Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - NĂM C: VUI MỪNG TRONG TUYỆT VỌNG

CN I Mùa Vọng / C

Bài đọc 1 : (Gr 33:14-16)

Bài đọc 2 : (1Tx 3:12-4:2)

Tin Mừng : (Lc 21: 21-28,34-36)

 

 

Mùa Vọng hằng năm nhắc nhớ ngày Chúa đến lần thứ nhất trong thân xác yếu hèn của con người tại Bê lem, đồng thời giúp chúng ta hướng tới ngày sau hết của cuộc sống của mỗi người và chuẩn bị tiếp bước đi về ngày Chúa đến lần thứ hai trong quyền uy và sức mạnh vào ngày sau hết. Chúng ta đang sống giữa hai lần đến của Đức Kitô. Thánh Phaolô đã nói rằng cứ mỗi năm trôi qua, thì “ơn cứu độ của chúng ta càng đến gần hơn, so với lần đầu chúng ta tin.”

 

Bắt đầu một năm Phụng Vụ mới, Giáo Hội mời gọi chúng lại lên đường tiếp bước chặng đường của Chúa Giêsu đã đi cho đến ngày Chúa đến lần thứ hai; đó là ngày tận thế. Nhưng ngày ấy sẽ xảy ra khi nào?

 

Chúng ta vẫn thường nghe người này người kia tiên báo về ngày tận thế, nhưng rồi mọi sự vẫn bình thường! Chính Chúa Giêsu cũng không biết ngày giờ nào như lời Ngài đã nói: “Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, ngay cả các thiên thần trên trời, hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.”Nhưng dấu hiệu nào để biết ngày ấy xảy đến?

 

Chúa Giê su đã tiên báo: “Sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này và cơn thịnh nộ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đi dày khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại. Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.”Đó là những dấu hiệu trong ngày Con Người giáng lâm, ngày Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến. Nhưng ngày ấy là một sự thật hay chỉ là những lời đe dọa những người yếu vía?

 

Đối với những ai không tin vào Thiên Chúa, họ cho rằng : chuyện gì phải đến, sẽ đến. Lo lắng làm gì. Hãy cứ vui sướng hưởng thụ. Lại có người cho rằng : chẳng ai biết được tương lai. Cơ hội làm giàu, cơ hội thăng quan tiến chức đang đến, dại gì không nắm bắt lấy cơ hội! Nhưng đối với những ai tin và đặt hy vọng vào Thiên Chúa,thì ngày ấy chắc chắn sẽ đến, nhưng phải có thái độ nào? Hoảng hốt, lo sợ! Thất vọng, buồn sầu? Chúa đã nói: “Trời đất qua đi, nhưng những lời Thầy nói chẳng qua đâu.”

 

Đứng trước những biến cố nói trên xảy ra, đối với người Kitô hữu, Chúa căn dặn; “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng, ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”Như thế, những biến cố ấy xảy đến không phải là những mối đe dọa hủy diệt, nhưng là dấu hiệu của niềm vui và hy vọng. Chỉ những ai có điểm tựa vững chắc nơi Thiên Chúa mới có “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”

 

“Đứng thẳng và ngẩng đầu lên” là dấu chỉ của những ai mạnh mẽ, can đảm, vững tin vào một mãnh lực nào đó. Đó là thái độ của người hết lòng tin tưởng và đặt hy vọng vào Thiên Chúa toàn năng, yêu mến Ngài hết lòng, hướng mọi khả năng về Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn ơn cứu chuộc.

 

Nhưng để có thể “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, Chúa còn căn dặn chúng ta: “Phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” và ”Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

 

 

Thánh Phao lô trong thư gửi tín hữu Thêxalônica cũng đã khuyên: “chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ.” (1Tx 5:8); đó là những vũ khí cần có để chúng ta có thể “đứng thẳng và ngẩng đầu lên.”

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi