BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Ep 3, 14-21
14 Thưa anh em, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha,15 là nguồn gốc
mọi gia tộc trên trời dưới đất.16 Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo
sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ
nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng.17
Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em
được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái,18 để cùng toàn
thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu,19
và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết.
Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.
20 Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta,
mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới,21 xin
tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Ki-tô Giê-su đến muôn thuở muôn đời.
A-men.
ĐÁP CA : Tv 32
Đ. Tình thương
Chúa chan hòa mặt đất. (c 5b)
1 Người công chính, hãy reo hò mừng CHÚA, kẻ ngay lành, nào cất tiếng
ngợi khen. 2 Tạ ơn CHÚA, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người,
gảy muôn cung đàn sắt.
4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
5 Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương CHÚA chan
hoà mặt đất.
11 Chương trình CHÚA ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp
trường tồn. 12 Hạnh phúc thay quốc gia được CHÚA làm Chúa Tể, hạnh
phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp.
18 CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa
yêu thương, 19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi
cơ hàn.
BÀI GIẢNG
THIÊN CHÚA LÀ CỜ TRẬN CỦA TÔI !
(Xh 17,15)
Người Công Giáo ai cũng phải
đương đầu với ba kẻ thù :
·
Dục vọng của bản thân.
·
Hấp lực của thế gian.
·
Cạm bẫy của satan.
Trong ba kẻ thù ấy thì dục vọng
bản thân là kẻ thù “số 1”, ai thắng được nó, hai kẻ thù còn lại sẽ run lẩy bẩy.
Kẻ nội thù thì không ai có thể
thắng được, thậm chí đến vị thánh cột trụ của Giáo Hội là Phao-lô cũng phải thú
nhận với giáo dân về sự bất lực của ông, khi dục vọng trong ông nổi dậy:
- “Chẳng có sự lành cư ngụ
trong xác thịt tôi, điều lành tôi muốn, tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn
tôi lại cứ thi hành !” (Rm 7,18-19)
Và ông còn thú nhận :
- “Để làm cho tôi
đừng quá tự tôn về những mạc khải cao siêu Chúa đã ban cho tôi, Ngài để tôi
được một cái dằm đâm vào thân xác, một thần sứ satan được sai đến để nó vả mặt
tôi. Về điều ấy đã ba lần tôi nài van Chúa cho nó rời khỏi tôi. Nhưng Ngài đã
phán bảo tôi : Ơn Ta đủ cho ngươi, vì chưng quyền năng của Thiên Chúa được bày
tỏ cách hoàn hảo trong yếu đuối” (2Cr 12, 7-9).
Dầu thánh Tông Đồ cảm nghiệm
được sức mạnh của xác thịt ông như thế, nhưng ông vẫn trấn an các tín hữu :
- “Chúa dồn hết
mọi người vào hàng bất tuân, để Ngài dủ lòng thương xót” (Rm 11,32).
- “Ở đâu tội lỗi gia tăng, ở
đó ân sủng Chúa ban siêu bội” (Rm 5,20).
Lý do ông Phao-lô vẫn nhận ra ý
muốn cứu độ loài người của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả thần chết như thế, là vì
ông đã được gia nhập Hội Thánh Công giáo, một Hội Thánh được mang danh từ nơi
Chúa ban tặng : “Hòa bình của công bằng” và “vinh quang của thương
xót” (Br 5,4), để mọi người đã thuộc về Chúa phải hô lên rằng : “Đức
Chúa, Đức Chúa, Ngài chạnh thương, huệ ái, bao dung và đầy nhân nghĩa, tín
thành” (Xh 34,6). Hội Thánh, Mẹ chúng ta được mang danh ấy, chỉ vì Hội
Thánh là Hiền Thê Chúa Ki-tô, đã nghe, hiểu và thực hành lời Đức Lang Quân đã
nói với Hiền Thê mình : “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước
mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49 : Tin Mừng).
Lửa đó chính là Lời Thiên Chúa
(x Gr 23,29a) ; là chính Thiên Chúa (x Dt 12,29).
Tính chất của lửa thì bung ra
khắp thế gian, thẩm thấu len lỏi vào mọi môi trường, diệt trừ vi trùng, làm
phát sinh sự sống, soi cho con người biết việc phải làm và cho con người thưởng
thức được vẻ đẹp nơi muôn tạo vật. Dầu tính chất của lửa đa hệ đa năng như thế,
nhưng đó chỉ là cái bóng của Lời Chúa mà thôi. Lửa Lời Chúa còn soi sáng tâm
hồn người có trái tim biết nghe, khiến họ năng động như người ở trong lò lửa (x
Dn 3,24t), làm cho họ trở nên con người hữu dụng, có khả năng làm những việc
lành vượt khả năng họ (x 2Tm 3,16-17), khiến họ làm gì cũng thành công (x Tv
1,2-3), ban cho họ phần gia nghiệp hơn lòng mong ước.
Thánh Phao-lô nói : “Tôi
nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho
anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi
anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong
tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để
cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao
sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu
biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa. Xin
tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp
ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,16-20 : Bài đọc).
Chúng ta biết Lời Chúa trong
thời Cựu Ước chỉ là giao ước, giá trị giao ước là đòi người nhận phải có điều
kiện… Nhưng Lời Chúa trong thời Tân Ước không chỉ là Giao Ước mà còn là Chúc
Thư, người lập Chúc Thư thì không đòi người nhận phải có điều kiện. Người nhận
Chúc Thư sẽ được thừa hưởng lời hứa đã ghi trong Chúc Thư khi người viết Chúc
Thư qua đời. Chính vì vậy mà tác giả thư Do Thái nói : “Ở đâu có chúc thư,
thì cần phải chứng minh rằng người làm chúc thư đã chết. Thật vậy, chúc thư chỉ
có giá trị khi người làm chúc thư đã chết, bởi vì chúc thư không bao giờ có
hiệu lực bao lâu người làm chúc thư còn sống” (Dt 9,16-17). Mà thực, Chúa
Giê-su chỉ ban phần gia nghiệp Nước Trời khi “Ngài chịu một Phép Rửa
(bằng máu) mà Ngài bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50 : Tin Mừng).
Tức là lúc Ngài bị treo trên thập giá, vì Ngài đã hết lòng thực thi Lời Cha (x
Ga 17,8 ; Dt 10,5-7), lúc ấy Ngài mới chuộc nơi Chúa Cha những ơn ta đã làm mất
khi phạm tội, để Cha Ngài ban lại cho ta những ơn dồi dào hơn trước. Đúng như
Lời Kinh Thánh nói : “Tình thương của Chúa chan hòa mặt đất” (Tv
33/32,5b : Đáp ca).
Nhìn xuyên suốt cuộc đời của
Đức Giê-su, Ngài đã dùng Lời Cha ban để chiến đấu không ngơi nghỉ với tất cả
những đam mê xác thịt của loài người, nên chính Ngài đã gây chia rẽ ngay với
những người cùng huyết thống với Ngài. Đan cử :
·
Ngài chủ ý trốn cha mẹ ở lại
Đền Thờ giảng dạy làm cho cha mẹ phải đau lòng đi tìm (x Lc 2,41-52).
·
Ngài say sửa giảng Lời thì bị
những người thân tộc đến bắt lôi đi và nói với mọi người : “Ông này điên
khùng, mất trí rồi!” (Mc 3,21)
Thánh Phao-lô cũng dùng Lời
Chúa gây chia rẽ giữa nhóm Biệt phái và phe Sa-đốc để họ ẩu đả nhau, hòng ông
được thoát mạng (x Cv 23,6-10).
Đó là lý do Đức Giê-su nói với
các môn đệ : “Anh em tưởng rằng Thầy đến đã ban bình an cho trái đất sao?
Thầy bảo cho anh em biết không phải thế đâu, nhưng là sự chia rẽ. Vì từ nay năm
người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba, cha
chống lại con, con chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ,
mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12,51-53 :
Tin Mừng).
Để hiểu rõ về lý do chống đối
này, nếu ta quyết liệt sống chân lý Chúa dạy, ta phải trả giá đắt, chấp nhận
mất hết tình cảm, mất cả chữ hiếu, có khi mất cả mạng sống mình. Đan cử :
§ Vì sống theo Lời Chúa, các Tông Đồ phải từ bỏ tất cả mọi người trong gia
đình, thậm chí bố chết, mặc bố, cứ đi loan báo Tin Mừng (x Mt 10,37-39 ; Lc
9,59-60).
§ Vua Sao-lê chỉ vì ghen tức với Đavid vì ông đã đánh thắng mọi kẻ thù,
bảo vệ dân tộc và giữ vững ngai vua. Hoàng tử Gionathan, mà vua Sao-lê đang
muốn truyền ngôi cho, lại ra sức bảo vệ Đavid chống lại ý định hiểm độc của vua
cha. Gionathan hành động như thế là ông chấp nhận mất quyền nối ngôi cũng như
mang tội bất hiếu với cha, chỉ vì Gionathan tôn trọng công lý (x 1Sm 20).
Rõ ràng muốn sống theo Lời Chúa
phải có chọn lựa quyết liệt. Chính vì thế có nhiều người dự tòng sau khóa học
giáo lý, không dám làm đơn xin lãnh Bí tích Thánh Tẩy, bởi lẽ cha mẹ họ đã “quy
y” theo Phật và đã khẳng định với con cái : Đứa nào theo Công Giáo sẽ bị khai
trừ khỏi dòng họ, vì bất hiếu ! Chỉ có đứa con “bất hiếu” nào dám mang bản án
ấy, mới xin theo đạo Công Giáo mà thôi !
Đối với những ai tin tưởng vào
Lời Chúa, càng say mê đọc và suy gẫm càng cảm thấy mình có nhiều tội (x Rm
7,7). Một khi đã cảm nghiệm được như thế, muốn theo Chúa thì phải thực hành lời
thánh Phao-lô dạy : “Trước đây anh em đã dùng
chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, nên anh em đã trở thành
kẻ vô luân ; thì nay anh em hãy dùng chi thể của mình làm nô lệ cho sự công
chính, để anh em trở nên người thánh thiện. Khi làm nô lệ cho tội lỗi, anh em
đã chuốc lấy tủi nhục và để cho thần chết ập vào nhà! Nhưng khi đã thoát nô lệ
tội lỗi mà trở thành nô lệ cho Thiên Chúa, anh em được sống thánh thiện. Vì
lương bổng của tội là sự chết còn ơn huệ của Thiên Chúa là sự sống đời đời”
(x Rm 6,19-23).
Vậy “phúc cho ai vui thú với
Lề Luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày, người ấy tựa cây trồng bên dòng
suối, cứ đúng mùa là hoa lá trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ, người như
thế làm chi cũng thành công” (Tv 1,2-3).
THUỘC LÒNG
- Lương bổng của tội là sự chết còn ơn huệ của Thiên Chúa là sự sống
đời đời (Rm 6,23).
- Thiên Chúa là cờ trận của tôi !
(Xh 17,15).
- Ai vui thú với Lề Luật Chúa, họ làm gì cũng thành công ! (Tv 1,2-3)