Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Âm thanh
Video
Video
Video
Video
Video
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
 BÀI ĐỌC I :  Ed 2, 2-5

            Bấy giờ, 2 thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng 3 Người phán với tôi: "Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay.4 Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: " Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này."5 Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.

ĐÁP CA : Tv 122

Đ.        2  Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa, tới khi Người xót thương chút phận.     

1 Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời. 2a Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ,

2bcd Như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận.

3 Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương, bởi chúng con bị khinh miệt ê chề; 4 hồn thật quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng.

BÀI ĐỌC II :  2Cr 12,7-10

            Thưa anh em, 7 để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mạc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.8 Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.9 Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.

BÀI TIN MỪNG
 TUNG HÔ TIN MỪNG :  x Lc 4,18

            Hall-Hall : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Hall.

TIN MỪNG : Mc 6,1-6

            Hồi ấy,1 Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? " Và họ vấp ngã vì Người.4 Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi."5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.

 

BÀI GIẢNG
 ĐÂU MỚI LÀ PHÉP LẠ CHÚA MUỐN THỰC HIỆN?

 

            Một điều khó hiểu trong Tin Mừng chúng ta mới nghe : Đức Giêsu về quê Nazareth, Ngài vào hội đường giảng dạy cho người đồng hương, dù cách giảng dạy của Ngài gây ngạc nhiên choi nhiều người, nhưng họ không tin vào giá trị Lời Ngài, vì hai lý do :

-         Họ quá quen về gia đình của Ngài : Cha làm nghề thợ mộc, mẹ và anh em họ hàng vẫn sinh hoạt giữa mọi người. Mà cái gì quá quen thì hóa nhàm.

-         Họ quá biết về lý lịch của Ngài : không địa vị, không bằng cấp. Trong thực tế đâu phải ai có địa vị cao hoặc bằng cấp nhiều, thì người đó nắm trọn chân lý .Bởi thế Đức Giêsu nói : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (x Mc 6,2-4 : Tin Mừng).

Ông Luca còn ghi thêm chi tiết : “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ, họ đứng dậy lôi Ngài ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Ngài lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực thẳm, nhưng Ngài băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,28-30). Dẫu thế, Ngài vẫn thương họ qua việc đặt tay chữa lành một số bệnh nhân đến với Ngài. Vậy mà tác giả Marcô lại ghi : “NGÀI KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC PHÉP LẠ NÀO TẠI ĐÓ!” (x Mc 6,1-6 : Tin Mừng).

            Vậy thế nào là phép lạ Chúa muốn thực hiện cho chúng ta ?

Thực ra dưới cái nhìn của người tin Chúa là Đấng toàn năng, giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến hết thảy mọi người (x Ep 2,4), thì phép lạ Chúa luôn thực hiện bao trùm khắp nơi, mọi người. Ví dụ : Nếu không có mặt trời chiếu sáng, thì không thể có sự sống trên trái đất!  Nếu không có mưa, thì làm sao người gieo giống có thu hoạch ? Nếu cây không hút khí carbonic để sống, và nhả ra khí oxy, thì chúng ta hết khí thở ! Khi ta ngủ không còn để ý đến hít thở, nếu Chúa không điều khiển tim phổi hoạt động, thì ta chết liền ! … Như thế đâu cần thấy Đức Giêsu chữa lành bệnh mới nhận ra phép lạ. Việc chữa lành bệnh Chúa đã cho các thầy thuốc có khả năng. Kìa  ngôn sứ Êlya hay ngôn sứ Êlysê cũng làm cho kẻ chết sống lại! (x 1V 17,17-24 ; 2V 4,32-37.) Hoặc các phù thủy của vua Pharaôn cũng làm cây gậy hóa rắn được! (x Xh 7,11-12)

            Thế nên chỉ được gọi là phép lạ mà Đức Giêsu muốn thực hiện cho loài người, khi nhờ việc Ngài làm mà :

            * Người ta nhận ra Đức Giêsu là Con Một Cha trên Trời được ban cho loài người,như Ngài nói : “Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con  Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

            * Người ta được hoán cải đời sống từ con người tội lỗi yếu hèn, trở thành người công chính can trường trong việc làm vinh danh Chúa. Thế thì dù Đức Giêsu có đặt tay chữa lành một số bệnh nhân, mà người ta không tin Ngài là Thiên Chúa, không muốn nghe Lời Ngài để nhận biết Ngài là Đấng cứu độ duy nhất phải tôn thờ, thì không thể hoán cải đời sống nên hoàn thiện. đó là lý do ông Marcô ghi nhận : “Đức Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại quê hương của Ngài, vì họ không tin” (Mc 6,5-6).

I. CHỈ GỌI LÀ PHÉP LẠ KHI NGƯỜI TA CHỨNG KIẾN VIỆC LẠ ĐỨC GIÊSU LÀM, ĐỂ NHẬN BIẾT NGÀI LÀ THIÊN CHÚA MÀ TÔN THỜ.

            Đức Giêsu nói : “Sự sống đời đời là chứng nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và Đấng Cha sai đến là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3)

            Để người Do Thái nhận biết Đức Giêsu là Đấng Mêsia – Đấng được Chúa Cha xức dầu sai vào trần gian lãnh đạo cứu loài người – mà các ngôn sứ đã loan báo trước. Thánh sử Matthêu khi giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Mêsia cho người Do Thái biết đón nhận, ông luôn dùng điệp khúc : “Như thế là để ứng nghiệm lời Sách Thánh đã viết” (x Mt 2,15.23 ; 3,3 ; 4,14 …).

            Bởi đó khi người Do Thái nhìn thấy Đức Giêsu động tay đến người phong hủi, tức khắc bệnh biến mất ! (x Mt 8,3). Thì đáng lý họ phải nhận ra Ngài chính là “Người Tôi Tớ Giavê mang lấy bệnh tật của chúng ta” (x Is 53,4) ; cũng như khi Đức Giêsu chữa lành người có tay khô bại (x Mc 3,1-6), thì người ta phải nhận ra Ngài là Thiên Chúa đến thực hiện lời ngôn sứ Êzêkiel nói về “Ngày của Thiên Chúa cứu độ loài người” : “Các xương khô nằm la liệt trên cánh đồng, tiếng Chúa phán tức khắc chúng mọc gân da thịt và sống lại hết” (Ed 37,1-14).

            Như vậy qua nhiều phép lạ Đức Giêsu làm, ai nhận biết Ngài là Con Một Cha trên trời sai xuống trần gian, thì người ấy được Ngài cứu độ cả xác lẫn hồn. Đan cử :

            Có mười người phong cùi đều muốn được Đức Giêsu chữa lành, Ngài bảo họ đến đền thờ Giêrusalem trình diện với hàng tư tế và dâng lễ vật, trong số đó chín người được lành không quay lại tôn vinh Đức Giêsu là Thiên Chúa, chỉ một người thuộc miền Samari (dân ngoại), trên đường đi tới Giêrusalem cảm thấy mình được lành bệnh, anh liền trở lại phủ phục dưới chân Đức Giêsu tạ ơn Ngài. Như thế anh đã nhận ra Ngài là Đấng Mêsia, Con Một Cha trên trời sai vào trần gian cứu nhân loại cả hồn lẫn xác, cho được sống dồi dào (x Ga 10,10). Do đó, dù cả mười người cùi được Đức Giêsu chữa lành thân xác, nhưng chỉ có người Samari nhận biết Đức Giêsu là  Thiên Chúa, thì đó mới được gọi là phép lạ! (x Lc 17,11-19).

            Thật là trớ trêu, có những người đến cầu khẩn Đức Maria, hay vị thánh nào mà được như ý, rồi đề bảng Tạ Ơn vị đó, không Tạ Ơn Chúa, và trở về thắp nhang cúng ông địa, thờ Phật, chứ không tôn thờ Thiên Chúa, thì họ đã làm mất mục đích Chúa ban ơn. Nên Chúa không thể coi việc Ngài làm là phép lạ được ?

II. CHỈ GỌI LÀ PHÉP LẠ KHI NGƯỜI TA NHẬN ĐƯỢC ƠN CHÚA MÀ HOÁN CẢI ĐỜI SỐNG VƯƠN LÊN HOÀN THIỆN.

            Người ta chỉ có thể hoán cải nên thánh nhờ có tâm nghe Lời Chúa để rồi được kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, và xác tín rằng ai đã được Chúa ở cùng, thì dù người ấy còn có điều bất xứng, Chúa cũng cho họ làm những việc không thua kém Đức Giêsu khi còn trên dương thế!

            1- Nhờ có tâm nghe Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể mới có khả năng hoán cải cuộc đời nên thánh.

            Quả thật :

            F Chúng ta nghe Đức Giêsu cắt nghĩa về dụ ngôn gieo giống (x Mt 13,18-25), Ngài chẳng tìm được mảnh đất tâm hồn nào tốt để gieo Lời, vì cả đến các môn đệ mà Ngài đã xin Chúa Cha lựa chọn (x Lc 6,12t), nhưng các môn đệ vẫn còn là :

-   Vệ đường : vì họ không hiểu việc Đức Giêsu làm và Lời Ngài dạy (x Mc 4,13 ; 6,52).

-   Sỏi đá : vì họ nghe Lời thì vui vẻ đón nhận, nhưng khi vừa gặp khốn khó, họ tháo chạy hết  (x Mt 26,56b).

-   Bụi gai : vì họ đón nhận Lời Chúa mà vẫn tranh nhau quyền lợi! (x Mc 9,33).

Tuy nhiên nhờ kiên nhẫn theo Thầy đến cùng, nhất là được dự tiệc Thánh Thể, họ trở thành đất tốt làm hạt giống Lời Chúa mọc lên sinh nhiều  hoa trái cho muôn người qua mọi thế hệ được hưởng dùng vươn đến cuộc sống hoàn thiện, trừ Giuđa không quan tâm Lời Thầy dạy và không dự tiệc Thánh  (x Ga 13,30)!

            F Phép lạ vĩ đại nhất, được gọi là lễ Hiện Xuống lần thứ ba trong lịch sử Thiên Chúa cứu độ loài người, đó là ông Saulô, vốn dĩ là con người hung bạo, chủ mưu bách hại Hội Thánh, ông đã động viên người ta ném đá ông Stêphanô đến chết, lại còn xông vào các tư gia người Công Giáo bắt tất cả đàn ông, đàn bà đi tống ngục (x Cv 7,58 ; 8,1-3), rồi ông lãnh trát các thượng tế ở Giêrusalem phóng về Đama bắt hết mọi người tin theo Chúa Giêsu ! Chúa đã quật ông xuống đất, ông bị mù, rồi Chúa bảo ông đi học giáo lý nơi môn đệ của Ngài, sau đó Chúa chữa lành mắt ông được sáng trở lại! (x Cv 9) Từ bấy giờ ông trở thành Tông Đồ xuất sắc không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5). Quả thật ông Phaolô đã được nên giống Chúa Giêsu trong nhiệm vụ ngôn sứ, như Ngài nói : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó” (Lc 4,18 : Tung Hô Tin Mừng).

(Từ hơn 2000 năm qua, có bốn lễ Hiện Xuống : một cho Đức Maria sinh Con Thiên Chúa, hai cho các Tông Đồ có khả năng đi loan báo Lời Chúa từ lễ Ngũ Tuần, ba cho ông Phaolô trở thành Tông Đồ dân ngoại, và bốn là Công Đồng Vat.II canh tân đời sống Hội Thánh trong mọi lãnh vực)

2- Tin rằng ai được Chúa ở cùng, dù người ấy còn yếu hèn, họ cũng làm được những việc thiện hảo, không thua kém Chúa Giêsu.

Những yếu đuối đáng sợ nhất là :

     a. Yếu đuối bất lực trước lòng chai dạ đá của những kẻ không muốn nghe Chân Lý.

Vì cả đến dân Chúa tuyển chọn cũng chống đối Chân Lý. Thực vậy, “Thần Khí đã nhập vào ngôn sứ Êzêkiel làm cho ông đứng vững, và Chúa phán với ông : “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta ; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng, chúng vốn là loài phản loạn, chúng có nghe hoặc không nghe, thì Êzêkiel cũng cứ phải nói cho chúng biết rằng có một một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (Ed 2,2-5 : Bài đọc I) ; Cũng thế, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho những kẻ ác hơn bầy sói, nhưng Ngài dạy các ông “phải khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim câu” (Mt 10,16b), thì các ông mới làm được nhiều phép lạ (x Cv 5,12t).

     b. Yếu hèn bất xứng trước tội lỗi bản thân nổi loạn.

Thánh Tông Đồ đã phải thú nhận sự yếu hèn với giáo đoàn Roma: “Trong xác thịt tôi chẳng có gì lành cư ngụ : muốn thì vừa tầm cho tôi, mà làm ra sự thiện thì không. Sự lành tôi muốn, tôi không làm ; còn sự dữ tôi không muốn, tôi lại thi hành” (Rm 7,18-19) ; ông cũng xưng thú sự bất xứng với giáo đoàn Côrinthô : “Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của satan được sai đến vả vào mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho tôi thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Ngài chỉ quả quyết với tôi : “Ơn Thầy đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối!”… Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh!” (2Cr 12, 7-10 : Bài đọc II). Ông Phaolô “yếu đuối” như vậy, thế mà Chúa vẫn cho ông làm được nhiều phép lạ không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5).

Vậy đối với những ai đang bị quyền lực thế gian tấn công, cũng như tội lỗi bản thân nổi loạn, hãy năng tham dự Thánh Lễ sẽ được Chúa Giêsu nâng đỡ, cho nghỉ ngơi lại sức (x Mt 11,28), vì Thánh Lễ là phép lạ vĩ đại nhất. Chính Đức Giêsu đã xác nhận như thế, nên Ngài trách nhiều người đòi Ngài làm phép lạ theo yêu cầu của họ : “Thế hệ xấu xa và ngoại tình, các ngươi đòi dấu lạ ư ? Ta không cho các ngươi dấu lạ nào cả, ngoại trừ dấu lạ ngôn sứ Giôna” (x Mt 16,1-4). Đức Giêsu cho dấu lạ “ngôn sứ Giôna”, có nghĩa Ngài chính là Giôna mới, hơn hẳn ông Giôna xưa, đã cưỡng lệnh Chúa không đi giảng cho dân ngoại Ninivê, ông xuống tàu vượt biển trốn trách nhiệm, nên gây sóng gió cho cả đoàn người trên tàu, cuối cùng người ta phải xô ông xuống biển, cá nuốt ông vào bụng ba đêm ngày. Sau đó, nhờ ông biết sám hối, Chúa cho cá nhả ông vào bờ biển Ninivê để ông đi rao giảng (x sách Giôna). Phép lạ ấy còn thua xa Đức Giêsu tình nguyện giảng Lời ân sủng cứu độ muôn dân, mà lại bị người đời giết, được an táng trong lòng đất ba đêm ngày, nhưng sau ba ngày Ngài từ cõi chết sống lại vinh hiển, rồi lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha, hằng chuyển cầu cho những ai đến hiệp dâng Thánh Lễ với Hội Thánh, mà Ngài đã truyền phải tiếp tục làm hiện tại hóa Hy Tế của Ngài cho  đến ngày cánh chung (x 1Cr 11,23t). Chỉ khi chúng ta được tham dự Thánh Lễ, mới có thể cất lời kinh : “Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa, tới khi Người xót thương chút phận” (Tv 123/122,2 : Đáp ca), để được hưởng Lời Chúa hứa : “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha (Ga 14,12). Đó mới thực là phép lạ vĩ đại Chúa muốn thực hiện nơi người Công Giáo.

THUỘC LÒNG.

            - Điều quan trọng không phải tôi là người hoàn hảo, nhưng quan trọng vì Chúa Kitô đã chộp lấy tôi! (Pl 3,12)

            Nên :

            - Tôi coi mọi sự hết thảy đều là thua lỗ bất lợi, trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi! (Pl 3,8a).

            Bởi vì :

            - Trong Chúa Giêsu tôi có sức chịu đựng mọi sự, chính Ngài ban sức mạnh cho tôi (Pl 4,13).

http://phaolomoi.net

Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: