Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN - NĂM LẺ
Âm thanh
Video
Video
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
 BÀI ĐỌC : Dt 7,25 – 8,6

            7  25 Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.

                26 Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.27 Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.28 Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.

            8  1 Điểm chủ yếu trong những điều đang nói ở đây là điểm này: chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời.2 Vị đó lo việc tế tự trong cung thánh, trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên.3 Quả vậy, bất cứ ai được phong làm thượng tế cũng là để dâng lễ vật và tế phẩm; vì thế, vị này cũng cần phải có cái gì để dâng.4 Vậy, giả như Đức Giê-su ở dưới thế, thì Người chẳng phải là tư tế, bởi vì đã có những người dâng lễ vật như Luật truyền.5 Những người này lo việc phụng tự trong một thánh điện, mà thánh điện này chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng thánh điện trên trời. Quả vậy, khi ông Mô-sê sắp dựng lều trại, thì ông được Thiên Chúa phán dạy rằng: Hãy nhìn xem và làm tất cả theo mẫu đã chỉ cho ngươi trên núi.

                6 Nhưng hiện nay, Đức Giê-su được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.

ĐÁP CA : Tv 39

Đ.        Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài. (x c 8a và 9a)

7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con;lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,8a con liền thưa: "Này con xin đến!

8b Trong sách có lời chép về con 9 rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con."

10 Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.

17 Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa, đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài! Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ luôn nói rằng: "ĐỨC CHÚA vĩ đại thay!" 

BÀI TIN MỪNG
 TUNG HÔ TIN MỪNG : x 2Tm 1,10

            Hall-Hall : Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Hall.

TIN MỪNG : Mc 3, 7-12

            7 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lui về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa! "12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

 

BÀI GIẢNG
 KHỔ VÌ TIN MỪNG MỚI THỰC LÀ TƯ TẾ LÀ VUA

 

            Sau chiến thắng oai hùng của Đavid hạ Golyat chỉ bằng một viên sỏi làm cho cả lũ địch thù phải tháo chạy, mà Bài đọc trong Thánh Lễ hôm qua đã nhắc đến (x 1Sm 17,32t), khiến cho các phụ nữ Do Thái ca tụng : “Saolê hạ được ngàn, Đavid hạ hàng vạn” (1Sm 18,7 : Bài đọc năm chẵn). Đám đàn bà “bép xép” hô như thế là hạ nhục Saolê, Đavid tài năng gấp 10 lần Saolê! Đó là lý do làm cho Saolê tức cuồng, ông nghĩ ngay : “Người ta cho Đavid hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi”. Saolê gọi con trai của mình là Gionathan cùng với toàn thể triều thần tuyên bố phải tìm cách giết Đavid. Nghe được Gionathan vội chạy đi báo tin cho Đavid tìm chỗ ẩn mình, rồi Gionathan gặp vua cha nói tốt về Đavid, có ý ngăn cản cha bỏ ý định hại Đavid, Saolê lấy cả Chúa mà thề : “Đavid không phải chết”. Nhưng đó là ông thề dối hòng nhờ Gionathan dẫn Đavid đến gảy đờn cho vua nghe, để Sao-lê có dịp phóng giáo giết Đavid ! (x 1Sm 18,10-11 ; 19, 9-10).

            Đức Giê-su quá biết thói đời là thế, nên sau khi Ngài chữa lành cho người có tay khô bại vào ngày sabat, được nhiều người ca tụng, khiến cho các đối thủ của Ngài thêm tức giận, chúng đi bàn tính với phe chính quyền Hêrôđê để tìm cách giết được Đức Giêsu (x Mc 3,1-6), nên Ngài và các môn đệ phải rút về phía Biển Hồ để tránh né kẻ ác, nhưng không giấu được, dân chúng khắp các miền từ Galilê đến Giuđê, tức là từ Bắc chí Nam nước Do Thái, và cả những người ở thủ đô Giêrusalem, cùng với những dân ngoại giáo từ xứ Idume, và các thành Tia và Siđôn đều tuốn đến với Đức Giêsu.

            Đức Giêsu thấy dân khắp nơi đến với Ngài qúa đông, khiến Ngài phải bảo các môn đệ dành cho Ngài một chiếc thuyền đẩy xa bờ để Ngài giảng dạy, kẻo họ chen lấn, vì ai cũng xô nhau muốn động vào Ngài để được lành bệnh, còn thần ô uế thì la lên : “Ông này là Con Thiên Chúa” . Nhưng Đức Giêsu cấm không cho chúng nói về Ngài  như thế (x Mc 3,7-12 : Tin Mừng).

            Sỡ dĩ Đức Giêsu cấm quỷ nói về Ngài vì bốn lý do :

            1- Đức Giêsu không cứu ma quỷ, Ngài chỉ muốn cứu độ loài người, như Lời Kinh Thánh  nói : “Ngài không bao bọc Thiên thần, Ngài chỉ bao bọc dòng giống Abraham” (Dt 2,16). Nhưng chỉ có người nào tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì họ mới được ơn cứu độ, như Lời Đức Giêsu đã nói : “Sự sống đời đời là chứng nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha sai đến, Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Ơn này, Đức Giêsu chỉ ban cho loài người tội lỗi khởi đi từ lúc Ngài bị đâm trên thập giá. Mà thực, vị sĩ quan Roma đứng dưới chân thập giá khi thấy một tên lính Roma đâm thủng tim Đức Giêsu, máu và nước chảy xuống, thì ông  hô lên : “Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

 

            Như thế, nhờ sự chết của Đức Giêsu, Ngài đã mở miệng cho một người đầu tiên trong loài người tội lỗi biết tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, hòng được thừa hưởng lời hứa cứu độ (x Ga 17,3).

            2- Đức Giêsu cấm quỷ nói về Ngài là Con Thiên Chúa, vì nếu nhờ đó mà nhiều người xô đến với Ngài để xin được chữa bệnh, thì ngăn trở cho việc rao giảng của Ngài. Bởi vì sứ mệnh chính của Ngài đến trần gian là loan báo Lời của Chúa Cha cho nhân loại, để họ biết cách sống mà được cứu độ, còn việc chữa bệnh thân xác, Chúa đã cho các y sĩ có khả năng đó. Thánh Tôma Tiến sĩ nói : “Mỗi vấn đề được giải quyết trong lãnh vực của nó” : Vấn đề chữa bệnh giải quyết trong lãnh vực y học ; vấn đề tìm sự sống đời đời giải quyết trong lãnh vực đạo Công Giáo v.v… Một số trường hợp Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân, để cho dân nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế (Mêsia), như lời ngôn sứ Isaia chương 53,4 đã loan báo : “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề” ; và đó cũng là dấu chỉ chứng minh Ngài là Thiên Chúa có quyền tha tội, vì người Do Thái quan niệm bệnh là hậu quả do tội gây nên (x Ga 9,2).

            3- Đức Giêsu muốn dạy mọi người để nói chính xác về một người phải đợi người ấy kết thúc cuộc đời. Ví dụ : Ông Saulô vốn dĩ là kẻ ác hơn sói, vì đã bách hại người Công Giáo ở Đama (x Cv 7-8). Nhưng sau ông lại trở thành Tông Đồ xuất sắc (x 2Cr 11,5) ; ông Giuđa là một trong Nhóm Mười Hai, được tín nhiệm giữ chức thủ quỹ, sau này trở thành tên phản bội, cuối cùng tự vẫn chết lòi ruột ra (x Cv 1,18). Vì thế tác giả thư Do Thái nói : “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ” (Dt 13,7).

            4- Lý do quan trọng nhất nếu mọi người Do Thái được nghe quỷ nói Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì ai cũng tung hô Ngài là Vua, được Chúa tuyển chọn từ dòng Đavid đến lãnh đạo dân. Như thế chắc chắn đế quốc Roma sẽ giết Đức Giêsu sớm, vì họ không để cho một người Do Thái nào cướp quyền của họ. Sự cố này còn độc ác hơn vua Saolê tìm mọi cách giết Đavid. Như thế khen ngợi một người trước mặt kẻ thù của họ là hại người mà ta tôn vinh.

Vậy không bắt buộc mọi chân lý ta phải luôn công bố. Đan cử người ta hỏi Đức Giêsu bao giờ tận thế đến, Ngài né không trả lời, vì nếu ai cũng biết rõ ngày cánh chung thì con người ta rất gian ác (x Mt 24,36). Chỉ khi nào được về Thiên Đàng, ta mới được biết mọi điều như Chúa biết (x 1Ga 3,2). Còn bây giờ thì “ta cứ tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn gì phải sợ hãi” (Tv 56/55, 5: ĐC năm chẵn).

Mặt khác, theo truyền thống Do Thái, danh hiệu “Con Thiên Chúa” thuộc Hoàng tộc, tước hiệu này đương nhiên trở nên tước hiệu của Đấng Mêsia (x Tv 2,7). Ngài là Vua, thuộc dòng Đavid đến cứu dân, như Chúa đã hứa cho nhà Đavid : “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra – và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền, Ta là Cha của nó, nó là con Ta” (x 2Sm 7,12-14a). Rõ ràng Con Thiên Chúa là Vua thuộc dòng Đavid, làm Vua thành Salem, làm Tư Tế, có danh là Melkisedek, nên tác giả thư Do Thái viết : “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.

                Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.Vì Luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.

            Chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời. Quả vậy, bất cứ ai được phong làm thượng tế cũng là để dâng lễ vật và tế phẩm; vì thế, vị này cũng cần phải có cái gì để dâng.Vậy, giả như Đức Giêsu ở dưới thế, thì Người chẳng phải là tư tế, bởi vì đã có những người dâng lễ vật như Luật truyền. Những người này lo việc phụng tự trong một thánh điện, mà thánh điện này chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng thánh điện trên trời. Nhưng hiện nay, Đức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn” (Dt 7,25 – 8,6 : Bài đọc năm lẻ).

Vì “Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã tiêu diệt thần chết và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh” (Tung Hô Tin Mừng : 2Tm 1,10). Và Ngài đã thưa cùng Chúa Cha : “Lạy Chúa, này Con xin đến để thực thi ý Ngài” (Tv 40/39,8a.9a : ĐC năm lẻ).

THUỘC LÒNG

            Không phải mọi sự hiểu biết đều có ích ! (1Cr 6,12)

            Vậy biết quá điều  mình phải biết là ngu nhất, khốn nạn nhất, giống như Ađam, Evà đòi biết cả trái Chúa đã cấm ! (x St 3).

http://phaolomoi.net

Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: