Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
Lễ Hiển Linh: ĐỪNG ĐỂ MẤT ÁNH SAO

Lễ Hiển Linh

Bài đọc 1 : (Is 60:1-6).

Bài đọc 2 : (Ep 3:2-3,5-6).

Tin Mừng: (Mt 2:1-12)

 

Có một vị sư phụ bị mù từ nhỏ, cùng đi với một đệ tử vào sân đình. Khi hai thầy trò đi đến gần một cây đào rất lớn, sư phụ nghiêng đầu tránh một vài nhánh đào rủ xuống thấp; nhìn thấy thế, đệ tử ngạc nhiên hỏi: “Thưa thầy, sao thầy biết có những nhánh đào ấy mà tránh?”. Sư phụ trả lời: “Con mắt chỉ là một trong những cơ quan chúng ta dùng để nhận biết mà thôi. Thầy nghe thanh âm của những cành cây đong đưa để nhận ra chúng. Con hãy thử nhắm mắt lại và nói cho thầy biết con nghe được những gì? Con có nghe được tiếng đập của con tim con không? Con có nghe được tiếng chân của vị tăng lữ đang đi bên kia sân đình không? Con có nghe được tiếng dế đang ở ngay dưới chân con không?”. Đệ tử nhìn xuống và kinh ngạc khi thấy một chú dế con: “Thưa thầy, làm sao thầy nghe được những thứ ấy?”. Sư phụ ôn tồn trả lời: “Này con, con hãy tự hỏi tại sao con lại không nghe được những thứ ấy?”

 

Khi đến với Thiên Chúa, đôi tai lắng nghe được tiếng Thiên Chúa phải là đôi tai của tâm hồn. Đôi mắt nhận ra ánh sao lạ là đôi mắt đức tin. Những ai thành tâm, khao khát tìm Chúa thì sẽ gặp. Sao lạ là dấu chỉ của Chúa tỏ hiện ra cho những ai thành tâm khao khát tìm đến với Ngài.

 

Ba đạo sĩ ở phương Đông là những người khao khát chân lý. Có lẽ hằng đêm và trải qua một thời gian dài họ vẫn một lòng khao khát tìm chân lý. Giữa bầu trời đầy sao, ở tận phương Đông, nhưng họ đã nhận ra được ngôi sao lạ ấy là dấu chỉ về Đức Vua Dân Do thái vừa mới sinh ra, và họ đã vội vã lên đường để tìm đến bái lạy vị Vua ấy.

Lẽ ra dân Do thái, các kinh sư và biệt phái phải là những người nhận ra tin vui về Đấng Cứu Thế vừa mới sinh ra; vì họ đã được các ngôn sứ và Kinh thánh tiên báo về Đấng ấy từ lâu. Nhưng thật trớ trêu! Chính họ lại là những người không hay biết gì về tin vui trọng đại ấy! Khi ngôi sao dẫn đường biến mất, ba đạo sĩ đã chẳng biết tìm hỏi ai, họ nghĩ chắc những người Do thái phải biết. Họ đến gặp vua Hêrôđê và hỏi: “ Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đế bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hêrôđê và cả hành Giêrusalem xôn xao. Họ lần giở Kinh thánh để xem Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu, và được biết rằng: “Tại Bêlem, miền Giuđê.” Như thế, chính dân ngoại lại là người loan tin vui cứu độ ấy cho dân của Chúa!

 

Ba đạo sĩ tìm Hai Nhi để bái lạy Ngài, nên họ đã gặp. Vua Hêrôđê cũng muốn biết Hài Nhi sinh ra ở đâu, không phải để đến bái lạy như lời ông nói, nhưng để tìm cách triệt hạ Hài Nhi. Ông tìm không phải để tôn thờ, nhưng tìm vì quyền lợi và địa vị ý riêng của ông nên ông đã không gặp.

 

Ngày lễ Hiển Linh là ngày Chúa tỏ mình ra cho nhân loại thấy ơn cứu độ Ngài mang đến cho trần gian. Ai là những người hân hạnh đón nhận tin vui cứu độ ấy?  Ơn cứu độ thì phổ quát, không dành riêng cho ai mà cho hết mọi người tin vào lòng thương xót của Chúa. Thánh Phaolô là người phục vụ cho mầu nhiệm ấy: “ Mầu nhiệm đó là: Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” (Ep 3:6)

 

Mừng lễ Hiển Linh cũng là cơ hội nhắc nhớ chúng ta hãy giữ lấy ánh sao lạ trên cuộc hành trình đức tin của mình. Sau khi đã bái lạy Hài Nhi Giêsu, được thiên sứ chỉ dẫn, ba đạo sĩ đã tìm đường khác mà về. Trong cuộc hành trình đức tin của mình, người Kitô hữu cũng phải tìm con đường khác mà đi, không trở lại với nếp sống cũ như Hêrôđê đang ngóng chờ, nhưng phải bước theo con đường mới là đem Chúa và lòng thương xót của Ngài đến với hết mọi người. Đã tìm được ánh sao là Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài thì đừng để lạc mất!

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi