BÀI GIẢNG
NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Thánh
Phaolô nhắc cho môn đệ của ông là Timôthêu : “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà,
thì đã chối bỏ Đức Tin và còn tệ hơn người không có Đức Tin” (1Tm 5,8).
“Chăm
sóc người thân trong cùng một nhà” trước nhất là chia sẻ Lời Chúa, và giúp
người thân cách thi hành Lời Chúa. Ông Luca là môn đệ của ông Phaolô, khi viết
Tin Mừng, cho chúng ta thấy mẫu gương Đức Giêsu chăm sóc người đồng hương thân
yêu của Ngài : “Đức Giêsu mở đầu sứ mệnh
truyền giảng, Ngài đến Nazareth là nơi Người đã được dưỡng dục Người vào hội
đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.Họ
trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:Thần
Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin
Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ
được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp
bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,16-19 : Tin Mừng). Như thế Đức
Giêsu muốn công bố sứ mệnh của Ngài là loan báo Tin Mừng khai mở thời Hồng Ân
mà các ngôn sứ đã từng báo trước về cuộc giải phóng loài người thoát ngục tội
lỗi từng trong giây phút hiện tại của “NGÀY HÔM NAY”, chứ không như Luật Do
Thái 50 năm mới có một lần gọi là Năm Toàn Xá (x Lv 25,10-13).
Để đón
nhận được Tin Mừng giải phóng loài người thoát tay Satan, thì ta phải :
-
Xin ơn Chúa Thánh Thần.
-
Dựa vào Sách Thánh mà loan báo để mọi người thực
hành.
-
Sống điều mình giảng dạy.
1/ XIN ƠN
CHÚA THÁNH THẦN
Vì
cả đến Đức Giêsu vào hội đường tại Nazareth,
khi Ngài mở Sách Thánh ra, Ngài nói : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đem
Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18a : Tin Mừng). Bởi thế thánh Phêrô
nói : “Anh em phải biết điều này: không
ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh.Quả vậy, lời
ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa”
(2Pr 1,20-21).
Muốn
được Chúa Thánh Thần thúc đẩy ta phải yêu Hội Thánh Chúa Kitô, như thánh
Augustin nói : “Ai càng yêu mến Hội Thánh
Chúa Kitô, càng có Chúa Thánh Thần” (x Sắc Lệnh Đạo Tạo Linh mục số 9 của
CĐ Vat.II).
2/ DỰA VÀO
SÁCH THÁNH MÀ LOAN BÁO ĐỂ MỌI NGƯỜI THỰC HÀNH.
Chính Đức Giêsu là Lời Thiên
Chúa, thế mà khi Ngài vào hội đường giảng dạy, Ngài còn phải mở sách ngôn sứ
Isaia đọc rồi giảng dạy (x Lc 4,17-19 : Tin Mừng). Ngài làm thế là muốn mọi
Kitô hữu cũng phải vào Nhà Thờ mở sách Bài đọc, trong đó Hội Thánh đã chọn
những Bài cho từng Thánh Lễ, “để từ các Bài này rút ra những mầu nhiệm Đức
Tin và những Quy Tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ”
(x HCPV số 24 và 52). Thánh Tông Đồ đã làm mẫu trong việc giảng dạy. Ông nói : “Tôi đã không dùng những lời lẽ hùng hồn hoặc
triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tôi giảng mà chẳng cần
dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần
Khí (Lời Chúa – Ga 6,63), và quyền
năng Thiên Chúa. Có vậy Đức Tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan
người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,1-5 : Bài đọc năm
chẵn). Chỉ những ai giảng dạy đúng Luật Hội Thánh quy định mới có thể nói : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan
báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18 : Tung Hô Tin Mừng).
Bởi
thế khi ta tham dự Phụng Vụ, vị thuyết giảng nào không dựa vào những Quy Tắc
trên đây, thì đó cùng lắm chỉ là lời khuyên đạo đức, không phải là Lời Chúa
đúng nghĩa. Mà khi con người không được Lời Chúa chiếm đoạt tâm hồn, nhất là
chống đối Lời Đức Giêsu giảng dạy, nó sẽ hóa độc ác như chó sói. Thực vậy những
người đồng hương với Đức Giêsu không muốn hiểu, không muốn chấp nhận Lời Ngài
giảng dạy, vì họ cho Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse, nếu có tài giỏi thì hãy
làm phép lạ tại quê hương cho mọi người được nhờ. Nhưng Ngài đã không đáp ứng
yêu cầu của họ, nên họ phẫn nộ đứng dậy đuổi Ngài ra ngoài thành và điệu Ngài
lên tận triền núi nơi thành của họ đã được xây cất, có ý xô Ngài xuống (x Lc
4,22-23.28-29 : Tin Mừng). Thành đó là “thành trì tôn giáo duy vật chất” chỉ nhắm cúng cho thần bụng (x Pl
3,19), mà những người đồng hương của
Ngài đã xây cất sẵn trong tâm trí họ! Khác với Đức Giêsu chỉ muốn thực hiện
“Năm Hồng Ân” cho những ai tin tuyệt đối vào Lời Chúa và đem ra thực hành, dù
xem ra nghịch lý hoặc chưa hiểu thấu đáo. Vì thế Ngài muốn mọi người phải bắt
chước cách thực hành Lời Chúa của bà góa Sarepta và ông Naaman :
C Nghe Lời Chúa
phải thực hành chia sẻ. Đức Giêsu nói: “Vào
thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém
dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; thế mà ông không được sai đến
giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền
Xi-đôn” (Lc 4,25-26 : Tin Mừng).
Ta
biết ngôn sứ Êlya bảo bà góa Sarepta làm một điều nghịch lý : giữa lúc hai mẹ
con bà lâm cảnh đói giống như bao nhiêu người, bà chỉ còn một chén bột định làm
bánh cho hai mẹ con rồi chờ chết, thế mà ông Êlya lại nói : “Bà làm cho tôi ăn trước!” Không lẽ bà
giựt chiếc bánh của đứa con đang đói cho người lạ ăn ư? Bởi thế bà đã chối từ,
nhưng ông Êlya bảo : “Chúa sai tôi đến nói với bà, bà cứ làm bánh
đưa cho tôi ăn trước, thì hũ bột và chóe dầu nhà bà không bao giờ vơi cạn”,
vừa nghe thế bà góa mau mắn làm bánh cho cho ngôn sứ Êlya ăn. Quả nhiên mặc dù
cả vùng lâm đói vì cảnh hạn hán ba năm sáu tháng, riêng mẹ con bà góa, hũ bột
và dầu không bao giờ vơi cạn! Thời gian sau con bà lâm bệnh đã tử vong, thì lại
được ngôn sứ Êlya cầu nguyện cho con bà sống lại (x 1V 17,7t).
C Nghe Lời Chúa dù chưa hiểu,
nhưng cứ thực hành. Đức Giêsu muốn mọi người bắt chước hành động sống Đức
Tin của ông Naaman, Ngài nói : “Vào thời
ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không
người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.” (Lc 4,27
: Tin Mừng).
Truyện là tướng quân Naaman, sau khi đem quân
sang đánh nước Do Thái, ông bắt được một tớ gái đem về phục vụ tại nhà ông.
Thời gian sau ông bị bệnh cùi, tìm thày chạy thuốc khắp nơi nhưng tiền mất tật
mang! Lúc ấy đứa tớ gái nói với ông chủ :
- Ngài cứ sang
xứ chúng tôi, đến gặp vị ngôn sứ, ông ấy sẽ có lời chữa bệnh cho ngài.
Ông Naaman không chịu đi, vì ông đã đến với các thày
thuốc đại tài mà còn bó tay, liệu đến với ông ngôn sứ nào chỉ nói lời mà chữa
được bệnh tật sao?! Nhưng đứa tớ gái ngày ngày cứ thúc ông chủ, nghe mãi ông
cũng mủi lòng đi thử coi cho biết. Mà muốn sang xứ cầu ân, thì phải làm hòa với
vua ấy đã, do đó ông Naaman đến xin vua Aram cấp cho một bức thư, ông sẽ cầm
qua cho vua Israel để xin chữa bệnh.
Ông Naaman lên đường
cùng với lá thư và đoàn tùy tùng chở vàng bạc châu báu. Khi vua Israel đọc thư
xong, ông thịnh nộ xé áo mình ra và truyền lệnh tống khứ Naaman về nước. Vì chỉ
có Thiên Chúa mới chữa được bệnh cùi, chứ người phàm làm sao được? Và cho đó là
âm mưu của Naaman muốn hại vua…!
Ông Naaman ra về với nỗi thất vọng, mà lòng nặng trĩu nỗi
buồn miên man, những người đi theo ông, có kẻ nói :
- Thưa tướng
quân, ngài đến lầm địa chỉ rồi, con bé ấy nói ngài đến nhà ông ngôn sứ nào đó.
Ông Naaman quay trở lại tìm đến nhà ngôn sứ Êlysa, ông
lên tiếng xin được gặp vị ngôn sứ, nhưng đứng đợi mãi, chỉ có một đứa đầy tớ
gái đi ra hỏi :
-
Ông có việc gì mà đến đây.
- Tôi bị cùi, nghe nói ở đây có vị ngôn sứ
chữa được bệnh đó phải không? Na-a-man hỏi .
- Ông vui lòng chờ ở đây để con vào nhà hỏi
ông chủ đã. Đầy tớ đáp.
Một lúc sau, nó chạy ra và nói :
- Ngôn sứ bảo là : Nếu ông muốn khỏi cùi cứ đến sông
Giođan ngụp xuống rồi trồi lên 7 lần là khỏi.
Nghe nói thế, ông Naaman tức cuồng lên cho quay xe về
quê. Trên đường về, ông nói với những người tùy tùng :
- Tưởng ông ngôn sứ cho ta toa thuốc, lại bảo
đi tắm sông Giođan. Bộ quê mình không có nước sông nào sạch bằng ở đây sao?
- Thưa ngài, nếu vị ngôn sứ đó bảo ngài phải
làm một việc vất vả, tốn kém gì để chữa bệnh, thì ngài vẫn phải làm, đằng này
chỉ là đi tắm sông, có khó khăn gì đâu? Những người tháp tùng ông nói.
Nghe
có lý, ông liền quay lại đến tắm sông Giođan, và qủa nhiên sau khi ngụp, trồi 7
lần, da thịt ông trở nên trắng nõn như da con nít. Ông mừng quá, trở lại nhà
ngôn sứ với vàng bạc châu báu để tạ ơn, nhưng vị ngôn sứ không nhận và bảo :
-
Chúa đã chữa bệnh cho ông chứ không phải
tôi.
Ông Naaman thưa với ngôn sứ Êlysa :
Tôi quyết từ nay chỉ thờ Thiên Chúa của ngài,
vậy xin ngài cho tôi ít đất để tôi lập bàn thờ kính Thiên Chúa! (x 2 V 5).
3/ SỐNG
ĐIỀU MÌNH GIẢNG DẠY.
Đức Giêsu sau khi đọc Sách
Thánh, Ngài nói : “Hôm nay đã ứng nghiệm
lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21 : Tin Mừng).
Như thế người giảng Lời nếu
chưa sống được điều mình giảng, thì ít ra phải sám hối, và khiêm tốn thú nhận sự yếu đuối của
mình, như thánh Phaolô đã thú nhận với giáo đoàn Roma : “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi.
Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi
muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm
7,18-19).
Bởi vì người giảng Lời không
phải là kẻ “quảng cáo dầu cù là” (nói
hay mà không làm), trái lại, phải giống “Đức
Giê-su làm rồi mới dạy” (Cv 1,1), để tiếp tục viết lên trang sử của Hội
Thánh, đó cũng là chủ đích của tác giả Luca viết lời này đầu tiên trong sách
Tông Đồ Công Vụ.
Tuy nhiên có khi Lời Chúa
dạy xem ra vô lý, nghịch luân lý đạo đức, như Chúa bảo ông Abraham đưa con một
sát tế dâng cho Người (x St 22,17-18). Thì người tin yêu Chúa cứ nhắm mắt mà
làm, vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng siêu việt, còn ta là loài thụ tạo tầm
thường. Hỏi rằng giữa ta và con chó đều cùng là cấp độ sinh vật, nhưng liệu
loài chó khôn nhất có hiểu được hết những ý nghĩ của ta hay không? Bởi đó Chúa
dùng miệng ngôn sứ Isaia nói : “Tư tưởng
của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,và đường lối các ngươi không phải
là đường lối của Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì
đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,và tư tưởng của Ta cũng cao
hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).
Có
tuyệt đối tin vào Lời Chúa để thực hành mới có thể mở miệng tuyên xưng Đức Tin
: “Luật pháp của Ngài, lạy Chúa, con yêu
chuộng dường bao” (Tv 119/118,97a : ĐC năm chẵn).
Nhưng thực
hành Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Êlya như bà góa Sarepta, hoặc qua miệng ngôn sứ
Êlysa như ông Naaman, thì giá trị làm sao sánh bằng thực hành Lời Chúa Giêsu
dạy, nhất là nghe Lời Chúa qua quyền giáo huấn của Hội Thánh thể hiện trong Thánh Lễ. Tuy nhiên để lãnh
nhận được dồi dào ân lộc Chúa ban, ta phải đợi đến ngày cánh chung, vì thế
thánh Tông Đồ nói với giáo đoàn Thessalonica :
“Về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi
không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những
người khác, là những người không có niềm hy vọng.Vì nếu chúng ta tin rằng Đức
Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an
giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su.Chúng ta,
những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ
chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra,
khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính
Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại
trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại,
chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không
trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1Tx 4,13-17 : Bài
đọc năm lẻ). Vì “Chúa ngự đến xét xử trần
gian” (Tv 96/95,13b : ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
Ngoài Chúa Giêsu ra, không ai đem lại ơn
cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân
loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ (Cv 4,12).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH