BÀI GIẢNG
TINH THẦN SỐNG LUẬT TRONG CHÚA GIÊSU
Ông
Môsê đã nói trước mặt toàn dân về giá trị Lề Luật Chúa ban để ông trao lại cho
dân tuân giữ, ai giữ Luật này, thì chiếm hữu được gia sản trong miền đất chảy
sữa và mật (x Xh 3,8), và trở nên những
người khôn ngoan, thông minh, đến nỗi dân ngoại tấm tắc khen ngợi : “Chỉ
có dân tộc này mới thực là dân khôn ngoan và thông minh. Bởi vì trên hoàn vũ
này không có thần minh nào ở với ai, trừ có dân Israel được Thiên Chúa ở gần,
để mỗi khi chúng ta kêu cầu Người được Người nhận lời. Chính vì vậy mà ông Môsê
kêu gọi toàn dân phải ý tứ cẩn thận giữ mình đừng quên những điều Luật dạy, và
phải dạy cho con cháu biết” (Dnl 4,1.5-9 : Bài đọc).
Nhưng
Đức Giêsu còn đòi hỏi những ai theo Ngài phải có tinh thần yêu mến, tin tưởng
giữ Lề Luật Ngài đã làm hoàn hảo, hơn tinh thần của dân Do Thái triệt để tuân
thủ thi hành Luật Môsê, vì :
-
Đức Giêsu là Chủ Lề
Luật.
-
Phải giữ Luật Đức Giêsu
với tinh thần yêu mến và xác tín, Luật của Ngài ban là Luật trọn hảo.
I. ĐỨC GIÊSU LÀ CHỦ LỀ LUẬT.
Chỉ
có Ngài mới có quyền thay đổi và làm cho hoàn hảo Lề Luật Chúa đã ban cho Israel. Ngài nói
: “Con Người là Chúa ngày Hưu lễ” (Mt
12,8). Thực vậy, “chỉ có Thiên Chúa, Đấng
lập Luật và là Thẩm Phán, Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt” (Gc 4,12a).
Bởi
vậy Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Anh
em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê và lời các ngôn sứ ; Thầy đến không
phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Đan cử :
1/ Luật Môsê dạy : không được giết người, ai vi phạm thì bị can án ; còn Đức Giêsu dạy : phải loại trừ nguyên nhân giết người. Nguyên nhân đưa đến giết
người là tức giận anh em, nên không được mắng ai là đồ ngốc, đồ khùng (x Mt
5,21-22). Quả thực, chính Đức Giêsu bị giết chết bởi những kẻ tức giận với
Ngài, vì Ngài đánh đuổi bọn buôn bán ra khỏi Đền Thờ (x Ga 2,13t) ; Ngài trút 8
lời chúc dữ xuống giới Biệt phái và Luật sĩ (x Mt 23)… Nhưng chỉ sau ba ngày
Ngài bị giết, Ngài đã chỗi dậy từ cõi chết, lúc ấy Ngài mới làm hoàn hảo Lề Luật, đem lại ơn cứu độ muôn đời cho
những ai đến tham dự Hy Tế của Ngài. Vì thế khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá
là lúc Ngài dâng Lễ, Ngài tuyên bố : “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30).
2/ Luật Môsê cấm ngoại tình ; nhưng Đức Giêsu cấm nguyên nhân gây ra ngoại tình,
như không được nhìn người nữ để thỏa lòng dục, nếu mắt nên cớ vấp phạm thì móc
đi, tay nên làm dịp vấp ngã thì chặt đi. Nghĩa là phải quyết liệt loại trừ
nguyên nhân gây ra ngoại tình (x Mt 5,27-30). Chính vua Đavid vì không giữ gìn
con mắt, ông nhìn Batsêva, vợ của tướng Uria đang tắm, lòng dục của vua nổi
lên, và ông đã cưỡng ép bà Batsêva, vợ Uria ngoại tình với ông. Thâm độc hơn
vua còn lập mưu giết Uria để đoạt vợ ông (x 2Sm 11,2t).
3/ Luật Môsê dễ dàng cho phép ly hôn, đó chỉ
vì lòng dân lỳ lợm mà ông Môsê miễn cưỡng cho phép (x Mt 19,8). Nhưng Đức Giêsu cấm hẳn ly dị hoặc đa thê,
Ngài nhắc lại thuở ban đầu Thiên Chúa chỉ thiết lập đơn hôn, một vợ một chồng và
bất khả phân ly (x Mt 5,31-32). Vì mục đích hôn nhân ngoài Kitô giáo chỉ nhằm
giúp đỡ, bổ túc cho nhau và sinh con cái nối dòng ; còn mục đích chính của Hôn
nhân Kitô giáo là để diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh Chúa Kitô lữ hành : Chồng là hiện thân Chúa Kitô, vợ là
hình ảnh Hội Thánh, những người được Chúa Kitô cứu độ (x Ep 5,21t).
4/ Luật Môsê cấm bội thề, nhưng phải giữ
trọn lời thề với Chúa ; còn Đức Giêsu
dạy : thề thốt không có nghĩa là trung tín, trung thực, mà phải sống “có” thì
nói “có”, “không” thì nói “không”,
phát xuất tự đáy lòng trung thực của mình, nói thêm nói bớt là do ma quỷ (x Mt
5,33-37).
Kìa
ông Phêrô thề với Thầy : “Dầu tất cả có
vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây chẳng bao giờ vấp ngã”. Ông Phêrô lại
còn thề : “Dầu có phải chết với Thầy, con
không bao giờ chối Thầy”. Các Tông Đồ khác cũng nói như vậy. thế mà lúc
Thầy bị bắt, các ông chạy trốn hết, còn ông Phêrô thì chối Thầy ba lần! (x Mt
26,33-35.56.70-75).
5/ Luật Môsê cho phép báo thù dựa trên Luật
công bằng : mắt thế mắt, răng thay răng ; nhưng Đức Giêsu đòi người ta sống hoàn hảo như Cha trên trời là vượt trên
công bằng : lấy lành báo ác, lấy ơn đền oán (x Mt 5,38-42). Thế mà ông
Gioan tự hào là “người Chúa yêu” khi
thấy dân miền Samari không đón tiếp Thầy trò các ông, nên ông đã thưa với Thầy
xin lửa trời xuống thiêu rụi hết bọn này, Đức Giêsu lên tiếng ngăn cản (x Lc
9,51-56).
6/ Luật Môsê dạy chỉ yêu thân nhân, tức là
yêu người yêu mình, hoặc yêu đồng chủng hơn người ngoại giáo ; còn Đức Giêsu đòi người ta yêu một cách quảng
đại, bao dung, không phân biệt lương giáo hay bạn thù. Có thế mới trở nên giống Thiên Chúa : “Ngài làm cho mặt trời mọc lên trên người
công chính cũng như kẻ dữ,và làm mưa trên người ngay cũng như kẻ ác. Nếu chỉ yêu mến người yêu mình, thì chẳng
hơn gì dân ngoại, chẳng hơn gì những kẻ tội lỗi. Bởi vì ai thuộc về Đức Giê-su,
phải sống hoàn hảo như Cha trên trời” (Mt 5,43-48). Thế mà ông Phêrô khi
thấy Thầy bị bắt, ông vung kiếm chắt đứt tai đầy tớ vị thượng tế, Đức Giêsu lên
tiếng ngăn cản và Ngài chữa lành tai người ấy (x Ga 18,10-11).
7/ Về Luật Phụng Vụ ngày thứ bảy : Người
Do Thái bất mãn với Đức Giêsu, vì Ngài đã làm việc trong ngày thứ bảy, là vi
phạm Luật Thánh. Đến nỗi “sau sáu năm cày
cấy thì năm thứ bảy là năm sabbat, đất đai còn cho nghỉ ngơi không ai canh tác”
(x Lv 25,2-5). Thế mà đã sáu lần (trong tổng số 33 phép lạ của bốn Tin Mừng) Đức
Giêsu cố ý chữa lành nhiều bệnh nhân đến với Ngài:
-
Ngài chữa lành cho
người có tay khô bại (x Mt 12,9).
-
Ngài chữa lành cho bà
bị còng lưng được đứng thẳng (x Lc 13,10).
-
Ngài chữa lành cho
người mắc bệnh phù thũng (x Lc 14,1).
-
Ngài chữa lành cho
người bất toại nằm bên bờ hồ có năm dãy hành lang (x Ga 5,1t).
-
Ngài hóa bánh ra nhiều
nuôi đoàn lũ dân ăn no nê (x Ga 6,4).
-
Ngài chữa lành cho
người mù từ thuở mới sinh (x Ga 9,16).
Đức Giêsu có ý làm việc vào ngày Hưu lễ, vì Luật này
thuộc Luật Phụng Vụ, mà giá trị Luật Phụng Vụ Do Thái chỉ được hoàn hảo nhờ mầu
nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu mà thôi. Vì thế Hiến Chế Mạc Khải số 16,
Hội Thánh dạy: “Giá trị Cựu Ước được thể hiện trong Tân Ước ; giá trị Tân Ước đã tiềm
ẩn trong Cựu Ước”. Do đó giá trị hy tế dâng chiên cừu phải được thể
hiện trong Tân Ước là dâng “Con Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29), mới
thực là của lễ Chúa Cha ưng nhận. Thế mà khi ông Phaolô sau bài giảng đã chữa
lành cho một người què từ thuở mới sinh tại Litra, có nhiều người tưởng ông
Barnaba là thần Dớt, ông Phaolô là thần Hermê, và họ đã đem bò, vòng hoa đến tế
lễ các ông! Ông Phaolô phải cố gắng ngăn cản, thì những người Do Thái từ
Antiôkia và Ikôniô đến thuyết phục đám đông, ném đá ông Phaolô, họ tưởng ông đã
chết nên lôi xác ông vứt ngoài thành (x
Cv 14,8t).
8/ Đức Giêsu còn trao cho Hội Thánh quyền sửa đổi Luật Môsê, vì Ngài
hứa ban Thánh Thần cho Hội Thánh, để Thánh Thần dẫn Hội Thánh dần dần đến Chân
Lý vẹn toàn (x Ga 16,12-13), thế nên Hội Thánh có quyền sửa đổi và canh tân
Luật Phụng Vụ. Đan cử :
a- Luật Môsê đòi buộc những ai muốn
thuộc dòng giống Do Thái phải chịu phép cắt bì, thì chính Chúa
Giêsu đã hướng dẫn ông Phêrô bỏ Luật cắt bì. Vì thế ông Phêrô nói : “Thánh Thần và chúng tôi quyết định từ nay
không đặt trên dân ngoại ách Lề Luật của cha ông chúng ta nữa, chỉ cần họ tin
lời rao giảng của chúng ta là ban Thánh Tẩy cho họ” (x Cv 9,10t ; 15,28).
b-
Hội
Thánh cũng đã cho phép dùng ảnh tượng để tôn kính, dù trong thời
Cựu Ước, Thiên Chúa không cho phép người ta tạc ảnh tượng,vẽ hình bất cứ
vật gì ở trên trời cao hay dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất
để mà thờ (x Xh 20,4).
Lý do Chúa cấm đúc, tạc vẽ ảnh tượng là để phân biệt
Do Thái giáo với các tôn giáo khác, vì các tôn giáo khác đặt nhiều ngẫu tượng
trong đền thờ, họa theo các vật trong vũ trụ (x Kn 13), khác với đền thờ
Giêrusalem chỉ đặt hai bia đá ghi Mười Điều Răn Chúa đã trao cho ông Môsê.
Tuy nhiên ngôn sứ Isaia vào Đền Thờ thấy hình hai
thiên thần được tạc để chầu hầu trước Hòm Bia Thiên Chúa (x Is 6,2) ; và có lần
Chúa lại bảo ông Môsê đúc con rắn đồng treo lên cột cây, để ai bị rắn cắn, mà
nhìn lên con rắn đồng đó, thì thoát chết! (x Ds 21, 4t). Không phải tự con rắn
đồng có phép mầu cứu người ta thoát chết vì rắn cắn, nhưng đó là dấu chỉ dân
phải tin vào Thiên Chúa khi nhìn lên rắn đồng, để được Chúa cứu ; Thế thì chúng
ta nhìn lên ảnh tượng Chúa Giêsu và các Thánh với lòng tin tưởng, trông cậy nơi
Chúa, và xin các Thánh bầu cử, chắc chắn chúng ta còn được nhiều ơn hơn những
người Do Thái xưa.
Thánh Gioan Tông Đồ còn nói : “Điều vẫn có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã từng nghe, điều chúng
tôi đã từng thấy tận mắt, điều chúng tôi đã được chiêm ngưỡng,và tay chúng tôi
đã được chạm đến, đó là Lời sự sống” (Ga 1,1). Lời đã trở thành xương thịt
để ai kết hợp với Ngài, thì lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x Ga 1,1-16).
Ta biết rằng có ba cách loan báo chân lý :
- Bằng lời
nói.
- Bằng chữ
viết.
- Bằng hình
ảnh.
Thì nghệ nhân khi tạc ảnh tượng phải làm toát ra sự
thánh thiện, nhất là qua ảnh tượng đó diễn tả càng rõ, càng nhiều điểm giáo lý,
thì càng đạt, mà lời nói cũng chữ viết không diễn tả được.
Việc sắp đặt ảnh tượng để tôn kính phải giữ đúng Quy
Luật Hội Thánh chỉ dạy : “Không được đặt
hai hình của một vị trong một nơi tôn kính” (x Hiến Chế Phụng Vụ số 125 và
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma số 278).
Cụ thể : nếu đã đặt tượng Mẹ Hằng Cứu Giúp, thì không
đặt thêm tượng Mẹ Fatima, tượng Mẹ Lộ Đức …
II. PHẢI GIỮ LUẬT ĐỨC GIÊSU VỚI TINH THẦN YÊU MẾN VÀ XÁC
TÍN, LUẬT CỦA NGÀI BAN LÀ LUẬT TRỌN HẢO.
Vì
Đức Giê-su đến làm hoàn hảo Luật Mô-sê như trên, nên ta phải biết quý trọng
Luật này hơn người Do Thái yêu mến và tuân giữ Luật Mô-sê. Đức Giê-su nói : “Dù một chấm một phết trong Lề Luật Mô-sê Ta
đã làm hoàn hảo, thì không được bãi bỏ.
Ai bãi bỏ, dù là chỉ một trong những điều răn nhỏ ấy và dạy người khác làm như
thế, thì bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời,còn ai tuân hành và dạy người
khác làm như thế, thì được gọi là người cao cả trong Nước Trời” (Mt 5,18-19
: Tin Mừng).
Đan
cử : Luật Hội Thánh không buộc giáo dân dự Lễ ngày thường, cũng không buộc ai
sau khi đã lãnh Bí tích Khai tâm hay Hôn Phối tiếp tục đi học giáo lý. Nhưng
nếu tất cả mọi người Công Giáo dự Lễ hằng ngày, chuyên cần học giáo lý, để biểu
lộ lòng yêu mến và triệt để giữ Lề Luật Chúa, không phân biệt Luật trọng Luật
hèn ; không phân biệt tội trọng tội nhẹ, bởi tin rằng “Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống. Chúa có những Lời đem lại sự sống
đời đời” (Ga 6,63c.68c : Tung Hô Tin Mừng), thì quả thực Hội Thánh Chúa
phát triển rất nhanh, và người Công Giáo như thế đúng là ánh sáng, là muối cho
đời (x Mt 5,13-16). Vì lòng người Công Giáo hằng hướng về khát vọng, “nên hoàn hảo như Cha trên trời” (Mt
5,48). Thì chắc chắn sẽ được Chúa chăm sóc, giữ gìn, như lời Kinh Thánh nói : “Then
cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc
thi ân” (Tv 148/147,13).
Vậy
“Giêrusalem hỡi (dân Chúa chọn), nào hãy tôn vinh Chúa” (Tv 148/147,12a : Đáp
ca).
Tin đài
Chân Lý Á Châu loan đi khắp thế giới sáng ngày 16-08-2000 :
“Văn phòng Nghiên Cứu Hiện Tượng của Hoa Kỳ về Đời
Sống Hôn Nhân, kết quả được Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách về Gia Đình trích dẫn
trong tài liệu có tựa đề “Bí tích Hôn Phối” xuất bản năm 1989 như sau :
-
Trong 100 gia
đình không có đạo, thì 50 % gia đình ly dị.
-
Trong 100 gia
đình Công Giáo, chỉ đi dự Lễ Chúa nhật, ly dị xuống thấp chỉ còn 10%.
-
Trong 100 gia
đình Công Giáo, đi dự Lễ hằng ngày, và có giờ cầu nguyện riêng, chỉ còn 1% ly
dị.
Vậy gia đình hoặc bất cứ cộng đoàn nào muốn có bình
an hạnh phúc, phải năng dự Lễ và có giờ cầu nguyện chung với nhau.
THUỘC LÒNG
Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều
răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất
trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn
trong Nước Trời. (Mt 5,19).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH