BÀI GIẢNG
TÔNG ĐỒ ĐOÀN CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Thánh Luca Biểu tượng của Thánh Luca
Muốn Hội Thánh được phát triển,
cần có nhiều môn đệ Đức Ki-tô đi làm việc Tông Đồ, để tập họp thêm nhiều người
vào Hội Thánh. Vì việc Tông Đồ không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, mà
là của toàn thể giáo dân biết cộng tác với các chủ chăn của mình. Do đó, ông
Lu-ca đã cho chúng ta nhận thức về sứ mệnh Tông Đồ của mọi Ki-tô hữu như sau :
1. Mọi Ki-tô hữu phải làm Tông Đồ cho
Chúa.
2. Làm Tông Đồ là làm chứng cho sự
thật.
3. Làm Tông Đồ là kêu gọi đồng loại
đến gặt lúa chín.
4. Muốn làm Tông Đồ phải được Hội
Thánh sai đi.
5. Đường Tông Đồ là đường chông gai.
6. Tông Đồ phải sống tinh thần nghèo
khó.
7. Làm Tông Đồ là đi cấp cứu người.
8. Muốn được bình an phải loan báo
Tin Mừng.
1/ MỌI KI-TÔ HỮU PHẢI
LÀM TÔNG ĐỒ CHO CHÚA.
Đức Giê-su không chỉ muốn chọn 12
người đàn ông Do Thái làm môn đệ để họ làm việc Tông Đồ cho Ngài, mà Ngài còn
muốn mời gọi muôn dân trên trái đất. Đó là lý do Ngài chọn 70 hay 72 môn đệ (x
Lc 10,1a). Ta biết con số 70 (theo
bản văn tiếng Hipri) hay số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) môn đệ Đức Giê-su
chọn là hình ảnh con cháu ông Noe sau lụt Hồng Thủy (x St 10), mà lụt Hồng Thủy
là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Tẩy ; đồng thời số 72 cũng là dòng giống
dân Israel (x Xh 1,5). Do đó những ai đã nhận Bí tích Thánh Tẩy đều là giống nòi
của Israel mới, để có nhiều môn đệ cộng tác vào việc Nước Thiên Chúa, như thuở
xưa một mình ông Mô-sê điều hành Israel không nổi, nhạc phụ ông đã khuyên nên
chọn lấy 72 vị kỳ lão để tiếp tay với ông (x Xh 18,13t).
Vào thời Tân Ước, hàng giáo sĩ là
hiện thân Nhóm 12 của Đức Giê-su chọn, cũng cần phải được nhiều giáo dân cộng
tác. Bởi thế, trước khi Ngài lìa biệt Nhóm Mười Một về cùng Cha, Ngài truyền
lệnh cho môn đệ đi khắp thế gian tập họp môn đệ cho Ngài bằng hai việc : Làm
Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ những Lời Chúa Giê-su đã
truyền (x Mt 28, 19-20), thì công việc Mục Vụ của Hội Thánh mới đạt được kết
quả cao.
Vì thế giáo huấn Công Đồng Vat.II
trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 dạy : “Giáo
dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới
cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế”. Cụ thể ông Luca chỉ là một
giáo dân, nghề lương y, đã theo giúp ông Phao-lô. Ông đã điều tra cẩn thận về
đời sống của Đức Giê-su cũng như giáo lý của Ngài, rồi ông viết lại cho chúng
ta hai tác phẩm là sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ. Ông Phao-lô còn nói
với môn đệ Ti-mô-thê : “Dẫn Mác-co đến
với tôi, vì anh ấy rất hữu ích cho việc phục vụ của tôi ; còn anh Ty-khi-cô thì
tôi đã sai đi Ê-phê-sô”. Loan báo Tin Mừng có khi phải trực tiếp, có khi
gián tiếp cộng tác, giúp đỡ các chủ chăn. Đan cử : Ông Phao-lô nhờ ông
Ti-mô-thê đến nhà ông Các-pô ở Trôa lấy giúp chiếc áo khoác ngoài cũng như các
sách vở và những cuộn giấy da (x 2 Tm 4,10-17 : Bài đọc), để ông Phao-lô không
mất thì giờ vào việc phụ, một chỉ lo chu toàn sứ mệnh ngôn sứ. Như vậy việc
Tông Đồ là của tập thể ý thức cộng tác với nhau để làm ứng nghiệm Lời Kinh
Thánh : “Kẻ hiếu trung với Chúa, được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang”
(Tv 145/144,12a : Đáp ca).
2/ LÀM TÔNG ĐỒ LÀ LÀM
CHỨNG CHO SỰ THẬT.
Đó là lý do Đức Giê-su sai từng
hai người môn đệ đi làm việc Tông Đồ (x Lc 10,1b). Không phải chỉ nhằm để họ
giúp đỡ nhau, mà “đôi chứng nhân” có ý nhấn mạnh : làm Tông Đồ là đi loan báo
sự thật. Vì theo theo luật Do-Thái, một điều gọi là chân lý có gía trị, phải có
ít là hai người chứng (x Dnl 19,15), hầu tất cả công việc được đoán định do
miệng hai, ba nhân chứng (x Mt 18,16). Nhưng chứng của hai hay nhiều người có khi còn gia tăng sự
gian ác, như các chứng gian trong phiên tòa xử Đức Giê-su ! Vậy “cặp chứng
nhân’’ chỉ có gía trị khi người Tông Đồ của Chúa ý thức sống những điều sau :
·
Mến
Chúa phải yêu người (x Mt 22,34).
·
Làm
trước rồi dạy sau (x Mc 6,30).
·
Phá
hủy để xây dựng (x Gr 1,10).
·
Đau
khổ đến vinh quang (x Lc 24,26).
·
Nô
lệ mới làm chủ (x Mc 10,35).
·
Lãnh
nhận để dâng hiến (x Mc 10,28t).
·
Đời này đạt đời sau (x Lc 19,9).
Sống được những đòi hỏi như trên
là dọn chỗ tâm hồn đồng loại cho Đức Giê-su đến để ban phát ơn cứu độ (x Lc
10,1b).
3/ LÀM TÔNG ĐỒ LÀ KÊU
GỌI ĐỒNG LOẠI ĐẾN GẶT LÚA CHÍN.
Đức Giê-su nói : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc
10,2a).
Thợ gặt ít
: Suốt ba năm Đức Giê-su chọn và huấn luyện các Tông Đồ (Nhóm 12). Thế mà khi
Ngài về trời, chỉ còn 11 người được Ngài sai đi. Đấy là thiếu về lượng! Còn về
phẩm chất Đức Tin, thiếu mới đáng lo, vì trong số những người Đức Giê-su sai
đi, có kẻ còn hoài nghi! (x Mt 28,16-17)
Muốn thêm người tham gia việc Tông
Đồ, muốn bớt hoài nghi về Đức Tin, ta cần phải tích cực loan báo Tin Mừng, để
quy tụ thêm nhiều người đến gặt lúa Nước Thiên Chúa, tức là đón nhận ơn cứu độ
từ Hy Tế của Chúa Giê-su thiết lập, như Lời Ngài nói : “Bốn tháng có qua, mùa màng mới đến ! Này : Ta bảo các ngươi hãy ngước
mắt lên mà nhìn : đồng lúa đã chín vàng chờ gặt ! Rồi kìa thợ gặt lĩnh công và
thu lượm hoa mầu cho sự sống đời đời, để cho kẻ gieo một thể cùng người gặt đều
hoan hỷ. Vì đây lời tục ngữ cũng thật : Người này gieo kẻ khác gặt ! Ta sai các
ngươi đi gặt điều các ngươi không vất vả làm ra ! Có những kẻ khác đã vất vả
rồi, còn các ngươi đã đến thừa hưởng công lao của họ” (Ga 4, 35-38).
Lý do Đức Giê-su nói : “Bốn tháng có qua mùa màng mới đến” là vì
người Do Thái xuống giống vào tháng 11 đến 12 (mùa Giáng Sinh) ; mùa gặt vào
giữa tháng 4 (mùa Phục Sinh). Thế thì từ mùa Giáng Sinh đến mùa Phục Sinh là
bốn tháng, đây là thời gian Đức Giê-su thực thi chức Tư Tế của Ngài trên trần thế,
rồi Ngài về ngự bên hữu Chúa Cha hằng chuyển cầu cho tất cả những ai đến tham
dự Thánh Lễ mà Hội Thánh làm hiện tại hóa Hy Tế của Chúa Giê-su. Cho nên đi dự
Lễ là gặt hái hoa trái cứu độ được Đức Giê-su cùng các thánh vất vả làm ra “mùa
lúa chín vàng”.
Thế mà có mấy người biết quý trọng
Thánh Lễ, đúng là mùa lúa chín thiếu thợ
gặt ! Thật là chua xót đối với Đức Giê-su, mới hơn 20 thế kỷ nay, những người
mang danh là Công Giáo nhất là bên Âu Châu hầu hết bỏ dự Lễ và càng không quan
tâm đến việc rước lễ, không gặt hái mùa lúa chín vàng do Đức Giê-su và bao
nhiêu chứng nhân đã vất vả trồng hạt Lời, và tưới bón bằng máu thịt của mình,
để có mùa lúa chín chờ người gặt.
4/ MUỐN LÀM TÔNG ĐỒ,
PHẢI ĐƯỢC HỘI THÁNH SAI ĐI.
Đức Giê-su dạy : “Chúng con hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa
về” (Lc 10,2b). Cụ thể qua đời sống thánh Phao-lô, là một Biệt phái rất
nhiệt tâm thờ Chúa theo Luật Mô-sê, ông đã trở thành kẻ giết Chúa (x Cv 9,4).
Nhưng khi được Chúa Giê-su chộp lấy, huấn luyện và sai ông đi làm vườn nho cho
Ngài, ông mới ý thức về việc Tông Đồ Ngài trao cho Hội Thánh, ông nói :“Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm
sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?
Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ?’’ (Rm 10,14-15a) Với lòng xác
tín như trên, nên ông Phao-lô trước khi đi truyền giảng Tin Mừng, ông đã đến
gặp các thủ lãnh của Hội Thánh để nhận quyền Sai Đi, bằng không việc phục vụ
của ông trở nên vô ích (x Gl 2,1-2).
5/ ĐƯỜNG TÔNG ĐỒ LÀ
ĐƯỜNG CHÔNG GAI.
Đức Giê-su dạy : “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy
sói” (Lc 10,3). Niềm tin “ở hiền gặp lành” chỉ có thể thấy đúng trong thế
giới Phục Sinh. Còn đời này phải biết rằng : “Ai càng thiết tha sống chân lý, càng gặp nhiều chống đối, nhiều kẻ
ghét, và cuối cùng cô đơn !” Ta cứ nhìn vào mẫu gương sống của Đức Giê-su :
Ai thánh thiện bằng Ngài ? Ai thương người bằng Ngài ? Thế mà Đức Giê-su làm
Tông Đồ cho Chúa Cha chưa tròn 3 năm, thì chính những kẻ đã từng thụ ơn đã đồng
lõa giết Ngài ! Trên thập gía, Ngài nhìn xuống tìm những người đã thụ ơn, họ đều
trốn mất! Chỉ còn lại những kẻ chế diễu Ngài ! Ngài cất tiếng kêu cứu nơi Chúa
Cha, Người lại im lặng! Đến nỗi Đức Giê-su phải thốt lên : “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao
Người bỏ rơi Con ” (Mt 27,46).
Thánh Phao-lô cũng nói lên sự cô
đơn này : “Vì anh Đê-ma đã bỏ tôi, bởi
yêu mến thế gian này; da. A-lê-xan-đê, người thợ rèn, đã gây cho tôi nhiều khốn
khổ; Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ
nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp
họ. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà
việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng”
(2 Tm 4,10a.14a.16-17).
Phục vụ Tin Mừng có chấp nhận gian
khổ mới thực sự phục vụ vì yêu, chứ
không phải vì thương mại, và lời rao giảng đến đổ máu mới minh chứng điều mình công bố là chân lý quan trọng nhất.
Thánh Tông Đồ ý thức con đường
theo Chúa là thế, nên ông đã nói : “Ước
chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập gía Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng
ta!” (Gl 6,14). Bởi đó nếu ta theo
Đức Giê-su chỉ dừng chân ở thập giá thì ta là kẻ khốn nạn nhất trên đời (1Cr
15,19), nên ta phải hướng về mầu nhiệm Phục Sinh. Chính ông Gióp lúc quá khổ,
không thể lý giải sự đau khổ của mình bằng lý luận loài người. Đau khổ của ông
cũng như của loài người chỉ có thể hiểu lý do, ý nghĩa và hiệu quả trong thế
giới Phục Sinh, nên ông nói : “Tôi biết
rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.
Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên
Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải
người xa lạ.Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (G 19,25-27).
Bởi vậy, chỉ trong mầu nhiệm Phục
Sinh “tôi vững vàng tin tưởng sẽ được
thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27/26,13).
6/ TÔNG ĐỒ PHẢI SỐNG
TINH THẦN NGHÈO KHÓ.
Đức Giê-su dạy : “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.”
(Lc 10,4a) Nghĩa là phải sống theo gương Đức Giê-su : “Ngài vốn dĩ là Đấng giàu có, nhưng vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo
khó, để chúng ta được giàu có, nhờ sự
nghèo khó của Ngài !” (2 Cr 8,9) Thì người môn đệ của Đức Giê-su
cũng phải cần cù làm việc để có thu nhập cao, đạt chỉ tiêu giàu có giống Đức
Giê-su, nhưng vì phục vụ Tin Mừng mà ta trở nên nghèo để đồng loại được giàu có
về Đức Tin ; còn người môn đệ chấp nhận nghèo khó như Thầy Giêsu không có nơi
ngả đầu (x Lc 9, 58).
Vậy người môn đệ Đức Giê-su hãy
sống nghèo cách cụ thể như Ngài dạy :
+ Đừng mang theo túi tiền, bao bị,
giày dép! (x Lc 10,4a : Tin Mừng).
+ Người ta cho ăn uống thức gì, thì
anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến
nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì
người ta dọn cho anh em. (Lc 10, 7-8 : Tin Mừng).
+ Chính Chúa mới là gia nghiệp đời
mình. (x Tv 16/15,5)
7/ LÀM TÔNG ĐỒ LÀ ĐI
CẤP CỨU NGƯỜI.
Đức Giê-su dạy : “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4b).
Lời căn dặn này nhắc lại cho ta chuyện ngôn sứ Ê-ly-sa sai đầy tớ là anh
Ghêkhaji, cầm gậy của thầy chạy mau đến nhà bà lớn thành Shu-nem để đặt gậy lên
xác con trai bà, làm cho cậu hồi sinh. Đó là việc cấp bách, nên ngôn sứ Ê-ly-sa
dặn đầy tớ : “Đừng chào hỏi ai” (x 2V
4,18-37). Thế thì việc loan báo Tin Mừng là hành động cứu cấp đồng loại thoát
tay tử thần, nên không còn để ý đến việc chào hỏi hay từ giã ai (x Lc 9, 61t).
Nghĩa là không có gì làm bận tâm để phải trì hoãn việc loan báo Tin Mừng.
8/ MUỐN ĐƯỢC BÌNH AN
PHẢI LOAN BÁO TIN MỪNG.
Đức Giê-su dạy : “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói :
“Bình an cho nhà này !” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh
em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an sẽ trở lại với anh em”(Lc 10, 5-6 : Tin Mừng). Rõ ràng việc
rao giảng Tin Mừng luôn luôn phát sinh sự bình an : Ai biết đón nhận Tin Mừng,
sự bình an đến với họ ; bằng không sự bình an trở về cho sứ giả Tin Mừng. Nói
cách khác, làm Tông Đồ là đem bình an
cho môi trường sống và phát sinh bình an trong nội tâm người loan báo. Bởi vì
chính Lời Chúa có sức mạnh ban ơn, như Chúa nói : “Mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống
đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống,
cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa
chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55,10-11). Do đó thánh Phao-lô qủa quyết
rằng : “Lời Thiên Chúa, anh em đã đón
nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản
tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.” (1Tx 2,13).
THUỘC LÒNG
Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là
truyền bá Tin Mừng cho thế giới cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế (HCHT số 35).