BÀI GIẢNG
YÊU LÀ CẦU
NGUYỆN CHO KẺ HẠI MÌNH
Vì
sứ mệnh của Ngôi Hai đến trần gian là làm kiện toàn Luật Môsê (x Mt 5,17). Cụ
thể Luật Môsê dạy : “Hãy yêu thân nhân và
ghét địch thù” (x Mt 5,43 = Lv 19,18). Ghét ở đây trong văn hóa của người
Do Thái thời ấy phải hiểu là không được yêu bằng. Đức Giêsu đòi ai cũng phải sống
hoàn hảo Luật Yêu người là yêu cả địch thù, nhưng phải ghét tội (x Mt 5,44). Mà
không có tội nào chu du ngoài đường mà ta gặp để phải ghét nó, vì tội gắn liền
với một người. Vậy yêu kẻ địch thù chỉ còn cách cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho nó
biết sám hối tội và chừa cải, nhờ được Chúa thanh tẩy, để được cứu độ. Trước
lỗi lầm của người khác, ta phải nhớ mình là người lính canh có trách nhiệm sửa
lỗi người anh em (x Ed 33,7-9). Mà “yêu hoa không có nghĩa là yêu cả con sâu nằm
trong bông hoa mà ta phải tìm cách diệt con sâu đó, dù có phải làm rụng phấn
hoa”.Thương giúp người như thế cần thiết và quan trọng hơn lúc ta biểu
lộ cử chỉ thân thiện thì chưa chắc nó đã đón nhận, tệ hơn nó tưởng ta sai lầm
muốn chuộc tội, khiến nó tự hào về đường lối gian ác của nó. Nhưng khi ta biết
cầu nguyện cho đối phương nên thánh (biết xa tránh tội lỗi), là ta được :
-
Giống Đức Giêsu trên thập giá đã cầu nguyện cho kẻ giết Ngài : “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm
không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).
-
Có yêu thương kẻ làm
hại ta như Đức Giêsu, thì mới được đồng
danh với Ngài là “Con Đấng Tối Cao”, cùng là con của Đức Trinh Nữ Maria (x
Lc 1,32 = Lc 6,35).
-
Ta xứng danh là con Cha trên trời, như Đức Giêsu dạy : “Anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì
Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho
mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.Vì nếu anh em yêu thương
kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế
cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh
em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy
anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt
5,45-48 : Tin Mừng).
Vậy chỉ khi nào ta sống ba điểm giáo lý trên đây, thì
mới có thể nói với mọi người : “Đây là
thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2b : Tung Hô
Tin Mừng).
Phó
tế Stêphanô biết cầu nguyện cho kẻ giết mình, nội dung lời cầu theo mẫu lời cầu
của Đức Giêsu trên thập giá : “Lạy Chúa
Giêsu xin đón nhận lấy hồn con. Lạy Chúa Giê-su xin đừng chấp tội họ” (Cv
7,60 = Lc 23,34). Hiệu quả lời cầu nguyện này đã biến “sói Saulo”, kẻ đã ôm áo
cho người ta dễ bề ném đá Stêphano đến chết, trở thành Tông Đồ Phao-lô xuất sắc
nhất, làm vinh hiển Chúa không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x 2 Cr 11,5).
Nếu Stêphano còn sống, được tự do hoạt động với lòng nhiệt tình của ông, thì
vẫn còn thua xa khi ông được về Trời tiếp tục cầu nguyện cho ông Phaolô thi
hành sứ mệnh rao giảng đạt hiệu quả cao
như thế !
Chính
vì vậy mà trong Bài đọc, ba lần ông Mô-sê dùng từ “hôm nay” nói với dân : “Hôm
nay, nếu anh em thi hành mọi Lời
Chúa truyền dạy anh em, thì anh em sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người,
Người sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc mà Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh
tiếng và vinh quang” (Dnl 26,16-19).
Thật
“hạnh phúc thay người noi theo Luật pháp
Chúa Trời” (Tv 119/118,1 : Đáp ca).
Trong
thực tế, tha thứ, làm ơn, cầu nguyện cho kẻ hại mình rất khó, nếu ta không biết
cầu nguyện xin Chúa cho ta trái tim của Ngài (x Pl 2,5), và thành thật khiêm
tốn nhớ đến tội lỗi của mình giống vua Đavid, sau khi ông phạm tội ngoại tình
và giết tướng Uria để cướp vợ ông, nhưng khi vua được ngôn sứ Nathan trách khéo
để cảnh cáo, từ đó về sau vua luôn tỏ ra khiêm tốn mỗi khi bị người khác làm
khổ, vua lấy đó như ơn Chúa ban để có dịp đền tội, hầu được Chúa thương xót. Thực
vậy, có lần tên Sim-Y chụp mũ Đavid cướp ngôi vua Saolê, nên hắn nặng lời
nguyền rủa : “Tên khát máu”, và hắn còn lấy đá ném Đavid, cũng như tung bụi
vào mặt ông, cận vệ Đavid thấy thế cất tiếng thưa : “Xin ngài để tôi lấy đầu nó”, nhưng vua Đavid cản và nói : “Nếu Thiên Chúa bảo nó : hãy nguyền rủa
Đavid, thì ai dám nói : tại sao ngươi làm thế ?” (x 2Sm 16,5-14).
Để minh chứng việc tha thứ, yêu thương kẻ thù không
phải dễ thi hành :
Trong
dịp lễ thánh Giuse, quan thày của Đại Chủng Viện, có tổ chức thi đấu banh
chuyền giữa hai đội : các cha giáo và các thày. Trên sân banh các thày hay chơi
xấu, trái lại đội các cha giáo thì rất tuân thủ kỷ luật, vì vị thế là thầy dạy.
Kết qủa, đội các thày thắng. Sau trận đấu, một cha giáo sư ấm ức vì bị thua,
không phải do tài khéo của các thày mà là do mấy thầy chơi xấu! Để dằn cơn tức
giận, cha giáo vào nhà nguyện quỳ trước tượng Chúa Giêsu Chịu Nạn xin được ơn biết
tha thứ! Một thày biết mình đã làm cha
giáo buồn, nên cũng vào nhà nguyện sám hối! Sau đó thày rón rén đến đứng sau
lưng cha giáo thưa :
- Con xin cha tha lỗi cho con, lúc ở sân banh
con đã làm cha buồn!
Cha
giáo đứng phắt dậy, vừa lật tượng chịu nạn quay vào tường vừa nói :
-
Con xin Chúa quay mặt đi một lát, để con…
Và
ngài quay lại tát vào mặt thày ấy một cái !?
Rồi
cha giáo lại lật tượng Chúa ra và quỳ cầu nguyện:
-
Lạy Chúa, con nóng quá,
xin Chúa tha lỗi cho con.
Thật
là lúc bị nhục, bị khổ, ta mới hiểu được phần nào tâm tư thánh Phêrô khi ông
đặt câu hỏi : “Thưa Thày, con tha thứ cho
anh em 7 lần được chưa?” Và càng thấy khó có thể thực hiện được lời dạy của
Chúa Giêsu : “Không phải tha 7 lần mà là
70x7” (x Mt 18,21-22), trừ khi ta có lòng khiêm nhường nhận biết mình cũng
là kẻ bất lương đang cần được Chúa tha thứ.
Chúa
muốn chúng ta phải tạo ra môi trường sống đầy yêu thương, chính môi trường ấy
ta mới được sống hạnh phúc, phát triển về mọi phương diện. Người ta đã chứng
minh được chân lý này :
Một
cô giáo dạy trẻ, vào buổi sáng kia tập họp các em tại phòng khách, cô hớn hở đầy
tin tưởng nói với các em :
-
Hôm nay chúng ta sẽ bắt
đầu một bài học mới, đây là bài học rất thú vị, và cô muốn các con hãy ghi nhớ
nó.
Vừa nói cô vừa mang hai chậu cây hoa hướng dương nhỏ
xíu mới chỉ được hai chiếc lá. Cô nói với các em :
-
Đây là hai cây hướng dương, trông chúng giống nhau không
nào ?
Cả lớp gật đầu, và rất nghiêm
túc.
-
Bây giờ cô trò mình sẽ có một cuộc thí nghiệm : chúng ta
sẽ cung cấp cho cả hai cây lượng ánh sáng và nước như nhau, rồi đặt mỗi chậu
cây ở hai cửa sổ phòng khách này. Mỗi ngày cô trò mình sẽ hát cho một trong hai
chậu cây này nghe, và chúng ta sẽ nói những lời yêu thương, ngợi khen sự phát
triển Chúa ban cho nó.
Một em giơ tay phát biểu :
-
Còn cây kia thì sao thưa cô ?
Cô giáo mỉm cười.
-
Chậu cây kia chúng ta không thèm ngó nó.
Một em khác thắc mắc hỏi :
-
Mình cũng không nghĩ tốt về nó nữa hả cô ?
-
Đúng thế. Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Hai tuần lễ kế tiếp,
những đôi mắt ngây thơ của các em lúc nào cũng mở to, háo hức chờ đợi kết quả.
Thỉnh thoảng một vài em trong lớp lén lút nhìn cây không được nghe những lời
tốt đẹp của các em, nhưng không dám nhìn
lâu vì sợ mất linh nghiệm. Quả thật, cây không được các em quan tâm chúc mừng
mỗi ngày, trông thật yếu ớt, xem như nó chẳng lớn thêm được chút nào, trái với
cây được các em ca hát quanh nó, dường như nó cảm nghiệm được tình cảm và sự
quan tâm của cô và các trò : với những câu nói dịu dàng và những suy nghĩ tốt
đẹp đầy yêu thương, nó đang vươn lên mạnh mẽ và căng tràn nhựa sống.
Và đúng hai tuần sau cô
giáo đưa hai chậu cây xếp bên cạnh nhau, rồi đề nghị các em : “Chúng ta hãy chúc mừng cho cả hai cây, để
không còn cây nào phải chịu cảnh cô đơn nữa”.
Đến tuần lễ thứ tư, hai
cây lớn bắt kịp nhau, không còn sự khác biệt nào nữa.
Lúc ấy cô giáo nói với
các em :
- Hai cây nó không biết suy nghĩ như chúng
ta, nhưng khi chúng được yêu thương như nhau, thì chúng phát triển cũng giống
nhau. Vậy trong các em chớ khi nào ghét bạn mình và đẩy bạn vào cảnh cô đơn,
thì thật là tội nghiệp cho bạn đó không thể lớn lên trong vui vẻ như mọi em
trong lớp được.
(Nội dung câu chuyện được trích trong tập “Chicken Soup
For The Soul”)
THUỘC LÒNG
Chúa
nói : “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng
các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng
các ngươi một quả tim biết yêu thương” (Ed 36,26).
http://phaolomoi.net
Linh mục
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH