Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
AI BỊ BÁCH HẠI VÌ SỐNG CÔNG CHÍNH, NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ (Mt 5,10)

Chân lý của Đức Kitô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi có niềm vinh dự đó (2Cr 11,10).

Câu chuyện xảy ra tại Nga dưới thời cộng sản vô thần. Đây là thời kỳ nhà cầm quyền độc tài Nga tìm mọi cách xóa bỏ Kitô Giáo ra khỏi tâm lòng và đời sống người dân.

Để đạt mục tiêu, nhà nước dùng đủ mọi thủ đoạn và phương tiện, đứng đầu là giới văn nghệ và truyền thông. Đó là lý do giải thích sự xuất hiện vở kịch ”Đức KITÔ mặc áo choàng cưỡi ngựa”.

Khi các bảng quảng cáo vở kịch dán đầy các bức tường thủ đô, tức khắc gây tiếng vang lớn. Mọi người xôn xao bàn tán và háo hức chờ ngày vở kịch trình diễn. Ai ai cũng muốn biết nội dung vở kịch ra sao, bởi lẽ người đóng vai Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Alexandre Rostovtchev, kịch sĩ vừa nổi danh tài ba vừa khét tiếng vô thần .. Ngoài ra, các nghệ sĩ tên tuổi khác đều có mặt trong vở kịch.

Vào buổi trình diễn đầu tiên, nơi rạp hát lớn của thủ đô không còn chỗ trống. Các khán thính giả gồm đủ hạng người: từ trí thức đến thường dân, từ già đến trẻ, từ người có tín ngưỡng đến kẻ vô thần. Mỗi người dấu ẩn tâm tình riêng tư ngổn-ngang khó diễn tả.

Khi bức màn từ từ kéo lên, mọi người như nín thở. Màn đầu tiên dĩ nhiên là chuỗi dài công kích, chê bai, nhạo báng và xúc phạm đến Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt các buổi cử hành Phụng Vụ Thánh. Chẳng hạn, các tu sĩ là những tên say rượu. Các nữ tu là những cô gái điếm. Cả hai nhóm thay nhau lải-nhải những bài ca tình, bắt chước cung giọng các đan sĩ hát kinh Thần Vụ ..

Nếu màn một trình diễn Kitô Giáo thối nát, bệ rạc giống như .. xã hội chủ nghĩa vô thần .. chính là để báo hiệu màn hai, giới thiệu Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Ông Tổ Kitô Giáo. Nếu Kitô Giáo tàn-lụi như vậy thì có nghĩa là Vị khai sinh ra nó cũng chả ra gì!

Khi bức màn kéo lên, nghệ sĩ Alexandre Rostovtchev xuất hiện trong vai Đức Chúa GIÊSU KITÔ, mặc áo thụng trắng không đường khâu của người Do Thái.

Chàng có nhiệm vụ trình diễn một Đức KITÔ ủ rũ buồn rầu vì thấy mình bị thất bại với Kitô Giáo. Do đó, Đức Chúa GIÊSU KITÔ nhất quyết viết lại Phúc Âm, thay đổi giáo huấn, một giáo huấn không hợp thời .. Và Đức Chúa GIÊSU KITÔ, thay vì mặc áo thụng trắng, Ngài sẽ mặc ”áo choàng cưỡi ngựa” đúng điệu các chàng hiệp sĩ Tây Phương ở thế kỷ XX .. Có thế, sứ điệp của Ngài mới được lắng nghe.

Điểm chính yếu trong màn hai của vở kịch trình diễn Đức Chúa GIÊSU KITÔ với bài giảng trên núi về các Mối Phúc Thật. Theo chương trình, Rostovtchev cầm trên tay cuốn Phúc Âm, sẽ đọc hai câu đầu của bài giảng, rồi vứt mạnh cuốn Phúc Âm vào xó và nói: ”Hãy trao cho Ta chiếc áo khác, hợp thời trang và trao cho Ta các phương tiện khác hữu hiệu hơn cuốn sách này!

Bằng giọng run run cảm động, Rostovtchev đọc hai ”Mối Phúc” đầu:

- Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ .. Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Đọc xong, chàng đứng im bất động .. Cả hội trường im lặng như tờ. Nỗi xúc động của chàng kịch sĩ tài ba như truyền sang các khán thính giả. Sau một phút im lặng ngỡ ngàng, khán thính giả như bừng tỉnh. Nhiều tiếng huýt sáo nổi lên, nhắc chàng phải trở lại vai chính của mình ..

Thế nhưng, bằng giọng rõ ràng và cương quyết, Rostovtchev đọc tiếp các ”Mối Phúc” còn lại:

... “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được THIÊN CHÚA ủi an. Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được THIÊN CHÚA cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được THIÊN CHÚA xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy THIÊN CHÚA. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con THIÊN CHÚA. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh chị em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh chị em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh chị em ở trên Trời thật lớn lao” (Matthêu 5,5-12).

Đọc xong, chàng Rostovtchev ngước đôi mắt sâu thẳm nhìn đăm đăm khán thính giả. Chàng ”nhìn” nhưng không ”thấy” khán thính giả đã từ từ đứng lên ngay sau khi chàng đọc ”Mối Phúc” thứ ba .. Chàng như mất hút trong tư tưởng huyền nhiệm của các ”Mối Phúc”. Xong, chàng trịnh trọng giơ tay làm dấu Thánh Giá và lớn tiếng cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin nhớ đến con khi nào Chúa vào Vương Quốc Ngài!

Và chàng đột ngột rời sân khấu. Bức màn vội vã buông xuống. Trong nhóm khán thính giả, nhiều người cũng giơ tay làm dấu Thánh Giá và không cầm được nước mắt .. Có người thì thầm:

- Lạy Đức Chúa GIÊSU KITÔ, xin thương xót con tội lỗi!

Buổi trình diễn bỏ dở tại đó. Một thất bại cho nhà nước cộng sản vô thần. Nhưng lại là thành công lớn lao cho Kitô Giáo. Không ngờ chàng kịch sĩ vô thần Alexandre Rostovtchev lại làm nổi bật khuôn mặt độc nhất vô nhị của Đức Chúa GIÊSU KITÔ: Đấng Cứu Độ con người, hôm nay, hôm qua và mãi mãi ..

“Thật thế, lời rao giảng về Thánh Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của THIÊN CHÚA. Vì có lời chép rằng: ”Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu?” Người lý sự của thời này đâu? THIÊN CHÚA lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết THIÊN CHÚA ở những nơi THIÊN CHÚA biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên THIÊN CHÚA đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng KITÔ bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được THIÊN CHÚA kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Chúa GIÊSU KITÔ, sức mạnh và sự khôn ngoan của THIÊN CHÚA. Vì cái điên rồ của THIÊN CHÚA còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của THIÊN CHÚA còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Côrintô 1,18-25).


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi