Bài đọc 1:(Gióp 7:1-4.6-7). Bài đọc 2:(1Cr 9:16-19,22-23).Tin Mừng : (Mc1:29-39)
CẦU NGUYỆN LÀ NHU CẦU SỐNG
Một ngày làm việc của Đức Giêsu: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Rồi Ngài đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ và chữa lành tất cả những tật bệnh tinh thần và thể xác.
Nhân dịp thánh Phanxicô vào yết kiến Đức Thánh Cha để xin phê chuẩn luật dòng Anh Em Hèn Mọn, Đức Thánh Cha thân mật hỏi ngài: “Con có bao giờ thấy Chúa chưa?” Thánh nhân trả lời: “Con vừa thấy đêm qua.” Đức Thánh Cha lại hỏi: “Người có nói gì với con không?” Thánh Phanxicô trả lời: “Người và con bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lần con kêu “Cha” với Người, thì Người lại trả lời lại con “con Ta”. Cứ thế, chẳng có gì hơn cho đến lúc sáng.
Đối với Đức Giêsu, cầu nguyện không phải chỉ vì bổn phận, mà còn là một nhu cầu.Cầu nguyện là giây phút gặp gỡ Chúa Cha. Ngài tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Nơi thanh vắng là môi trường phục hồi năng lực để tiếp tục công việc. Nơi thanh vắng và giây phút cô tịch ấy, Ngài kết chặt mối tương quan mật thiết với Chúa Cha.Ngài cũng dạy các môn đệ cầu nguyện: “ Khi cầu nguyện, anh em đừng như bọn đạo đức giả; chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.”( Mt 6:5-6)
Narada, một nhà hiền triết Ấn Độ, rất sùng ngưỡng Thần Hari. Một hôm, Thần Hari nói với ông: “Này Narada, con hãy đi đến thị trấn bên bờ sông Hằng, vì có một tín đồ của Ta ở đó. Sống với tín đồ ấy sẽ ích lợi nhiều cho con.” Narada ra đi, cuối cùng ông gặp một bác nông dân. Mỗi sáng sớm thức dậy, ông chỉ kêu tên Thần Hari một lần, rồi vác cày ra ruộng. Ông làm việc suốt ngày ngoài đồng. Tối, trước khi đi ngủ, ông lại kêu tên Thần Hari một lần nữa. Thấy vậy, Narada thầm nghĩ: “Làm sao có thể coi bác ông dân này là một tín đồ của Thần được nhỉ? Ông ta suốt ngày chỉ chìm đắm trong công việc làm ăn.” Biết được ý nghĩ của Narada, Thần Hari nói với ông: “Hãy rót sữa vào một tô đầy đến miệng, rồi bưng tô sữa ấy đi một vòng quanh thành phố. Cố sao khi con về đây, không một giọt sữa nào bị tràn ra ngoài..” Narada làm y lời. Sau khi đi một vòng thành phố trở về, Thần Hari hỏi: “Trong chuyến đi vừa rồi, con đã nhớ đến ta mấy lần?” Narada trả lời: “Làm sao con có thể nhớ đến Ngài khi con còn phải chú ý đến tô sữa này?” Thần nói: “Tô sữa đó đã chiếm hết sự quan tâm của con đến nỗi con hoàn toàn quên Ta. Nhưng hãy nhìn người nông dân kia: dù bao nhiêu gánh nặng nuôi sống gia đình đè nặng trên vai, ông ta vẫn có thể nhớ đến Ta hai lần mỗi ngày.”
Cuộc sống của Đức Giêsu là một sự kết hợp hài hòa giữa cầu nguyện và hoạt động. Hoạt động không phải chỉ hăng say rao giảng Tin Mừng, mà còn là xoa dịu những nỗi đau khổ của con người dưới mọi hình thức. Vừa ra khỏi hội đường, nghe tin mẹ vợ ông Simon bị sốt, Ngài đã viếng thăm và chữa cho bà; và người ta lại đem đến cho Ngài những người bệnh tật khác. Lòng thương xót của Ngài không giới hạn. Cuộc sống của Ngài ngoài sự kết hợp với Chúa Cha qua cầu nguyện, Ngài còn kết hợp sự rao giảng Tin Mừng với việc chữa lành bệnh tật tâm hồn và thể xác.
Con người khát vọng chân lý và hạnh phúc. Đức Kitô là người xuống thế gian để đưa con người đến với những khát vọng ấy.Ngài không thỏa mãn dừng chân ở lại với những ai đã được nghe Ngài giảng dạy mà còn quyết tâm đi đến những nơi mà dân chúng chưa được nghe Tin Mừng cứu độ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1:38).
Đức Giêsu đã nêu gương cho mỗi người Kitô hữu chúng ta là cầu nguyện và sống chứng nhân cho Tin Mừng cứu độ bằng cuộc sống bác ái yêu thương tha nhân. Là những người tin yêu Thiên Chúa, chúng ta nhớ đến Chúa được mấy lần trong một ngày?.
LM. GIUSE TRỊNH NGỌC DANH