử thần, không do Đức Tin hay công trạng gì của em, mà do
Đức Tin của các môn đệ (Hội Thánh) và của người mẹ, được gọi là Tín Điều Các
Thánh Cùng Thông Công.
a- Đức Tin của Hội Thánh : Chính nhờ các môn
đệ ngỏ lời với Đức Giêsu giúp bà : “Xin
Thầy bảo bà ấy về đi,vì bà cứ kêu gào đằng sau chúng ta”(Mt 15,23 : Tin
Mừng).Các môn đệ thưa với Thầy Giêsu như
thế ngầm hiểu là : xin Thầy giúp bà ấy,nếu không bà ấy cứ kêu réo làm nhức đầu
chúng ta. Ta biết Hội Thánh mới thực là đất Chúa hứa chảy sữa và mật, xưa dân
Do Thái khiếp sợ không dám tiến vào miền đất này,vì có những người khổng lồ rất
hùng mạnh, thế là dân trở mặt chống đối ông Môsê. Kẻ nào khiếp sợ, chống đối
ông Môsê sẽ bị Chúa tiêu diệt (x Ds 13,1-2.25 - 14,1.26-29.34-35). Như vậy chỉ
có những ai tin vào sức mạnh Chúa ban cho ông Môsê mà tiến bước, mới được vào
đất Chúa hứa. Điều này đã báo trước vào thời Tân Ước : Ai tin theo Chúa Giêsu,
Ngài mạnh hơn ông Môsê, được Ngài dẫn họ vào Hội Thánh, mới thực là đất chảy
sữa và mật. Sữa và mật ở đây chính là công nghiệp của Chúa Giêsu cùng với Đức
Tin và lòng Mến của các Thánh, gọi tắt là Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công.
Vì thế thánh Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 9 quả quyết : “Chúa
không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết”, nên mỗi khi hiệp
dâng Lễ với Hội Thánh, ta không chỉ cầu nguyện cho riêng bản thân hay gia tộc
mình mà thôi, mà còn phải mở rộng tầm nhìn xin Chúa cho muôn dân được cứu độ,
như lời kinh ta đọc trong Thánh Lễ : “Ước
gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài”
(Tv 67/66,4 : Đáp ca).
b- Nhờ
Đức Tin của người mẹ : Lúc đầu xem ra Đức Giêsu không để ý tới lời cầu khẩn của
bà ngoại giáo, nhưng bà cứ theo kêu nài mãi, thì Đức Giêsu lại nói : “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho
chó con”. Bà hiểu ngay được ý của Ngài muốn nói : Ngài không gọi mình là
“chó” như những người Do Thái gọi dân ngoại, mà lại gọi là “chó con”, cũng đáng
được yêu quý, nên bà thưa : “Chó con cũng
được ăn những mảnh vụn rơi từ bàn chủ xuống”. Đức Giêsu thấy Đức Tin sống
động và mãnh liệt của bà, Ngài khen : “Này
bà, lòng tin của bà lớn thật, bà muốn sao thì được như vậy”, tức khắc từ
giờ ấy quỷ xuất khỏi con gái của bà! (x Mt 15,28: Tin Mừng).Đúng với Phúc Âm thánh
Matthêu ghi nhận: “Đức Giêsu rao giảng
Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt
4,23 : Tung Hô Tin Mừng).
Để minh chứng cũng như nhấn mạnh về
giá trị Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công, ta cứ nhìn vào các vị đại Thánh như
- Ông Phaolô được làm thánh Tông Đồ là nhờ Đức Tin và lòng
Mến của Phó tế Stêphano đã cầu nguyện cho (x Cv 7.8.9).
- Ông Augustin được làm Giám mục, thánh Tiến sĩ Hội Thánh là
nhờ Đức Tin và lòng Mến của người mẹ : Bà Monica trên 30 năm, đêm ngày thiết
tha cầu nguyện cho đứa con hư hỏng sớm trở thành người Công Giáo.
Vậy ngày nay, mỗi khi đi dự Lễ, ta
được mọi thành phần trong Hội Thánh : Những người sống Đức Ái trên dương thế,
các linh hồn nơi luyện tội, cùng với các Thánh trên Thiên Đàng, nhất là Mẹ
Maria, Mẹ Thiên Chúa, uy quyền trước tòa Chúa, là Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô,
cũng là Hiền Thê của Ngài, hằng cầu khẩn cho ta thoát khỏi mọi sự dữ, hơn hẳn
em bé được các môn đệ và người mẹ ngoại giáo thiết tha xin Đức Giêsu cứu thoát
khỏi tay quỷ thần. Bà ngoại giáo xứ Canaan này đã trở thành mẫu cho tất cả
những người làm cha mẹ phải làm những việc thể hiện Đức Tin vào Chúa Giêsu, để
làm cho những người thuộc về mình được sống và sống cách dồi dào trong Chúa Giêsu
(x Ga 10,10).
THUỘC LÒNG
Chúa không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết (HCHT số 9).
http://phaolomoi.net
LM. GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH