BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC :
Cv 6,8-10 ; 7,54-60
6 8 Thời đó, ông Stê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền
năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân.9 Có những
người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc
Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng
lên tranh luận với ông Stê-pha-nô.10 Nhưng họ không địch nổi lời lẽ
khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.
7 54
Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông
Tê-pha-nô.
55 Được đầy ơn Thánh Thần,
ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên
hữu Thiên Chúa.56 Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người
đứng bên hữu Thiên Chúa."57 Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại
và nhất tề xông vào ông 58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các
nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô.59 Họ
ném đá ông Stê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giê-su, xin
nhận lấy hồn con."60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng:
"Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ.
ĐÁP CA : Tv
30
Đ. Trong
tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con. (c 6a)
3bc Xin
Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,như thành trì để cứu độ con. 4
Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa. Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường
chỉ lối cho con.
6 Trong
tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành
tín.8ab Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở,vì Ngài đã đoái nhìn
phận con cùng khốn.
16bc Xin
giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con. 17 Xin
toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ.
BÀI GIẢNG
KHÔNG ĐỔ
MÁU, KHÔNG CÓ ƠN CỨU ĐỘ
Chúng
ta biết, Phụng Vụ của Hội Thánh đặt nền tảng trên hai mầu nhiệm lớn, là mầu
nhiệm Ngôi Lời nhập thể và mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Mỗi khi Hội Thánh cử
hành hai mầu nhiệm này, đều ra tuần Bát Nhật mừng kính Thiên Chúa, đồng thời
nói lên lòng tri ân vì muôn vàn ân sủng Ngài ban cách nhưng không, thật dồi dào
phong phú cho loài người. Do đó Giáo Lý trong tuần Bát Nhật vô cùng quan trọng,
vì trong thời gian suốt 8 ngày, qua Phụng Vụ, Hội Thánh mới có điều kiện trình
bày cặn kẽ Giáo Lý về hai Mầu Nhiệm ấy để nuôi dưỡng và phát triển đời sống Đức
Tin, lòng mến của các tín hữu. Con số 8 Hội Thánh chọn với hậu ý : Trong tuần
Bát Nhật, người Kitô hữu nhờ nắm vững Giáo Lý qua các Bài đọc và đem ra thực
hành, chắc chắn đạt được sự sống Phục Sinh. Vì vào ngày thứ tám (ngày thứ I
trong tuần) Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại. Nhờ đó Hội Thánh được sinh ra, ai thuộc
về Hội Thánh mới bảo tồn được sự sống, giống như tám người thuộc gia đình ông
Noe, được Chúa tuyển chọn trong cả loài người, sống an toàn trong con tàu Chúa đã
chỉ dạy ông Noe đóng, những sinh vật ngoài tầu Noe đều bị tiêu diệt, vì nước phủ
khắp trái đất (x St 7,13). Dân Chúa sống trong Hội Thánh được Chúa Giêsu chăm
sóc hằng ngày bằng Lời Hằng Sống và bằng Thịt Máu Ngài. Đặc biệt Lời Chúa vô
cùng sinh động, do đó trong một 150 Thánh vịnh, thì Tv 118 là Thánh vịnh nói về
ơn Chúa ban qua Lời của Ngài. Đây là Thánh vịnh dài nhất, chia làm 22 ca khúc
(số 22 cho chúng ta liên tưởng tới Tv 22 là Thánh vịnh nói về sứ mệnh mục tử của
Chúa Giêsu chăm sóc chiên của Ngài), mỗi ca khúc lại gồm 8 câu : dấu chỉ về phục
sinh cho những ai sống 8 mối Phúc thật (x Mt 5,1t).
Ngày
lễ thánh Stêphanô Tử Đạo, được đặt vào đầu tuần Bát Nhật mừng Chúa Giáng Sinh,
không phải vì ông Stêphanô bị giết vào ngày 26 tháng 12, nhưng Giáo Hội có ý
mừng thánh Tử Đạo đầu tiên trong Hội Thánh, để nói rằng : Con Thiên Chúa đã xé
trời xuống trần gian (x Mc 1,10). Bởi đó bất cứ những ai muốn được vào Nước
Trời cũng phải xé xác mình, phải đổ máu như Stêphanô, ít là xác tín sống Tin
Mừng phải chấp nhận gian khổ mới về Thiên Đàng.
Vậy Giáo
Lý trong ngày mừng kính thánh Stêphanô dạy mọi người tín hữu phải xác tín và
đem ra thực hành :
-
Muốn được Chúa ban bình an, phải đương đầu với nhiều
đối kháng.
-
Sống niềm tin vào Chúa Kitô là sống trong hy vọng nơi
ngày cánh chung.
1/ MUỐN ĐƯỢC
CHÚA BÌNH AN, PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHIỀU ĐỐI KHÁNG.
Chúng
ta mới mừng lễ Chúa Giáng Sinh ngày hôm qua, dân Chúa tiếp tục phụ họa tiếng
hát thiên thần : “Vinh danh Thiên Chúa
trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”(Lc 2,14). Lời ca
này như còn đang văng vẳng bên tai, thế
mà ngày hôm sau (26/12), Phó tế Stêphanô là mẫu người sống hết lòng tin theo
Chúa Giêsu, thì bình an chẳng đến với ông, trái lại bị nhiều người căm phẫn, họ
hùa nhau ném đá cho chết, đó là mẫu người được hưởng sự bình an Chúa Giáng Sinh
ban đấy ư? Đúng thế, Chúa Giêsu đã nói với những môn đệ đi theo Ngài : “Thầy ban bình an chúng con không như thế
gian ban” (Ga 14,27). Do đó, những kẻ ước mơ thứ bình an “rẻ tiền” để hưởng
thụ, thì Chúa Giêsu dạy : “Đừng tưởng Ta
đến đem bình an trên mặt đất, ta đến không phải đem bình an, mà là đem gươm
giáo. Ta đến gây chia rẽ ngay nơi những người trong cùng một gia đình, và kẻ
thù của người ta lại là người nhà của
mình” (Mt 10,34-36). Quả thật, những người Do Thái cùng gọi Thiên Chúa là
Cha, cùng tôn thờ Ngài theo Luật Môsê hướng dẫn để tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu
Độ duy nhất (x Gl 3,24), thì chính những người này lại đối nghịch với ông
Stêphanô, vì ông đã chia rẽ niềm tin của họ. Đó là lý do họ quyết liệt loại trừ
ông khỏi mặt đất.
Chúng
ta còn nhớ ngày Đức Giêsu bị xét xử, ông Philatô không muốn nhúng tay vào tội
ác giết Ngài, nên ông nói với người Do Thái : “Các ông cứ đem xử theo Luật của các ông”, thì người Do Thái lại trả
lời : “Chúng tôi không có phép lên án xử
tử ai” (Ga 18,31). Người Do Thái trả lời cho ông Philatô như thế, là vì vào
thời ấy, Do Thái đang bị đặt dưới ách thống trị Roma, quyền bính Roma không cho
phép người Do Thái lên án xử tử ai, dù luật Do Thái cho phép họ ném đá kẻ nào
phạm đến luật Môsê. Thế mà tại sao những người Do Thái lại tự quyền ném đá ông Stêphanô?
Thưa vì vào năm 36, tổng trấn Philatô đang cai trị miền Giuđa, ông bị hoàng đế
triệu về Roma, mãi đến năm 37 Roma mới đặt tổng trấn Marxili cai trị miền
Giuđa, như thế người Do Thái lợi dụng lúc không có ai điều hành pháp luật, họ
đã ném đá Stêphanô cho chết ! Sự cố này đã làm ứng nghiệm Lời Chúa Giêsu nói : “Kẻ thù là người nhà của mình” (Mt
10,36). Khi Phó tế Stêphanô bị “người nhà” ném đá, tâm tư ông giống hệt Chúa
Giêsu, lúc sắp chết ông hướng tâm hồn về đồi Golgotha, chiêm ngưỡng Đức Giêsu
bị treo trên thập giá, và ông bắt chước Ngài cầu nguyện cho kẻ hại mình : “Lạy
Chúa Giêsu, xin đoái nhận hồn con, và
xin Chúa đừng chấp tội kẻ hại con” (Lc 23,34-46 = Cv 7,59-60). Như thế
nội dung lời cầu nguyện của ông Stêphanô giống hệt nội dung lời cầu nguyện của
Đức Giêsu trên thập giá, chỉ khác một điều là ông đã đảo lộn thứ tự lời cầu :
Đức Giêsu thì cầu nguyện cho kẻ hại mình trước, sau đó mới phó dâng linh hồn
cho Chúa Cha, xem ra như Ngài muốn yêu sách : Nếu Cha không tha tội cho kẻ hại
Con, thì Con không dám dâng hồn Con cho Cha ; Còn ông Stêphanô, vì là phàm nhân
nên cần được Thiên Chúa cứu độ mình trước, ông mới có khả năng cứu được người
khác, nên ông đã cầu nguyện : Xin Chúa đón nhận lấy hồn con trước, sau đó ông mới xin Chúa tha tội cho kẻ giết ông. Chính
nhờ ông Stêphanô biết cầu nguyện cho kẻ hại mình, ông đã thực hành Lời Đức Giêsu
đã dạy : “Hãy yêu mến thù địch và cầu
nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Sống như thế mới được đồng
danh với Chúa Giêsu vì cùng là Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32 = Lc 6,35). Nhờ ông
Stêphanô cầu nguyện cho những kẻ giết mình, nhất là cầu cho Saulô, kẻ ôm áo
động viên những người Do Thái ném đá ông (x Cv 7,58 : Bài đọc), Chúa biến “sói
Saulô” thành “bồ câu Phaolô” đem Tin Mừng bình an đến cho muôn dân. Đó mới thực
là phúc bình an Chúa ban cho ai biết dùng “gươm” Chân Lý để chiến đấu. Bởi vậy
trong giờ Kinh Phụng Vụ buổi Sáng kính thánh Stêphanô, Hội Thánh đã đặt vào
miệng chúng ta lời Thánh vịnh : “Thanh
gươm hai lưỡi (Lời Chúa) cầm chắc trong tay, để trả thù muôn nước và trừng trị
chư dân, để xiềng chân vua chúa (kẻ ác), và xích cổ vương hầu, để thi hành án
phạt, Chúa đã viết từ xưa, đó là niềm vinh dự cho những kẻ trung hiếu với Người”
(Tv 149,6-9).
Để
sống niềm tin vào Chúa Kitô như ông Stêphanô, chúng ta phải cầu nguyện : “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác
hồn con, xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con.
Xin giải thoát con khỏi tay địch thù, khỏi người bách hại con” (Tv 31/30,
3.4.6a.16bc : Đáp ca).
2/ SỐNG
NIỀM TIN VÀO CHÚA KITÔ LÀ SỐNG TRONG HY VỌNG NƠI NGÀY CÁNH CHUNG.
Trong
mùa Vọng, người Kitô hữu ai cũng thích
nghe lời ngôn sứ Isaia tiên báo về thời đại Thiên Chúa ra tay cứu độ
loài người thoát khỏi mọi sự dữ : “Sói sống chung với chiên, trẻ con thọc tay
vào hang rắn lục…” (Is 11,1-4 : Bài đọc). Có nghĩa là vào thời Con
Thiên Chúa làm người, kẻ ác không còn
làm hại người lành, sự thiện thắng sự dữ, hoặc kẻ ác, người lành vẫn sống chung
hòa bình, nhờ Đấng Cứu Thế đến như Mục Tử chăn dắt con chiên thuộc ràn của Ngài.
Thế mà Đấng ấy đã đến trần gian gần 40 năm rồi, và Ngài đã đánh gục tử thần,
sống lại vinh hiển ; rồi về Trời dọn chỗ cho những kẻ đi chung đường phục vụ
với Ngài (x 1Ga 2,6), và tiếp tục tuôn đổ bình an xuống cho loài người Chúa
thương. Vậy tại sao Chúa lại để cho “sói Saulô” vẫn ăn thịt “chiên Stêphanô”,
và rắn lục là các đầu mục Do Thái vẫn cắn chết “trẻ thơ Stêphanô” ?
Thắc
mắc này chỉ có thể trả lời vào ngày cánh chung, vì ngày ấy mới thấy “sói Saulô”
và “chiên Stêphanô” sống chung với nhau. Khi ấy “sói Saulo” và “chiên Stêphanô”
có thể đùa giỡn với nhau. Ví dụ : Stêphanô vừa thấy Phaolô tới cửa Thiên Đàng, ông
Stêphanô lên tiếng thưa với Chúa :
- Lạy
Chúa, tên này xưa kia nó động viên người ta ném đá con, mà nay hắn lại vào đây,
chắc chắn tên này sẽ động viên cả các thần thánh ném đá Chúa không chừng ?
Ông
Phaolô cũng không vừa, ông kêu cầu tới Chúa :
-
Lạy Chúa, Ngài dạy phải tha thứ cho kẻ thù mình tới 70 lần 7 mỗi ngày, thế mà
anh Stêphanô này được vào Thiên Đàng trước con nhưng trong khi tâm hồn vẫn tìm
cách trả thù kẻ đã làm hại mình.
Lúc
ấy, Chúa Giêsu lên tiếng can thiệp :
-
Thôi mà hai anh con
đừng chọc nhau nữa.
Thế
là hai ông ôm nhau khóc bởi qúa vui mừng : Nhờ Stêphanô đã cầu nguyện cho Saulô
mà Chúa xuất hiện đón lấy hồn Stêphanô ; còn Saulô được Stêphanô cầu nguyện mà ông trở nên Tông
Đồ xuất sắc không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5), nay cùng nhau được
sum họp trên Thiên Đàng hưởng phúc vinh với Chúa.
Vậy hai ông
Stêphanô và Phaolô đã minh họa “sói – chiên” sống chung với nhau trong bình an
vô tận với Chúa.
THUỘC LÒNG
Không đổ máu, không có ơn cứu độ (Dt
9,22).
Cựu Ước là nụ, Tân Ước là bông, cánh chung
mới hái trái (x Hiến Chế Mạc Khải số 16 và 1Ga 3,2).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH