Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN - NĂM CHẴN
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC : Gc 1,19-27

19 Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng : mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, 20 vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa. 21 Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn ; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em ; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. 22 Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. 23 Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. 24 Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. 25 Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.26 Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. 27 Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.

ĐÁP CA : Tv 14

Đ.        Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Núi Thánh của Ngài? (c 1b)

2 Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, 3a miệng lưỡi chẳng vu oan,

3bc Không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã. 4ab Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính CHÚA TRỜI.

5 Cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay. Phàm ai làm những điều này không hề nao núng chuyển lay bao giờ.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : x Ep 1, 17-18

         Hall-Hall : Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Hall.

TIN MỪNG : Mc 8, 22-26

22 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta.23 Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: "Anh có thấy gì không? "24 Anh ngước mắt lên và thưa: "Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại."25 Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự.26 Người cho anh về nhà và dặn: "Anh đừng có vào làng." 

BÀI GIẢNG

CON NGƯỜI MUỐN GIỐNG CHÚA

PHẢI ĐƯỢC CHÚA GIÊSU TÁI SINH

 

            Ông Phêrô, thủ lãnh Hội Thánh đã nhận ra điểm giáo lý qua truyện lụt Hồng thủy thời Noe báo trước loài người muốn được sống hạnh phúc vĩnh cửu, thì phải được tái sinh nhờ lãnh Bí tích Thánh Tẩy, để dung thân trong Tầu Noe mới là Hội Thánh Chúa Kitô (x 1Pr 3,20-22).

            Xưa kia chỉ có những người trong Tầu Noe được sống. Thế mà ngày nay nhiều người Công Giáo đi dự Lễ không muốn vào Nhà Thờ là Tầu Noe mới, nhất là khi trong Nhà Thờ còn trống nhiều chỗ mà cứ đi Lễ “ôm”, giữ Đạo “gốc”, thì làm sao mà được Chúa ban sự sống. Vì thời ông Noe, ai ở ngoài tầu là chết hết.

            Thực vậy, những chi tiết trong Bài đọc (năm lẻ) đã báo trước về đời sống Hội Thánh Chúa Kitô.

1/ ÔNG NOE THẢ CHIM BỒ CÂU RA, khi nó bay trở về, mỏ công ngành lá ô-liu tươi (x St 8,11 : Bài đọc năm lẻ).

-   Con bồ câu đó là hình ảnh Mẹ Maria, khuôn mẫu Hội Thánh, là Hiền Thê Chúa Kitô. Vì thế sách Diễm ca ba lần dùng từ “chim bồ câu” để diễn tả người tình (Dc 1,15 ; 2,14 ; 4,1), chỉ về Hội Thánh là Hiền Thê của Chúa Kitô (x 2Cr 11,2).

-   Ngành ô-liu non tươi chỉ về Chúa Kitô. Vì thế trong Thánh Lễ Truyền Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh đã làm Phép Dầu ô-liu để chỉ về Chúa Kitô. Dầu này được dùng thánh hiến người lãnh Bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức hoặc thánh hiến Bàn Thờ.

Như thế bồ câu công ngành ô-liu non đưa về tầu Noe là dấu chỉ Mẹ Maria cũng như Hội Thánh đưa Chúa Giêsu Phục Sinh đến để tái sinh con người, và giáo dục, nuôi dưỡng họ trong Tầu Noe mới.

2/ TẦU NOE MẮC CẠN TRÊN NÚI, ông Noe mở cửa tầu lập bàn thờ kính Chúa, và được Chúa chúc phúc cho môi trường sống tràn đầy hạnh phúc (x St 8,20-22 : Bài đọc năm lẻ). Đó là dấu chỉ  chúng ta nhờ nước Bí tích Thánh Tẩy phát xuất từ nước đổ xuống từ tim Chúa Giêsu bị đâm, để đưa ta vào Hội Thánh mới được sống bình an, và hằng ngày ta được hiệp dâng Thánh Lễ theo lệnh Chúa Giêsu truyền (x 1Cr 11,23-24), hơn tám người vì nước lụt Hồng Thủy được đưa vào tầu Noe dung thân. Ơn ta lãnh nhận trong Thánh Lễ là được phúc trực tiếp nghe Chúa Giêsu giảng dạy  (x Dt 1,1-2) và được ăn Chúa Giêsu Phục Sinh mới được sống hạnh phúc dồi dào muôn đời trong Chúa Giêsu  (x Ga 6,22-58 ; 10,10). Và ta lại được canh tân cách ăn nết ở của mình, sống đẹp lòng Chúa và làm vui lòng nhiều người, đúng như lời thánh Giacôbê khuyên dạy : “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa. Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn ; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em ; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình.  Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào.  Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.  Anh em hãy có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.” (Gc 1,19-27 : Bài đọc năm chẵn).

         Vậy mỗi khi ta được hiệp dâng Thánh Lễ với Hội Thánh, là mỗi lần Chúa tái tạo ta nên hoàn hảo hơn. Chân lý này ta tìm thấy qua phép lạ Đức Giêsu chữa lành người bị mù (x Mc 8,23-26 : Tin Mừng):

-   Đức Giêsu đưa anh mù ra khỏi làng, để Ngài chữa lành. Ngài cho anh về nhà và dặn : “Đừng vào làng” (Mc 8,25-26 : Tin Mừng). Lệnh này xem ra thật vô lý, vì cho về nhà mà lại không được vào làng, thì nhà ở đâu? Nhưng ta biết Chúa cứu ai là Ngài muốn họ được về nhà của Ngài là Hội Thánh để về Thiên Đàng, chứ không trở về nếp sống cũ nơi thế gian. Vì thế lệnh ấy là dấu chỉ ai đã thuộc về Chúa Kitô, thì không còn thuộc về thế gian nữa, như Đức Giêsu thưa với Chúa Cha : “Con đã truyền lại cho họ Lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,14-16).

-   Lần  thứ nhất, Đức Giêsu nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: "Anh có thấy gì không? "Anh ngước mắt lên và thưa: "Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại." (Mc 8,23-24 : Tin Mừng). Đó là dấu xưa kia Chúa dùng nước lụt Hồng thủy để thanh tẩy, tiêu diệt hết mọi loài trên toàn cõi địa cầu, trừ tám người trong gia đình ông Noe được đưa vào tầu, thì sự sống của gia đình này mới được bảo tồn. Nhưng sự sống ấy chỉ là sự sống của loài thụ tạo như cây cối. Vì thế  người mù vừa được Đức Giêsu mở mắt thưa với Ngài : “Tôi thấy người ta trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại”. Chẳng thế mà tác giả sách Giảng viên nói : “Thiên Chúa muốn thử thách con người và cho họ thấy chính mình chỉ là thú vật mà thôi. Quả thế, con người và thú vật đều cùng chung một số phận : bên này chết, bên kia cũng chết ; đôi bên đều có sinh khí như nhau. Con người chẳng có gì hơn thú vật, bởi vì mọi sự chỉ là phù vân” (Gv 3,18-19). Vì thế thánh Phaolô lặp lại lời tác giả sách Sáng thế ghi lại việc Thiên Chúa tạo dựng ông Adam : “Con người đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật” (St 2,7 = 1Cr 15,45a).

-   Lần thứ hai, Đức Giêsu đặt tay trên mắt anh mù, anh trông thấy rõ và được khỏi hẳn bệnh, anh thấy tỏ tường mọi sự (x Mc 8,25 : Tin Mừng). Đó là dấu chỉ khi ta được kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh qua Bí tích Khai Tâm (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể), thì ta được đồng hóa với Chúa Giêsu cùng một xương thịt, cùng một sự sống, vì ý định muôn thuở của Thiên Chúa muốn dựng nên loài người hoàn hảo trong Chúa Giêsu mà thôi (x Ep 1,3-14 ;  Dt 2,11 ; Ga 6,57 ; Gl 2,20). Do đó lần thứ II, Đức Giêsu đặt tay trên anh mù làm cho con người anh được hoàn hảo hơn lần thứ I. Bởi thế lời cầu của Hội Thánh dâng lên Chúa trong Thánh Lễ Thứ Năm sau Chúa Nhật 4 Phục Sinh : “Lạy Chúa, Chúa đã tỏ lòng từ bi nhân hậu mà cứu chuộc con người và nâng lên địa vị cao sang hơn tình trạng nguyên thủy ; xin nhớ lại công trình kỳ diệu này và giúp chúng con trung thành luôn mãi với ơn tái sinh Chúa đã ban”. Vì ơn cứu độ Chúa ban cho ta chỉ được hoàn hảo theo thời gian : đời này Ngài giúp ta hiểu và thực hành Lời Chúa ; khi lìa đời linh hồn được Chúa đưa về Thiên Đàng, xác còn mục nát nơi trần thế. Đến ngày cánh chung, Chúa cho hồn xác ta được phục sinh giống Chúa Kitô. Thánh Gioan Tông Đồ nói : “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người,vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2). Nói cách khác, “Cựu Ước là nụ, Tân Ước là bông, cánh chung mới có trái”. Niềm vui ơn cứu độ này, mỗi ngày ta được ở trên Núi Thánh của Chúa để dâng Lễ Tạ Ơn : “Lạy Chúa, ai được ở trên Núi Thánh của Ngài” (Tv 15/14, 1b : ĐC năm chẵn). Núi Thánh của Chúa Kitô là núi Sọ, nơi Ngài khởi sự dâng Lễ, và mời gọi ta hiệp dâng để cùng cất lời cầu : “Lạy Chúa, con sẽ dâng lễ tế tạ ơn Ngài” (Tv 116/115,17a : ĐC năm lẻ). Và chúng ta mượn lời cầu của thánh Tông Đồ để thưa cùng Chúa : “Xin Thân Phụ Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta” (Ep 1,17-18 : Tung Hô Tin Mừng).

THUỘC LÒNG.

        Sự an bài (của Chúa) cho muôn thời được viên mãn là thâu họp vạn vật dưới một đầu một mối trong Đức Kitô, vật ở trời cao, vật nơi dương thế (Ep 1,10).

http://phaolomoi.net

                              


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: