BÀI GIẢNG
ĐÓN NHẬN
CHÂN LÝ BẤT CỨ TỪ PHÍA NÀO TỚI
Ai biết đón nhận Chân Lý từ Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô là Thầy, để hoán cải
đời sống nên chứng nhân cho Chúa. Đó
là điều Đức Giê-su muốn.
Thực
vậy, trong Tin Mừng Mc 6,1-5 ghi nhận : Đức Giêsu về quê Nadareth giảng, dân không muốn nghe.
Vậy mà Ngài vẫn thương dân : chữa lành đủ thứ bệnh tật, trừ quỷ xuất khỏi nhiều
người, nhưng người đồng hương lại muốn xô Ngài xuống vực thẳm cho chết sớm ! (x
Lc 4,28-29) Vì thế mà tác giả Tin Mừng Marcô xác nhận : “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên
một vài bệnh nhân và chữa lành họ!” (Mc 6, 5)
Thế
thì dù Đức Giêsu có chữa lành các bệnh
nhân, Ngài vẫn chưa coi đó là phép lạ. Vì dân không đạt hai mục đích việc Đức
Giêsu chữa lành bệnh cho họ:
a- Mục đích
thứ nhất : Để cho dân nhận ra Ngài là Đấng Cứu Độ mà tôn
thờ, đúng như lời ngôn sứ Is 53,4 đã báo trước : “Đấng Cứu Độ mang lấy bệnh tật
của chúng ta”. Mà ai nhận biết Đức Giêsu
là Đấng Cứu Độ (người Do-Thái gọi là Đấng Mêsia), Đấng được Chúa Cha sai
vào trần gian, thì người đó được sống đời đời, như lời Đức Giêsu nói : “Sự
sống đời đời là nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất và
chân thật, và Đấng Cha sai đến, là Đức Giêsu Kitô !” (Ga 17,3) Thánh Gioan
nói : “Ai đã tin Đức Giêsu Kitô là Con
Thiên Chúa, thì họ thắng được thế gian” (1Ga 5,5).
Ai
được Đức Giêsu ban ơn cho thân xác thì phải tiến tới tôn thờ một Thiên Chúa
nhờ, với, trong Đức Giêsu mà thôi (x Rm 11,36). Cụ thể có 10 người cùi đều được
Đức Giê-su chữa lành, nhưng chỉ có một người Samari bị mang tiếng là dân ngoại,
anh không đến Đền Thờ nào để dâng lễ theo Luật, nhưng khi được khỏi cùi, anh
quay lại sụp lạy trước mặt Đức Giêsu để tạ ơn Ngài (x Lc 17,11-19). Sở dĩ anh
không đến Đền Thờ nào để dâng lễ, vì hết mọi thể thức tế tự đều vô giá trị, trừ
những ai tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật mới được Cha trên trời
chiếu nhận (x Ga 4,23). Thần Khí là Lời Chúa (x Ga 6,63) ; Sự Thật là Chúa Giêsu
(x Ga 14,6). Đây là hai bàn tiệc trong Hy Tế Chúa Giêsu thiết lập, rồi truyền
cho Hội Thánh cử hành cho tới ngày cánh chung, hòng thâu họp muôn dân về cho
Chúa.
b- Mục đích thứ
hai : Để họ hoán cải đời sống nên chứng nhân cho Chúa. Đặc biệt nhất là gương
hoán cải của ông Phaolô, nhờ được nghe tiếng Đức Giêsu hỏi tội ông đang lúc ông
hằm hằm thở ra mùi sát khí, đi lùng giết các tín hữu tin vào Đức Giêsu Phục
Sinh, thì bị luồng ánh sáng chiếu vào, làm ông ngã vật xuống đất ! Đức Giêsu
trách : “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt
bớ Ta?” Ông thưa : “Ngài là ai?”
Tiếng rằng : “Ta là Giêsu, ngươi đang bắt
bớ. Hãy trỗi dậy mà vào thành, sẽ nói cho ngươi biết phải làm gì”. Lúc ấy
mặc dù mắt ông vẫn mở, nhưng ông không trông thấy gì ! Ông nhận ra tội mình,
biết sám hối bằng việc ngoan ngoãn đi học giáo lý nơi môn đệ của Đức Giêsu,
những người bị mang tiếng là vô học thức (x
Cv 4,13). Ông được lãnh Bí tích Thánh Tẩy, Chúa đã chữa lành mắt ông
khỏi mù, và từ đó ông trở nên chứng nhân xuất sắc cho Chúa Giêsu Phục Sinh (x
2Cr 11,5), nhất là nơi dân ngoại ! (x Gl 1,16) Đó mới thực là phép lạ Chúa muốn
làm cho hết mọi người đang lao mình vào con đường lầm lạc về đức tin.
Ai không
đạt hai mục đích trên, thì dù cho họ tin vào Đức Giêsu, vì đã chứng kiến những
việc lạ lùng Ngài làm, thì Đức Giêsu vẫn không tín nhiệm họ ! (x Ga 2,23-24).
Ngày nay, có phong trào đặt tay xin ơn Chúa Thánh
Thần nói tiếng lạ, chữa lành bệnh, nhiều người cho đó là đặc sủng Thiên Chúa
ban. Nhưng ta hãy coi chừng ! Đành rằng chính Đức Giêsu đã chữa lành nhiều bệnh
nhân, và Ngài còn ban quyền cho các môn đệ, cũng làm được như Ngài (x Mt 10,1;
Mc 16,17-18). Vậy việc chữa lành bệnh bản chất nó là tốt, nhưng Chúa dùng nó để
làm dấu chỉ ơn cứu linh hồn người ta thoát tội, thóat Satan, thoát tử thần, để
những ai được Ngài chữa lành về thân xác, họ phải thăng tiến về đời sống đức
tin, cụ thể nhất họ phải ham mê nghe Lời Chúa và năng dự tiệc Thánh Thể, hầu
đời sống được hoán cải, trở nên thánh thiện hơn, đó là mục đích Chúa làm phép
lạ chữa lành bệnh thân xác người ta.
Chúng ta lại biết Chúa đã ấn định về số phận con
người ai ai cũng phải trải qua : “Sinh, bệnh, lão, tử”, đó là quy luật tất yếu,
xem ra Chúa cho ta có mặt trên đời là để chịu khổ ! Nhưng đó là ý định của
Thiên Chúa muốn con người từ bất toàn khi chưa được tháp vào Chúa Giêsu qua Lời
và các Bí tích, một khi đã được ở trong Chúa Giêsu, dần dần Ngài làm cho họ
được trở nên hoàn hảo, tiệm tiến theo thời gian, lộ dần con người giống Thiên
Chúa, nên trọn lành như Cha trên trời (x Mt 5,48) : Khi sống trên dương thế
Chúa cho khả năng hiểu và làm theo Lời Ngài dạy, lúc chết hồn được lên Thiên
đàng ; ngày cánh chung Chúa mới cho hồn xác sống lại tuyệt vời giống Chúa Giêsu (x 1Ga 3,2). Vậy nếu ta cứ nghĩ ngày nào Chúa
cho ta hết khổ thì Ngài mới thương ta, còn khổ là Chúa ghét ta, như thế ta đã đi
vào vết chân sai lầm của Phêrô khi ông được Thầy cho biết : “Thầy sẽ bị giết do hàng niên trưởng, các
thượng tế và ký lục, ngày thứ ba thì sống lại”. Nghe thế, ông Phêrô kéo
Ngài lại với mình lên tiếng trách : “Thiên
Chúa thương, chứ sẽ có đâu như thế !” Tức khắc, ông bị Thầy Giêsu xua đuổi
: “Xéo đi sau Ta ! Hỡi Satan, ngươi làm
cớ vấp phạm cho Ta, và ý tưởng của ngươi không phải của Thiên Chúa mà là của
loài người” (Mt 16, 21-23).
Thánh Tôma Tiến sĩ nói : “Mỗi vấn đề phải được giải quyết trong lãnh vực của nó”. Lãnh vực
bệnh tật phải giải quyết nhờ thầy thuốc, nhờ dùng thuốc. Làm cách này mà bệnh
không thuyên giảm, thì mới xin lãnh Bí tích Xức Dầu, là Bí tích có ơn đặc thù
làm cho thân xác ta khỏe mạnh lại, nếu đó là đẹp lòng Chúa. Chứ đừng khi nào
đau ốm mà chỉ cầu nguyện rồi phó thác cho Chúa, bắt Chúa phải chữa lành bệnh.
Nếu không được như ý xin là “nghỉ chơi Chúa luôn” !
Sở
dĩ người đồng hương Đức Giêsu không tin Ngài là Thiên Chúa để đón nhận Lời Ngài
mà hoán cải cuộc sống, vì họ chỉ biết Đức Giêsu là “người thợ mộc con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết,
Giuđa và Simon, chị em của ông chỉ là những người lối xóm với chúng ta” (Mc
6,3-4 : Tin Mừng).
Chúng
ta biết rằng mọi Chân Lý chỉ phát xuất từ Cha trên trời qua Thầy dạy duy nhất
là Đức Giêsu, cho nên ai tin nhận Lời Đức Giêsu là đón nhận được chân lý, đón
nhận chính Thiên Chúa, dù chân lý ấy xuất ra từ cửa miệng một người bất xứng (x
Mt 23,1-12).
Nói cách khác, phải đón nhận Chân Lý bất cứ
từ phía nào tới : phía đó có thể là con nít, là người thất học, là kẻ thù ta,
nếu họ nói Chân Lý phát xuất từ Thiên Chúa, mà giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã
công bố, thì ta phải đón nhận. Ai khước từ Chân Lý ấy, là loại trừ Thiên Chúa.
Tâm
lý người đời ai cũng cho là chân lý phát xuất từ những người :
-
Có chức quyền cao :
Vua, tổng thống, chủ tịch, Giáo hoàng, Giám mục …
-
Người giàu : triệu phú,
Giám đốc một xí nghiệp hay một cơ quan lớn …
-
Đã từng theo học nhiều
trường nổi tiếng trên thế giới.
-
Có bằng cấp cao : Tiến
sĩ, Thạc sĩ…
Thế thì Đức Giêsu, dưới cái nhìn của người đồng hương
Ngài không có quyền chức nào trong xã hội cũng như trong tôn giáo. Nếu Đức Giêsu
là Hoàng đế, hay ít ra là một vị trong hàng đầu mục Do Thái, thì chắc chắn họ
sẽ hăm hở đón nhận Lời Ngài (x Ga 7,47-48), nhưng người ta chỉ thấy Ngài là bác
thợ mộc (x Mc 6,3 : Tin Mừng) làm trong xưởng mộc tại gia, là con bác thợ mộc
Giuse (x Lc 4,22), do đó họ khinh dể Lời Ngài giảng dạy, đúng với nhận định của
Ngài : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng
chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia
đình mình mà thôi” (Mc 6.4 : Tin Mừng).
Nếu Đức Giêsu có du học ở nhiều trường nổi tiếng trên
thế giới, thì ai cũng nể nang Ngài, nhưng người Do-thái chỉ xếp Ngài vào lũ dân
quèn không biết gì về Lề Luật (x Ga 7,49).
Nếu Đức Giêsu có nhiều bằng cấp cao, thì Ngài nói ai
chẳng muốn nghe, nhưng người ta chỉ thấy Ngài là người miền quê Nadareth, một
địa danh không ai quan tâm, vì Nadareth chẳng có một vĩ nhân nào cho người ta
phải ngưỡng mộ ! (x Ga 1,46)
Tâm lý của người đời như thế, nên mỗi khi Hội Thánh
chọn một vị làm Giám mục, vẫn phải chọn người đi “du học Tây”, biết nhiều ngoại
ngữ, có bằng cấp. Trong thực tế, không phải chỉ những ai có nhiều uy tín mà
được chọn làm Giám mục mới có khả năng
chăm sóc đoàn chiên Chúa trao phó. Ta cứ thử nghĩ : nếu cha Gioan Maria Vianey
không bị ai khinh dể là người học dốt, mà ngài được chọn làm Giám mục, thì chắc
chắn Giám mục Gioan Maria Vianey làm bốc lên sức sống đạo của địa phận ngài
đang phục vụ hơn là vị Giám mục đương nhiệm thời bấy giờ.
Vậy Chân Lý
không chỉ dừng ở nơi người có lý lịch đáng kính nể, mà điều chính yếu phải là
người nỗ lực làm việc, biết triệt để dùng ơn Thiên Chúa ban phục vụ mọi người
trong yêu thương giống như cha Gioan Maria Vianey. Đó là lý do mà Hội Thánh lặp lại Lời Chúa Giêsu nói :
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi
biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27 : Tung Hô Tin Mừng)
Hội Thánh nhắc đến chuyện vua Đavid trong Thánh Lễ
hôm nay có ý minh chứng rằng : Ai cậy dựa vào thế lực nơi thế gian này là một
trọng tội, gây tai họa khôn lường cho những người xung quanh. Thực vậy, vì vua
Đavid ra lệnh kiểm tra dân số để biết lực lượng của mình hùng mạnh thế nào ! Đó
là ông đã cậy dựa vào thế lực người đời, chứ không cậy vào bàn tay Thiên Chúa
phù trợ. Bởi đó, tai họa đã xãy đến, nhưng Chúa vẫn thương và cho ông chọn một
trong ba tai họa :
-
Bảy năm đói trong vương
quốc của Đavid ?
-
Ba tháng phải chạy trốn
kẻ thù ?
-
Ba ngày bị ôn dịch ?
Lúc đó, vua Đavid mới bừng tỉnh biết rằng Thiên Chúa
vẫn thương và phù hộ ông, bởi vì tai họa từ nhiều dần dần rút xuống. Đavid rất
khiêm tốn và khôn ngoan nên ông thưa với Chúa : “Con đã lâm cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Thiên Chúa còn
hơn, vì lòng thương của Ngài bao la, nhưng ước chi con đừng sa vào tay người
phàm”. Quả thực, khi thần của Chúa giáng ôn dịch xuống Israel mới bắt đầu
từ sáng và đang lan ra giết hại bảy mươi ngàn người, Thiên Chúa đã thấy đau
lòng, Ngài nói với thần tru diệt : “Đủ
rồi, bây giờ rút tay lại” (2 Sm
24,2-17 : Bài đọc năm chẵn).
Bởi vì “Chúa không làm ra sự chết, Ngài không vui gì
khi sinh linh bị hư mất” (Kn 1,13). Do đó khi Chúa để cho tai họa ập đến là để
huấn luyện và giáo dục ta. Tác giả thư Do Thái nói : “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển
trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm
con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy.
Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà
người cha không sửa dạy? Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà
chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt
được hoa trái là bình an và công chính.
Anh em phải gắng trở nên thánh thiện; vì
không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. Anh em phải coi chừng,
kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng
nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người” (Dt 12, 4-7.11-15 :
Bài đọc năm lẻ). Bởi vì “ân tình Chúa
thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người” (Tv 103/102,17 : ĐC năm
lẻ).
Vậy những ai mù quáng, tự mãn, tự
tôn, dựa vào thế lực trần thế mà không cậy vào những ơn Đức Giê-su đã ban qua
dấu chỉ những phép lạ Ngài làm cho người bệnh tật được lành mạnh (x Mc 6,5 :
Tin Mừng), thì chắc chắn tai họa cũng sẽ ập đến, trừ khi họ biết sám hối như
vua Đavid : “Chính con đã phạm tội, chính
con có lỗi ; nhưng đàn chiên đó đã làm gì, xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà
cha con” (2 Sm 24,17 : Bài đọc năm chẵn). Có như thế họ mới cảm nghiệm được
lòng Chúa xót thương, ngăn cản tai họa đến và còn ban ơn dồi dào hơn lòng mọi
người mong ước, như lời kinh đọc : “Hạnh
phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh
phúc thay, người Chúa không hạch tội,và lòng trí chẳng chút gian tà. Lạy Chúa,
xin tha thứ tội vạ cho con” (Tv 32/31,1-2.5 : ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Chân lý chỉ phát xuất từ Cha trên trời thể
hiện qua lời giảng dạy của Thầy Giê su mà thôi ! (x Mt 23,1-12)
http://phaolomoi.net
LM. GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH