Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN - NĂM CHẴN
Âm thanh
Video
Video
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
 BÀI ĐỌC : 1 Cr 12,31-13,13

12         31 Thưa anh em, trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.

13         1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.8 Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn.9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn.10 Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con.12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

ĐÁP CA : Tv 32

Đ.        Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp. (c 12b)

2 Tạ ơn CHÚA, gieo vạn tiếng đàn cầm,kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. 3 Nào dâng Chúa một khúc tân ca,rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng.

4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. 5 Chúa yêu thích điều công minh chính trực,tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.

12 Hạnh phúc thay quốc gia được CHÚA làm Chúa Tể,hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp. 22 Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA,như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

BÀI TIN MỪNG
 TUNG HÔ TIN MỪNG : x Ga 6,63c.68c

            Hall-Hall : Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống ; Chúa có những Lời đem lại sự sống đời đời. Hall.

TIN MỪNG : Lc 7, 31-35                                    

            31 Một hôm, Đức Giê-su nói với đám đông về ông Gio-an rằng : "Tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai?32 Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:"Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám,mà các anh không khóc than.

33 "Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: "Ông ta bị quỷ ám.34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.35 Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho."

 

BÀI GIẢNG
 ƠN CỨU ĐỘ ĐẾN VỚI NGƯỜI KHAO KHÁT ĐẤNG CỨU THẾ

Cả bốn Tin Mừng không tác giả nào ghi nhận một nụ cười của Đức Giêsu, như thế chắc chắn là Ngài thấy trước sự bội bạc của loài người, hầu hết đều thờ ơ lãnh đạm trước ơn cứu độ Ngài thực hiện cho họ.

* Đối với các Luật sĩ và Biệt phái :

Họ quyết liệt chối sứ mệnh của ông Gioan Bt và của Đức Giêsu, nên luôn cắt nghĩa xấu cho hai Đấng :

-         Nghĩ xấu cho ông Gioan Tẩy Giả, họ liệt ông vào loại kẻ bị quỷ ám, vì ông không ăn uống cao lương, mà chỉ dùng châu chấu và mật ong dại (x Lc 7,33 : Tin Mừng). Ông Gioan làm thế là dấu chỉ hướng lòng mọi người về Đức Giêsu, để ai tin vào Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, người đó mới được cứu độ.

-         Đức Giêsu bị họ kết án : “Ông này là bợm nhậu, bạn bè với kẻ xấu nết” (Lc 7,34 : Tin Mừng), vì họ thấy Đức Giêsu không ăn kham khổ như ông Gioan Tẩy Giả, nhưng lại sẵn sàng dùng bữa với cả những người thu thuế tội lỗi, họ không thể hiểu sứ mệnh của Đức Giêsu như một y sĩ đại tài, đến chữa tâm hồn những kẻ tội lỗi.

Sở dĩ Luật sĩ và Biệt phái có thái độ như thế, chỉ vì họ tự mãn vào việc giữ Luật Môsê, nên không cần phải quan tâm đến phép rửa của Gioan, phép rửa ấy chỉ có lũ dân quèn và bọn thu thuế tội lỗi, không biết gì về Lề Luật mới đến lãnh nhận (x Lc 7,29-30 ; Ga 7,44-52).

* Đối với nhân loại trong mọi thời đại thì do :

      - Chủ nghĩa thực dụng : Đức Giêsu đã trách họ : “Ta đến nhân danh Cha Ta, nhưng các ngươi không chịu lấy Ta, thảng hoặc có ai lấy danh mình mà đến, thì các ngươi chịu lấy nó. Như thế làm sao các ngươi tin Ta được, khi các ngươi cầu vinh với nhau, còn vinh quang Thiên Chúa, Đấng độc nhất, các ngươi lại không màng” (Ga 5,43-44)

-         Chủ nghĩa duy vật : Rất nhiều người chủ trương : “Có thực mới vực được đạo”, họ có tìm đến với Đức Giêsu chỉ vì miếng ăn, bởi thế Ngài lên tiếng trách : “Các ngươi tìm Ta không phải vì dấu lạ, nhưng chỉ vì muốn được ăn bánh no nê” (Ga 6,26).

-         Chủ nghĩa cá nhân : Ít ai quan tâm đến vui buồn của đồng loại, vì họ muốn rằng : “Tôi không động đến ai thì đừng ai động đến tôi !” Loại người này, Hội Thánh nhắc nhở họ : “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là người nghèo và người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự của con người, mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Hiến Chế Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay số 1).

Vậy để đón nhận ơn cứu độ, hầu làm cho Chúa Giêsu vui, mỗi người cần có sự khiêm tốn, xin Chúa cho mình biết đói khát ơn cứu độ, như Chúa đã nói qua miệng ngôn sứ Amos : “Ta sẽ sai đói khát đến trong xứ, không phải đói vì thiếu bánh, không phải khát vì hết nước, nhưng là đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11). Hay ít ra có tâm hồn đam mê tìm  kiếm Thiên Chúa. Triết gia Kierkegaard nói : “Mọi vấn đề ăn thua với cuộc sống hệ tại ở chỗ đam mê, suy nghĩ về vấn đề gì mà không đam mê, thì không suy nghĩ gì cả!”

Thánh Tôma Tiến sĩ cũng nói : “Người trí thức có ba việc phải làm : học điều mình tin, hiểu điều mình yêu, và mến việc mình làm”.

Cô Maria em Matta cứ mải miết ngồi dưới chân Chúa há họng, tròn mắt, vểnh tai nghe Chúa rót Lời vào lòng cô, xem ra cô chẳng quan tâm đến việc phụ giúp chị cùng lo dọn bàn ăn phục vụ Chúa lúc Ngài đang đói ! Tâm hồn cô Maria trở nên mẫu cho những người khôn tìm được điều quan trọng nhất trong đời, Chúa xác nhận : Điều ấy cô không bị ai giựt mất ! (x Lc 10,38-42). Chỉ những ai có tâm hồn như cô Maria, mới cất lời cầu nguyện : “Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là Sự Sống, Chúa có những Lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,63c.68c : Tung Hô Tin Mừng). Nhưng Lời Chúa chỉ sinh sự sống đối với những ai đem ra thực hành. Và nhớ rằng mình không hơn Chúa Giêsu, dù Ngài phục vụ mọi người đến phải chết trên thập giá, vẫn còn bị người đời chê bai, sỉ vả, họ dửng dưng đứng nhìn Ngài chết tức tưởi, họ không hiểu Ngài chết vì tội họ để cho họ được sống (x Lc 23,35), bởi thế  mà  họ cho những biến cố vui buồn trong đời Đức Giêsu như trò trẻ con, chúng chơi với nhau đứa khóc đứa cười, ai mà quan tâm ! (x Lc 7,31-32 : Tin Mừng). Nhưng không vì thế mà Đức Giêsu muốn rẩy từ họ. Thánh Phaolô nói : “Dù họ có bất tín, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình” (x 1Tm 2,13) ; Ngài vẫn hy vọng và tin tưởng sẽ lôi kéo mọi người lên với Ngài (x Ga 12,32), để người ta được sống khôn ngoan, xứng danh là con của Ngài (x Lc 7,35 : Tin Mừng). “Để biện chính cho Ngài là Cha chúng ta, Đấng giàu lòng thương xót bởi lòng yêu mến lớn lao của Người đã yêu mến ta, Người đã cho ta những kẻ đã chết bởi sa ngã phạm tội, được cùng hồi sinh với Ngài” (x Ep 4,4-5). Để tình yêu Đức Kitô dội vào lòng người tín hữu, nên thánh Phaolô muốn họ phải thể hiện Đức Ái : “Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. Nếu không thể hiện Đức Ái như thế, thì đồng loại không thể nhận ra Thiên Chúa là Đức Ái đang ở trong ta. Mà không có Đức Ái, thì có bao nhiêu tài năng để phục vụ, có chia hết gia tài sự nghiệp, không tiếc cả mạng sống, thì cũng vô ích, không sinh ơn cứu độ (x 1Cr 13,1-13 : Bài đọc năm chẵn). Bởi vì chỉ những ai sống Đức Ái mới được mọi người nhận ra : “Hạnh phúc thay dân nào được Chúa chọn làm gia nghiệp” (Tv 33/32,12b : ĐC năm chẵn).

Đó là lý do thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : “Anh em phải cư xử làm sao trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Ngài là cột chống và tường móng của chân lý. Đây là một mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả, đó là Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính, Người được các Thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân ; Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển” (1Tm 3,14-16 : Bài đọc năm lẻ). Đúng là “việc Chúa làm quả thật lớn lao (Tv 111/110, 2a : ĐC năm lẻ).

THUỘC LÒNG.

            Ai không đếm xỉa đến việc nhận biết Thiên Chúa, Thiên Chúa phó mặc cho trí não ngông cuồng của nó làm điều bất xứng ! (Rm 1,28)

Http://phaolomoi.net

Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: