BÀI GIẢNG
8.1(A)- Chúa Giêsu có mấy bản tính?
T.
Chúa Giêsu có hai bản tính :
- Bản tính loài người như mọi người ngoại trừ
tội lỗi (x Lc 22,44).
- Bản tính Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa
Thánh Thần (x Ga 14,7t ; Ga 18,6).
Ga
12,32 : Chúa Giêsu nói : "Phần tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất
(chết vì bản tính loài người) ; tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi (chiến thắng
nhờ bản tính Thiên Chúa)" (xem GLHT
số 205-221).
GIẢI THÍCH
Bản tính
Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Hai bản tính này phối hợp với nhau nên một
ngôi vị, Ngài có bản tính Thiên Chúa vì là Con Một Cha trên trời, đồng thời
Ngài có bản tính nhân loại, vì là Con của Đức Maria.
1/ Đức Giêsu có bản tính nhân loại.
Vì thân xác
của Ngài nhận từ Đức Maria, thuộc dòng giống Adam, Eva. Ông Luca nhấn mạnh về
nhân tính của Đức Giêsu, ông ghi nhận : lúc bị bắt, Ngài đã run sợ đến toát mồ
hôi máu, nên cầu nguyện cùng Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này
xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha.”Bấy giờ có thiên sứ
tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Lòng xao
xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những
giọt máu rơi xuống đất” (Lc
22,42-44).
Với bản tính nhân loại, Đức Giêsu thông cảm sự yếu hèn
của phàm nhân, vì ai cũng sợ đau khổ, ai cũng muốn thoát đau khổ. Bởi thế tác
giả thư Do Thái nói : “Bản thân Ngài đã
trải qua thử thách và đau khổ, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị thử thách”
(Dt 2,18).
2/ Đức Giêsu có bản tính Thiên Chúa.
Vì Ngài là Con Thiên Chúa,
đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngài có từ trước muôn thuở,
không có khởi đầu, không kết thúc, Ngài là Đấng hằng hữu.
Ông Gioan viết Tin Mừng nhấn
mạnh về thiên tính của Đức Giêsu. Cụ thể bọn lính Roma đi tìm bắt Ngài, chúng
đứng trước mặt Ngài, Ngài lên tiếng : “Các
ngươi đi tìm ai?” chúng đáp : “Chúng
tôi đi tìm ông Giêsu Nazareth”. Ngài nói : “Ta đây”. Chúng liền té nhào” (x Ga 18,6t). Trước khi chết, ông
Gioan không nói Ngài trút linh hồn như ông Matthêu (x Mt 27,50), mà ông ghi
nhận “Đức Giêsu nghiêng đầu trao ban Thần
Khí” (x Ga 19,30). Thần Khí ở đây hiểu là hơi thở (sự sống) và cũng là Chúa
Thánh Thần.
Nói tóm lại : một người muốn
cứu ai, người ấy vừa giống người lâm nạn, vừa mạnh hơn người lâm nạn. Trong bản
tính loài người, thì Đức Giêsu cũng như kẻ lâm nạn, nhưng Ngài ra tay cứu mọi
người,vì Ngài có bản tính Thiên Chúa toàn năng.
Ví dụ : Tôi có sống chung
với người nghèo, tôi mới biết rõ họ khổ thế nào và nảy sinh nơi tôi sự giúp đỡ,
thì tôi phải là người giàu có, người mạnh hơn họ.
Khi tôi ở giữa mọi người,
tôi dễ dàng cảm nghiệm được vui buồn của mọi người, giống như thanh sắt nếu ta
vùi nó vào đống lửa, lát sau ta rút nó ra, nó trở thành thanh lửa.
Ta muốn quan sát triệt để
một khu vực, ta phải ở trên cao nhất nhìn xuống, đồng thời ta phải xuống tận
nơi thấp nhất của vùng, luồn lách qua các ngõ ngách, ta mới biết rõ khu vực đó.
Bởi thế, Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả thấu suốt lòng mọi người, đồng thời
Ngài cũng trở nên như kẻ nô lệ để hiểu
rõ nỗi khổ của ta mà ra tay đáp cứu!
Vậy để thực hiện chương
trình cứu độ loài người, Chúa muốn chúng ta cộng tác, ta phải kết hợp với Ngài
để trở nên người cao cả nhất, đồng thời phục vụ trong gian khổ như Ngài, ta mới
chia sẻ ơn cứu độ đến với người anh em. Đức Maria là mẫu cho nhân loại trong
việc cộng tác với Thiên Chúa, nên Đức Maria nói : “Phận nữ tỳ hèn mọn, Chúa đoái thuơng nhìn tới, từ đây muôn đời sẽ khen
tôi có phúc, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người là
Thánh” (Lc 1,46-55).
Đức Maria nói như thế là bộc
lộ tâm hồn khiêm tốn của Mẹ, vì khiêm
nhường là nhận sự thật những gì mình có đã được nhận nơi Thiên Chúa.