BÀI GIẢNG
CHÚA THƯỞNG
MỖI NGƯỜI XỨNG VIỆC HỌ LÀM
(2Cr 5,10)
Muốn
trở thành người tôi tớ khôn ngoan và trung tín của Thiên Chúa, qua dụ ngôn
những yến bạc chủ giao cho các đầy tớ, Đức Giêsu dạy ta phải thực hành bốn điểm
giáo lý:
-
Khả năng Chúa ban cho là để phục vụ.
-
Làm cho anh em trong Chúa mới thực là làm cho mình.
-
Chớ lười mà sinh láo!
-
Chúa cần cả những người hèn kém làm vinh danh Ngài.
I- KHẢ NĂNG
CHÚA BAN CHO LÀ ĐỂ PHỤC VỤ
Ông
chủ giao cho ba loại đầy tớ những yến bạc khác nhau : người năm nén ; kẻ hai nén ; có người chỉ một nén. Chủ
giao theo khả năng mỗi người để họ kinh doanh sinh lời (x Mt 25,14-15 : Tin
Mừng).
Điều
này thánh Phaolô hướng dẫn ta hiểu cách cụ thể : “Người thì được Thần Khí ban lời khôn ngoan, kẻ khác lại được lời trí
tri, thể theo cũng một Thần Khí ; và cũng bởi Thần Khí người thì được lòng tin,
kẻ khác được đặc ân chữa bệnh, có kẻ lại được ơn làm phép lạ, người thì được
nói các thứ ngôn ngữ, kẻ lại được ơn diễn giải nhiều ngôn ngữ. Hết mọi điều ấy
cùng một Thần Khí ra uy làm nên, phân chia cho mỗi người mỗi cách, như Ngài
muốn nhằm mục đích mưu ích chung” (1Cr 12,4-11). Do đó người được Chúa giao
nhiều khả năng không vênh vang tự đắc, không lạm dụng tự do mà phung phí ơn
Chúa ; còn kẻ được Chúa cho ít khả năng, không tự ti mặc cảm, không ươn lười co
cụm! Vì người này được Chúa cho nhiều, kẻ nọ được Chúa giao ít, đều có trách
nhiệm phục vụ mưu ích chung!
Vì
ngay từ lúc Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài yêu thương nên đã trao cho họ
làm “chủ công trình tay Chúa sáng tạo”(St
1,28). Thế nên họ phải cày cấy và canh giữ đất đai (x St 2,15). Đức Giê-su đã
tỏ vinh quang Phục Sinh của Ngài trên núi Hiển Dung cho ba môn đệ để họ được
cảm nếm trước vinh quang Phục Sinh, làm các ông say mến vinh quang ấy nên không
muốn xuống núi (x Mt 17). Thế mà khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài lại
tỏ mình ra cho bà Maria Madalena giống Adam khi mới được Thiên Chúa tạo dựng :
Thiên Chúa trao cho Adam sứ mệnh canh tác vườn, thì bà Maria Madalena nhìn thấy
Chúa Giêsu Phục Sinh lại tưởng đó là người làm vườn (x Ga 20,15). Đây là hình
ảnh Chúa muốn nói với mọi Kitô hữu : Không phải đợi đến ngày cánh chung mới
nhận ra giá trị sự sống Phục Sinh, mà ngay khi ta còn sống trên đời với bàn tay
lao động, ta biến đổi sự vật chung quanh nên hoàn hảo hơn, đó cũng chính là
niềm vui Phục Sinh, mà Chúa muốn ta thể hiện cho đồng loại cảm nghiệm ơn cứu độ
của Ngài.
Bởi vậy lao động là cách con người thể hiện mình được
dựng nên giống Thiên Chúa (x St 1,26), đến như được đồng hóa với Ngài (x Gl 2,20).
Một trong những nét ta biểu lộ giống Chúa là : bàn tay lao động của ta giống
Đức Giêsu: “Cha Ta hằng làm việc, Ta cũng
thế” (Ga 5,17).
Chính
vì thế mà giáo huấn của Công Đồng Vat.II, trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số
35 dạy : “Hoạt động của con người phát
xuất từ con người, nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con
người không những biến đổi sự vật và xã hội, mà còn cải thiện chính mình. Bởi
vì khi làm việc, con người học biết
được nhiều điều, phát triển tài năng, cũng như thoát ra và vượt khỏi chính
mình. Nếu được hiểu cho đúng thì, sự tăng triển này còn đáng gía hơn mọi của
cải thu tích được. Giá trị của con người hệ tại ở “CÁI MÌNH LÀ” hơn là ở “CÁI
MÌNH CÓ”. Như thế làm việc là cách chia sẻ với đồng loại, cũng là thực hành
Lời Chúa Giêsu dạy : “Cho thì có phúc hơn
là lấy” (Cv 20,35).
Tuy
nhiên đừng chỉ đầu tư hết năng lực vào việc xây dựng những thực tại trần thế,
mà hãy bắt chước lịch làm việc mỗi ngày
của Đức Giêsu : Ưu tiên cho việc cầu nguyện, thứ đến là sinh hoạt Lời Chúa, sau
đó mới đi phục vụ nhu cầu thân xác đồng loại (x Lc 4, 31-44). Cầu nguyện
phải ưu tiên cho việc tham dự Thánh Lễ vì chỉ nhờ hiệu quả của Thánh Lễ, ta mới
thực hành được Lời Đức Giêsu dạy : “Hãy ở
lại trong Thầy và Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy thì sinh nhiều
hoa trái” (Ga 15,4a.5b). Nghe và thực hành Lời Chúa thì phải xác tín : “Lời Thiên Chúa là Lời ân sủng, có sức xây
dựng và ban gia nghiệp cho những người đã được thánh hiến” (Cv 20,32-34).
II- LÀM CHO
ANH EM TRONG CHÚA MỚI THỰC LÀ LÀM CHO MÌNH.
Chủ
gọi hai đầy tớ đến tính sổ, người lãnh năm yến bạc làm thêm năm yến khác ;
người lãnh hai yến bạc làm thêm hai yến nữa. Hai đầy tớ này làm vốn sinh lợi
đạt chỉ tiêu 100%, thì cả hai được chủ ban thưởng giống nhau, ông nói : “Tốt, đầy tớ lương hảo và trung trực ; ít mà
ngươi đã trung trực thì Ta sẽ đặt ngươi cai nhiều ; hãy vào trong hoan lạc của
chủ ngươi” (Mt 25,21-23 : Tin Mừng).
Cách
đối xử của ông chủ quá nhân hậu đối với đầy tớ, ở đời này chẳng hề tìm thấy, do
vậy ta phải hiểu ông chủ đó là Thiên Chúa cư xử đối với mỗi người chúng ta, khi
ta đã vì yêu mà phục vụ đồng loại. Thánh Phaolô nói : “Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách” (2 Cr 5,14). Có phục vụ vì yêu, Chúa
mới ban thêm nhiều ơn, như Ngài nói : “Kẻ
có được cho thêm và nên dư dật” (Mt 25,29-30 : Tin Mừng). Rõ ràng “công khó bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn
quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128/127,2). Vì “Ngài không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ kẻ hiền lương”
(Tv 15/14,5).
III- CHỚ
LƯỜI MÀ SINH LÁO!
Tên
đầy tớ thứ ba, chủ trao cho một yến bạc, đây là số vốn không nhỏ vì tương đương
với sáu ngàn quan tiền (hay 6.000 đồng),
tương đương với tiền công nhật của 6.000
ngày (x Mt 20,2). Nếu chủ gọi hắn đến tính sổ trước tiên, hắn không biết lòng
nhân hậu của chủ, thì còn thông cảm với hắn nói hỗn với chủ : “Tôi biết ông là người hà khắc, không gieo mà gặt, không vãi mà thu,
nên tôi sợ và tôi đã giấu yến vàng của Ngài” (Mt 25,24-25 : Tin Mừng).
Nhưng ở đây hắn vừa nhìn thấy chủ xử quá nhân hậu với hai người trước : chủ
chẳng trích lời cũng chẳng thu vốn của ai, lại còn ban cho thêm dư dật, thế mà
hắn dám lếu láo kết án chủ là “người hà khắc”! Bởi thế hắn bị chủ lên án vì ba
lý do :
1.
Không cộng tác với đồng loại : Chủ nói với tên đầy tớ lười biếng : "Tại sao ngươi không gởi bạc của ta vào ngân
hàng" (x Mt 25,27 : Tin Mừng). Có nghĩa là khả năng Chúa ban cho mỗi
người nhiều hay ít, phải dùng mà cộng tác với anh em để xây dựng cộng đoàn. Vì
thế giáo huấn Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 32 dạy : “Thiên Chúa đã dựng nên con người, không phải
để sống riêng rẽ, nhưng để tạo sự liên kết xã hội, vì Thiên Chúa không muốn
thánh hòa và cứu độ con người cách riêng rẽ thiếu liên kết”.
2.
Sống vô dụng. Như ông chủ nói : “Tên đầy tớ vô
dụng kia, hãy đuổi nó ra tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến
răng” (Mt 25,30 : Tin Mừng). Tên đầy tớ này vô dụng đối với anh em, nhưng
không vô dụng đối với chủ, bởi vì hắn có công chôn giấu yến vàng của chủ, không
làm thất thoát. Thế thì ta nghĩ lại chính mình có khi còn thua tên đầy tớ này,
vì của Chúa ban cho, ta không giữ nguyên vẹn, mà đã lạm dụng ơn Chúa gây tác
hại cho bản thân và cho đồng loại, như
thế là ta phá tán yến bạc Chúa đã trao cho! Tệ hơn dùng ơn Chúa để làm nhục
Ngài.
3.
Lười sinh láo ! Tên đầy tớ chẳng những không làm sinh lời cho chủ lại còn kết án chủ “hà khắc, không gieo mà gặt, không vãi mà thu”,
như thế hắn nói thiếu logic : nếu chủ đã không giao sao hắn lại nói “đây yến bạc của ông tôi sợ mà chôn giấu”
? Và khi hắn nhìn ông chủ cư xử với hai người trước rất nhân hậu, nếu hắn đấm
ngực thú lỗi : “Tôi hiểu lầm ông hà khắc,
nên tôi chôn giấu vốn của ông, bây giờ tôi mới nhận ra ông thật nhân hậu với
hai người kia, ước gì tôi cũng được ông xử với tôi như thế!” Chắc chắn hắn
sẽ được chủ khen và còn ân thưởng cho, nhưng hắn nói láo kết án chủ là người hà
khắc, keo kiệt, nên chủ mới nói: “Ta xử
với ngươi theo miệng ngươi nói” (Lc 19,22). Hắn khác hẳn anh trộm lành,
suốt đời chỉ làm hại đồng loại và làm nhục Thiên Chúa, nhưng nhờ anh biết sám
hối và xin theo Chúa Giêsu, đã được Ngài cho vào Thiên Đàng ngay ! (x Lc
23,40-43). Kẻ lười biếng và nói láo thuộc dòng giống Giuđa, hắn cũng là một
trong Nhóm Mười Hai, nhưng hắn không làm vinh hiển Chúa, thì điều hắn có là
chính con người của hắn, hắn tự tiêu diệt mình đến vỡ bụng lòi ruột ra (x Cv
1,18), còn chức vụ Tông Đồ cũng bị cất đi mà trao cho Matthia (x Cv 1,15). Đúng
là "Chúa đến xét xử muôn dân theo lẽ
công bình" (Tv 98/97,9 : ĐC năm lẻ).
IV- CHÚA
CẦN CẢ NGƯỜI HÈN KÉM LÀM VINH DANH NGÀI.
Trong
lịch sử Các Thánh
1- Nhiều vị được Chúa trao số vốn nhỏ bé lại làm
vinh hiển Chúa trước các đại gia và
những bậc vị vọng. Đan cử :
C Thánh
Maria Madalena, một người bị kết án
là phụ nữ tội lỗi khét tiếng vì bị bảy quỷ thống trị, thế nhưng khi bà được gặp
Đức Giêsu trừ bảy quỷ, từ bấy giờ bà hiến dâng tất cả tài sản cho việc truyền
giáo và trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho thế giới (x Lc
8,1-3 ; Ga 20,18).
C Thánh
Gioan Maria Vianey có trí khôn tầm
thường, không đủ điểm trong các môn Thần học ở Đại Chủng Viện, nên đã bị Cha
Giám đốc sa thải! Nhưng nhờ cha Sở bảo lãnh, Gioan Vianey được trở lại Chủng
Viện, và ngài đã trở nên một vị Linh mục thánh thiện, nhiệt tình, gương mẫu,
xứng đáng là Bổn mạng các cha Sở!
C Thánh nữ
Catharina, vì hoàn cảnh gia cảnh
nghèo nên thất học, thế mà nhờ bà biết cầu nguyện cho Hội Thánh đang gặp sóng
gió, bà đã thành công làm cho ba Giáo hoàng đang tranh ngôi vị vào những năm
1378-1417, một ở Roma, một ở Bỉ, một ở Pháp từ chức để bầu lại Thủ Lãnh Hội
Thánh, thủ đô đặt ở Roma. Vì công đức ấy mà Hội Thánh tôn vinh bà làm Thánh
Tiến sĩ.
Bởi thế, thánh Phaolô nói : “Khi anh em được Thiên Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn
ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song
những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan ; những gì thế gian cho là yếu kém,
thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh ; những gì thế gian cho là
hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì
hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cr 1,26-29
: Bài đọc năm chẵn).
2- Chúa
dùng người hèn kém làm vinh hiển Chúa còn là để kích thích những người giàu có,
vị vọng, không được thua kém người nghèo, kẻ hèn mọn, trong sứ mệnh làm Tông Đồ
cho Ngài. Đan cử :
-
Ông Giakêu trưởng ty
quan thuế là người giàu có, ông đã bán hết gia tài để chia sẻ theo ý Chúa, bởi
đó ông được Chúa xác nhận : “Nhà này được
ơn cứu độ, vì người này mới thực là dòng giống của Abraham”. Và ông đã trở
nên mẫu người tung hô Đức Giêsu lúc Ngài tiến vào thành Giêrusalem trong vinh
quang (Lc 19).
-
Tông Đồ Phaolô, ông rất
xuất sắc về mặt văn hóa cũng như về Luật Môsê. Về lãnh vực này có lẽ Mười Hai
môn đệ Đức Giêsu chọn chưa đáng là học trò của ông Phaolô. Thế nhưng khi Đức
Giêsu chộp được ông, với ơn Chúa trợ giúp, ông đã tận dụng chất xám để làm vinh
hiển Chúa không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x 2 Cr 11,5).
Những mẫu sống Đạo như trên là những người làm ứng
nghiệm lời kinh : "Hạnh phúc thay
dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp" (Tv 33/32,12b : ĐC năm chẵn). Một
khi đã nhận ra ta được Chúa thương như thế, thì cũng phải biết thương xót đồng
loại, mà khuyến khích người anh em gia tăng làm điều tốt, như lời thánh Tông Đồ
nhắc nhở : "Chính anh em đã được
Thiên Chúa dạy phải thương yêu nhau, tôi khuyên nhủ anh em hãy tiến tới hơn
nữa, hãy gắng giữ hòa khí, ai lo việc nấy và lao động bằng chính bàn tay của
mình, như chính tôi đã truyền cho anh em. Như vậy, lối sống của anh em sẽ được
người ngoài cảm phục, và anh em sẽ không cần nhờ đến ai" (1Tx 4,9-11 :
Bài đọc năm lẻ). Một khi lời khuyên của thánh Phaolô được đem ra thực hành, thì
đã nối dài và mở rộng Giới Răn yêu thương Đức Giêsu dạy : "Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương
nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34 : Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Tên lười tệ kém hòn phân, ai mà đụng nó là
tay phủi liền ! (Hc 22,2).
http://phaolomoi.net
Linh mục
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH