Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ BA SAU CN 1 TN-NĂM CHẴN: NGÔN SỨ ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: 1Sm 1,9-20
 9 Hôm ấy, bà An-na đứng dậy sau khi đã ăn uống tại Si-lô. Tư tế Ê-li đang ngồi trên ghế ở cửa đền thờ Đức Chúa. 10 Tâm hồn cay đắng, bà cầu nguyện với Đức Chúa và khóc nức nở.11 Bà khấn hứa rằng: "Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó." 
12 Vì bà cầu nguyện lâu trước nhan Đức Chúa, nên ông Ê-li để ý đến miệng bà.13 Bà An-na thầm thĩ trong lòng: chỉ có môi bà mấp máy, không nghe thấy tiếng bà. Ông Ê-li nghĩ rằng bà say rượu.14 Ông Ê-li bảo bà: "Bà còn say đến bao giờ? Hãy lo dã rượu đi! "15 Bà An-na trả lời rằng: "Không, thưa ngài, tôi chỉ là một người đàn bà tâm thần đau khổ. Tôi đã không uống rượu và đồ uống có men, tôi chỉ thổ lộ tâm can trước nhan Đức Chúa.16 Xin đừng coi nữ tỳ ngài đây là đứa vô lại: chỉ vì quá lo âu phiền muộn mà tôi đã nói cho đến bây giờ."17 Ông Ê-li trả lời rằng: "Bà hãy đi về bình an. Xin Thiên Chúa của Ít-ra-en ban cho bà điều bà đã xin Người! "18 Bà thưa: "Ước chi nữ tỳ của ngài đây được đẹp lòng ngài! " Rồi người đàn bà ra đi; bà dùng bữa và nét mặt bà không còn như trước nữa.
19 Hôm sau, họ dậy sớm và sụp lạy trước nhan Đức Chúa, rồi trở về nhà ở Ra-ma. Ông En-ca-na ăn ở với bà An-na, vợ mình, và Đức Chúa đã nhớ đến bà.20 Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Sa-mu-en (nghĩa là Đức Chúa nhận lời), vì bà nói: "Tôi đã xin Đức Chúa, và Người ban nó cho tôi."
ĐÁP CA: 1Sm 2
Đ.        Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa, là Đấng cứu độ con.  (x c 1a).
1 Tâm hồn con hoan hỷ vì Đức Chúa, nhờ Đức Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang. Con mở miệng nhạo báng quân thù: Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ.
4 Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng. 5 Người no phải làm mướn kiếm ăn, còn kẻ đói được an nhàn thư thái. Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy, mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn.
6 Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên. 7 Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.
8 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng.  
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: x 1Tx 2,13
Hall-Hall: Anh em hãy đón nhận Lời Thiên Chúa, không phải như lời người phàm, nhưng như Lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của Lời ấy. Hall.
TIN MỪNG: Mc 1,21-2821
Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
3 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!  "26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! "28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê. 
BÀI GIẢNG
NGÔN SỨ ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA
Giáo huấn của Hội Thánh qua các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay soi sáng cho chúng ta nhận ra chân dung của Vị Ngôn Sứ đích thực được Chúa sai đến với loài người. Có ba điểm đặc biệt diễn tả sứ mệnh người Ngôn Sứ.
-    Lời Ngôn Sứ Giêsu là Lời toàn năng.
-    Ngôn sứ của Chúa tìm thấy trong Hội Thánh.
-    Vị Ngôn Sứ đích thực làm rồi mới dạy.
I. LỜI NGÔN SỨ GIÊSU LÀ LỜI TOÀN NĂNG.
Ngay sau khi nguyên tổ Adam, Evà gạt bỏ lệnh truyền của Thiên Chúa mà làm theo ý satan, đã làm cho loài người phải đặt dưới quyền thống trị của nó, họ rất sợ nghe tiếng Chúa. (x St 3,8-10) Điển hình như người bị qủy ám, vừa nghe tiếng Chúa giảng trong hội đường, làm nó run rẩy tru trếu thét lên hòng trốn thoát: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,24: Tin Mừng)
Vì thế, Chúa phải hứa ban cho dân một vị ngôn sứ như ông Môsê: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.” (Dnl 18,18)
Từ bấy giờ, dân Chúa mong đợi vị ngôn sứ mà Chúa đã hứa cho dân, như có lần họ hỏi ông Gioan Bt: “Ông có phải là một ngôn sứ không ?” Ông đã phủ nhận. (x Ga 1,21.25) Rồi người ta thấy các phép lạ Đức Giêsu làm, họ liền xác nhận: “Hẳn Ngài là vị ngôn sứ, Đấng sẽ đến trong thế gian.” (Ga 6,14)
Thực ra lúc ấy có rất nhiều người, trong số đó có cả các Tông Đồ, dù họ nhìn nhận Đức Giêsu là vị Ngôn Sứ nhưng không ai khiếp sợ, vì họ không biết rõ Ngài là Thiên Chúa, chỉ biết chắc Ngài là con bác thợ mộc miền Nadarét. Vả lại lúc ấy cũng chưa có Lời Chúa đúng nghĩa được ban cho loài người, Lời Con Thiên Chúa chỉ được ban cho nhân loại trong giờ Tử nạn của Ngài, như Ngài nói: “Này là Giao ước mới trong Máu Ta, đổ ra vì nhiều người” (Mc 14,24). Và chỉ sau khi Đức Kitô từ cõi chết sống lại vào ngày lễ Ngũ Tuần (Lễ Hiện Xuống), Chúa Giêsu về trời sai Thánh Thần đến với các Tông Đồ, để soi lòng mở trí và ban nghị lực cho các ông chính thức giảng Lời Chúa (x Cv 2).
Thực vậy loài người không ai được trực tiếp nghe tiếng Chúa Giêsu bằng lỗ tai xác thịt của mình, vì khi Ngài còn nơi dương thế, chẳng ai tin Ngài là Thiên Chúa, và Đức Giêsu cũng chẳng viết để lại cho ta một chữ nào. Bốn Tin Mừng đã ghi lại việc Thầy làm và Lời Thầy giảng, nhưng  không giống nhau, mỗi Thánh Ký tường thuật lại theo sự hiểu biết riêng của mỗi tác giả dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Đan cử như Matthêu ghi Đức Giêsu thắng ma quỷ ở trên núi (x Mt 4,8t) ; trong khi đó Luca lại ghi Ngài thắng ma quỷ ở nóc Đền Thờ (x Lc 4,9t). Hoặc Matthêu ghi sau khi Đức Giêsu về Trời, các môn đệ đi khắp thế gian, ban Thánh Tẩy và giảng dạy (x Mt 28,18t) ; trong khi Luca lại ghi các môn đệ hằng ngày ở trong Đền Thờ chúc tụng Thiên Chúa  (x Lc 24,53). Như vậy,  mỗi Thánh Ký nhìn việc Đức Giêsu làm và nghe lời giảng dạy của Ngài, họ lại viết giáo lý tùy theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Ngày nay với Đức Tin và lòng Mến, chúng ta được hiệp dâng Thánh Lễ là được trực tiếp nghe Lời Chúa Giêsu giảng dạy (x Dt 1,1-2). Đây là Lời quyền năng, nên thánh Tông Đồ nói với các tín hữu: “Anh em hãy đón nhận Lời Thiên Chúa, không phải như lời người phàm, nhưng như Lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của Lời ấy” (1Tx 2,13: Tung Hô Tin Mừng), và lại còn đón nhận Thịt Máu Chúa Giêsu là đón nhận trọn vẹn Chúa Giêsu Phục Sinh để được nên cùng một sự sống với Thiên Chúa (x Ga 6,57), nhờ đó chúng ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x Ga 1,16). Quả là hơn lời thầy Êly nói với bà Anna, khi bà vào Đền Thờ xin Chúa ban cho một người con trong tuổi già, truyện là: Vợ chồng ông bà Encana và Anna đã cao niên mà không có con, bà Anna vô cùng sầu muộn, đêm ngày bà tới  Đền Thờ thổ lộ nỗi lòng. Ngày kia, bà được thầy Êly nói: “Bà hãy đi về bình an, xin Thiên Chúa của Israel ban cho bà điều bà đã xin Người”. Bà Anna tin như thế, quả nhiên bà được Chúa cho sinh cậu Samuel, nghĩa là Thiên Chúa đã nhận lời (x 1Sm 1,9-20: BĐ năm chẵn). Vì thế bà Anna cất tiếng ca tụng Chúa: “Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa, là Đấng cứu độ con” (1Sm 2,1a: ĐC  năm chẵn).
II. NGÔN SỨ CỦA CHÚA TÌM THẤY TRONG HỘI THÁNH.
Chúa phán với ông Môsê: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.” (Dnl 18,18-20)
Trong Hội Thánh, vị Giám mục nắm trọn quyền Ngôn Sứ. Do đó giáo huấn của CĐ Vat.II trong Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám mục số 14 dạy: “Các Giám mục phải loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Chúa Kitô, đây là một nhiệm vụ trổi vượt trên các nhiệm vụ chính yếu của các ngài. Các Giám mục phải lo lắng để việc tổ chức dạy giáo lý được thực hiện chu đáo cho các thiếu nhi, cho thanh thiếu niên và cả những người trưởng thành. Dạy giáo lý phải dựa trên năm nền tảng sau: 
1.     Thánh Truyền: Niềm tin truyền thống trong Hội Thánh, bắt nguồn từ các Tông Đồ, có trước  Thánh Kinh Tân Ước và phong phú hơn Giáo lý bằng văn tự (Thánh Kinh.)  Ví dụ thầy giáo giảng bài thì phong phú hơn thầy cho viết.
2.    Thánh Kinh: Lời Chúa được Thánh Thần mạc khải cho các Thánh Ký viết tóm tắt lại lời giảng của các Tông Đồ  và dĩ nhiên chỉ viết điều Thiên Chúa muốn, cũng như chỉ được Thần hứng trong lúc viết sách và được Hội Thánh nhận vào sổ bộ Thánh Kinh gồm: Cựu Ước có 46 cuốn, Tân Ước có 27 cuốn.
3.    Phụng Vụ: Những chân lý siêu hình được diễn tả qua các nghi thức dấu chỉ của Phụng Vụ, lời nguyện của Hội Thánh.
4.    Giáo huấn của Các Công Đồng Chung: Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh, Ngài luôn hướng dẫn và làm cho Hội Thánh trẻ trung và phát triển tuỳ theo thời đại qua các Văn Kiện của Hội Thánh,đặc biệt là các Văn Kiện của Công Đồng chung và Giáo Luật.
5.     Giáo Luật: Những chỉ dẫn Mục Vụ trong đời sống Hội Thánh.
Như vậy bài giáo lý mới đích thực là Lời Chúa được dựa trên năm nền tảng trên
 
III. VỊ NGÔN SỨ ĐÍCH THỰC LÀM RỒI MỚI DẠY.
Tiêu chuẩn nào biết được Lời Chúa phán ? Thưa vị ngôn sứ nào nói Lời Chúa mà không ứng nghiệm, thì đó không phải là Lời Thiên Chúa đích thực. Kẻ nào nói không ứng nghiệm thì đó là nói càn, không ai phải sợ nó. (x Dnl 18,21-22)
Muốn giảng Lời Chúa có uy quyền, lôi cuốn người nghe như Đức Giêsu, thì ít nhất chân lý ấy đã ứng nghiệm nơi bản thân vị ngôn sứ, như Lời Đức Giêsu nói trong khi Ngài vào hội đường đọc sách Isaia : “Hôm nay ứng nghiệm (nơi tôi) đoạn sách tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4,16-21). Nói cách khác, “Ngài làm rồi mới dạy” (Cv 1,1). Vì thế Lời Ngài có uy quyền, chứ không như các luật sĩ và biệt phái, “họ dạy mà không làm, họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính  họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,3-4).
Lần kia tôi hỏi một em bé: Con thích gì? Thưa con thích lớn lên làm bố. Tại sao? Thưa bố con chiều nào cũng ngồi nhậu với bạn, hoặc chơi cờ bạc, mà bố cứ giục con phải đi Lễ, không đi thì bị đòn!
Những người theo Chúa cũng chỉ xứng với danh Tông Đồ khi họ làm rồi mới dạy (x Mc 6,30)
Vị ngôn sứ làm rồi mới dạy là người hoàn hảo đối với Thiên Chúa, họ khác hẳn với thầy chiêm tinh, tướng số, phù thủy (x Dnl 18,13-14). Đặc biệt nhất là khi họ được thánh hiến qua Bí tích Truyền Chức, họ “có quyền hành động với thần lực và vai trò của chính Đức Kitô” (GLHT số 1548) khi họ cử hành Phụng Vụ và ban Bí tích, và họ còn được Chúa Thánh Thần làm cho lời giảng của họ trở thành quyền năng đúng với bản tính của Lời Chúa (x 1Tx 2,13).
Vị Ngôn Sứ Giêsu trong Tin Mừng hôm nay minh họa rất sống động về chân lý này: Vào thời Đức Giêsu, phù thủy nào cao tay trừ được qủy, thì họ phải nói tên qủy trước, nếu để qủy làm chủ tình thế gọi tên phù thủy trước, thì phù thủy sẽ lúng túng và bất lực. Thế nhưng ở đây, mặc dù qủy nói lý lịch Đức Giêsu: “Hỡi ông Giêsu Nadarét,” thế mà nó vẫn bị Ngài khóa miệng lại: “Câm đi” và Ngài đã trục xuất nó tức khắc: “Ra khỏi người này” (Mc 1,25: Tin Mừng). Bởi thế ta cứ đọc, cứ nghe Lời Chúa, dù chưa hiểu, nhưng quỷ vội vàng tháo chạy, thế là cũng đã hạnh phúc cho ta lắm rồi, nhất là khi tham dự Thánh Lễ, ta được trực tiếp nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x Dt 1,1-2), chẳng còn sự ác hay quỷ ma nào dám bén mảng tới ta nữa, vì nhờ hiệu quả của Thánh Lễ ta được đồng hóa với Chúa Giêsu (x Gl 2,20). Thế nên tác giả thư Do Thái viết: “Con Thiên Chúa khi làm người, Ngài có Danh là Con Người, thì Ngài thua các thiên thần trong một thời gian ngắn. Cụ thể, không thiên thần nào bị giết khi chu toàn sứ mệnh Chúa trao ; trái lại, Đức Giêsu chỉ vì chu toàn thánh ý Cha trên trời mà Ngài bị giết! Nhưng chúng ta lại thấy Ngài được Thiên Chúa ban tặng vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài muôn sự dưới chân Con Người, và bắt chúng phải phục quyền Con Người. Thật vậy, Đức Giêsu đã phải nếm sự chết là để cho mọi người được cứu độ.
Vậy Đức Giêsu đã trải qua gian khổ mới trở thành Vị Lãnh Đạo thập toàn, dẫn đưa chúng ta tới nguồn ơn cứu độ là cho chúng ta được ơn thánh hóa được cứu chuộc, trở nên một nguồn gốc cùng một xương thịt, cùng một sự sống với Ngài. Vì thế Ngài không hổ thẹn gọi chúng ta là anh em” (x Dt 2, 5-12: Bài đọc năm lẻ). Bởi vì “Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo” (Tv 8,7: ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
Đức Giêsu làm rồi Ngài mới dạy! (Cv 1,1)
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
  

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: