BÀI GIẢNG
LÀM LỚN
TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA
Thánh Phaolô dạy: “Ai mơ ước được chức giám quản hay
niên trưởng, người ấy đã mơ ước sự lành” (1Tm 3,1).
Được chức vụ trong Hội Thánh không phải để ăn trên
ngồi trốc, để trục lợi, mà phải diễn tả người mục tử nhân lành giống Chúa
Giêsu: Ngài tìm đủ cách để đưa mọi người vào Hội Thánh, vào Nước Trời, như
người mục tử muốn bầy chiên của mình có 100 con, không một con nào bị lạc. Nếu
ông biết mất một con, thì bằng mọi cách ông phải tìm cho được đưa về chung một
ràn. Nhất là ông biết chính con lạc ấy khi trở về, nó sẽ làm lợi cho ông nhiều
hơn những con không lạc. Đan cử:
Ông Saulô lạc Đức Tin, vì ông tin chỉ cần giữ Luật
Môsê là công chính, thế nên khi ông biết những người tôn thờ ông Giêsu ở Đamas
không trung thành với Luật Môsê, ông liền đến gặp các thượng tế ở Giêrusalem
lãnh trát, rồi phóng về Đamas nhằm triệt hạ tất cả những kẻ lạc Đạo ấy. Đức
Giêsu biết ông hành động như thế chỉ vì lòng thành muốn bảo vệ uy danh Chúa,
nên Ngài cho một luồng ánh sáng từ trời chiếu thẳng vào ông, làm ông bị mù và
ngã sấp xuống đất. Ông nghe có tiếng nói
: “Saulô! Tại sao ngươi bắt Ta?”. Ông
thưa lại: “Ngài là ai?”. Tiếng ấy
đáp: “Ta là Giêsu, ngươi đang bắt bớ
” (x Cv 9). Ông khiêm tốn cất tiếng hỏi : “Thưa
Ngài, tôi phải làm gì?” Ông nghe câu trả lời : “Ngươi hãy vào thành gặp Hananya, môn đệ của Ta”. Nhờ được tiếp xúc
với môn đệ Chúa Giêsu, ông nhận ra chính ông mới là kẻ lạc Đạo và khi ông được
soi lòng mở trí biết Giáo Lý của Chúa Giêsu để tôn thờ Thiên Chúa đích thực. Từ
đó ông trở thành Tông Đồ xuất sắc không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr
11,5).
Chính con chiên lạc (Phaolô) này,đã minh họa lời Đức
Giêsu nói :“Ta bảo các ngươi, nếu một
người có 100 con chiên mà một con bị lạc mất, há người ấy lại không bỏ 99 con
trên núi mà đi tìm con chiên lạc kia sao? Mà nếu tìm được, thì quả thật Ta bảo
các ngươi: người ấy mừng rỡ vì nó, hơn là 99 con không bị lạc.” (Mt 18,12 – 13 Tin Mừng). Quả thật các
Tông Đồ thượng đẳng chỉ chăm lo cho dân Do Thái, riêng ông Phaolô được Chúa
dành đưa Tin Mừng cho muôn dân (x Gl 1,15-16 ; 2,1-10).
Như thế “Chiên
lạc Saulô trở về” là mẫu gương cho muôn dân phải trở về sống trong Hội
Thánh Công Giáo. Vì thế ông nói: “Chúa Giêsu bước vào trần gian để cứu những
người tội lỗi, trong số đó, tôi là người thứ nhất” (1Tm 1,15). Do đó
ông nói với các tín hữu : “Anh em hãy bắt
chước tôi như tôi đối với Chúa Kitô” (1Cr
11,1). Bắt chước ông Phaolô để được làm thủ lãnh muôn dân phải hội đủ ba yếu tố
theo thứ tự :
- Can đảm mới chu toàn
nhiệm vụ được trao phó.
- Thực hành Chân Lý trước
khi giảng dạy.
- Sống tinh thần trẻ thơ.
I. ĐỨNG HÀNG ĐẦU VÀ QUAN TRỌNG NHẤT LÀ CAN ĐẢM MỚI CHU TOÀN NHIỆM VỤ ĐƯỢC TRAO PHÓ.
Ông Môsê làm thủ lãnh dân Israel, khi đến tuổi già sắp về với
Chúa, mà vẫn chưa đưa dân vào đất Chúa hứa. Việc ấy ông phải trao lại cho
Giôsuê, là đồ đệ của ông . Ông Giôsuê muốn chu toàn sứ mệnh này thì phải nhớ
thực hành lời ông Môsê dặn : “Mạnh bạo
lên, can đảm lên! Chính anh sẽ cùng với dân này vào đất Chúa đã thề với cha ông
họ rằng: Người sẽ ban cho họ; chính anh sẽ cho họ hưởng đất ấy làm gia nghiệp.
Chính Chúa đi trước anh, chính Người sẽ ở với anh; Người sẽ không để mặc, không
bỏ rơi anh, đừng sợ hãi” (Đnl 31,7–8 : Bài đọc năm lẻ). Vì “sở hữu của Chúa chính là dân Chúa” (Dnl
32,9a : ĐC năm lẻ). Lời ông Môsê dặn dò ông Giôsuê như thế đã tiên báo về chân
dung của vị Thủ Lãnh Tối Cao là Đức Giêsu, Ngài hết lòng phục vụ mọi người đến
mất mạng, mà vẫn chưa hoàn tất sứ mệnh Chúa Cha trao là đưa loài người vào Hội
Thánh. Việc này sau khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu trao cho các môn đệ và
dặn dò các ông: “Đừng sợ, Ta đã thắng thế
gian” (Ga 16,33). Chỉ những ai không khiếp sợ vì được thừa hưởng chiến
thắng của Chúa Giêsu, mới có thể chu toàn sứ mệnh Ngài trao phó : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành
môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,và Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh
em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20).
II. THỨ ĐẾN THỰC HÀNH CHÂN LÝ TRƯỚC KHI GIẢNG DẠY.
Các môn đệ muốn chu toàn sứ mệnh quy tụ muôn dân vào
Hội Thánh, thì phải thực hành Giáo Lý mình dạy. Thực vậy, khi Chúa sai ngôn sứ
Êzêkiel đến với dân, Ngài bảo ông : “Trước
khi ngươi đi nói với dân phản loạn, ngươi
hãy mở miệng nuốt Cuốn Sách đã được viết ở mặt trong lẫn mặt ngoài. Tôi đã ăn
Cuốn Sách và nó ngọt ngào trong miệng tôi. Chúa lại phán với tôi: Hỡi con
người, hãy đi đến với nhà Israel
và nói với chúng Lời của Ta” (x Ed 2, 8 – 3,4 : Bài đọc năm chẵn). Thế
thì các môn đệ phải sống Lời Thầy Giêsu dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng
hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29ab: Tung hô Tin Mừng). Chân lý này Đức
Giêsu đã thể hiện trong ngày thứ
Sáu Tuần Thánh. Như thế đời sống các Tông Đồ phải đi con đường Đức Giêsu đã đi
(x 1Ga 2,6) để phục vụ như Thầy Giêsu, hầu góp phần làm hoàn hảo Hy Tế Thập Giá
như thánh Tông Đồ nói : “Nay tôi vui
sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em và trong thân xác tôi, tôi bù đắp
những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu, vì thân mình Ngài,
tức là Hội Thánh” (Cl 1,24 : Bản dịch NTT). Có thế khi các tông
đồ mở miệng loan báo Lời Chúa cho
muôn dân, thì ai nghe cũng phải cất lời thưa: “Lạy Chúa, con cảm thấy Lời Ngài đã hứa, ngọt ngào hơn mật ong trong
miệng” (Tv 119/118,103 : Đáp ca
năm chẵn). Vì các Tông Đồ đã giống Thầy Giêsu “làm rồi mới dạy” (Cv
1,1).
III. SAU CÙNG PHẢI SỐNG TINH THẦN TRẺ THƠ.
Khi
các môn đệ lại gần Đức Giêsu hỏi rằng : “Thưa
Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và
bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời." Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này,
người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,1-3 : Tin Mừng).
Trở
nên trẻ nhỏ trong Nước Thiên Chúa có nghĩa là người thủ lãnh phải có những đức
tính trẻ thơ mà Kinh Thánh nhắc đến :
1.
Sống với Chúa và mọi người bằng tình yêu:
Lời Kinh Thánh nói: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn
lặng lẽ an vui” (Tv
131/130,1-3). Thực vậy, một đứa trẻ lớn lên phát triển về mọi phương diện,
không phải chỉ được nuôi bằng cao lương, mà quan trọng là được nuôi bằng tình
yêu.
2.
Sống lệ thuộc vào đấng sinh thành:
Thánh Phaolô nói: “Trẻ em trong gia đình có giáo dục là trẻ muốn dùng bất cứ điều gì phải
có phép cha mẹ” (x Gl 4,1-4). Thế
thì người thuộc về Chúa nhất cử nhất động phải lệ thuộc vào Lời Chúa. Nói cách
khác họ là “tù nhân trong Chúa” (Ep
4,1) . “tù nhân trong Chúa”
là bởi tình yêu giữa Chúa Kitô và ta gắn bó keo sơn, không thế lực nào tách
khỏi.
3.
Không đòi được người khác tôn vinh:
Thực vậy, khi ăn tiệc
người ta để ý mời các đấng các bậc, còn trẻ con thì sao cũng được, không ai
quan tâm (x Mt 14,21); như thế người
thuộc về Chúa phải quên mình đi. Thánh Phanxicô dựa vào lời thánh Phaolô, lên
tiếng dạy: “Chính lúc quên mình là lúc
gặp lại bản thân” (x Pl 2,6-11).
4.
Không ác tâm với ai:
Thánh Tông Đồ dạy: “Có ác thì như con nít thôi” (1Cr 14,20), nghĩa là trẻ em chơi với
nhau thế nào cũng không tránh được bất hòa, khi ấy chúng chạy đi cáo tội với
người lớn, rồi lại chơi với nhau.
5.
thăng tiến
tri thức vươn đến trưởng thành:
Thánh Phaolô nói: “Khi
tôi còn trẻ, tôi nói năng như trẻ nhỏ, tôi suy nghĩ như trẻ nhỏ. Nhưng khi tôi
đã trưởng thành, tôi loại đi những gì là trẻ nhỏ” (1Cr13,11).
Thực vậy, trẻ nhỏ nói trước hiểu sau. Tình trạng ấu
trĩ ấy dần dần phải loại bỏ khi đến tuổi trưởng thành : hiểu biết rồi hãy nói
năng. Chúa không muốn ai làm mất những đặc tính tốt của tuổi trẻ nên Ngài nói:
“Ta
trách ngươi điều này: ngươi đã đánh mất tình yêu của ngươi thuở ban đầu” (Kh 2,4).
Sống được năm đặc tính của trẻ nhỏ như trên, mới
không gây cớ vấp phạm cho người đã thuộc về Chúa phải mất Đức Tin, như Đức
Giêsu dạy : “Anh em hãy coi chừng chớ
khinh một ai trong những kẻ bé mọn
này ; quả thế,Thầy bảo anh em: các thiên sứ của họ ở trên trời không ngừng
chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vì Con Người đến để tìm và cứu
những gì đã hư mất” (Mt 18,10:
Tin Mừng). Thuật ngữ “kẻ bé mọn” phải hiểu là những người
Công Giáo được Chúa Kitô cứu chuộc (x 1Ga 2,1.12.14.18.28).
Vậy người mục tử làm thủ lãnh, làm lớn trong Hội
Thánh phải tự tra xét lương tâm mình : Có can đảm liều mạng vì sứ mệnh Chúa
trao để kẻ dưới quyền được bênh đỡ, được che chở? Thủ lãnh dù có nhiều bằng
cấp, nhiều kiến thức, nhiều uy quyền mà thiếu tinh thần can đảm liều mạng vì
người mình phục vụ, thì cũng là đồ phế thải! Có học hỏi tìm hiểu Lời Chúa không
thua kém một người học sinh ngữ để làm thông dịch viên cho ngoại quốc? Có hiền
hòa làm ai cũng muốn đến gần khi như còn thơ bé ai cũng thích bồng bế? Đức cha
Giuse Nguyễn Tấn Tước nói: “Có lần tôi mời một bác sĩ đến nói chuyện với các
chủng sinh, bác sĩ ấy dặn dò : “Tôi ước mong các thầy sau này được làm Linh mục
hay Giám mục thì ít là đừng đánh mất tinh thần của chủng sinh là dễ mến!”
Hồi Đệ nhị thế chiến, một trại tù của Đức Quốc xã có
lệnh : “Các tù nhân có nhiệm vụ coi lẫn
nhau. Nếu một tù nhân nào trốn trại, thì sẽ có 10 tù nhân khác thế mạng!”
Một
buổi sáng kia, khi kiểm điểm các tù nhân, viên cai tù phát giác thiếu một
người! Thế là tất cả các tù nhân hôm ấy phải đứng hàng giờ phơi nắng ngoài sân!
Mãi đến chiều, người sĩ quan Đức có trách nhiệm nhà tù xuất hiện với bộ dạng
giận dữ, tay chắp sau lưng, bước chân chậm rãi trên đôi giày bốt-đờ-xô nện trên
nền đá nghe “cộp, cộp!” Mắt ông trừng trừng nhìn thẳng vào mặt từng người tù,
thỉnh thoảng ông dừng lại chỉ vào một người và buông lời cộc lốc : “Mày!” Cứ
như thế ông đã chỉ đến người thứ 9, khi ông dừng lại người tù xấu số thứ 10,
thì anh tù bật khóc nức nở! Trong số tù nhân có Linh mục Maximiliano Kolbe liền
giơ tay xin phát biểu :
- Xin ông cho tôi
được chết thay cho người này!
Viên
sĩ quan quát :
- Con heo Ba Lan
kia, mày có điên không?
Cha Maximiliano Kolbe ôn tồn đáp :
- Thưa không, tôi
là Linh mục chỉ có một mình, anh này còn vợ con, cần được sống.
Trước
sức mạnh của tình thương, viên sĩ quan đứng lặng người trong giây lát, rồi
buông lời :
- Thuận.
Thế là cả 10 người “được chọn” bị đẩy vào hầm cho chết đói! Trong hầm,
cha Maximiliano Kolbe luôn ca hát và cầu nguyện, cha đã cảm hóa được 9 người
kia xin theo Đạo. Sau một tháng người ta mở cửa ngục ra xem, thấy cha
Maximiliano Kolbe vẫn sống bình an, và vui vẻ. Thấy vậy họ đã chích cho ngài
mũi thuốc kết liễu cuộc đời…!
Đức
Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong Thánh cho ngài ngày 14-10-1982. Hôm đó cũng
có gia đình anh tù được chết thay tham dự!
Rõ
ràng cha Kolbe đã đạt ba đòi hỏi nơi người mục tử tốt :
- Ngài rất can đảm
liều chết để cứu người anh em.
- Ngài đã sống Giới Răn Yêu của Đức Giêsu dạy
: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình
yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình !” (Ga 15,13).
- Ngài như trẻ thơ
chỉ biết phó thác đời mình trong tay Chúa, không oán thù kẻ làm hại mình!
THUỘC LÒNG
Kẻ nhút
nhát, thì sợ thần chết.
Đứa tuyệt
vọng, thì tìm cái chết.
Tên hưởng
thụ, thì chẳng nghĩ chết.
Người anh
hùng, thì liều mạng chết.
Đấng Khôn
Ngoan, thì chuẩn bị chết.
http://phaolomoi.net
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH