BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I: Is 11,1-10
1 Từ gốc tổ
Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. 2
Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn, Thần Khí
mưu lược và dũng mãnh, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. 3
Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng
vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, 4 nhưng
xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo
trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết
chết kẻ gian tà. 5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc
bên sườn là đức tín thành. 6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm
bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt
chúng. 7 Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một
chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. 8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên
hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. 9 Sẽ
không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức
Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển. 10 Đến
ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm
kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.
ĐÁP CA: Tv 71
Đ. Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và
thái bình thịnh trị đến muôn đời. (x c 7)
1
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào
tay Thái Tử, 2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh
vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
7
Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế
nguyệt chẳng còn.8 Người làm
bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
12
Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, 13
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
17
Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ, nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời. Ước
gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành, và muôn dân thiên hạ ngợi
khen Người có phúc.
BÀI ĐỌC II: Rm 15,4-9
4 Thưaanh
em, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta.
Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng
ta vững lòng trông cậy.5 Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi,
làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi. 6
Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ
Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
7 Vậy, anh em hãy
đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa.8
Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì,
để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung
thành của Thiên Chúa.9 Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên
Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép: Vì thế giữa muôn
dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa.
BÀI GIẢNG
SẼ THẤY ƠN CỨU ĐỘ
Ông Gioan Tẩy
Giả tuyên bố: “Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2b).
Nước Trời ở đây phải hiểu là Hội Thánh Chúa Ki-tô thiết lập, khởi đi từ lúc
Ngài chịu phép rửa bằng nước do ông Gioan Bt làm cho Ngài ở sông Gio-đan (x Mt
3,13-17), và hoàn tất bằng máu dốc ra từ tim Ngài ở đồi Sọ (x Lc 12,50 ; Ga
19,34). Ai muốn được vào Nước Trời (Hội Thánh), hãy sống mầu nhiệm Con Thiên
Chúa nhập thể, khởi đi từ mùa Vọng, tức là bắt đầu năm Phụng Vụ cho đến lễ Chúa
Ki-tô Vua. Vì trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người, cho con người
được làm Thiên Chúa trong Chúa Giê-su.
Các Bài đọc
trong Thánh Lễ hôm nay, dạy ta phải dọn tâm hồn để đón Con Một Thiên Chúa bằng
những việc cụ thể :
-
Vào hoang địa để được Lời Chúa hướng dẫn.
-
Phải giàu có như Đức Giê-su, nhưng trở nên nghèo vì hạnh
phúc đồng loại.
-
Sám hối tội, xin Chúa thương cứu mới tôn vinh Thiên Chúa,
chứ không cậy dựa vào giống nòi.
-
Được thanh tẩy nhờ Chúa Giê-su Phục Sinh.
I. VÀO HOANG ĐỊA ĐỂ ĐƯỢC LỜI CHÚA HƯỚNG DẪN.
Ông Gioan Bt muốn
mời gọi chúng ta theo ông vào hoang địa. Thánh sử Mat-thêu ghi nhận: “Ông Gioan Bt đến rao giảng trong hoang địa
miền Giu-đê” (Mt 3,1: Tin Mừng).
Hoang địa ở đây
ông Mat-thêu muốn nói về đời sống Hội Thánh
(Israel mới) đang tiến về miền đất Chúa hứa (Thiên Đàng), thì phải
làm hiện tại hóa cuộc xuất hành của
Israel thuở xưa, khi họ được Chúa dùng ông Mô-sê cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai
Cập, rồi đi băng qua vùng hoang địa suốt 40 năm để tiến về “miền đất trù phú, rộng lớn, miền đất tràn
đầy sữa và mật” (Xh 3,8).Suốt thời gian này, mỗi khi Israel lên đường hay
dừng chân nghỉ ngơi, họ đều được Lời Chúa hướng dẫn. Thực vậy, hai bia đá ghi
Lời Chúa được đặt trong Nhà Tạm, mỗi khi đám mây che phủ Nhà Tạm bốc lên di
chuyển, thì dân Israel nhổ trại lên đường (x Xh 40,34-38).
Vậy chúng ta
sau khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy, được thoát nô lệ satan, thoát tội lỗi, chúng ta
hãy để Lời Chúa hướng dẫn trong mọi sinh hoạt cuộc sống. Có thế, chúng ta mới
tiến vào Thiên Đàng, được sống dồi dào hạnh phúc hơn miền đất chảy sữa và mật
mà Chúa đã hứa cho dân Do Thái.
II. PHẢI GIÀU CÓ NHƯ ĐỨC GIÊ-SU, NHƯNG TRỞ NÊN NGHÈO VÌ
HẠNH PHÚC ĐỒNG LOẠI.
Thánh sử
Mat-thêu muốn chúng ta chiêm niệm về lối sống của Gioan Bt để noi gương bắt
chước: “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt
lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.” (Mt 3,4: Tin
Mừng).
Ông Gioan là
con vị tư tế giàu sang trong thành Giê-ru-sa-lem. Thế mà khi ông thi hành sứ
mệnh giới thiệu Đấng Cứu Thế cho nhân loại, những nhu cầu ông dùng rất đơn giản:
mặc áo lông thú ; thực phẩm là mật ong rừng được làm bằng nước nho cô đặc, hoặc
là nhựa cây “tây hà liễu” (tamaris). Ông sống như thế mới có thể kêu gọi người
ta sám hối thể hiện bằng việc lành, như ông nói: “Ai có hai áo chia cho người không có một cái, kẻ có của ăn cũng hãy làm
như vậy” (Lc 3,8-11). Vì vậy, mà thánh Phao-lô muốn chúng ta bắt chước lối
sống của ông Gioan Bt là tiền thân Đức Giê-su: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em,
để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).
III. BIẾT SÁM HỐI TỘI XIN CHÚA THƯƠNG CỨU MỚI LÀM VINH
DANH CHÚA, CHỨ KHÔNG DỰA VÀO GIỐNG NÒI.
Thánh sử
Mattheu ghi nhận: Dân chúng đến thú tội với ông Gioan, xin ông làm phép rửa ; trái
lại nhiều người thuộc nhóm Biệt phái và bè
Sadoc cũng đến xin nhận phép rửa của ông Gioan thì bị mắng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách
trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả
để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có
tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho
những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.” (Mt 3,6-9: Tin Mừng). Lý
do ông Gioan bt mắng Biệt phái, vì tinh thần sống đạo của họ thua những kẻ thu
thuế và những cô gái điếm, đúng như Lời Đức Giê-su đã khiển trách họ: “Ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho
các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái
điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận
mà tin ông ấy." (Mt 21,32).
Đừng cậy thuộc
dòng giống tổ phụ Abraham, vì Đức Giê-su đã lên tiếng khiển trách “nhiều người Do Thái (dòng giống Abraham) không tin vào Ngài: “Họ không làm việc của tổ phụ Abraham đã đón
ba người khách (Chúa Ba Ngôi) vào nhà
phục vụ (x St 18), nhất là tổ phụ
Abraham ngoan ngoãn làm theo Lời Chúa dạy: “Sát tế con duy nhất dâng cho Chúa” (x
St 22) còn các ngươi thì chống đối Lời Ta
dạy, lại tìm giết Ta nên cha các ngươi là satan” (Ga 8,39-44).
Vậy chúng ta
đừng tự phụ mình là người đạo gốc, đạo dòng, cũng đừng tự hào là con cháu các
thánh Tử Đạo, hoặc đừng vênh vang có cha bác làm Giám mục, làm Linh mục, để rồi
không sám hối tội và không muốn kết hợp với Chúa Giê-su Thánh Thể. Con người chỉ đáng vui mừng và
hãnh diện khi đã được liên kết với Chúa Giê-su là Cây Nho tuyệt vời để sinh
trái ngon ngọt là các việc lành trong Thiên Chúa (x Ga 15,1-8 ; Cv 5,39).
Bởi đó lời răn
đe của ông Gioan Bt: “Cái rìu đã đặt sát
gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”
(Mt 3,10: Tin Mừng), không phải ông Gioan Bt chỉ nhắm cấm ta làm điều trái
lương tâm, cũng không chỉ nhằm động viên ta sống đúng nhân bản đạo làm người, nhưng
nhắm đến điều rất cần
thiết là đòi buộc mọi người phải nên một trong Chúa Giê-su Phục Sinh, nhờ nghe và
thực thi lời giáo huấn của Hội Thánh cũng như lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt
là Bí tích Khai Tâm, để sinh trái tốt lành làm vinh hiển Chúa, như Đức Giê-su
nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai
ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa
trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy,
thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào
lửa cho nó cháy đi.Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại
trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa
Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”
(Ga 15,5-8).
IV. ĐƯỢC THANH TẨY NHỜ CHÚA GIÊSU PHỤC SINH.
Ông Gioan Bt
nói: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh
trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn
tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong
Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11: Tin Mừng)
Như thế phép
rửa ông Gioan Bt làm cho người Do Thái hay dân ngoại đến xin ông, chỉ có giá
trị biểu lộ lòng sám hối, chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế, chứ không thanh tẩy được
tội ai ; nhưng đối với Đức Giê-su, Ngài muốn ông Gioan làm phép rửa cho Ngài,
nhằm hai mục đích: để Ngài thông ban cho
nước tự nhiên, chuyển tải ơn thanh tẩy tội lỗi cho những người lãnh nhận Bí
tích, và để họ được tháp vào thân mình Chúa Giê-su Phục Sinh hầu trở nên chi
thể của Ngài. Ơn này Chúa ban nhờ “Thánh Thần và Lửa” :
-
Thánh Thần là Lời Đức Giê-su (x Ga 6,63).
-
Lửa là Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai
(x Dt 12,29).
Vậy ta được ơn
tái sinh khởi đi nhờ Lời Chúa (x Gc 1,18) và được thanh tẩy cũng bởi Lời Chúa (x
Ga 15,3) ; thế rồi suốt đời ta còn được tiếp tục sinh lại, được thanh tẩy bởi
Chúa Giê-su Phục Sinh qua Bí tích Thánh Thể (x Cv 2,38). Có thế ta mới trở nên
“thóc mẩy” được thu vào kho Nước Thiên Chúa ; bằng không ta chỉ là “thóc lép” bị
tung vào lửa không hề tắt mà đốt đi vào lúc ta lìa cõi thế hoặc vào ngày cánh
chung (x Mt 3,12: Tin Mừng).
Thánh Phao-lô
muốn mọi Ki-tô hữu phải trở thành “thóc mẩy” nhờ Lời Kinh Thánh dạy dỗ. Ông nói: “Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được
chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy
làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng
trông cậy. Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ
có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô,
Chúa chúng ta. Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức
Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15,4-7: Bài
đọc II).
Vì khi ta lãnh
nhận Bí tích Thánh Tẩy, “là ta được mai
táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Đức Ki-tô, nhờ bởi vinh quang
của Chúa Cha, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi
trong đời sống mới” (Rm 6,4). Và có như thế, ta mới được Chúa ban tràn đầy
Thánh Thần, để Ngài giúp ta sống hòa hợp với người lành cũng như kẻ dữ trong
ngày Thiên Chúa ra tay cứu độ, khởi đi từ mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể, cho ta được nên
một trong Chúa Giê-su, như ngôn sứ Isaia đã loan báo về thân thế của Đức Giê-su
Cứu Thế: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một
nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non (tức là Chúa Giê-su thuộc
dòng Đavid, mà Đavid là con út của ông Tổ Gie-sê). Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: Thần Khí khôn ngoan và minh
mẫn, Thần Khí mưu lược và dũng mãnh, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. Lời
Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian
tà. Đai thắt ngang lưng là đức công
chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành.
Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non
được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng
nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò.
Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc
tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh
của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy
lòng biển” (Is 11,1-2.4b-9: Bài đọc I). Có nghĩa là: nhờ Chúa Giê-su
ban Thánh Thần cho chúng ta, Ngài giúp
chúng ta sống hòa hợp với hết mọi loại người, người lành cũng như kẻ ác.
Ta có sống hòa
hợp với mọi loại người, thì mới thể hiện “Triều
đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời” (Tv
72/71,7: Đáp ca).
Vậy “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để
Người đi, hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4.6
:Tung Hô Tin Mừng).
Đức Hồng y
Nguyễn Văn Thuận trong 9 năm bị biệt giam, đảng cộng sản đã cho một đảng viên có
uy tín canh giữ ngài, vì họ sợ rằng nếu để một người ở lâu bên ông Thuận, sẽ bị
đầu độc tư tưởng Ki-tô giáo, nên chỉ mấy ngày là phải thay người khác. Thế
nhưng, những người nào đến với ông Thuận lâu hay mau, đều bị cảm hóa qua cách
sống của ngài, đến nỗi những cán bộ còn thuộc những bài thánh ca bằng tiếng
La-Tinh do ngài dạy. Lãnh đạo nhà giam thấy thế không cho thay người canh giữ
ngài nữa, vì thà mất một cán bộ theo ông Thuận, còn hơn mất nhiều người!
THUỘC LÒNG
Anh em hãy chấp nhận
nhau như Đức Ki-tô đã chấp nhận anh em (Rm 15,7).