BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Dt 10, 1-10
1 Thưa anh em, Lề Luật
chỉ phác hoạ lờ mờ những phúc lộc của thế giới tương lai, chứ không phản ánh
chính xác những thực tại đó. Cho nên, Lề Luật không bao giờ có thể làm cho
những người tiến lại gần Thiên Chúa được nên hoàn thiện, nhờ những ngần ấy thứ
hy lễ người ta cứ dâng mãi năm này qua năm khác.2 Chẳng vậy, người
ta đã thôi không còn dâng hy lễ, vì giả như những kẻ làm việc thờ phượng đã
được thanh tẩy dứt khoát rồi, thì họ đâu còn ý thức mình có tội nữa?3
Trái lại, năm này qua năm khác, chính những hy lễ đó nhắc cho người ta nhớ mình
có tội.4 Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội
lỗi.5 Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy
lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.6 Chúa cũng chẳng
thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên
Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.
8 Trước hết, Đức Ki-tô
nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng
thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.9
Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các
lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới.10 Theo ý đó, chúng ta được thánh
hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.
ĐÁP CA : Tv 39
Đ. Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài. (x c 8a.9a)
Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu. 4ab Chúa cho miệng
tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
7 Chúa chẳng thích gì tế
phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không
đòi, 8a con liền thưa: "Này con xin đến!
10 Đức công chính của
Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có
ngậm miệng làm thinh.
11 Đức công chính của
Ngài, con chẳng giữ riêng lòng mình biết; nhưng con đã nói lên đức trung tín và
ơn cứu độ của Ngài, chẳng giấu giếm chi cùng đại hội rằng Ngài thành tín và yêu
thương.
BÀI GIẢNG
A .
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC
Nhiều
người Công Giáo không nắm vững Giáo Lý, nên thường bị anh em Tin Lành tấn công
về chuyện Đức Mẹ đồng trinh. Họ thường dựa vào những Lời trong Kinh Thánh để
phủ nhận Đức Maria không đồng trinh. Cụ thể
-
Khi Đức Giêsu đang
giảng dạy có Mẹ và anh em Ngài đến tìm gặp Ngài (x Lc 8,20 ; Mc 3,31) : anh em
Tin Lành cho là Đức Giêsu còn có nhiều anh em ruột.
-
Bà Maria sinh Con đầu
lòng (x Lc 2,7) : anh em Tin Lành cho là còn có những người con khác.
-
Giuse và Maria không ăn
ở với nhau cho đến khi sinh Con (x Mt 1,25) : anh em Tin Lành tin là Đức Maria
chỉ đồng trinh cho tới khi sinh Đức Giêsu mà thôi, và sau đó vẫn sống đời vợ
chồng với thánh Giuse.
Đức Tin Công Giáo thì tin Đức Maria là Đấng trọn đời
đồng trinh, vì những lý do sau :
1/ Anh em
của Đức Giêsu :
a- Từ anh em trong Kinh Thánh dùng, tiếng Do Thái là
“Ăch”, tiếng Hy Lạp là “Adelphoi”. Từ này hiểu chung cả về anh em ruột cũng như
anh em họ, như ngôn ngữ Việt Nam :
con chú gọi là em, con bác gọi là anh. Thực vậy, ông Abraham là chú của Lót, mà
Abraham gọi Lót bằng từ “Ăch” (hoặc Adelphoi) [x St 13,8 ; 14,12 ; 29,10].
b- Về những anh em của Đức Giêsu là ông Giacôbê, ông
Giôsê, ông Giuđa, ông Simon (x Mc 6,3), thì cũng chính ông Marco cho chúng ta
biết ông Giacôbê, ông Giôsê con của bà Maria khác (x Mc 15,40). Như vậy rõ ràng
ông Giacôbê và ông Giôsê là những người anh em họ hàng với Đức Giêsu mà thôi.
c-
Trong sách Lêvi,
tiếng anh em vẫn được dùng để chỉ những người có họ xa : “Ông Môsê gọi các ông
Misaên và Ensaphan, con ông Útdiên là chú ông Aharon, và bảo họ : “Các chú lại
đây, khiêng các người anh em của các chú từ nơi thánh ra ngoài trại” (Lv 10,4).
d- Trước lúc tắt thở, Đức Giêsu trao Mẹ Ngài cho môn đệ
Gioan (x Ga 19,25-27). Về mặt tâm lý và nhân bản, nếu Đức Giêsu còn những em
ruột, thì Ngài không thể làm như thế được.
2/ Con đầu
lòng.
a- Thánh sử Luca ghi “bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ,
vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Con đầu lòng ở
đây, ông Luca không có ý nói còn có những người con khác, mà ông muốn nhấn mạnh
gia đình Nazareth
rất cẩn thủ giữ Luật Môsê, nên con đầu lòng buộc cha mẹ phải dâng cho Thiên
Chúa (x Xh 13).
b- Tại Tel el Yahudieh thuộc nước Ai Cập, trên mộ của
người phụ nữ Do Thái trước Chúa Giáng Sinh, có ghi câu diễn tả tâm tình người
mẹ : “Khi tôi phải đau đớn sinh con đầu
lòng, số phận đã đưa tôi sang cuộc sống khác”. Bởi thế câu này phải hiểu
sau khi sinh đứa con đầu lòng, người phụ nữ này không thể có người con khác, vì
đã chết. Con đầu lòng đối với người Do Thái còn có ý nhấn mạnh được hưởng gia
tài gấp đôi người em, nếu có, hoặc có nghĩa là gia tài của cha mẹ thuộc trọn về
người con này, nếu không có anh em khác (x Dnl 21,17).
3/ Thành
ngữ “cho đến khi”.
“Ông không ăn ở với bà cho đến
khi bà sinh một con trai và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,25).
“Cho
đến khi” là một thành ngữ trong Thánh Kinh để nhấn mạnh về một điều gì đã có, đang có và không bao giờ
mất! Vì dụ
-
Trước khi Chúa Giêsu về
Trời, Ngài ra lệnh cho các môn đệ đi khắp thế gian tập họp môn đệ cho Ngài… và
Ngài hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho
đến tận thế” (Mt 28,19-20). Có nghĩa là Đức Giêsu đã từng ở với các môn đệ,
Ngài đang hiện diện với các ông và không bao giờ lìa xa họ. Thế thì câu Mt 1,25
nhấn mạnh ông Giuse và bà Maria đã không ăn ở với nhau và không bao giờ ăn ở
với nhau, minh chứng Đức Maria đồng trinh.
-
Bà Mikhan, con gái vua
Saolê không có con cho đến ngày chết (x 2Sm 6,23), thì không lẽ sau khi chết,
bà sinh con ư?!
4/ Sự đồng
trinh của Đức Maria.
a-
Xét về nguồn gốc bản văn Kinh Thánh, lời ngôn sứ Isaia chương 7 câu 14 tiên báo
về Đấng Cứu Thế : “Một người nữ sẽ sinh
con”.
-
Người nữ này ngôn ngữ
Do Thái là “Almah”. Almah không nhất thiết là một phụ nữ đồng trinh hoặc đã mất
trinh. Almah chỉ có nghĩa chung là một cô vợ trẻ, hoặc cô gái đến tuổi dậy thì.
Thế thì cô vợ trẻ hay cô gái đến tuổi dậy thì cũng không tất yếu hiểu còn trinh
hay mất trinh.
-
Nhưng bản văn bằng
tiếng Do Thái, khi dịch sang tiếng Hy Lạp, thời Đức Giêsu và các Tông Đồ sử
dụng bản văn này, thì lại xác định rõ : Cô vợ trẻ đó là một trinh nữ
(Parthenos). Dịch như thế là dựa vào lối giải thích từ tiếng Do Thái theo
trường phái Alexandria
(theo Bible Giêrusalem). Như vậy bản văn Hy Lạp xác định truyền thống giải
thích từ “Almah” với ý nghĩa rõ rệt là một trinh nữ, để chỉ người mẹ của Đấng
Emmanuel.
b- Xét về mặt Thần học, Đức Maria là khuôn mẫu của Hội
Thánh : Maria sinh Đức Giêsu là Đầu Hội Thánh ; còn Hội Thánh sinh các Kitô hữu
là chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm
Chúa Giêsu Kitô. Hội Thánh sinh con Thiên Chúa qua Bí tích không liên hệ với
người trần thế nào. Do đó Hội Thánh được gọi là một cộng đoàn trinh nữ (x Mt
25,1-13), thì Đức Maria cũng phải hiểu là một trinh nữ trọn đời như Hội Thánh.
c-
Thánh Irênê nói
: “Adam thứ nhất được sinh ra bởi đất trinh (đất chưa ai canh tác) ; Adam cuối
cùng (Đức Giêsu) được sinh ra bởi Mẹ đồng trinh.”
B. GIÁO
HUẤN
XÁC THỊT
KHÔNG SINH ÍCH GÌ,
THẦN KHÍ
MỚI LÀM CHO SỐNG!
(Ga 6, 63)
Vì
qúa đông người đang ngồi vây quanh Đức Giêsu để nghe Lời Ngài dạy, nên Đức
Maria và những người trong họ hàng của Ngài đến không thể gặp Ngài được, họ
phải nhờ người ta chuyển lời nhắn đến Ngài mà rằng : “Kìa mẹ Thầy và anh em
Thầy đang tìm Thầy ở ngoài” (Mc 3, 32 : Tin Mừng). Đức Giêsu không trả lời,
mà hỏi lại : “Ai là mẹ Ta và là anh em Ta ?”, rồi Ngài chỉ vào những
người ngồi quanh Ngài và nói : “Này là mẹ Ta và là anh em Ta, ai làm theo ý
Thiên Chúa, người ấy mới là anh chị em và là mẹ Ta” (Mc 3, 33-35 :
Tin Mừng).
Sở
dĩ Đức Giêsu xem ra lạnh nhạt với người nhà của Ngài như thế vì hai lý do :
1/
Như sự trả đũa thái độ những người nhà của Ngài trước đó đã làm Ngài mất uy tín
trước mặt mọi người, khi Ngài đang phục vụ mọi người : “Họ đến bắt Ngài và
nói với mọi người : “Ông này mất trí rồi!” (Mc 3, 21).
2/ Thần Khí hơn xác thịt : Thực ra những
người đưa tin về việc người nhà Đức Giêsu muốn gặp Ngài, là người ta chỉ nhắm
đến những người có liên hệ xác thịt với Ngài, nhưng Ngài lại muốn cho mọi người
biết : nếu chỉ liên hệ với Ngài vì dòng họ, vì huyết thống, thì phải nhớ rằng :
“Xác
thịt không sinh ích gì, Thần Khí mới làm cho sống. Lời Ta là Thần Khí và là sự
sống” (Ga 6,63). Bởi đó Đức Maria chỉ thực sự trở nên Mẹ Thiên Chúa,
nhờ Mẹ thưa cùng Chúa : “Này tôi là tôi
tớ Chúa xin Chúa làm cho tôi điều Chúa nói” (Lc 1,38). Nên bất cứ ai noi
gương Mẹ Maria : có trái tim nghe Lời để thực hành mà cộng tác với Chúa, thì
người ấy giống Mẹ Maria. Có thế mới được
Đức Giêsu nhận vào gia tộc Thánh của Ngài, như Ngài đã nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (Mc
3,34 : Tin Mừng).
Loài
người hèn hạ tội lỗi mà được mang danh là “Mẹ Thiên Chúa”, thì quả là diễm phúc
khôn tả, vượt trí con người, không ai suy thấu. Ơn huệ đó khởi đi từ lúc Lời
Chúa chiếm đoạt thân xác Mẹ Maria, để Mẹ
trở thành Hòm Bia Thiên Chúa. Vì vào thời Tân Ước, Thiên Chúa không còn ghi Lời
trên hai tấm đá như xưa, nhưng được Thánh Thần ghi trên tấm linh hồn và thân
xác của Đức Trinh Nữ Maria. Việc ông Đavid kiệu Hòm Bia Thiên Chúa về lều của
ông đã rộ lên niềm vui mừng : Vua và toàn dân, nào kèn nào trống, nào đàn ca
tiếng hát hòa với các vũ điệu nhảy múa trước Hòm Bia, và để biểu lộ niềm vui trọn vẹn ấy, vua Đavid đã phát cho
mỗi người một chiếc bánh ngọt, một phần thịt, và một chiếc bánh nho (x 2Sm
2,12-19 : Bài đọc năm chẵn). Niềm vui ấy vẫn không sánh bằng ngày nay mỗi khi
ta đi dự Thánh Lễ, là ta nhờ Mẹ Maria được thể hiện qua tay Hội Thánh, Lời Chúa
lại được Thánh Thần khắc ghi trên tấm linh hồn và thân xác ta (x 2Cr 3,3), biến
con người tồi tệ của ta thành Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa ngự (x 1Cr
3,16-17), và ta cũng trở thành “Mẹ Thiên Chúa” (x Mc 3,34 : Tin Mừng), một khi
ta để Lời Chúa làm chủ mọi hoạt động của ta, ta lại đem ơn cứu độ đến cho đồng
loại, giống Mẹ Maria đã trao ban Đấng Cứu Độ cho ta. Có sống như thế ta mới làm
cho muôn dân mở rộng cõi lòng đón Đấng Cứu Độ trong niềm hân hoan, như tâm tình
của vua Đavid và toàn dân rước Hòm Bia về thành Đavid trong sự ngỡ ngàng : “Đức Vua vinh hiển đó là ai, là Đức Chúa mạnh
mẽ oai hùng. Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa hỡi cửa đền cổ kính, để
Đức Vua vinh hiển ngự vào” (Tv 24/23, 7-8 : Đáp ca năm chẵn).
Lời
kinh này cho thấy rõ dân Israel
vẫn chưa xác định được “Đức Vua vinh hiển
đó là ai?” Thì vào thời Tân Ước, tác
giả thư Do Thái mới xác định cho muôn dân biết Vua đó là Chúa Giêsu Phục Sinh,
Ngài tiến thẳng vào cung thánh trên trời thi hành chức Tư Tế, ngự bên hữu Chúa
Cha hằng chuyển cầu cho Hội Thánh, như Ngài nói : “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng
chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên
Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.
Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta
được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một
lần là đủ” (Dt 10,5-7.9b-10 : Bài đọc năm lẻ), và Ngài muốn mọi người Công
Giáo hằng ngày hiệp dâng Thánh Lễ với Ngài, một khi đã đi chung đường phục vụ
theo ý Cha trên trời để rồi trong Chúa Giêsu cùng cất lời thưa : “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài”
(Tv 40/39,8a.9a : ĐC năm lẻ). Và cùng với Chúa Giêsu cất lời tạ ơn Chúa Cha : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi
khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn”
(Mt 11,25 : Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Chúa
Giêsu xác nhận : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra
thực hành” (Lc 8,21).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH