Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên
Chúa đến. Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có
thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia
kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông." (Lc 17,20-21) ; và trong Kinh Lạy Cha, Đức Giê-su
dạy: “Anh em hãy cầu nguyện như thế
này:"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha
vinh hiển, triều đại Cha (Nước Thiên Chúa)mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng
như trên trời” (Mt 6,9-10). Và sau khi Chúa Giê-su từ cõi chết chỗi dậy, Ngài
đến gặp các Tông Đồ, thánh sử Luca ghi nhận: “Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ (cùng dâng Lễ), Đức Giê-su truyền cho các ông không được
rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa,
"điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa
bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần."
(Cv 1, 4-5 : Bài đọc I).
Vậy dựa vào
những Lời Chúa Giê-su dạy như trên, cho ta xác tín rằng : Không phải chỉ vào
cuối cuộc đời, lúc Chúa gọi ta ra khỏi thế gian, sau khi ta đã chu toàn cách tốt
đẹp nhiệm vụ Chúa trao, thì khi đó ta mới được vào Nước Thiên Chúa (vào Thiên
Đàng), mà ngay khi ta còn sống trên dương thế, muốn được vào Nước Thiên Chúa –
Thiên Đàng, ta phải sống ba điểm giáo lý :
-
Dự tiệc Thánh Thể.
-
Liên lỉ suốt cuộc đời phải được tái sinh bởi
Lời Chúa.
-
Lên đường cùng với Chúa Giê-su loan báo Tin
Mừng.lit
I. DỰ TIỆC THÁNH THỂ LÀ SỐNG TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA.
Sách Giáo Lý
Công Giáo dạy : “Trong Phụng Vụ dưới đất,
chúng ta tham dự và nếm trước Phụng Vụ trên trời,được cử hành trong Thánh Đô
Giêrusalem, mà chúng ta là lữ khách đang tiến về ; ở đó, Chúa Ki-tô đang ngự
bên hữu Thiên Chúa như thừa tác viên của cung thánh, của nhà Tạm đích thực ;
Phụng Vụ dưới đất là nơi chúng ta hiệp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng
thanh ca ngợi tôn vinh Chúa : trong khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hy vọng
được thông phần và đoàn tụ với các ngài ; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Độ là Chúa
Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, cho đến khi Người là sự sống của chúng ta sẽ xuất
hiện và chúng ta sẽ cùng xuất hiện với Người trong vinh quang” (xem số
1090).
Quả thật “hạnh phúc của ta trong Nước Thiên Chúa là
được hiệp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Thiên
Chúa”. Vì thế mà thánh sử Luca trong sách Tin Mừng
và sách Tông Đồ Công Vụ nhấn mạnh đến việc cầu nguyện, hay dự Phụng Vụ, đặc
biệt là Thánh Lễ:
1/ Mở đầu và kết thúc sách Tin
Mừng, ông Luca ghi việc cầu nguyện nơi đền thờ
Giêrusalem như hai cái ngoặc đóng khung giá trị Tin Mừng ông viết :
-
Ông Da-ca-ry-a trúng thăm vào trong bức màn
cung thánh cầu nguyện, thì được Chúa cho sinh con đầu lòng trong tuổi già, một
người con dọn lòng mọi người đón Đấng Cứu Thế (x Lc 1,1-25).
-
Sau khi các Tông Đồ tiễn Chúa Giê-su về Trời ở
Bê-ta-ni-a, các ông không đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng, nhưng các ông trở lại Giêrusalem vui mừng
khôn xiết và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (x Lc 24, 52-53), hầu
làm cho muôn dân tin vào Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ.
2/ Sau khi
phục sinh Chúa Giê-su đến gặp các Tông Đồ, ông Luca ghi
nhận : “Ngài dùng bữa với các ông (cùng dâng Lễ), rồi truyền cho các ông không
được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa,
điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới” (Cv 1,4 : Bài đọc I).
3/ Chúa
Giê-su Phục Sinh không hiện ra với toàn dân, nhưng
chỉ đến với những người đã cùng ăn cùng uống với Ngài (cùng dâng Lễ) sau khi
Ngài từ cõi chết sống lại (x Cv 10,41).
Ba chứng từ
trên cho chúng ta phải xác tín : nếu ta không cầu nguyện với Chúa, đặc biệt
trong Thánh Lễ, thì ta không thể nào gặp được Chúa Giê-su Phục Sinh, để Ngài
đưa ta lên Trời, vì Ngài đã thưa cùng Chúa Cha : “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con
cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã
ban cho Con, vì Cha đã yêu thương Con trước khi thế gian được tạo thành.”
(Ga 17,24).
II. LIÊN LỈ SUỐT CUỘC ĐỜI TA PHẢI ĐƯỢC TÁI SINH BỞI LỜI CHÚA.
Chúa Giê-su
nhắc lại Chúa Cha đã hứa với các kẻ tin theo Ngài : “Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh
em trong ít ngày nữa sẽ được chịu Phép Rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,5 : Bài đọc I).
Chúa Giê-su
đã giải thích : “Lời tôi là Thần Khí
(Thánh Thần) và là Sự Sống” (Ga 6,63) ; “ai nghe Lời tôi thì được thanh tẩy” (Ga 15,3).
Bởi đó thánh
Gia-cô-bê nói : “Người đã tự ý dùng Lời
chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo
của Người.” (Gc 1,18)
Vì Lời Chúa
quan trọng đến thế đối với ơn cứu độ Chúa dành cho loài người mà thánh Phao-lô
nói : “Chúa không sai tôi đi ban Thánh
Tẩy – cử hành Bí tích – nhưng đi giảng Tin Mừng” (1Cr 1,17). Thánh Tông Đồ
xác quyết như thế có ý nhấn mạnh : Lời giảng quan trọng hơn cử hành Bí tích,
nói cách khác, nếu chưa giảng Lời thì cũng không nên cử hành Bí tích. Vì thế,
Công Đồng Vat.II đã canh tân Phụng Vụ khuyên các chủ chăn : Trước khi cử hành
bất cứ Bí tích nào hãy giảng Lời Chúa. Đức Hồng ý Ives Congar, thần học gia đã
đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo các Bản Văn của Công Đồng Vat.II
đã cho một nhận xét rất đáng chú ý : “Tôi có thể trích dẫn một loạt các bản văn xưa chung với một nội
dung rằng : Nếu một giáo xứ suốt ba mươi năm không có Thánh Lễ, nhưng được nghe
Lời Chúa hằng ngày, thì đời sống Đức Tin và lòng Mến giáo dân ở đó trổi vượt
hơn một giáo xứ trong ba mươi năm, chỉ có Lễ mà không được nghe giảng”.
Chính vì vậy
câu tung hô Tin Mừng trong Thánh Lễ hôm nay, Hội Thánh dạy ta đọc không đúng
như Lời Đức Giê-su nói trong Tin Mừng thánh Mat-thêu ghi. Ta hãy so sánh hai
câu này :
-
Chúa Giê-su nói : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều
Thầy đã truyền cho anh em. Và đây,
Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,19-20).
-
Câu Tung Hô Tin Mừng : “Chúa nói : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng
anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19a.20b)
Rõ ràng Hội
Thánh đã không nhắc đến việc làm đầu tiên là ban Phép Rửa cho muôn dân mà chỉ
nhấn mạnh lệnh truyền của Chúa “anh em
hãy đi giảng dạy cho muôn dân”. Vì lý do
đó mà giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Sắc Lệnh Đời Sống Linh Mục số 4 dạy
: “Dân Chúa được quy tụ trước nhất
bởi Lời Thiên Chúa, Lời này đặc biệt tìm thấy trên môi miệng Linh mục, vì Linh
mục mắc nợ giáo dân về Lời Chúa”.
Bởi thế
trong Nghi Thức ban Bí tích Thánh Tẩy song song với lời đọc nhân danh Ba Ngôi
Thiên Chúa và đổ nước, cuối cùng không ai thưa “Amen”. Amen là hoàn hảo, như
thế ai mới chỉ được tái sinh bởi nước, thì chưa hoàn hảo, suốt đời của họ còn
phải được sinh lại bởi Lời Chúa (x Gc 1,18), thì vào giờ nhắm mắt lìa đời, họ
mới có thể thưa “Amen”. Trừ khi không có điều kiện đón nhận Lời Chúa sau khi
lãnh nhận Thánh Tẩy bằng nước.Mà thật Chúa Giê-su đã nói : “Ai tuân yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy”
(Ga 14,15). Do đó chỉ vì yêu mà nghe, tìm hiểu và thực hành Lời Chúa, người ấy
làm gì cũng thành công (x Tv 1,2-3), đến nỗi làm được những việc như Chúa
Giê-su và còn làm hơn thế, nhờ Chúa Giê-su về cùng Chúa Cha (x Ga 14,12).
Sống đạo như
trên mới thì quả là ta đã được Chúa nhắc lên Trời như thánh Tông Đồ, Ngài đã
cho ông lên đến tầng trời thứ ba,khi trở lại trái đất, ông nói : “Tôi biết rằng người ấy (Phao-lô) đã được
nhắc lên tận thiên đàng -trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ
có Thiên Chúa biết-, và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người
không được phép nói lại” (2 Cr 12,3-4). Lý do đó, ông đã nói với giáo đoàn
Philip : “Vì đối với tôi, sống là Đức
Ki-tô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được
sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co
giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt
hơn bội phần:nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.Và tôi biết chắc
rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được
hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em.Như thế, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh
em càng có lý do để hãnh diện về tôi, khi tôi lại đến gặp anh em.” (Pl
1,21-26).
Vì Lời Chúa trong
đời sống Đạo của người Công Giáo quan trọng đến thế, nên thánh Phao-lô đã viết
thư gởi cho giáo đoàn Ê-phê-sô : “Thưa
anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa
chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết
Người.Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em
đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh
em được chia sẻ cùng dân thánh,đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi
thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực,
vì Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể
Hội Thánh” (Ep 1, 17-19.22 : Bài đọc II).
III. LÊN ĐƯỜNG CÙNG VỚI CHÚA GIÊ-SU ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG.
Khi Đức
Giê-su bị giết, các Tông Đồ co cụm, run rẩy trong một căn phòng đóng kín. Đáng
lý ra, Chúa Giê-su Phục Sinh phải đến với các ông đang trong tình trạng như thế
để củng cố Đức Tin và ban niềm vui cho các ông mới phải. Nhưng Chúa Giê-su lại
bảo các bà đã được gặp Ngài ở ngoài mộ khi Ngài sống lại : “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy
để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10). Lệnh ấy có nghĩa
là các Tông Đồ phải phá vỡ xiềng xích sợ hãi, về Ga-li-lê để nhận nhiệm vụ đi
truyền giảng, như Tin Mừng Nhất Lãm đã nhấn mạnh ba năm truyền giáo của Đức
Giê-su chỉ có một tuyến đường khởi sự từ Ga-li-lê (miền bắc) tiến dần xuống
miền nam (Giu-đê-a) và bị giết ở đây,để trở thành Của Lễ mới thay thế con chiên người Do Thái dâng
trong đền thờ Giêrusalem. Chính vì vậy mà thánh sử Luca lại ghi : “Sau khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại,
Ngài chỉ hiện ra với những người từng theo Ngài từ Ga-li-lê lên Giêrusalem”
(Cv 13,31). Nghĩa là những người nhiệt thành cùng đi truyền giáo mới được gặp
Chúa Giê-su Phục Sinh, là cách được ở trên Thiên Đàng với Ngài, vì họ đã biết
dùng Lời Chúa mà quy tụ muôn dân về cho Chúa, bởi lẽ “Chúa không muốn cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết” (HCHT
số 9).
Nhìn vào
thực tế trong đời sống Hội Thánh, việc loan báo Tin Mừng chưa tích cực từ giáo
sĩ đến giáo dân, vì nhiều người thường viện cớ “không có thời giờ, không có
điều kiện, không xứng đáng”, giáo dân còn cho đó là “việc của các giáo sĩ”.
- Nếu bảo không có thời giờ đi loan báo Tin Mừng, chỉ có nghĩa là thời giờ tôi dành cho việc tự tôi cho là
quan trọng, bởi vì quan trọng điều gì, thì đương nhiên có giờ cho việc đó (x Lc
14,15-20).
- Nếu bảo tôi không có điều kiện đi loan báo Tin Mừng, thì hãy sống như lời thánh Phao-lô dạy : “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh
em hãy làm tất cả cho Chúa chứ không phải cho người đời, để tôn vinh Thiên Chúa”
(1Cr 10,31 ; Cl 3,23). Kìa ta thấy Chúa Giê-su ngay từ đầu cuộc đời công khai
của Ngài, Ngài muốn chọn 12 người cộng tác trong sứ mệnh truyền giảng, thế mà
cuối cùng chỉ có 11 người được Chúa Giê-su Phục Sinh sai đi (x Mt 28,16a). Số
11 người là mất dấu chỉ về Israel mới xây dựng Hội Thánh. Như thế rõ ràng 11
môn đệ Chúa Giê-su sai đi không đủ điều kiện để xây dựng Hội Thánh (Israel
mới). Vậy mà Chúa vẫn sai họ đi, vì 11 môn đệ đều tin rằng sự thiếu sót ấy có
Chúa bù cho. Vì Chúa đã hứa : “Thầy ở
cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b : Tin Mừng). Chúa ở cùng
ai thì Ngài trao cho họ nhiệm vụ vượt khả năng, mà họ vẫn chu toàn cách hoàn
hảo! (x Xh 3,12 ; 1Sm 17,38 ; Lc 1,28).
- Nếu bảo tôi không xứng đáng được Chúa sai đi giảng Tin Mừng, thì cứ đọc lại Mt 28,17 : “Trong số những người được Chúa sai đi làm
việc Tông Đồ, có kẻ còn HOÀI NGHI”. Nghĩa là Đức Tin của họ chưa hoàn toàn,
không xứng đáng đi giảng, thế mà Chúa cũng phải cần đến họ, không ai được viện
cớ bất xứng về Đức Tin mà thoái thác. Kìa thánh Phao-lô, một Tông Đồ xuất sắc
hơn các Tông Đồ thượng đẳng (x Cr 11,5), sau khi ông loan báo Tin Mừng thành
lập giáo đoàn Thessalonika, ông còn cám ơn Đức Tin của họ đã bồi dưỡng nghị lực
và Đức Tin cho ông Phao-lô cũng như cho các Tông Đồ, ông nói : “Vì Đức Tin của anh em, làm tôi được an ủi
giữa mọi cơn quẫn bách và gian truân tôi phải chịu. Phải, chúng tôi sống nhờ
anh em đứng vững trong Chúa” (1Tx 3,7-8).
- Nếu cho việc loan báo Tin Mừng là của riêng hàng giáo sĩ, thì sai với bản chất của người Công Giáo, vì mỗi người đã
là một chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô, thì mọi chi thể đều có
nhiệm vụ xây dựng và phát triển toàn thân. Bởi đó giáo huấn của Công Đồng
Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 dạy : “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá
Tin Mừng cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế”.
Vì việc loan
báo Tin Mừng quan trọng đến thế, nên thánh Tông Đồ khi bị bắt dẫn độ qua Roma,
vì biết sẽ không còn dịp gặp lại các tín hữu, ông hân hoan và tự hào nói giáo
dân : “Tôi không hề nhúng tay
vào việc đổ máu người nào,vì tôi không thiếu sót việc giảng Tin Mừng” (x
Cv 20,26-27- bản dịch NTT). Tâm tư này thánh Phao-lô muốn xác định với mọi
người : Ai thiếu sót việc giảng Tin Mừng là chủ ý giết cả hồn xác người ta
quăng xuống hỏa ngục!
Vậy ta có
biết sống Lời Chúa : Chuyên cần dự Lễ - Năng đọc và suy gẫm Kinh Thánh – Tích
cực loan báo Tin Mừng là ta đã được lên Thiên Đàng, xứng đáng cất lời tung hô :
“Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò
reo,Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.” (Tv 47/46,6 : Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Đức Kitô đã không sai tôi đi
ban Thanh Tẩy, mà là rao giảng Tin Mừng ! (1Cr 1,17)
http://phaolomoi.net
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH