BUỔI GIÁO LÝ 01
BÀI GIẢNG CHƯƠNG 1
NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA
PHẦN
THUỘC LÒNG :
1.1 (A)
- TẠO VẬT GIÚP TA NHẬN BIẾT CÓ ĐỨC CHÚA
TRỜI THẾ NÀO?
T.
Nhờ những kỳ công, trật tự và vẻ đẹp nơi tạo vật, cho ta biết có một Đấng tạo
dựng nên nó, điều khiển, chăm sóc và bảo tồn nó. Đấng ấy là Thiên Chúa, Ngài
toàn năng và tốt đẹp hơn mọi tạo vật (x Kn 13 ; Rm 1,19-21).
Tv
19/18,2 : Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc
tay Người làm.
PHẦN GIẢI THÍCH :
*
Kn 13 : Dân Do Thái rất tự hào chỉ tôn thờ một Vị Thần vô hình, đó là Thiên
Chúa ; khác hẳn với các tôn giáo khác thờ ngẫu tượng. Thần của họ là sản phẩm
do tay con người tạo ra, họa theo những vật có trong vũ trụ hoặc tưởng tượng
ra.
Đền Thờ của người Do Thái không đặt
một tượng thần nào. Nơi Cực Thánh, chỉ đặt hai Bia Đá ghi Mười Điều Răn Chúa đã
trao cho ông Môsê để hướng dẫn và bảo vệ dân Do Thái. Khác với đền thờ của dân
ngoại thì lại đặt rất nhiều tượng thần.
Tác giả sách Khôn ngoan mỉa mai dân
ngoại : tại sao nhìn mặt trời sáng láng lại tưởng đó là thần, mà không biết tôn
thờ Đấng đã tạo nên nó, Ngài sáng hơn mặt trời.
*
Tv 19/18,2 : “Trời xanh tường thuật
vinh quang Thiên Chúa …” : Thánh vịnh này nhấn mạnh : Để giới thiệu Thiên
Chúa cho đồng loại, thì nói về Ngài không bằng những việc ta làm diễn tả sự
hiện diện của Thiên Chúa. Cụ thể thực hành lời thánh Phaolô dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh
em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Để có thể nói với
mọi người : “Anh em hãy bắt chước tôi,
như tôi bắt chước Chúa Kitô” (1Cr 11,1). “Chúa Kitô làm rồi mới dạy” (Cv 1,1). Muốn sống như thế, ta phải vui
mừng được làm người tù của Chúa Giêsu Kitô
(x Ep 4,1).
* Sách Giáo
Lý Công Giáo dạy :
- “Con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được mời
gọi nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, người tìm Thiên Chúa sẽ khám phá ra một số
"con đường" giúp nhận biết Người. Những con đường này còn được gọi là
"bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa", không theo
nghĩa bằng chứng khoa học tự nhiên, nhưng theo nghĩa những "luận cứ đồng
qui và có sức thuyết phục", giúp con người biết chắc có Thiên Chúa. Những
"con đường" đến với Thiên Chúa xuất phát từ thụ tạo
: thế giới vật chất và con người” (số
31).
- “Căn cứ vào vận hành và biến hóa của thế giới, tính cách
vô thường, trật tự và vẻ đẹp của nó, người ta có thể nhận biết Thiên Chúa như
là nguyên thủy và cùng đích của vũ trụ.
“Phaolô hướng dẫn những người đi tìm Chân Lý, tìm Thiên Chúa
: "Những
gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước mặt họ: Thật
thế, chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể
nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của
Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn
thấy được qua những công trình của Người" (Rm 1,19-20)
“Thánh Âu-tinh nói : "Hãy hỏi
vẻ đẹp của trái đất, của biển khơi, của khí trời nở phồng và lan tỏa, của bầu
trời ... , hãy hỏi tất cả những thực tại ấy. Tất cả sẽ trả lời bạn : "Hãy xem đó, chúng tôi quả là đẹp". Vẻ đẹp của chúng là một lời tuyên xưng. Ai đã làm ra những
cảnh đẹp thiên biến vạn hoá ấy, nếu không phải là Ðấng toàn mỹ không bao giờ
đổi thay ?" (số
32).
- “Vì Thiên Chúa sáng tạo là Ðấng khôn ngoan nên công trình sáng tạo có
trật tự : "Ngài đã an bài mọi sự có mực thước, có số, có lượng"(Kn
11, 20). Vũ trụ được sáng tạo trong và nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu, "hình ảnh
của Thiên Chúa vô hình"(Cl 1, 15) nên được dành sẵn cho con người là hình
ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 26), là kẻ được mời gọi để hiệp thông trong tương
quan cá nhân với Người. Ðược tham dự vào ánh sáng của Ðấng thượng trí, trí khôn
con người có thể nghe được những gì Thiên Chúa nói với chúng ta qua công trình
sáng tạo (x. Tv 19, 2-5); dĩ nhiên con người cần cố gắng nhiều, trong khiêm tốn
và kính trọng trước Ðấng Tạo Hóa và công trình của Người (x G 42, 3). Phát xuất
từ Thiên Chúa tốt lành, công trình sáng tạo dự phần vào sự tốt lành của Người :
("và Thiên Chúa thấy điều đó tốt lành... rất tốt lành":St 1, 4. 10.
12. 18. 21. 31), và Thiên Chúa muốn trao ban nó cho con người như một quà tặng,
một gia sản được dành sẵn và ủy thác cho họ. Hội Thánh nhiều lần phải biện hộ
cho sự tốt lành của công trình sáng tạo, kể cả thế giới vật chất (số 299).
Thiên Chúa vừa siêu việt vừa hiện diện
- “Thiên Chúa vô cùng cao cả vượt trên các công trình của Người (x. Hc
43, 28) : "Oai phong của Người vượt trên các tầng trời" (Tv 8, 2).
"Sự cao cả của Người khôn lường" (Tv 145, 3). Nhưng vì Người là Ðấng
Tạo Hóa tối cao và tự do, căn nguyên của tất cả những gì hiện hữu, Người hiện
diện nơi thâm sâu nhất của loài thụ tạo : "Nơi Người chúng ta sống, chúng
ta cử động và chúng ta hiện hữu"(Cv 17, 28). Theo lời Thánh Âu-tinh :
"Người cao cả hơn những gì cao cả nhất trong tôi, thâm sâu hơn những gì
thâm sâu nhất trong tôi" (số
300).
Thiên Chúa giữ gìn và nâng đỡ loài thụ tạo
- “Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa không bỏ mặc các thụ tạo của Người. Người
không chỉ ban cho chúng hữu thể và hiện hữu, Người còn luôn giữ gìn chúng hiện
hữu, cho chúng khả năng hành động và đưa chúng đến cùng đích. Một trong những
nguồn mạch khôn ngoan và tự do, niềm vui và niềm cậy trông của con người là
nhận ra mọi sự tùy thuộc hoàn toàn vào Ðấng tạo hóa.
“Vâng, Ngài yêu thương tất cả những gì hiện hữu, và không chán ghét một
thứ gì trong những điều Ngài làm ra; vì nếu Ngài ghét sự gì, thì Ngài đã không
làm ra nó. Và làm sao, một sự vật có thể tồn tại được nếu Ngài không muốn? Hoặc
làm sao những thứ Ngài không gọi đến có thể được bảo tồn? Nhưng Ngài thương
tiếc tất cả vì tất cả là của Ngài, Ngài là chủ nhân yêu thích sự sống (Kn 11,
24-26) (số 301).
Vậy từ việc làm và lời nói của ta
đều phải nhằm nói cho thế gian biết trong vũ trụ chỉ có một Thiên Chúa :
- Ngài làm nên mọi sự rất tốt đẹp.
- Ngài điều khiển và bảo tồn vạn
vật.
- Vạn vật phải lệ thuộc vào Thiên
Chúa mới có lý do hiện hữu.
- Nếu vũ trụ có nhiều vị thần thì
không thể có trật tự như ta thấy. Ví dụ : có thần thì muốn mặt trời buổi sáng ở
phía Đông ; thần khác lại muốn mặt trời ở phía Nam thì sao? Các tinh tú di chuyển
rất nhanh, nếu có nhiều vị thần thì nó không thể di chuyển trật tự như thế
đượcc. Số xe cộ di chuyển trong thành phố không thể nhiều bằng tinh tú trên
trời, vậy mà có rất nhiều cảnh sát chỉ đường, vẫn còn có những xe xô vào nhau.
- Không thể ngẫu nhiên có vạn vật,
mà tạo vật để lại dấu vết sự hiện diện của Thiên Chúa. Ví dụ khi tôi vắng nhà,
điện đã tắt, cửa khóa chặt, vậy lúc mà trở về thấy nhà sáng trưng, dù tôi chưa
thấy ai, tôi vẫn có quyền khẳng định chắc chắn đã có người vào trong nhà bật
điện.
- Những kỳ công và vẻ đẹp nơi tạo
vật chỉ mang dấu vết mờ nhạt về sự hiện hữu của Thiên Chúa,chỉ khi nào người ta nhìn thấy Con Thiên Chúa làm người,
Ngài đã chết và sống lại vinh quang, lúc đó người ta mới biết Thiên Chúa đúng như những điều được
biết (x 1Ga 3,2).
Một tu sĩ kia vào buổi sáng thường ra vườn hoa ngắm nhìn để suy gẫm về
Thiên Chúa, chốc chốc thầy cúi xuống hôn khóm hồng. Sau giờ nguyện gẫm trở về,
cha Bề trên gọi thầy lên phòng hỏi : “Thầy
hôn cô nào ẩn dưới lùm cây?” “Dạ thưa
cha Bề trên, chẳng có ai, nhưng con thấy khóm hoa quá đẹp, nó cũng được Thiên
Chúa tạo dựng nên, con coi nó như
em,cùng có một Cha trên trời, nên hôn em con!”
|