Lễ Chúa Giêsu Chịu
Phép Rửa
Bài đọc 1 : (Is 40:1-5,9-11).
Bài đọc 2 : (Tt 2:11-14. 3:4-7)
Tin Mừng : (Lc 3:15-16,21-22)
Nhận định về những giai đoạn của cuộc đời mình, Đức Không Tử đã viết trong
sách Luận Ngữ như sau: “Ngộ thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ
thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập
nhi tùng tâm sở dục bất du cửu” (Ta tới mười lăm tuổi mới chuyên chú vào việc học,
ba mươi tuổi mới tự lập, bốn mươi tuổi mới thấu hiểu hết sự lý trong thiên hạ,
năm mươi tuổi mới biết mệnh trời, sáu mươi tuổi mới có kiến thức và kinh nghiệm
để phán đoán được mọi sự lý và nhân vật mà không thấy có điều gì chướng ngại
khi nghe được, bảy mươi tuổi mới có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn
của lòng mình mà không ra khỏi khuôn khổ của đạo lý)
Sau một thời gian dài ba mươi năm sống ẩn dật với cha mẹ ở Nadarét, đã đến
lúc chàng thanh niên Giêsu phải nghĩ đến sứ vụ của mình đã được Chúa Cha ủy
thác. Đây là giai đoạn “tam thập nhi lập”.
Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa. Ngày chàng thanh niên Giêsu chịu phép rửa
cũng giống như ngày lễ mãn khóa, ngày tốt nghiệp trường đời Nadarét, ngày ra mắt
với quần chúng. “Sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và
Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ
trời phán rằng: Con
là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con”
Người ta chịu phép rửa để sám hối và trở về với Thiên Chúa là chuyện đã đành,
nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng chẳng vướng tội lỗi, sao lại cũng xin ông Gioan
làm phép rửa?
Việc Chúa Giêsu nhận phép rửa của ông Gioan đánh dấu một giai đoạn mới của
cuộc đời Đấng Mêsia. Đây là sự khai mở sứ vụ công khai loan báo Tin Mừng cứu độ.
Lời của Chúa Cha từ trời phán ra là lời giới thiệu với nhân loại về người Con
yêu dấu của Ngài, vì yêu thương nhân loại,
đã vâng phục thánh ý của Ngài để xuống trần gian mang
thân phận con người. Chúa Giêsu, Con Chúa Cha đã có từ trước muôn đời, đã cùng
hằng hữu với Chúa Cha mà qua phép rửa của ông Gioan, Ngài lại nói: “Ngày hôm
nay, cha đã sinh con”
Đối với những tội nhân thì phép rửa của ông Gioan là cơ hội sám hối quay về
với Thiên Chúa để được ơn tha tội, nhưng đối với Chúa Giêsu, khi nhận phép rửa
của ông Gioan không phải để được tha tội, nhưng là một tấm gương khiêm tốn nhận
biết mình bất toàn để trở về với lòng bao dung của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chịu
phép rửa là để đồng hóa thân phận con người nơi địa vị Con Thiên Chúa, là trở
nên giống thân phận của con người để từ đó đưa con người lên vị trí làm con cái
Thiên Chúa. Muốn trở thành con cái của Thiên Chúa, con người phải nhận ra mình
ra người tội lỗi cần sám hối. Tâm tình tự ý thức về thân phận của mình mới giúp
chúng ta nhận ra khuyết điểm và hèn yếu của mình. Mãi tự phụ với khả năng, sức
lực của mình, con người sẽ không nhận ra yếu kém của mình. Chúa Giêsu chịu phép
rửa là bài học dạy chúng ta sống khiêm nhường nhận ra chân giá trị của mình để
từ đó phải biết sống như thế nào cho phù hợp.
Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhớ chúng ta về ngày chúng ta được
lãnh nhận phép Rửa tội. Khi lãnh nhận phép rửa tội, chúng ta trở thành con cái
Thiên Chúa và được mời gọi trở nên những môn đệ của Chúa Giêsu. Đó là ơn gọi
làm người Kitô hữu. Ơn gọi ấy hướng chúng ta về một cuộc sống cao cả hơn, trong
sạch hơn và mở rộng khả năng yêu thương
và phục vụ người khác.