BÀI GIẢNG
TIN ĐẠO, CHỚ VỘI TIN NGƯỜI CÓ ĐẠO !
Dân
gian hay nói : “Áo dòng không làm nên
thầy tu”. Câu ấy còn phải hiểu : nhiều kẻ chỉ có nhãn hiệu Công Giáo, nhưng
bản chất nó là “kẻ phản Ki-tô, là ngôn sứ
giả đã xuất hiện trên trần gian, nó không tuyên xưng Đức Giê-su, nó không thuộc
Thiên Chúa, nó thuộc về thế gian” (1Ga 3,1-3 ; 4,6a : Bài đọc).
Ngày
hôm nay trên thế giới, có nhiều nhóm giáo dân do Linh mục quy tụ đến cầu nguyện
và xin ơn, rồi cử những người làm chứng được ơn này, ơn kia để minh chứng về
lòng thương xót của Chúa.Hình thức quy tụ này không biết có phải là “Phản
Ki-tô” hay không? Trừ khi việc ấy rập theo khuôn sống đạo theo gương Chúa
Giê-su. Đành rằng Phúc Âm có nhắc đến việc Đức Giê-su chữa nhiều bệnh nhân, trừ
quỷ xuất khỏi nhiều người (x Mt 4,24 : Tin Mừng), và khi Đức Giê-su truyền lệnh
cho các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo,thì Ngài cũng ban
cho họ quyền làm nhiều phép lạ, thậm chí
uống nhằm thuốc độc cũng không bị hại, cầm rắn trong tay mà vẫn bình an (x Mc
16,17-18). Nhưng ta phải hiểu Chúa làm phép lạ ấy, không nhằm giải quyết những
đau khổ của con người về bệnh tật, mà chủ đích cho người ta nhận ra Ngài là
Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa hứa ban để cứu dân, như lời ngôn sứ Isaia (53,4)
nói : “Chúa gánh lấy bệnh tật chúng ta”,
mà theo quan niệm người Do Thái : chữa bệnh bằng lời nói hay bằng quyền phép là
thể hiện quyền tha tội, cất nguyên nhân gây ra bệnh (x Ga 9,2). Chỉ có Thiên
Chúa mới có quyền này, để người ta nhận biết Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha sai
đến, hầu họ được sự sống đời đời (x Ga 17,3).
Bởi
vậy, những ai chỉ chủ tâm đến xin ơn cho thể xác, thì Đức Giê-su trốn họ! Thậm chí có lần
cả ngày Ngài đã chữa lành nhiều bệnh nhân, thế là càng lúc bệnh nhân càng kéo
đến đông, Ngài vẫn bỏ họ mà tìm nơi vắng vẻ cầu nguyện, ông Phê-rô và các bạn
lùng kiếm Ngài suốt đêm, sáng sớm mới gặp Ngài đang cầu nguyện, Phê-rô thưa : “Mọi người đi tìm Thầy”, thế mà Đức
Giê-su không bảo : “Ai cần ơn gì cứ đến
với tôi”, nhưng Ngài bảo Phê-rô : “Bây
giờ chúng ta phải lên đường đi giảng nơi khác, đó là lý do Thầy đã ra đi”
(x Mc 1,29-39) ; Lần khác, người ta lũ lượt kéo nhau đến xin Ngài cho bánh ăn
và muốn tôn Ngài làm vua, Ngài đã lên tiếng trách : “Các ngươi tìm Ta không phải vì dấu lạ, nhưng chỉ vì cái bụng, hãy ra
công làm việc tìm kiếm của ăn không bao giờ hư nát”. Thế rồi Ngài say sưa
giảng, cả đoàn lũ dân không chấp nhận
quay gót đi. Đức Giê-su không hối hận, mà còn quay lại nói với Nhóm Mười Hai :
“Kìa, người ta bỏ đi hết thảy, sao chúng
con còn đứng đây” (Ga 6, 25-66).
Những
chứng từ trên đây đủ nhấn mạnh : Chúa chỉ tha thiết giảng Lời, ai nghe Lời
Ngài, tâm hồn họ được thanh tẩy (x Ga 15,3). Bởi thế, nếu ta chỉ tin Chúa
thương xót khi ta được ơn thể xác hay
cầu xin được như ý mình, thì làm sao chúng ta hiểu được tình thương của Cha trên
trời dành cho Chúa Giêsu, khi hai lần Ngài tha thiết cầu nguyện, thì sự dữ lại
ập đến :
-
Ngài thức suốt đêm xin
Chúa Cha giúp Ngài chọn môn đệ, thế mà Ngài chọn phải tên Giu-đa phản bội (x Lc
6,12-13).
-
Ngài thiết tha cầu
nguyện trước giờ Tử Nạn đến toát mồ hôi máu : “Lạy Cha, nếu được, xin cho Con
khỏi uống chén đắng này…” Thế mà ngay sau khi vừa dứt lời cầu, thì kẻ ác ập đến
bắt Ngài (x Lc 22,39t).
Như thế, đau
khổ là dấu chỉ sự tùng phục tuyệt đối :
-
Để tỏ lòng vâng phục
Thiên Chúa cách tuyệt đối, tổ phụ Abraham sẵn sàng đưa con một lên núi giết để
tế lễ (x St 22).
-
Đức Giê-su chấp nhận
cái chết đau thương để tỏ lòng tùng phục Chúa Cha (x Pl 2,8).
Ai càng tỏ ra hết lòng tùng phục Thiên Chúa như thế,
thì Ngài cũng hết lòng ban ơn cho họ : Abraham được Chúa cho sinh con đàn cháu
đống, mọi dân tộc sẽ lấy dòng giống ông mà cầu phúc cho nhau (x St 22,17-18) ;
Sự tùng phục đến chết của Đức Giê-su, đem ơn cứu độ cho muôn dân, để mọi miệng
lưỡi trên trời dưới đất tuyên xưng Ngài là Đức Chúa (x Pl 2, 11).
Thánh Tô-ma Tiến sĩ nói : “Mỗi vấn đề được giải quyết trong
lãnh vực của nó” : Bệnh tật cần nhờ đến y khoa, y khoa bó tay cần đến
Bí tích Xức Dầu, làm hết cách mà bệnh không thuyên giảm, thì đó là ý Chúa muốn
ta được cộng tác với Ngài để làm hoàn hảo cuộc Tử Nạn mà Ngài đã khởi sự (x Cl
1,24), và như thế ta được chia phần sự sống Phục Sinh với Ngài (2 Tm 2,11-12).
Để kết luận về vấn đề xin phép lạ, ta đừng quên lời
thánh Gioan ghi : “Trong thời gian Đức Giê-su ở tại Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, thì
trong đám người đến chầu lễ, đã có lắm kẻ tin vào danh Ngài, bởi được chứng
kiến các dấu lạ Ngài làm. NHƯNG ĐỨC GIÊSU KHÔNG TÍN NHIỆM HỌ, VÌ NGÀI BIẾT HỌ
HẾT THẢY” (Ga 2,23-24).
Còn “ai tin vào danh Con của Người, Đức Giêsu Kitô,
và yêu mến nhau như Ngài đã truyền lệnh, để nhờ Thần Khí họ tuyên xưng Đức
Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt, đó là Thần Khí thuộc về Thiên Chúa, người ấy được
thắng các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian.
Cho nên chúng ta đã thuộc về Thiên Chúa. Ai biết Thiên Chúa thì nghe lời chúng
ta. Ai không thuộc về Thiên Chúa, thì không nghe chúng ta” (1Ga 3,22-23 ;
4,2.4-6 : Bài đọc).
Chúng
ta muốn xứng danh là người Công Giáo chân chính, ta phải sống ba điểm giáo lý
mà Tin Mừng hôm nay gợi ý :
-
Ta có chết vì chân lý,
ta mới là người cao cả nhất, dọn đường cho Chúa đến.
-
Ta phải hiệp nhất với
Chúa Giêsu để hành động.
-
Ta phải chăm sóc linh
hồn đồng loại trước thân xác họ.
1/ TA CÓ CHẾT VÌ CHÂN LÝ, TA MỚI LÀ NGƯỜI CAO CẢ
NHẤT, DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN.
Tin
Mừng hôm nay tác giả Mát-thêu viết : “Ông
Gioan Tẩy Giả bị NỘP trước khi Đức Giêsu đi rao giảng” (Mt 4,12 : Tin
Mừng).
Động
từ NỘP trong Tin Mừng Mátthêu luôn nói về cái chết của Đức Giêsu. Thực vậy :
* Trước giờ
Đức Giêsu bị bắt, ba lần Ngài báo cho các môn đệ Ngài sẽ bị NỘP:
-
“Con Người sắp bị NỘP trong tay người đời, và họ sẽ giết chết Ngài”
(Mt 17,22-23a).
-
“Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị NỘP cho các thượng tế và
ký lục, và người ta sẽ lên án tử hình Ngài và NỘP Ngài cho dân ngoại, để họ
nhạo báng đánh đòn và treo lên khổ giá” (Mt 20,18-19).
-
“Anh em biết sau hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sẽ bị NỘP
để chịu đóng đinh thập giá” (Mt 26,2).
* Trong ngày
Thứ Sáu Tuần Thánh, Mát-thêu lại ghi ba lần Đức Giêsu bị NỘP:
- “Họ trói Đức Giêsu mà điệu Ngài đi NỘP cho
tổng trấn Philatô (Mt 27,2).
- “Philatô đã biết vì ganh tỵ mà họ đã NỘP Ngài
cho ông” (Mt 27,18).
- “Philatô tha Barabba cho họ, còn Đức Giêsu
thì ông cho đánh đòn rồi phó NỘP cho đóng đinh thập giá” (Mt 27,26).
Vậy ông Gioan bị NỘP hay Đức
Giê-su bị NỘP, đều nói lên một cái chết giống nhau là chết vì Chân Lý. Chính vì
ông Gioan có nhiều điểm giống Đức Giêsu, đặc biệt chết vì Chân Lý mới là con
người cao cả nhất (x Mt 11,11). Ta có bắt chước ông Gioan giống Đức Giêsu như
thế, ta mới trở thành một Gioan Tẩy Giả khác dọn lòng mọi người đón Đức Giêsu,
diễn tả sức bật của Tin Mừng. Thực vậy :
-
Ông Gioan bị NỘP cho
vua Hêrôđê cắt đầu, vì ông dám phản đối Hêrôđê cướp vợ anh mình. Kẻ ác tưởng
như thế là đã trù dập được chân lý, nhưng Đức Giêsu là Mặt Trời Công Chính bắt
đầu ló rạng (x Lc 1,78), bắt đầu loan báo Tin Mừng cho cả dân ngoại (x Mt 4,2 : Tin Mừng).
-
Người Do Thái NỘP Đức
Giêsu cho Roma đóng đinh vào thập giá, họ tưởng làm như thế là chôn vùi được
chân lý, nhưng các Tông Đồ tích cực liều mạng rao giảng Tin Mừng, nối tiếp sứ
mệnh Thầy Giêsu đã trao (x Mt 28,19-20 ; Cv 4,1-22).
-
Những kẻ ghen ghét
Stêphanô, họ NỘP ông cho thượng hội đồng Do Thái ném đá chết, thì các tín hữu
tản đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng (x Cv 8,1-8).
-
Các tín hữu bất kể lớn
nhỏ, đàn ông hay đàn bà, bị ông Saulo bách hại, thì Chúa quật ngã Saulo xuống
đất, Ngài hỏi tội ông, ông biết sám hối, cụ thể đi học giáo lý nơi các môn đệ
(x Cv 8.9). Từ đó ông trở thành Tông Đồ xuất sắc hơn các Tông Đồ thượng đẳng,
vì ông đã tập họp muôn dân về cho Chúa (x Gl 1,11t ; 2Cr 11,5).
Như
thế sức bật của Tin Mừng giống như chiếc lò xo bị nén, càng nén mạnh thì sức
bật càng tăng. Đây là chân lý đã được khai mở khi Đức Giêsu bắt đầu hoạt động
công khai. Ông Mátthêu cho biết : “Đức
Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị NỘP, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ
Nadarét, đến ở Capharnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun
và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói : Này đất Dơvulun,
và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi
Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy
một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay
được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4,12-16 : Tin Mừng).
Galilê
miền Bắc nước Israel,
còn Dơvulun và Náptali là hai chi tộc trong số 12 chi tộc con của ông tổ Giacob.
Tại sao ông Mátthêu lại gọi họ là “vùng
các dân ngoại đang ngồi trong bóng tối sự chết” ?
Thưa : Vào năm -734, hai bộ lạc Dơvulun
và Náptali cư ngụ ở Capharnaum, nằm ở vùng duyên hải,bên kia sông Giođan thuộc
miền Galilê (x Gs 19,10-39),đã bị ông Seleucos, vua Assur chiếm. Do đó, ngôn sứ
Isaia gọi đó là “vùng dân ngoại đang ngồi trong bóng tối sự chết, đã thấy một ánh sáng
huy hoàng” (Is 8,23 ; 9, 1-2).
Vậy
việc Đức Giêsu sang vùng dân ngoại này rao giảng, vừa nói lên hình phạt đối với những người Do Thái tự hào nắm trọn
luật Môsê, nhưng đã khước từ Tin Mừng Chúa muốn ban tặng trước cho họ, thì Tin
Mừng lại được loan báo cho dân ngoại, Đức Giêsu gọi họ là “chiên lạc nhà
Israel” (x Mt 10,6) vừa nói lên ơn cứu
độ phổ quát Chúa không chỉ ưu tiên cứu người Do Thái như họ tưởng nghĩ, mà
Chúa còn muốn cứu muôn dân. Bởi đó chúng ta không phải là dân Israel, cần dọn
tâm hồn đón nhận Đức Giêsu, là đón nhận được nguồn sống vinh phúc dồi dào bất
tận, để rồi cũng liều chết vì chân lý. Có thế mới làm cho Tin Mừng bung ra,
thâu họp muôn dân về cho Chúa.
2/ TA PHẢI HIỆP NHẤT VỚI CHÚA GIÊSU ĐỂ HÀNH ĐỘNG.
Không
phải mọi sự hiệp nhất đưa đến sự sống, và cũng không tất yếu mọi chia rẽ là
chết !
·
Ma quỷ đã hiệp
nhất với kẻ ác, các đầu mục Do Thái cùng thông đồng với chính quyền Roma, nên
đã đưa đến cái chết cho Đấng vô tội ! Hoặc những tên trộm cướp hiệp nhất thành
băng đảng giết hại bao nhiêu dân lành !
·
Ông Phaolô đã
lợi dụng niềm tin bất đồng về sự sống lại giữa nhóm Biệt phái và bè Sađốc, ông
kêu lên : “Tôi tin có sống lại !’’
Thế là bè Sađốc vì không tin sống lại càng có cớ đòi giết ông Phaolô ; ngay lúc
đó nhóm Biệt phái lại ra sức bảo vệ niềm tin sống lại của ông Phaolô Biệt phái,
cũng chính là của họ, thế là hai nhóm ẩu đả nhau, trưởng cơ thấy náo loạn đã
đưa ông Phao-lô ra khỏi nơi ấy, nhờ đó ông thoát chết! (x Cv 23,1-11).
Vậy chỉ có hiệp nhất trong chân lý, hiệp nhất với
Chúa, như Đức Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ Ngài: "Lạy Cha xin cho chúng nên một, như Con ở
trong Cha và Cha ở trong Con" (x Ga 17,21a) mới đem lại sự sống. Để nói
lên sự hiệp nhất với Đức Giêsu trong chương trình hành động, ông Mátthêu đã ghi
lời mở đầu sứ mệnh rao giảng của ông Gioan Bt, giống y như lời mở đầu rao giảng
của Đức Giêsu, để rồi các Tông Đồ cũng rập khuôn lời mở đầu ấy, khi các ông bắt
đầu sứ mệnh : “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2 = Mt 4,17 = Mt
10,7).
3/ TA PHẢI CHĂM SÓC LINH HỒN ĐỒNG LOẠI TRƯỚC THÂN XÁC
HỌ.
Thánh
Mátthêu ghi nhận : “Đức Giêsu rảo khắp xứ
Galilê trước nhất là để giảng Tin Mừng
về Nước Thiên Chúa trong các hội đường của họ, sau đó Ngài mới chữa lành mọi tật nguyền bệnh hoạn trong dân’’ (Mt 4,23 : Tung Hô Tin Mừng). Như thế Đức
Giêsu đã làm mẫu cho Lời Ngài dạy : “Hãy
tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, và sự công chính của Ngài, còn các điều khác
Ngài sẽ ban thêm cho” (Mt 6,33), và Ngài làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh nói : “Người ta được lành mạnh không phải vì cỏ nọ
hay thuốc kia, nhưng nhờ Lời Chúa chữa họ khỏi mọi tật nguyền” (Kn
16,12).
Vậy Đức
Giêsu đã vạch cho chúng ta con đường phục vụ : Phải chăm sóc linh hồn đồng loại trước khi chăm sóc nhu cầu thân xác họ.
Nói cách khác : chăm lo đời sống tâm linh, đời sống đạo của đồng loại hơn
là chỉ dừng lại lo cho họ được no cơm ấm áo. Bởi thế, thánh Phaolô nói : “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn
uống, nhưng là công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17), và ông còn cảnh
cáo : “Đừng lấy cái bụng làm Chúa, vinh
quang đặt nơi điều đáng phải xấu hổ
!” (Pl 3,19)
KẾT
LUẬN
Ta
sống ba điểm giáo lý trên đây là ta “giữ các
lệnh truyền của Người và làm những điều đẹp lòng Người, thì ta xin gì Người
cũng ban cho’’(1Ga 3,22 : Bài đọc). Đúng như lời Thánh vịnh 2 câu 8: “Con cứ xin, rồi cha ban tặng, muôn dân nước
làm sản nghiệp riêng” (Đáp ca). Bởi vì: “Ta đã thuộc về Chúa, ta thắng được các ngôn sứ giả, vì Đấng ở trong ta
mạnh hơn là kẻ ở trong thế gian. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa, ai biết Thiên
Chúa thì nghe chúng ta” (1Ga 4,4.6 : Bài đọc).
Người
Kitô hữu nào không sống những điểm Giáo Lý trên đây, thì “thân xác họ ở trong Hội Thánh, nhưng linh hồn họ ở ngoài Hội Thánh, họ
chẳng những không được Chúa cứu độ mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn” (Hiến
Chế Hội Thánh số 14). Thánh Gioan kết án họ : “Nó là phản Kitô, là tiên tri giả” (1Ga 3,3 : Bài đọc), nó độc ác,
quỷ quyệt hơn cáo già Hêrôđê, hắn đã cắt đầu ông Gioan, người công chính của
Thiên Chúa, và sự cố ấy lại trở nên dấu giết Con Thiên Chúa, loại đi nguồn ơn cứu
độ ! Thế thì nó tệ hơn “dân ngoại ngồi
trong bóng tối sự chết, đã đón nhận được Tin Mừng sự sống Đức Giêsu đem đến
(x Mt 4,16 : Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Anh em phải sống đạo sao cho lương dân níu
lấy áo anh em mà nói : Chúng tôi muốn đi theo anh em, vì chúng tôi đã nghe biết
rằng : Thiên Chúa ở với anh em (Dr 8,23).
http://phaolomoi.net
LM. GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH