BÀI GIẢNG
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
Ngày
mồng Một Tết, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, nói kiểu người đời là ta Tết Chúa, thì
ngày mồng Hai đầu năm ta phải biết kết hợp với Chúa Giêsu để biểu lộ lòng biết
ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân yêu, nhưng không dừng lại những
người thuộc gia đình trần thế, mà còn cả các vị trong Gia Đình Hội Thánh. Bởi
vì nếu không có các bậc tiền nhân đạo đời, ta chẳng thể có mặt trên trái đất,
và cũng chẳng ai nuôi dưỡng giáo dục ta nên người, nhất là nên giống Thiên Chúa.
Tết
là một cơ hội tốt để gia tộc cùng nhau xum họp : “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv
133/132,1). Vì “ai không chăm sóc người
thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ Đức Tin và còn tệ
hơn người không tin” (1Tm 5,8).
Chăm
sóc nhau không giới hạn chỉ giúp về nhu cầu thân xác, cụ thể ít là vào dịp Tết
phải có quà kính biếu ông bà, cha mẹ, mà còn phải lo canh tân đời sống đạo của những người trong gia đình, nhất là phải rà soát lại lối sống
theo truyền thống trái với ý Chúa, vì ta không được bắt chước “mấy người Pha-ri-sêu và nhiều kinh sư từ
Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: "Sao môn đệ ông
vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? "
Người trả lời: "Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các
ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ
cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.Còn các ông, các ông
lại bảo: "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều
là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ
nữa". Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời
Thiên Chúa” (Mt 15,1-6 : Tin Mừng). và Đức Giê-su còn lên tiếng trách : “Các ông lấy truyền thống của cha ông đã
truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ Lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác
giống như vậy nữa!” (Mc 7,13).
Thực
vậy, trong những sinh hoạt người ta đã gạt bỏ ý Thiên Chúa mà lấy truyền thống
làm thánh giáo :
1/ KHI NHẬP TIỆC, người ta chỉ ý nói những lời nghịch
đạo lý :
-
Nam vô tửu như cờ vô phong.
-
Rượu bất khả ép, ép bất
khả từ.
-
Anh tới đâu tôi tới đó.
-
Một hai ba dô !
-
Một trăm phần trăm,
không long đền, không rơi rớt.
Trong khi đó Lời Kinh Thánh dạy, thì không
ai lưu ý :
+ Đừng say sưa rượu chè, chỉ tổ hư thân
(Ep 5,18).
+ Dành cho ai những “thôi rồi”, dành cho ai
“những hỡi ôi”, dành cho những gây gổ, dành cho ai những lời than van, dành cho
ai những vết thương chẳng lý do ? đó là kẻ nán lại bên bầu rượu… Nó cắn như rắn
lục, nọc độc hổ mang (Cn 23,29.33)
+ Khốn cho kẻ đổ rượu cho đồng loại uống, khốn
cho kẻ pha thêm thuốc độc để người ta say, ngõ hầu có thể dòm ngó cái lõa lồ
của họ, ngươi đã ứa nhục chứ không phải vinh (Habacuc 3,15-16a).
2/ LÚC TỨC GIẬN, người ta động viên nhau :
-
Con gà tức nhau vì
tiếng gáy.
-
Lành làm gáo, mẻ làm
muôi.
-
Ông ăn chả, bà ăn nem.
Nào có ai động
viên nói Lời Chúa :
+ Có
nóng giận thì sao cho đừng mắc tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận chưa tan
(Ep 4,26).
+ Có ác
thì như con nít thôi (1 Cr 14,20).
+ Sự
nóng giận của người ta không làm nên sự công chính của Thiên Chúa (Gc
1,20).
+ Chớ
để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ (Rm 12,21).
3/ TRƯỚC VIỆC TỐT PHẢI LÀM, nhiều người lại thoái
thác ;
-
Ăn có mời làm có khiến.
-
Cờ đến tay ai người ấy
phất.
Có ai để
cho Lời Chúa thúc bách mình :
+ Biết
điều tốt mà không làm thì có tội (Gc 4,17).
+ Đoán
ý muốn người khác để phục vụ giống Mẹ Maria (Lc 1,39t ; Ga 2,3).
+ Cha
Ta hằng làm việc, Ta cũng thế (Ga 5,17).
+ Mọi
sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô thuộc về Chúa Cha
(1Cr 3,22b-23).
4/ TÌM NGUỒN SỐNG, người ta chỉ chú ý phục vụ cho cái
bụng là thần :
-
Có thực mới vực được
đạo.
-
Có tiền mua tiên cũng
được.
Trong khi
đó Chúa Giê-su dạy :
+ Người
ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra
(Mt 4,4).
+ Hãy
ra công làm việc, đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi
đến sự sống muôn đời (Ga 6,27).
+ Không
phải vì dư dật của cải mà mạng sống con người được bảo đảm chắc chắn
(Lc 12,15).
5/ KHI NGHE NHỮNG LỜI ĐÀM TIẾU, người ta thường phụ
họa :
-
Không có lửa sao có
khói.
-
Thế gian không ít thì
nhiều, không ai đặt điều nói không.
Trong khi
đó Chúa cảnh giác ta :
+ Các
ngươi hãy coi chừng điều các ngươi nghe (Lc 8,18).
+ Mọi lời nói vô ích đều phải trả lẽ trong
ngày phán xét (Mt 12,36).
6/ MUỐN TỎ RA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH, người ta thường
động viên nhau :
-
Ở đời cái gì cũng nên
biết một tí.
Trong khi
đó lời Kinh Thánh dạy :
+ Được
phép làm mọi sự, không phải mọi sự đều có ích, được phép làm mọi sự, nhưng
không phải mọi sự đều xây dựng. Đừng để sự gì vô ích lạm phép trên thân thể tôi
(1Cr 6,12).
7/ ĐỂ TỎ LÒNG BÁO HIẾU, con cháu luôn nhắc nhau :
-
Sống kèn trống, chết
dầu đèn.
-
Nghĩa tử là nghĩa tận.
Thế là người ta bày ra chuyện của cúng và nói với
nhau rằng : “Ai nói với cha với mẹ rằng:
những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy
không phải thờ cha kính mẹ nữa". Như
thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
(Mt 15,5-6 : Tin Mừng).
8/ KHI PHẢI BẢO VỆ QUYỀN LỢI, ai cũng chủ trương :
-
Ăn cây nào, rào cây đó.
-
Một giọt máu đào hơn ao
nước lã.
-
Làm phúc nơi nao, cầu
ao rách nát.
-
Ăn cơm nhà, vác ngà
voi.
Trong khi
đó Chúa Giê-su muốn :
+ Ai
yêu cha mẹ hơn Ta không xứng đáng với Ta (Mt 10,27).
+ Hãy thật
lòng khiêm nhường coi kẻ khác hơn mình ; đừng dán mắt vào quyền lợi riêng mình,
song cả vào quyền lợi người khác nữa (Pl 2.3).
+ Nếu
tôi luôn làm hài lòng người đời, tôi không còn là nô lệ của Chúa Ki-tô
(Gl 1,10).
+ Phải
vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta (Cv 5,29).
+ Cho
thì có phúc hơn là lấy (Cv 20,35).
9/ VỀ QUAN ĐIỂM SỐNG, ai cũng chủ trương :
-
Người đời dạy : Đoàn
kết là sống, chia rẽ là chết.
Trong khi
đó Chúa lại dạy :
+ Ta
không đến đem bình an nhưng gây chia rẽ cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ
(Mt 10,34). Nghĩa là một khi đã biết rõ ý Chúa, thì ta phải triệt để tuân phục
và thực hành, dù điều đó làm phật ý những người trong gia đình. Đan cử ông
Gionathan chẳng những không ủng hộ ý vua cha Saolê để diệt Đavid mà còn mật báo
cho Đavid trốn thoát khỏi mưu mô độc ác của vua cha đang tìm mọi cách giết! (x
1Sm 20)
-
Mác-Lê dạy : Nhiệt tình
cộng với ngu dốt là phá hoại.
Nhưng thế nào là ngu, thế nào là khôn, chính thánh
Phaolô trên đường đi bắt người Công Giáo ở Đama, ông tự cho mình là khôn, người
Công Giáo là ngu, thì sự khôn ngoan cùng với lòng nhiệt tình của ông lại là kẻ
phá hoại (x Cv 9).
-
Người ta nói : Làm ơn
nên oán là ngu.
Trong khi
đó thánh Phêrô dạy :
+ Làm
việc lành mà phải khổ, nếu Chúa muốn thế, thì còn hơn là làm điều dữ, vì được
trở nên giống Chúa Giêsu (1 Pr 2,20-21 ; 3,17).
Những tư tưởng nghịch với Tin Mừng như thế, người ta
lại cho đó là thánh giáo. Mà tư tưởng thì hướng ra hành động. Tư tưởng sai, lại
cho là đúng, thì hành động gian ác càng gia tăng, mà kẻ chủ mưu không bao giờ sám
hối !
Vậy
chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi thành phần trong gia tộc :
- Cầu nguyện cho con cái biết tôn kính và
vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, để được Chúa cho trường thọ (x Ep
6,1-3 : Bài đọc II).
Con
cái phải tôn kính và vâng lời các bậc sinh thành với tinh thần tôn thờ vâng
phục Thiên Chúa, bởi vì Mười Điều Răn được Chúa ghi trên hai bia đá : Bia I ghi
ba điều về Chúa ; bia II ghi bảy điều về con người. Nếu ta đặt hai bia cạnh
nhau, thì dòng chữ đầu tiên của bia II “thảo kính cha mẹ” bằng với dòng chữ
đầu tiên của bia I “tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự”.
- Cầu nguyện cho các đấng sinh thành, để
các ngài không làm cho con cháu tức giận, nhưng phải thay quyền Chúa mà giáo
dục chúng (x Ep 6,4 : Bài đọc II). Các đấng ấy phải xác tín rằng : Chúa trao
con cháu cho không phải chỉ tìm của vật chất
nuôi chúng như nuôi đàn heo, bởi vì lương thực của con người hơn loài
vật : “Người ta sống không nguyên bởi
bánh, nhưng bởi mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Bởi thế các bậc
sinh thành phải cho con cháu mình ăn Lời Chúa ngay từ khi nó còn là thai nhi.
Ví dụ : Mỗi ngày cha mẹ đọc Lời Chúa, ít là một câu chỉ cho thai nhi, khi con
chào đời, mỗi lúc cho nó bú phải đọc cho nó câu Lời Chúa trước ; bao giờ con
bắt đầu biết nói, cha mẹ phải dạy con học thuộc Lời Chúa từ câu ngắn đến câu
dài, đồng thời thúc đẩy giáo dục con quý trọng hiệp dâng Thánh Lễ, và dạy con
chu toàn bổn phận làm người, làm con Hội Thánh. Vì thế bậc làm cha mẹ phải noi
gương Đức Maria về đời sống Đức Tin để nuôi con cái. Vấn đề này ông Luca đã ghi
lại hai lần Mẹ Maria nghe Lời Chúa thì suy đi nghĩ lại trong lòng, làm Con của
Mẹ lớn lên trong khôn ngoan và đầy ân sủng (x Lc 2,19.51-52). Phải chăng hai
lần ông Luca ghi như thế là ông muốn các bà mẹ không chỉ dùng đầy đủ cao lương
vật chất để có hai bầu sữa dồi dào nuôi con, mà bầu sữa người mẹ phải còn được
pha trộn bởi Đức Tin và việc suy gẫm Lời Chúa, mới làm cho con cái lớn lên khôn
ngoan và đầy ân sủng.
Khi
ông Giacop làm rể cho ông Labal, bố vợ, 14 năm, sau đó ông muốn đưa vợ con về
quê nội, nhưng bố vợ không cho Giacop tài sản, dù chỉ mấy con chiên trong đàn
ông vẫn chăn. Ông Labal nói : “Đàn chiên
của bố toàn là chiên lông trắng, có con nào khác mầu lông là chiên của con đâu”.
Thời gian sau, mỗi khi ông lùa chiên ra đồng cỏ, ông thấy con đực nẹo con cái,
ông gác cành cây xanh trước mặt chúng. Thế là chiên trắng lại sinh ra chiên
đốm, Giacop cứ làm thế và ông đã có một đàn chiên đốm rất đông, mập, khỏe, đó là tài sản của ông, vì bố vợ đã
xác nhận chiên của bố màu trắng (x St 30,25t).
Truyện ấy cho ta hai xác tín :
1- Cha mẹ đặt con cái ở môi trường tốt, chắc chắn con
cái sẽ nên tốt ; trái lại nuôi con trong khu xóm đầy thói xấu, chắc chắn con
cái sẽ ra hư đốn. Ca dao tục ngữ VN có câu : “Gần mực thì đen, gần đèn thì
sáng”.
2- Nếu cha mẹ luôn hướng lòng về Chúa, cụ thể năng
đọc Lời Chúa, và quý trọng hiệp dâng Thánh Lễ mỗi ngày, khi con cái họ được
sinh ra chắc chắn chúng giống Thiên Chúa.
-
Thánh Phaolô còn lưu ý chúng ta phải cầu
nguyện cho các chủ chăn trong Hội Thánh nữa, vì các ngài cũng là bậc sinh
thành chúng ta trong Đức Tin. Do đó thánh Phaolô nói : “Anh em hãy cầu nguyện cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên
Chúa ban Lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là
sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho
tôi để khi rao giảng Tin Mừng, tôi nói năng mạnh dạn,như bổn phận tôi phải nói”
(Ep 6,19-20 : Bài đọc II).
Như
thế là ta phải cầu nguyện cho hết thảy mọi người trong gia đình trần thế hay
trong Hội Thánh biết làm đúng bổn phận của mình, “để dòng tộc của ta xứng danh bậc vĩ nhân, hầu gia sản tinh thần sống
đạo của các bậc sinh thành không đi vào
quên lãng, các ngài luôn được hưởng gia tài quý báu, đó là lũ cháu đàn con, vì
nhờ các ngài con cháu cũng một mực trung thành với Giao Ước của Chúa. Đó là
cách ta làm cho tổ tiên muôn đời tồn tại, vinh quang của các ngài chẳng bao giờ
phai mờ, và như thế các ngài mới được mồ yên mả đẹp, và danh thơm mãi lưu
truyền hậu thế. Muôn dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn
vang tiếng ngợi khen” (Hc 44, 1.10-15 : Bài đọc I). Đó là dòng dõi những
người “ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa
truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành
được Chúa thương giáng phúc” (Tv 112/111, 1-2 : Tung Hô Tin Mừng). Mà ngay
trong Thánh Lễ Cưới của họ, cộng đoàn đã cầu nguyện cho : “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người”
(Tv 128/127,1 : Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Đừng khen ai có phúc trước khi họ lìa đời,
vì cứ nhìn vào con cái, người ta sẽ biết họ (Hc 11,28).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH
QUANG THỊNH