BÀI GIẢNG
THIÊN
CHÚA LÀ CỜ TRẬN CỦA TÔI !
“Không đổ máu, không có ơn cứu độ”
(Dt.9,22), tức là đổ máu vì chiến đấu với tội lỗi, với những sai trái, để cho
công lý được mọi người đón nhận, nhưng Lời Kinh Thánh nói : “Dù
anh em có chiến đấu với tội lỗi, anh em vẫn chưa đến nỗi phải đổ máu như Đức
Ki-tô” (Dt.12, 9).
Các Bài đọc
trong Phụng Vụ hôm nay cho ta ba mẫu đấu tranh cho công lý, để mọi người nhận
ra đâu là phải, đâu là trái, và chân lý, sự thiện phải thắng dối trá, gian ác.
Ta hãy so sánh ba mẫu đấu tranh cho công lý :
Mẫu (1) : Bà goá rất
cô đơn, khi bà đòi mọi người trên trái đất này phải thừa nhận công lý nơi bà,
mà mãi cũng không kiếm được một người ủng hộ bà, thì bà vào thẳng tòa án nơi
bênh vực công lý, nhưng bà lại phải kiên trì đấu tranh với chính ông thẩm phán
bạo ngược. Vì để khỏi bương đầu, nhức óc, nên ông thẩm phán đứng ra bênh vực sự
công chính cho bà góa này ! Có nghĩa là bà góa làm cho ông thẩm phán bất lương
nhận ra công lý !
Mẫu (2) : Cả cộng đoàn
Do Thái từ dân đến thủ lãnh đều nhất trí một mục đích : tiêu diệt quân Amalek,
hầu bảo vệ nền công lý và hoà bình. Để đạt mục đích ấy, họ chia nhau mỗi người
mỗi việc : Ông Mô-sê lên núi, hai tay cầm gậy giơ lên cầu nguyện, lúc đầu ông
đứng, nhưng sau để khỏi mỏi tay, mỏi chân, người ta vội vần cục đá lớn cho ông
ngồi, còn hai ông A-ha-ron và Hur thì đỡ tay ông Mô-sê, vì nếu ông Mô-sê mỏi
tay phải hạ xuống, thì quân Amalek thắng và ngược lại. Vậy nhờ ông Mô-sê giơ
tay cầu nguyện, mà dưới chân núi, ông Giô-sua chỉ huy dân Do Thái dùng gươm tiêu
diệt hết quân Amalek.
Mẫu (3) : Như thế mẫu
(2) này đấu tranh cho công lý rất khí thế, chứ không cô đơn như bà góa ở mẫu
(1).
Hình ảnh ông Mô-sê
giang tay cầu nguyện trên núi cho dân Do Thái thắng quân thù, cũng như bà góa
kiên trì đòi công lý để mọi người phải nhìn nhận, chính là báo trước việc Đức Giê-su
giang tay trên thập giá cầu nguyện cho kẻ tội lỗi biết sám hối để đón nhận chân
lý: “Giêsu là Cứu
Chúa duy nhất”, hầu được cứu độ (mẫu 3), giá trị này
trổi vượt hơn hiệu qủa cuộc đấu tranh của bà góa, cũng như của ông Mô-sê và dân
Do Thái đòi tôn trọng công lý là phải diệt kẻ thù.
BÀ GÓA SỐNG
TRONG DÂN DO-THÁI
|
NGƯỜI KI-TÔ HỮU
SỐNG TRONG CHÚA
GIÊ-SU
|
1.
Bà góa cô đơn đấu tranh cho công lý.
|
1. Các Ki-tô hữu nhờ tham dự Phụng Vụ, họ
cùng với Chúa Giê-su hiến tế trong cô đơn, đấu tranh cho sự sống.
|
2.
Dân Do Thái nhờ có ông Mô-sê cầu nguyện
a-Với cây gậy trên tay Mô-sê giơ lên.
b-Tay ông được hai người đỡ.
c- Ông ngồi trên tảng đá.
d-Ông Mô-sê chưa mất mạng.
|
2. Hội Thánh nhờ có Chúa Giê-su cầu nguyện
a/Với
cây thập gía, Ngài giơ tay lên.
b/Tay
Ngài nhờ hai cây đinh đỡ.
c/ Ngài
đứng trên đinh nhọn.
d/Đức
Giê-su phải chết, nhưng rồi Ngài sống lại.
|
3.
Dân Do Thái dùng gươm giết kẻ gian ác.
|
3. Người Ki-tô hữu dùng Lời Chúa và Chúa
Giê-su Thánh Thể như gươm Thần Khí để diệt tội lỗi.
|
Chính vì Lời
Chúa phát xuất từ Phụng Vụ là vũ khí tuyệt hảo nhất, giúp các Ki-tô hữu chiến
thắng tội lỗi, thắng tử thần, nên thánh Phao-lô đã nhắc cho đồ đệ Ti-mô-thêu : “Anh
đừng quên giá trị Sách Thánh mà anh đã được thụ giáo ngay khi còn bé. Sách ấy
có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức
Ki-tô Giê-su. Vì Kinh Thánh nhất nhất đã được Thần hứng và có ích để dạy dỗ,
biện bác,cải thiện, đào tạo con người trong sự công chính, ngõ hầu người của
Thiên Chúa được hoàn bị, sẵn sàng cho mọi việc lành”. Cho nên : “Anh hãy rao giảng Lời, hãy ứng phó lúc thuận
cũng như lúc nghịch, hãy biện bác, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn, hết tình,
hết tình đại lượng và dụng tâm dạy dỗ” (2Tm 3,14 - 4, 2 : Bài đọc II).
Vậy Chúa dạy ta
cầu nguyện luôn, đừng nhàm chán (x Lc.18,1). Cụ thể là hằng ngày đến hiệp thông
dâng Thánh Lễ để cùng với Đức Ki-tô, nhờ Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô (x Rm
11,36), Ngài giúp ta kiên trì sống công chính giữa đời. Đan cử :
·
Trong một xí nghiệp, mọi công nhân đều ăn cắp, còn tôi vì
lương tâm Công Giáo không cho phép tôi bắt chước họ, dù tôi sẽ bị lẻ loi cô
đơn, mất tình cảm với người xung quanh, có khi bị đồng nghiệp đẩy khỏi sở làm !
·
Trong nghề thương mại, ai ai cũng làm cân gỉa, hàng xấu nói
hàng tốt ! Còn tôi, tôi can đảm sống ngay thẳng nói sự thật dù biết sống như
thế là tôi sẽ bị mất khách, hay bán được ít hàng ?!
·
Nhờ học giáo lý, tôi theo đạo Chúa là đạo thật, dù bị họ
hàng nội ngoại buồn và khai trừ!?
·
Khi còn bé, ai cũng siêng năng học Lời Chúa, nhưng đến tuổi
trưởng thành nhiều người lấy lý do bận rộn làm ăn, nên chẳng có mấy người lớn
còn đi học giáo lý. Còn tôi vẫn kiên trì học Lời Chúa với tất cả lòng say mến
như ban đầu, thì có kẻ lại kết án tôi là mát (điên) ! …
Vậy Đức Giê-su
dạy : “Phải cầu nguyện luôn, không được
nản chí” (Lc 18,1 : Tin Mừng). Cụ thể là bắt chước bà góa kiên trì đấu
tranh cho công lý giữa rừng người gian ác, đòi mọi người kể cả thẩm phán bất
lương phải nhìn nhận công lý nơi bà. Bà góa đó chính là Mẹ Maria, vì suốt cuộc
đời Mẹ kiên trì sống công chính, gìn giữ ơn Vô Nhiễm mà chính Đức Giê-su, Con
lòng Mẹ đã ban cho qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Vì Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, nên
Mẹ có quyền đòi hỏi cả loài người phải nhìn nhận công lý của Mẹ, chính là tin
và đón nhận Con Mẹ, thực là Con Thiên Chúa muốn đến dẫn đưa loài người vào con
đường công lý, đạt sự sống thật dồi dào vô cùng tận! Nhưng suốt 33 năm, Mẹ
không tìm thấy người nào trong nhân loại nhìn nhận công lý của Mẹ đưa đến là
Con Thiên Chúa hằng sống, để họ được sống đời đời (x Ga 17,3). Cuối cùng Mẹ tới
đồi Sọ, đó là nơi tòa án của biết bao nhiêu thẩm phán bạo
ngược : “Dẫu rằng chúng chẳng kính
sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 18,4 : Tin Mừng), nên chúng
đã ra lệnh giết Con của Mẹ, loại trừ công lý khỏi mặt đất, nhưng cuối cùng
chính ông sĩ quan ngoại giáo Roma cũng thuộc loại thẩm phán trong phiên tòa xử
Đức Giê-su, khi nhìn thấy tên lính dùng giáo đâm vào tim Ngài, máu và nước đổ
xuống, lúc ấy ông ta mới nói lên sự thật, nhìn nhận công lý của bà góa Maria :
“Đích thực người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Như thế : Ai
càng thiết tha sống chân lý, càng bị nhiều người ghét, cuối cùng cô đơn, chỉ vì
tin chiến thắng sẽ đến vào ngày cánh
chung. Muốn kiên trì sống được chân lý này, ta phải tìm nghị lực trong Thánh Lễ
mỗi ngày, vì :
Hoa
trái của Thánh Lễ (cầu nguyện) là Đức Tin.
Hoa trái của Đức Tin là Đức Ái.
Hoa trái của Đức Ái là phục vụ.
Hoa trái của phục vụ là bình an.
Biết giá trị
cầu nguyện trong Thánh Lễ quan trọng đến thế, mà xem ra càng ngày càng có nhiều
ngừơi không màng chi đến. Đức Giê-su thấy trước thảm họa này, Ngài rên lên : “Ngày
tôi trở lại, liệu còn gặp được niềm tin trên mặt đất nữa không ?” (Lc.18, 8).
Truyện kể :
Tôi
biết ông H. làm công nhân cho một xí nghiệp nuôi gà, nhưng lâu nay tôi lại thấy
ông ở nhà, nên tò mò hỏi :
- Sao kỳ này tôi thấy ông ở nhà làm việc
vặt, bỏ nghề nuôi gà rồi sao?
- Thưa cha, con không thể tiếp tục làm
trong sở đó được, vì đã mấy lần thủ trưởng ép con đồng lõa ăn cắp gà. Có ngày
ông ấy bảo con : “Tối nay ông trói 5 cặp gà lớn, mập để sẵn đấy cho tôi, khi có
người đến gõ cửa, ông đưa gà ra cho họ, tôi chịu trách nhiệm hết và sẽ bồi
dưỡng xứng đáng cho ông!”
Ngày
khác ông ta lại ra lệnh cho con phải lấy cái này cái kia trong xí nghiệp cho
ông ấy! Cha thấy cứ như thế thì lương tâm con chịu sao được?! Vậy mà không làm
theo thủ trưởng thì cũng chết với ông ấy! Do đó con đành xin nghỉ việc, dù chưa
đến tuổi hưu, mà nghỉ ngang như vậy sẽ không được hưởng lương hưu mặc dù con đã
làm ở đó 25 năm rồi. Con quyết định như thế là vì con nhớ lại Lời Thánh Kinh
dạy : “Thiên Chúa là cờ trận của tôi
!” (Xh 17,15).
Bởi thế, “ít tiền, ít của mà là người công chính, còn hơn
nhiều bạc nhiều vàng mà là kẻ ác nhân!”
(x Tv 37/36,16).
THUỘC LÒNG
Thiên Chúa là cờ trận
của tôi ! (Xh 17,15).
http://phaolomoi.net