Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
BUỔI GIÁO LÝ 02
Âm thanh
BÀI GIẢNG
 

THUỘC LÒNG

2.1(A)- Tiếng lương tâm dạy ta biết có Đức Chúa Trời thế nào?

            T. Khi ta làm điều tốt, tâm hồn ta được vui, vì có Đấng thưởng ta ; Khi ta làm điều xấu, tâm hồn ta lo sợ, vì có Đấng xử ta! Đấng ấy là Thiên Chúa    (x Lc 9,7-9).

            Cn 28,1 : "Ác nhân trốn chạy, dù không ai đuổi bắt ; còn người công chính đứng vững tựa sư tử non".

GIẢI THÍCH

            - Lc 9,7-9 : Vua Hêrôđê tỏ uy quyền trước mặt bá quan văn võ đang dự tiệc : ông hạ lệnh cắt đầu ông Gioan Bt, trao cho cô gái để trao lại cho mẹ nó! Ông làm thế là tỏ uy quyền chẳng sợ ai. Nhưng thực ra, từ bấy giờ lương tâm ông luôn cắn rứt và lo sợ. Khi nghe tin đồn về ông Giêsu giảng dạy hấp dẫn, làm nhiều phép lạ thu phục được nhiều người, thì vua nói ngay : “Đó chính là Gioan Bt trẫm đã cho chém đầu nay sống lại”. Điều này tố giác tâm hồn vua lúc nào cũng sợ ông Gioan Bt trả thù. Đúng như người ta nói : “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người thì mặt vàng như nghệ” :  Mặt đỏ là dấu người sống sung mãn ; mặt vàng dấu chỉ xác chết! Quả thật, ta làm điều ác, luôn luôn lo sợ, vì phải đối diện với Đấng Toàn Năng, dù không thấy Ngài. Đấng ấy xét xử rất công minh ; nhưng nếu làm điều lành, tâm hồn ta luôn được bình an, phấn khởi, vui tươi, đó là dấu được gặp Thiên Chúa khen thưởng.

            - Cn 28,1a : “Ác nhân trốn chạy dù không ai đuổi bắt”. Đan cử như ông Cain sau khi giết Abel, em ông, đi đâu ông cũng cúi sầm mặt, sợ người khác nhìn. Chúa hiện ra hỏi ông : “Hà cớ chi ngươi phải sầm mặt xuống? Há không phải là nếu ngươi ở tốt lành hãy ngẩng đầu lên!” (St 4, 6-7) .

            - Cn 28,1b : “Người công chính đứng vững tựa sư tử non” : Sư tử rất oai hùng vì là chúa sơn lâm, nhưng sư tử non thì hiền như chiên. Người công chính hiên ngang nhìn đời, vì thu phục được nhiều người, ai cũng mến!

            Mạc Khải cho chúng ta biết :

- “Với lương tri, với sự tự do và tiếng nói của lương tâm, với niềm khát vọng, sự vô biên và hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Lần kia, ông Phaolô và ông Barnaba chữa lành cho người què từ bẩm sinh, dân chúng thấy hai ông có uy quyền và tài năng, họ tưởng ông Phaolô là thần Hermê, còn ông Barnaba thì thần Dớt, thế là họ đưa vòng hoa và những lễ vật đặt trước mặt hai ông rồi sụp lạy cúng tế. Ông Phaolô hết lòng giải thích : “Anh em đừng tưởng tôi có quyền gì trên anh què này, chúng tôi chỉ nhân danh Chúa Giêsu, Đấng mà anh em đã giết treo trên thập giá, ba ngày sau Ngài đã sống lại, chính Ngài làm cho anh què này được lành mạnh chứ không phải chúng tôi, vì chúng tôi chỉ là người phàm như anh em” (Cv 14,15-17).

- “Để mọi người tìm kiếm Thiên Chúa, may ra họ dọ dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thật sự Ngài không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu,chúng ta thuộc về dòng giống của Người, nên chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng bạc hay đá quý” (Cv 17,27-28).

 

THUỘC LÒNG

3.1(A) - Hội Thánh dạy cho ta biết về Đức Chúa Trời thế nào ?

            T. Dựa vào Kinh Thánh, Hội Thánh dạy ta biết chỉ có một Đức Chúa Trời Ba Ngôi : Ngôi Thứ Nhất là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con, Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần. Ba Ngôi cùng một bản tính : cùng tự hữu, cùng hằng có, cùng toàn năng, cùng toàn thiện, cùng là tình yêu, là sự sống.

            Ga 4, 23 : Những người thờ phượng đích thực,sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật.   (Thần Khí là Lời Chúa - Ga 6,63 ; Sự Thật là Chúa Giêsu  -  Ga 14,6).

 

GIẢI THÍCH

- Thiên Chúa là tình yêu là sự sống, chỉ nhằm cứu độ loài người. Thực vậy, “Chúa Giêsu sai các Tông Đồ đi khắp thế gian tập họp môn đệ cho Ngài bằng việc ban Thánh Tẩy nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19b). Chữ “và” trong câu này theo ngôn ngữ Hy Lạp có nghĩa quan trọng như nhau, hoặc là rất cần thiết, như thế cả Ba Ngôi Thiên Chúa không có khác biệt, cũng không tách rời. Vì cùng là một Thiên Chúa. Để nhận ra chữ “và” quan trọng, Tin Mừng Gioan ghi nhận : khi hai ông Phêrô và Gioan chạy ra mộ Đức Giêsu, ông Gioan tới trước, nhưng đợi ông Phêrô tới, mới bước vào mộ. Ông Gioan nói : “Tôi đã thấy và tôi đã tin” (Ga 20,8). Tin là đón nhận một chân lý mà mình không thấy, nhưng dựa vào uy tín của người khác. Thế mà ở đây ông Gioan đã thấy, ông lại nói “tôi tin”, bởi vì thấy không quan trọng bằng tin. Chính Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Phúc cho ai không thấy  mà tin” (Ga 20,29).

- “Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản tính : Nghĩa là cả Ba Ngôi

+ Cùng tự hữu  : không bởi đâu mà sinh ra.

+ Cùng  hằng có : không bắt đầu, không tận cùng, luôn luôn là hiện tại.

+ Cùng chân, thiện, mỹ.

+ Cùng một bản thể

+ Cùng là tình yêu.

+ Cùng là sự sống và là sự sống lại.

+ Cùng toàn năng : chỉ có Thiên Chúa biến dữ ra lành, biến chết ra sống, biến tội ra ơn.

            Tuy Ba Ngôi Thiên Chúa không có sự tách biệt,  nhưng Hội Thánh vẫn hiểu cách biệt quy : Chúa Cha là Đấng sáng tạo ; Chúa Con là Đấng cứu chuộc, bênh đỡ, nuôi dưỡng, giáo dục ; Chúa Thánh Thần là Đấng ban phát các ơn lấy từ nơi Chúa Con, đã nhận được Chúa Cha trao cho tất cả quyền năng, mọi sự tốt lành trên trời dưới đất (x Mt 28,18).

            *  Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa trong Cựu Ước được mạc khải cách mờ nhạt. Thực vậy, khi bắt đầu tạo dựng loài người, Kinh Thánh cho biết :

     -   Chúng Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta” (St 1,26a), “Chúng Ta” ở đây là Ba Ngôi Thiên Chúa bàn định với nhau khi sáng tạo con người.

     -   Khi ông Abraham thấy ba người khách lạ đi ngang qua lúc ông đang ngồi ở cửa lều, ông liền chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói : “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài” (St 18,1-3).

            Người Do Thái không bao giờ sụp lạy bất cứ thần minh hay người nào, thế mà ông Abraham sụp lạy trước ba người khách lạ. Đây là dấu ông Abraham nhận ra ba người khách ấy là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi ; ba người khách mà ông Abraham lại chào : “Thưa Ngài” (số ít), đúng ra ông phải chào “thưa các Ngài”. Mạc Khải này lộ ra ông Abraham tuyên xưng Đức Tin : Ba Người Khách đó là Thiên Chúa Ba Ngôi.

            * Vào thời Tân Ước chính Chúa Giêsu đã mạc khải rõ về Ba Ngôi Thiên Chúa :

-  “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

-  “Thật, tôi bảo thật các ông : người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm ; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc”(Ga 5,19-20).

-   “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi ; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,29).

-   “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời Con. Phần Con, Con biết Cha hằng nhậm lời Con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên Con đã nói để họ tin là Cha đã sai Con” (Ga 11,41-42).

-   “Tôi biết : mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi”(Ga 12,50).

-   “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’ ?  (Ga 14,9).

-   “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).

-   “Chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy ! Ta đi khỏi đây !” (Ga 14,31).

-   “Khi Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26).

-   “Chúa Cha sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”  (Ga 16,14).

-   “Tất cả những gì Con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của Con ; và Con được tôn vinh nơi họ” (Ga 17,10).

            Có nhiều hình ảnh thường được dùng để diễn tả phần nào về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi riêng biệt mà chỉ là một Thiên Chúa. Ví dụ :

-    Nước ở ba trạng thái : đặc, lỏng và hơi. Ba trạng thái của nước bản chất đều là một.

-    Lửa cùng một lúc tỏa ra sức nóng, ánh sáng và khói.

-    Một người đúng nghĩa là cha hay là mẹ, thì phải hội đủ ba yếu tố : sinh, dưỡng, dục người con.

-    Đức Giêsu nói : “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23).

 * Thần Khí là Lời Thiên Chúa, như Đức Giêsu nói : “Lời tôi nói với anh em là Thần Khí, là sự sống” (Ga 6,63b) ;

* Sự Thật là Chúa Giêsu. Ngài nói : “Tôi là đường và là sự thật, và là sự sống” (x Ga 14,6).

Thần Khí (Lời) và Sự Thật (Chúa Giêsu) là hai phần chính của Thánh Lễ. Vậy tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi được Ngài ưa chuộng nhất, chính là khi ta tham dự Thánh Lễ với Đức Tin và lòng Mến trọn hảo.

THUỘC LÒNG

4.1(A) Ba Ngôi Thiên Chúa yêu loài người thế nào?

T. Muôn vật kỳ diệu Chúa sáng tạo là quà tặng Ngài ban cho con người (x St 1,28-30), đặc biệt :

            -  Chúa Cha : Ban Con Một của Người cho thế gian để được sống muôn đời (x Ga 3,16).

            - Chúa Con   : Nghe được nơi Chúa Cha thì tỏ hết cho chúng ta là bạn của Ngài (x Ga 15,15), và còn hiến mạng sống mình làm giá chuộc cứu chúng ta thoát tử thần để cho ta được sống hạnh phúc dồi dào như Thiên Chúa (x Ga 15,13 ; 10,10 ; 6,57).

            - Chúa Thánh Thần : Ngài lấy tất cả ân lộc Chúa Cha đã trao cho Chúa Con, mà phân phát cho con người, nhằm tái sinh những ai tin vào Lời Chúa và tin vào danh Chúa Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất, thì được làm con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu (x Cv 4,12 ; Ga 16,13.15 ; 1Ga 3,2).

GIẢI THÍCH

            1- TÌNH YÊU CỦA CHÚA CHA ĐỐI VỚI CON NGƯỜI.

Trước khi người mẹ sinh con, thì bà mua sắm nào là sữa, nôi, giày dớ, tã …để chuẩn bị cho đứa con ra đời. Thế thì trước khi Thiên Chúa tạo dựng loài người, Người đã tạo dựng muôn loài rất tốt đẹp như quà để trao ban hết cho loài người làm chủ (x St 1,28-30).Đó là cách Chúa biểu lộ tình yêu đối với loài người. Nhưng những điều ấy thua xa ngày nay mỗi khi tham dự Thánh Lễ, ta lại được Chúa tặng ban cho ta chính Lời Hằng Sống, Thịt và Máu Chúa Giêsu, để ta được sống bằng sự sống của Thiên Chúa (x Ga 6,57), và được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x Ga 1,16). Quả thật “Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con  Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

            Xưa kia ông Abraham dâng người con trai duy nhất cho Thiên Chúa, nhưng con ông không phải chết (x St 22,19). Tình yêu ấy thua xa “Chúa Cha đã không tha cho chính Con của Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy, làm sao Người lại không gia ân vạn sự cho ta làm một với Ngài” (Rm 8,32).

            2- CHÚA CON YÊU LOÀI NGƯỜI

            Đức Giêsu nói : “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

            Bạn của Đức Giêsu không tất yếu là những người trung tín với Ngài mà còn có kẻ phản bội Ngài. Đan cử : Ông Giuđa là môn đệ Ngài chọn, đã tráo trở dùng cái hôn làm dấu để nộp Thầy cho kẻ ác. Đức Giêsu bảo hắn : “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi !” (Mt 26,50a).

            Để nhận ra tình yêu cao cả của Đức Giêsu nói Lời Chúa Cha cho bạn hữu, ta không thể quên mối tình của Gionathan đối với Đavid : Gionathan trân trọng Đavid vì đã ra tay diệt quân thù, bảo vệ đất nước và ngai báu của vua cha, thế mà vua cha chỉ vì ghen tức với Đavid, nên tìm mưu tính kế để diệt. Gionathan nói với Đavid : “Bạn chớ vội đến dự tiệc cha tôi dọn, biết đâu cha tôi mượn cớ say rượu để giết bạn. Bạn cứ ẩn nấp ở dãy núi này, tôi về dò ý vua cha, và khi biết rõ ý cha, tôi sẽ báo cho bạn biết”… Quả thật, ngay từ lúc khai tiệc, khách còn đang tới, thì vua Saolê đã tỏ ra cáu gắt vì chưa thấy Đavid. Gionathan biết là ý không lành, anh liền chạy đi báo tin cho bạn Đavid biết thâm ý vua cha. Nhờ đó Đavid thoát thân chạy trốn! Thời gian ấy, kẻ thù dấy lên, Đavid không dám ra nghênh chiến, thế là cả hai cha con Saolê và Gionathan tử trận. Đavid lên làm vua (x 1Sm 20).

            Gionathan tỏ ý thâm độc của vua cha cho bạn Đavid, nhờ đó Đavid thoát chết và lên làm vua. Thì làm sao Đavid quên ơn Gionathan! Nhưng điều ấy vẫn còn thua xa Đức Giêsu nghe được nơi Chúa Cha ý định chỉ muốn cứu loài người thoát chết vì tội, để truyền lại cho những người “bạn” phản bội vì luôn phạm tội chống lại Thiên Chúa, biết sám hối để được Chúa thương xót nâng lên bậc khanh tướng, thì còn lời tạ ơn nào cho cân xứng!

            Nhất là những ai đã được ở trong Chúa Giêsu thì không còn bị lên án, mà nếu người ấy còn mang tội, thì Thần Khí làm cho được sống vì đã được trở nên công chính trong Chúa Giêsu (x Rm 8,1.10).

            Thánh Gioan còn nói : “Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16), Ngài ban ơn cho ta để làm những việc như Ngài và còn làm được những việc lớn lao hơn thế nữa (x Ga 14,12), để ta cùng với Ngài thâu họp muôn vật dưới một đầu một mối trong Đức Giêsu Kitô (x Ep 1,4-14 ; Cl 1,16-20).

            3- CHÚA THÁNH THẦN YÊU LOÀI NGƯỜI.

            * Chúa Thánh Thần làm cho trinh nữ Maria sinh Con Thiên Chúa, được đặt tên là Giêsu. Đức Maria là mẫu người được Lời Thiên Chúa cứu chuộc, vì được Chúa ở cùng nên Đức Maria có danh “Đầy Ơn Phúc” (x Lc 1,28 – Bản dịch NTT). Vì thế Đức Maria trở nên dấu chỉ Hội Thánh Chúa Kitô thánh thiện,vì Chúa Giêsu là Đầu của Hội Thánh, và những người được Ngài cứu chuộc trở nên chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Ngài. Bởi thế Đức Giêsu muốn mọi người noi gương sống Lời Chúa của Đức Maria, để cùng có danh là “Mẹ Thiên Chúa”, như Đức Giêsu nói : “Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

            * Chúa Thánh Thần làm cho cả loài người cùng hiểu Lời do Hội Thánh rao giảng, để cùng  được kết hợp với Chúa Giêsu làm mọi việc có giá trị dắt nhau lên Thiên Đàng. Đó mới thực là tháp Babel mới mà xưa kia con cháu Noe muốn xây chạm Trời, lưu danh muôn thuở mà bất thành, chỉ vì họ nói nhiều ngôn ngữ nên không hiểu nhau (x St 11 ; Cv 2).

            * Chúa Thánh Thần biểu lộ sự toàn năng của Thiên Chúa, vì Ngài biến dữ ra lành, tội ra ơn, chết ra sống. Thực vậy, ông Saulô vốn dĩ là kẻ hung ác, xông về Đama triệt hạ những người Công Giáo. Nhưng khi được Chúa Giêsu ban Thánh Thần, và bảo ông đi học Giáo Lý nơi môn đệ Ngài, từ đó ông biến đổi thành Tông Đồ xuất sắc, không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x Gl 2,9 ; 2Cr 11,5).

  


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: