Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
BUỔI GIÁO LÝ 05
Âm thanh
BÀI GIẢNG

THUỘC LÒNG

6.1(B) – Thiên Chúa hiện diện thực sự bằng cách nào?

            T. Một là Chúa Giêsu hiện diện thực sự khi Hội Thánh cử hành các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và khi Hội Thánh cầu nguyện qua Kinh Phụng Vụ (x Mt 18,20).

            Hai là Chúa hiện diện thiết thực trong Lời của Ngài, vì chính Ngài nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Hội Thánh.

            Ba là Chúa hiện diện trong tâm hồn người Công Giáo thánh thiện, họ là Đền Thờ đích thực được Chúa cư ngụ (x 1Cr 3,16). 

 

GIẢI THÍCH

            Dựa vào Hiến Chế Phụng Vụ số 6 và 7 của CĐ Vat.II, Hội Thánh dạy ta biết Chúa hiện diện qua những cách sau đây :

1/ Chúa Giêsu hiện diện trong Hy Lễ, Ngài vừa là Chủ Tế, vừa là Của Lễ, vừa là Bàn Thờ (x GLHT số 1383. 1410). Vì thế trong Thánh Lễ dù ta không nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng Kinh Thánh khẳng định với ta : chính Chúa Giêsu trực tiếp dạy mọi người (x Dt 1,1-2). Người giảng chỉ là dụng cụ Chúa dùng, giống như ốc mượn hồn, chủ tế chỉ là vỏ ốc chết, vậy mà người ta vẫn thấy vỏ ốc bò đi được, vì có con cua nằm trong vỏ ốc đó.

2/ Chúa Giêsu hiện diện trong con người có Chức Thánh khi cử  hành Bí tích. Bởi thế khi Giám mục hay Linh mục dâng Lễ, thì phải tin là chính Chúa Giêsu hành động, nên chủ tế giảng không được nói với cộng đoàn “thưa quý ông bà và anh chị em”, vì không lẽ Chúa Giêsu phải thưa với mọi người như thế hay sao?! Người giảng Lễ phải xác tín mình có uy quyền của Chúa Giêsu. Ta không được đồng hóa việc giảng trong Thánh Lễ với các thư của thánh Tông Đồ gởi các giáo đoàn,ông đề “thưa anh chị em”, vì thư ấy các Tông Đồ bày tỏ quyền giáo huấn của mình với các tín hữu, và tôn trọng các tín hữu cùng là con Cha trên trời.

            Bởi đó lời chào của Giám mục hay Linh mục khi dâng Lễ “Chúa ở cùng anh chị em”, là lời chào của Chúa Giêsu, Ngài là Thầy dạy Chân Lý, các tín hữu là anh em với nhau trong Chúa Giêsu, con một Cha trên trời.

            Giáo huấn của CĐ Vat.II trong Hiến Chế Phụng Vụ số 22 quy định rõ : “Tuyệt đối không ai khác, dầu là Linh  mục được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi điều gì trong Phụng Vụ”. Cụ thể bất cứ khi dâng Lễ với cộng đoàn nào, người lớn hay trẻ con, đều phải chào “Chúa ở cùng anh chị em”, chứ KHÔNG được nói “Chúa ở cùng ông bà, anh chị” hay “Chúa ở cùng các con”.

3/ Chúa Giêsu hiện diện dưới hai hình thái bánh miến và rượu nho, xét về mặt Triết học và Thần học, Hội Thánh dạy tùy thể của bánh hình tròn, mùi thơm, màu trắng, sau khi được chủ tế đọc lời Truyền Phép, thì tùy thể ấy vẫn còn, nhưng bản thể bánh biến mất, nhường cho Chúa Giêsu hiện diện.

            Để phân biệt bản thể và tùy thể. Ví dụ : Tôi nói về một người (bản thể), thì chưa ai biết người đó là ai, khi tôi nói về các tùy thể của người ấy, như mập, mặt tròn, bụng bự, tóc đen, cao 1,62m, thì người ta biết ngay đó là ông Đinh Quang Gióp. Các tùy thể ấy có thể thay đổi theo tuổi đời, hoặc vì bệnh tật, đặc biệt lúc chết là biến mất! Tuy nhiên con người đó vẫn còn trong lịch sử.

4/ Chúa Giêsu hiện diện bằng quyền năng của Ngài khi người có Chức Thánh cử hành các Bí tích, trừ Bí tích Thánh Thể. Thực vậy, ngoài Bí tích Thánh Thể, thì sáu Bí tích còn lại, ai cử hành, họ chỉ là dụng cụ Chúa Giêsu dùng, nhưng thừa tác viên ấy là một dụng cụ có ý thức, vì được Chúa ban ơn soi sáng trợ lực, để việc làm của họ có hiệu quả cao hơn, đó là cách họ biểu lộ quyền năng của Chúa Giêsu.

            Tuy nhiên Thiên Chúa toàn năng, Ngài vẫn tôn trọng tự do của thừa tác viên dụng cụ, Ngài tỏ quyền năng nhiều hay ít lại còn tùy thuộc vào người đó sống thánh thiện hay tầm thường, nghĩa là Thiên Chúa hành động vẫn lệ thuộc vào dụng cụ.Ví dụ : tôi dùng cưa để cắt khúc gỗ,tôi là tác nhân chính vẫn lệ thuộc vào dụng cụ cưa sắc bén hay cùn. Bởi đó người cử hành Bí tích mà không sống thánh thiện, đó là dụng cụ cùn, và ngược lại!....

5/ Chúa Giêsu hiện diện khi ta đọc Kinh Thánh trong Hội Thánh. Đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh, cụ thể phải dựa vào các Bài đọc được Hội Thánh chọn trong mỗi Thánh Lễ, để từ đó rút ra các mầu nhiệm Đức Tin và những quy tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ (x HCPV số 24 và 52). Sắc Lệnh Về Nhiệm Vụ Mục Vụ Của Các Giám Mục số 14, CĐ.Vat.II còn nhắc nhở : “Một bài Giáo Lý phải dựa vào năm nguồn : Thánh Truyền, Kinh Thánh, Phụng Vụ, Giáo Luật, Giáo Huấn của Hội Thánh qua các Công Đồng, hoặc sách Giáo Lý”.

6/ Chúa Giêsu hiện diện khi Hội Thánh cầu nguyện bằng kinh Phụng Vụ. Kinh Phụng Vụ chính là lời nói của Chúa Thánh Thần, Ngài lựa ý Thiên Chúa để cầu thay nguyện giúp cho chúng ta (x Rm 8,26-27). Mà thực, mỗi khi chúng ta cầu nguyện trong Phụng Vụ là Hội Thánh dùng Lời Chúa dạy ta thưa với Thiên Chúa, mà Lời Chúa chính là Thánh Thần (x Ga 6,63). Lời Chúa trong Phụng Vụ còn là Cơ Thể thứ hai của Chúa Kitô. Bởi thế mở đầu lời rao giảng của Đức Giêsu, Ngài không nói “hãy tin vào tôi là Thiên Chúa”, mà Ngài nói “Hãy tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong Hiến Chế Mạc Khải số 21, Hội Thánh tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa Kitô. Nhưng phải hiểu Lời Chúa chỉ là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa, chỉ có Mình Máu Thánh Chúa Kitô mới hiện diện trọn vẹn cả nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu Phục Sinh. Ví dụ : Bạn lấy tấm hình của tôi bỏ vào túi bạn, để qua tấm hình mà nhớ đến tôi, chứ hình ấy không phải là tôi hiện diện cả hồn xác. Giáo Lý chúng ta được dạy Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, chỉ có nghĩa là qua muôn loài thụ tạo, nói lên dấu vết sự hiện của Thiên Chúa.

7/ Hiến Chế Phụng Vụ số 6 dạy : Chúa Kitô hiện diện trong tâm hồn người Công Giáo thánh thiện, họ chính là Đền Thờ được Thiên Chúa cư ngụ (x 1Cr 3,16).

            Vậy ta không thể nói Chúa ở khắp mọi nơi, thì cứ tôn thờ Chúa tại tâm là được, không cần đến Nhà Thờ, không cần lãnh Bí tích! Cũng không cần cùng với Hội Thánh cầu nguyện.

            Trong lãnh vực Đức Tin, người Công Giáo phải làm ba điều này :

-         Bước tốt thôi : dạy người anh em sống nhân ái với đồng loại. Nói cách khác : sống có nhân bản (x 1Ga 3,17).

-         Bước tốt hơn : dạy người anh em hiểu Kinh Thánh và đem ra thực hành, dù biết rằng  Kinh Thánh vẫn còn giam chúng ta trong tội, vì không ai chu toàn mọi điều tốt Kinh Thánh dạy, cũng không ai tránh hết mọi điều xấu Kinh Thánh chỉ (x Gl 3,22).

-         Bước tốt nhất : chu toàn bước tốt thôi và bước tốt hơn, nhưng còn phải đi bước thứ ba là giúp cho người anh em được kết hợp với Chúa Giêsu khởi đi từ việc lãnh Bí tích Thánh Tẩy và hoàn hảo trong Bí tích Thánh Thể (x Gl 3,24).

            * Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài không hiện ra với toàn dân, mà chỉ đến gặp những người :

-         Đã từng ăn uống với Ngài sau khi Ngài từ cõi chết sống lại (x Cv 10,41). Nghĩa là Chúa Giêsu chỉ đến gặp những người sau Phục Sinh đến dự tiệc Thánh Thể.

-         Chúa Giêsu Phục Sinh chỉ đến với những người đã từng theo Ngài từ Galilê lên Giêrusalem (x Cv 13,31). Nghĩa là Chúa Giêsu chỉ đồng hành với những ai chung đường truyền giáo với Ngài, vì trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt, Mc, Lc), con đường truyền giáo của Chúa Giêsu khởi sự từ Galilê và kết thúc ở Giêrusalem. Ở đây Ngài bị giết và trở thành Của Lễ được Chúa Cha ưng nhận thay cho lễ tế chiên cừu bò lừa của người Do Thái dâng.

            * Phải quyết liệt loại trừ tư tưởng : Có nhiều người đến Nhà Thờ chẳng tốt hơn tôi. Vậy thì cần gì tôi phải đến Nhà Thờ?

            Nếu tôi bảo một người hằng đến Nhà Thờ mà chưa tốt hơn tôi mình : “Bạn đến Nhà Thờ làm gì, có tốt hơn tôi đâu?” Thì liệu người ấy không đến Nhà Thờ nữa, thì có tốt bằng tôi không?! Đúng ra phải nói rằng : “Bạn hằng ngày đến Nhà Thờ, mà còn như thế, nếu bạn mà bỏ Nhà Thờ thì còn tồi tệ hơn nữa đấy!”

  


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: