BÀI GIẢNG
CANH TÂN
ĐỜI SỐNG
PHẢI KHỞI ĐI TỪ VỊ THỦ LÃNH
Đọc
dụ ngôn người con hoang đàng của tác giả Luca, ai cũng hiểu ngay rằng Đức Giêsu
tha thiết kêu gọi mọi người phải canh tân đời sống Đức Tin, Đức Ái, mới thực là
trở về với Chúa. Muốn thực hiện được mục đích này, ta phải tìm hiểu :
-
Nguyên nhân nào đẩy con
người vào con đường tội lỗi ?
-
Con thứ hay con cả, ai
làm khổ cha nhiều ?
-
Nhìn vào Hội Thánh hôm
nay: Ai là đứa con hoang đường, con thứ hay con cả?
I. NGUYÊN NHÂN NÀO ĐẨY CON NGƯỜI VÀO CON ĐƯỜNG TỘI LỖI
?
Nguyên
nhân người ta đắm chìm trong vũng lầy tội lỗi là do lạm dụng tự do Chúa ban, mà
nếu Chúa không để cho người ta được tự do, thì không ai có hạnh phúc. Vì thế Chúa
không cho phép cha mẹ ép con cái lập gia đình theo ý mình, mà chỉ có quyền
hướng dẫn, còn quyết định là quyền của người con.
Adam,Eva Chúa để cho có tự do chọn ý Chúa hay ý
Satan? Tiếc rằng ông bà đã lạm dụng tự do chọn làm theo lời Satan đề nghị, thế
là làm mất hết ơn Chúa. Kinh Thánh diễn tả cả hai ông bà trần truồng, quá xấu
hổ nên dùng lá che thân (x St 3,7). Bởi thế Thánh Công Đồng Vat.II, trong Hiến
Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 17 dạy : “Tự do của con người bị tội lỗi làm tổn
thương, nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện việc hướng về Thiên
Chúa cách hoàn toàn sống động” .
Quả
thật, ai thiếu ơn Chúa trợ lực thì không thể có khả năng phân biệt tốt – xấu,
đúng - sai? Và cả khi đã điều đúng muốn làm, lại không làm, con người hoàn toàn
bất lực! Đến như ông Phaolô là thầy dạy chân lý, khi Chúa chưa ra tay giúp ông,
ông cũng phải rên lên : “Điều tốt tôi muốn
tôi không làm, tôi lại cứ làm điều tôi ghét” (x Rm 7,18-19) ; hoặc người ta
lý luận : Chúa là Chúa, tôi là người, sao tôi giống Chúa được ? Chúa nói thì
biết vậy.
Ông
Voltaire, một nhà triết học nổi tiếng đã lạm dụng quyền tự do Chúa ban để chối
Chúa và xúi người khác bắt chước ông qua câu chuyện ông tự dựng nên :
Thần
Jupiter tự phong mình là Đấng tạo dựng vũ trụ. Ngày kia ông chàng Ores đến
trình diện và tra hỏi :
- Này Ores, ngươi có
biết Ta là ai không?
Ores khinh khỉnh nói :
- Ông định nói ông là
Chúa của tôi chứ gì? Tôi nói cho ông hay : ông là Chúa của ai mặc ông. Nhưng
tôi cấm ông không được tự tôn mình là Chúa của tôi!
Thần Jupiter thịnh nộ quát :
-
Tên khốn kiếp kia, Ta không phải là Chúa của
ngươi, thì ai đã dựng nên ngươi!?
Ores
cười sặc sụa và lạnh lùng đáp :
- Ừ, thì cứ tạm cho là ông đã dựng nên tôi vậy.
Nhưng ông ngu lắm không! Ông dựng nên tôi mà sơ hở để cho tôi có tự do. Vì thế tôi
được tự do chối ông : Ông không phải là Chúa của tôi!?
Vậy ai không biết dùng quyền tự do để “nhận biết Thiên Chúa, thì tự bản chất nó là
đứa ngu đần” (x Kn 13,1), và kẻ nào “không yêu mến Thiên Chúa, nó là đồ khốn kiếp”
(1Cr 16,22 – Bản dịch CGKPV). Do đó “ai
không đếm xỉa đến việc nhận biết Thiên Chúa, Ngài để cho trí não nó ngông cuồng
làm điều bất xứng” (Rm 1,28). Bởi đó muốn thanh tẩy tội mình, chỉ có cách
là kết hợp với Chúa Giêsu, đi chung đường phục vụ với Ngài (x 1Ga 2,6). Đó mới
thực là Đức Ái, và nhờ Đức Ái, tội lỗi ta được phủ lấp (x 1Pr 4,8).
Chúa đã ban tự do cho con người thì không bao giờ
Ngài rút lại, dù Ngài biết ta chọn lầm, Ngài cũng không cưỡng bách ta phải chọn
điều và thi hành điều đúng. Đan cử như môn đệ Giuđa phản Thầy, nhiều lần Thầy
khuyên hắn bỏ ý định nộp Thầy, nhưng rồi Ngài cũng để cho hắn tự do hành động
theo ý riêng, chỉ vì chọn 30$ hơn mạng sống Thầy! Trừ khi ta biết cầu nguyện với Ngài. Do đó ông
Phaolô đã ba lần xin Chúa rút cái dằm khỏi ông, đừng để satan đâm vào thân xác
(ông ở trong tình trạng tội lỗi), nhưng Chúa bảo : “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì quyền năng của Ta chỉ biểu lộ trọn vẹn trong sự
yếu đuối” (x 2Cr 12,7-10). Ông Phaolô hiểu được mầu nhiệm sự dữ như thế,
nên ông nói : “Thiên Chúa đã dồn mọi
người vào hàng bất tuân, ngõ hầu Ngài dủ lòng thương hết mọi người” (Rm
11,32).
II. CON THỨ HAY CON CẢ LÀM KHỔ CHA NHIỀU ?
Đọc
kỹ Tin Mừng, ta mới khám phá ra rằng chính
con cả làm khổ cha nhiều, hắn mới là đứa con hoang đàng. Thực vậy
1/
Con thứ xa bỏ nhà cha ra đi chỉ làm cho cha NHỚ (x Lc 15,13).
Con
cả ở trong nhà với cha lại làm cho cha BỰC
(x Lc 15,29t).
Nhớ
thì thương, còn bực là tức !
2/ Con
thứ chỉ PHÁ TÁN 1/3 GIA TÀI của cha
chia cho và muốn trở về phục vụ như nô lệ trong nhà (x Dnl 21,17 ; Lc 15,12-19).
Con
cả PHÁ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH, hắn
đòi đuổi em ra khỏi nhà (x Lc 15,25-28).
Con cả làm mất sự đoàn tụ êm ấm của gia đình,
thì người cha khổ hơn con thứ làm mất của cải !
3/
Con thứ làm cho cha NHỚ, vì Ở XA CHA, nó là giặc xa nhà (x Lc 15,13).
Con cả làm cho CHA BỰC NGAY TRƯỚC MẶT CHA, nó là kẻ nội thù (x Lc 15,25t).
Bực quá có khi phải thốt lên : “Thà nó đi cho khuất mắt tôi!”
4/
Con thứ trở về dù chưa được nghe CHA
KHUYÊN RĂN (x Lc 15,17).
Con
cả không chịu vào nhà dù CHA HẾT LỜI
KHUYÊN NHỦ (x Lc 15,25t).
Cha
nói con không nghe! Ranh (Satan) nói lại nghe!
5/ Con
thứ bỏ nhà đi sống trác táng, mà LƯƠNG
TÂM CÒN BIẾT CẮN RỨT VÌ ĐÃ XÚC PHẠM
ĐẾN TRỜI VÀ ĐẾN CHA (x Lc 15,21).
Con
cả ở trong nhà đã được cha nói với con “mọi sự của cha đều là của con”, thế mà nó lại kết án cha là người keo kiệt, coi
nó như tôi tớ, không cho nó một dê con để đãi bạn bè. Nói láo như thế mà LƯƠNG TÂM KHÔNG CẮN RỨT! (x Lc
15,29-31).
Kẻ
vô ơn còn thua con chó nuôi trong nhà!
Quả thực con cả làm đau lòng cha hơn con thứ. Vì con thứ đã sống lời ngôn
sứ Baruk kêu gọi : “Xưa kia anh em lạc xa
sự thật, nay trở về, anh em hãy nhiệt thành gấp mười lần mà tìm kiếm Chúa”
(Br 4,28). Con thứ đã trở thành mẫu người được Chúa cứu độ qua dấu chỉ : Người
cha lấy áo đẹp mặc cho con, xỏ giày mới vào chân con, rồi mở tiệc ăn mừng. Đó
là DẤU CON ĐƯỢC GIAO HÒA VỚI CHA, lại
được cất nhắc lên địa vị ngang hàng với cha, vì được cha xỏ nhẫn cho con, làm
cho mọi người nhớ đến vua Pharaon cho ông Giuse ra khỏi tù và cất nhắc ông làm
tể tướng Ai Cập, thay quyền vua, thì vua đã xỏ nhẫn cho ông Giuse (x St 41.42).
Vì cha đã tha thứ mọi tội con đã phạm, như lời ngôn sứ Mikha cầu khẩn : “Lạy Chúa, xin Ngài dùng gậy chăn dắt dân là
đoàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài. Ngài dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập, vì không thần
minh nào sánh được với Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho
phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài?Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng
lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà
đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người quăng tùm xuống đáy biển”(Mk
7,14-15.18-20 : Bài đọc).
III. NHÌN VÀO HỘI THÁNH HÔM NAY : AI LÀ ĐỨA CON HOANG
ĐƯỜNG, CON THỨ HAY CON CẢ ?
Dựa
vào các điều so sánh giữa con thứ và con cả trên đây, khi nhìn vào đời sống Hội
Thánh hôm nay, ta có quyền xác quyết:
1- Người đời nhìn con thứ là bọn đĩ điếm tội lỗi.
Chúa nhìn con cả là người hằng phục vụ trong Nhà Chúa. Thực vậy,
Đức Giêsu đã nặng lời kết án loại người này : “Ta bảo các ngươi : đĩ điếm qua mặt các ngươi vào Nước Thiên Chúa”
(Mt 21,31).
2- Người đời nhìn con thứ là dân ngoại giáo.
Chúa nhìn con cả là người Công Giáo. Dụ ngôn tiệc vua dọn sẵn, những người đã
được mời trước (người có Đạo) chối từ, thì vua lại sai đầy tớ dìu kéo những
người tàn tật, đui mù (dân ngoại) vào dự tiệc (x Lc 14,15t).
3- Người đời
nhìn con thứ là giáo dân.
Chúa nhìn con cả là giáo sĩ. Thực vậy, lần I, Đức Giêsu loan báo khổ nạn, Ngài cho biết
thủ phạm chủ mưu giết Ngài, đó là các niên trưởng, tư tế và ký lục (x Mt
16,21).
Vì thế thánh Phaolô nhắc nhở
: “Ai
tưởng mình đứng vững hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12). Và ông tự nhủ
: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục
tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr
9,27).
Vậy Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu
kêu gọi mọi loại người phải trở về để canh
tân đời sống Đức Tin và lòng Mến của mình đối với Chúa và đồng loại, khởi đi từ
những người đang phục vụ Nhà Thờ, khởi đi từ những người Công Giáo, và nhất là
khởi đi từ hàng giáo sĩ phải noi gương ông Phaolô trở về, chứ đừng nhìn người
khác mà khinh dể, mà than trách, mà kêu gọi ... Mẫu người trở về phải nói được như Tông Đồ Phaolô : “Đức
Giêsu đến trần gian để cứu những người tội lỗi, trong số đó tôi là người thứ
nhất” (1Tm 1,15).
Có hai mãnh lực thúc đẩy con
thứ trở về :
-
Tiêu cực : Vì nó
quá đói khổ, nhục đến nỗi đi chăn heo, tức là làm nô lệ cho quỷ thần, cả cám
heo cũng không được ăn!
-
Tích cực : Con
thứ nhớ đến hình ảnh cha là người rất nhân hậu, đã đối xử tốt với những nô lệ trong nhà có dư thừa bánh ăn
(xLc 15,17). Đó là mãnh lực mạnh nhất thúc đẩy con thứ trở về với cha, chứ nếu
nó nhớ đến người cha là kẻ gian ác, chắc chắn nó muốn chết bờ chết bụi hơn là
về sống chung trong “hỏa ngục gia đình”. Nhìn vào xã hội, bọn đĩ điếm trộm cắp
còn biết sợ pháp luật trị nó, nhưng với các “đấng” làm bậy, sống ác, không ai
dám động đến. Kẻ nào xúc phạm đến bị kết án là “động đến con mắt Đức Chúa Trời”, hoặc đứa nào dám chống lại “cụ”, nó
là tên kiêu ngạo, thiếu đức vâng lời. Thế nên các “đấng”, các “cụ” không bao
giờ biết sợ, thì gian ác càng gia tăng! Bởi thế mỗi mùa Chay đến, các thủ lãnh
trong Hội Thánh, từ Giám mục, Linh mục đến bậc làm cha mẹ phải xét xem có phải
tại mình sống khắt khe, hung bạo với mọi người mà đẩy xa người dưới quyền vào
con đường tội lỗi không?! Chỉ những ai có tâm tư như Đức Giêsu (x Pl 2,5) mới nhận
ra Chúa là Đấng nhân hậu và giàu lòng xót thương (x Ep 2,4), mà bắt chước người
con thứ : “Tôi sẽ chỗi dậy, trở về với
cha tôi và thưa người rằng : “Thưa
cha, con thật đắc tội với Trời và với cha” (Lc 15,18 : Tung Hô Tin Mừng),
để được dự tiệc Thánh Thể, tiệc này cao trọng hơn bê béo cha đãi con thứ trở
về, thì người ấy mới thực là “hương thơm
của Chúa Kitô dâng kính Thiên Chúa, xông ra giữa những người được cứu độ và
những kẻ bị hư mất” (2Cr 2,15). Nhưng nếu người ấy lìa xa Chúa Giêsu để băng mình vào con đường tội lỗi, thì chắc chắn
nó sẽ tồi tệ gấp bảy lần trước khi theo Đạo! (x Mt 12,43-45).
Chúng ta biết bức danh họa Tiệc Ly do ông Leonardo da
Vinci vẽ trên tường rộng lớn tại nhà cơm Tu viện Đaminh Đức Mẹ Giáng Ân, trong
thành Mila nước Ý, vào khoảng năm 1495. Ông Leonardo da Vinci kể lại lịch sử
khi ông quyết định vẽ bức họa này :
Tôi muốn thực hiện bức
họa Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, việc khó nhất của tôi là đi tìm một khuôn mặt
nào thật dễ mến, đầy nghị lực, nhất là toát ra sự thánh thiện để làm mẫu vẽ
Chúa Giêsu. Cuối cùng tôi đã tìm được một thanh niên tên là Pietri Bandielli!
Các Tông Đồ của Chúa Giêsu thì rất dễ đối với tôi, tôi cứ tưởng tượng thế nào
thì vẽ như vậy. Trừ có khuôn mặt của Giuđa, tôi chưa tìm được mẫu người để diễn
tả về một kẻ tham tiền, đểu cáng…! Tôi đi khắp nơi : vào các quán rượu, xuống
tận hầm mỏ, và phải mất một thời gian dài, cuối cùng thì tôi cũng chọn được một
người, gặp họ là tôi ưng ý ngay. Tôi liền ngỏ lời với anh ta : xin ngồi làm mẫu cho tôi vẽ… ! Đang khi vẽ, tôi chợt cảm
thấy anh này tôi đã nhìn ở đâu rồi, trông quen quen ! Tôi liền hỏi anh :
- Này anh, hình như tôi đã gặp anh ở đâu rồi
thì phải.
Người ấy đáp :
- Ông không nhớ tôi sao, cách đây khá lâu,
chính ông đã nhờ tôi làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu, tên tôi là Pietri Bandielli. Sau
ngày tôi gặp ông, tôi đã sa đà vào con đường trụy lạc, vì bị bạn bè lôi kéo,
giờ tôi sống rất khổ sở…!
Lúc đó nhà danh họa
nhớ lại Chúa Giêsu đã dạy :
“Khi thần ô uế xuất khỏi một người, nó đi tìm
chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói : “Ta sẽ trở về nhà ta nơi ta đã
bỏ ra đi,” khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước trang hoàng
hẳn hoi, nó liền đi kéo thêm 7 thần khác dữ tợn hơn nó, và chúng ở đó. Rốt cuộc
tình trạng người ấy lại tệ hơn trước!” (Mt 12,43-45).
Triết
gia Gioan Scotus Erigenus nói : “Đích
điểm ra đi phải là khởi điểm trở về, con người lạc mất Thiên Chúa là hình khổ
bậc nhất !” Vì “Chúa là Đấng nhân hậu
và từ bi” (Tv 103/102, 8a : Đáp ca).
Ngạn ngữ
Đức nói : “Ngã vào tội là người, nán lại
trong tội là quỷ”.
Thánh
Isaac Viện Phụ, Đan Viện Sao Mai nói : “Có
hai điều chỉ thích hợp với một mình Thiên Chúa, đó là vinh dự được nghe thú tội
và quyền tha thứ. Chúng ta phải thú tội với Người và trông được Người tha thứ
cho chúng ta. Nhưng Chúa Kitô chỉ muốn tha tội cho chúng ta qua Hội Thánh Ngài
thiết lập mà thôi”.
THUỘC LÒNG
Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 17 dạy : “Tự do
của con người bị tội lỗi làm tổn thương, nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể
thực hiện việc hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn sống động” .
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH