Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Thứ 7 sau CN 27 TN năm Chẵn
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Gl 3, 22-29
 22 Thưa anh em, Kinh Thánh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô, điều Thiên Chúa đã hứa được ban cho các kẻ tin.
 23 Trước khi Đức Tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mặc khải.24 Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin.25 Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa.26 Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.29 Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.
ĐÁP CA : Tv 104
Đ.        Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi. (c 8a)
2 Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa, và suy gẫm mọi kỳ công của Người. 3 Hãy tự hào vì danh thánh Chúa, tâm hồn những ai tìm kiếm CHÚA, nào hoan hỷ.
4 Hãy tìm CHÚA và sức mạnh của Người, chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan. 5 Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán ra,
6 hỡi anh em, dòng dõi Áp-ra-ham tôi tớ Chúa, con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn! 7 Chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chúng ta, những điều Người quyết định là Luật chung cho cả địa cầu.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : Lc 11, 28
Hall-Hall : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. Hall.
TIN MỪNG : Lc 11, 27-28
27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! "28 Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa."
 
BÀI GIẢNG
ĐỨC MARIA 
MẪU NGƯỜI ĐƯỢC THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ
Đã là người con trong gia đình thì phải giữ trọn chữ hiếu đối với cha mẹ. Dưới con mắt xã hội, người con tỏ ra hiếu thảo phải là : làm gì cũng phải có phép cha mẹ, chăm chỉ học hành để thành đạt trong xã hội, có địa vị, có nhiều tiền của, để có khả năng giúp đỡ cha mẹ trong tuổi già. Đối với Đức Giê-su xem ra Ngài không đạt những tiêu chuẩn trên. Đan cử : Ngài ở lại Đền Thờ giảng dạy giáo lý mà không xin phép cha mẹ (x Lc 2,41-50), thánh Giuse qua đời lúc Đức Giê-su lên 12 tuổi, một mình bà góa Maria thắt lưng buộc bụng nuôi Con, hy vọng đến tuổi 30, Con có thể phụ giúp Mẹ nhiều việc. Thế nhưng Ngài lại bỏ Mẹ đi khắp nơi giảng dạy và cứu giúp mọi người. Mẹ ở nhà biết được người khen có, kẻ ghét cũng không thiếu, mà xem ra càng ngày càng gia tăng. Điều ấy chắc chắn làm đau lòng Mẹ. Nhưng Đức Giê-su báo hiếu Mẹ bằng cách giảng dạy giáo lý rất xuất sắc, khiến cho một phụ nữ tỏ ra thèm thuồng ước gì bà có được một người con như thế, qua lời bà khen : "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" (Lc 11,27 : Tin Mừng). Người ta khen Đức Ma-ri-a như vậy, vì họ lầm hai điều :
-          Đức Maria không sinh Đức Giê-su vì liên hệ xác thịt với ông Giuse (x Mt 1,25), nhưng Mẹ sinh Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (x Lc 1,35).
-          Đức Giê-su không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý của xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra (x Ga 1,13). Nhất là Đức Giê-su đã xác định : “Xác thịt không sinh ích gì, Lời tôi nói là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63). Như thế giá trị của Đức Maria không hệ tại ở chỗ liên hệ huyết thống với Đức Giê-su, mà là liên hệ với Lời Chúa, đặc biệt Mẹ có tâm hồn lắng nghe Chúa nói và Mẹ tin tưởng Thiên Chúa sẽ thực hiện cho Mẹ điều Chúa đã nói (x Lc 1,38). Quả thật, nếu Đức Maria không được nghe và tuân phục Lời Chúa, thì Mẹ cũng chẳng sinh ra thân xác Con Thiên Chúa.
Những ai sinh bởi Luật tự nhiên (Luật trống mái) và sống dưới chế độ Lề Luật : Luật cá nhân : thời khóa biểu làm việc mỗi ngày ; Luật gia đình ; Luật xã hội ; Luật tôn giáo. Thánh Phao-lô cho biết đó là họa chứ không phải là phúc, bởi vì “Luật giam chúng ta trong tội”. Lý do mục đích của Luật nhắm hai tiêu điểm :
-          Luật chỉ cho biết điều xấu ta phải tránh.
-          Luật dạy cho biết điều tốt ta phải làm.
Trong thực tế, không ai có thể nói mọi điều Luật cấm tôi không hề vi phạm, dù là trong tư tưởng ; và cũng không ai có thể nói mọi điều tốt Luật dạy tôi hoàn toàn thực hiện cách chu đáo ! Nói cách khác, điều xấu Luật cấm ít nhiều gì tôi đã vi phạm ; điều tốt Luật dạy làm, nhiều điều tôi đã bỏ không làm, hoặc làm thiếu chu đáo! Mà đời sống của con người không có Luật hướng dẫn thì người đó trở thành ngựa bất kham. Té ra, con người bị dồn vào ngõ cụt, không thể cứ ước muốn sống thiện là đạt được. Cảm nghiệm như thế người ta phát sinh lòng khao khát đi tìm sự giải thoát, mà điểm tích cực của Luật như một quản giáo dẫn ta đến gặp Đức Giê-su, chỉ có Ngài mới giải thoát chúng ta khỏi án của Luật (x Cv 4,12). Bởi Ngài có hai đặc điểm :
1- Ngài có hai bản tính: bản tính loài người và bản tính Thiên Chúa : Bản tính loài người Ngài giống ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, “Ngài cũng trải qua thử thách bằng đau khổ, thì Ngài có thể đáp cứu những ai chịu thử thách” (Dt 2,18). Và nhờ Ngài có bản tính Thiên Chúa, Ngài là Đấng mạnh không ai sánh bằng, nên Ngài dư khả năng để cứu giúp con người yếu đuối.
2- Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, đã làm người, nhưng không lệ thuộc vào bất cứ Luật nào. Đan cử :
§    Ngài sinh ra không do Luật trống mái, chỉ có Đức Maria là Mẹ thật của Ngài.
§    Ngài chữa bệnh không cần Luật lệ, không vệ sinh,  không bắt mạch, không thuốc thang : Người mù từ thuở mới sinh đến xin Ngài chữa lành, Ngài nhổ nước miếng xuống đất trộn thành bùn bôi vào mắt anh ta, rồi bảo đi rửa ở suối Silôê, thế là anh được khỏi (x Ga 9).
§    Luật đạo Ngài cũng không tuân giữ : Luật ngày sa-bát phải giữ để kính Chúa, nên không được phép làm bất cứ điều gì, thế mà Ngài lại chữa lành cho người có tay khô bại (x Mt 12,9t) ; chữa lành bà bị còng lưng 18 năm (x Lc 13,10t) ; chữa lành người bị bệnh phù thũng (x Lc 14,1t) ; chữa lành người bất toại đã 38 năm (x Ga 5,1t), đều vào ngày sa-bát.
Thế mà mọi việc Ngài làm ai cũng tấm tắc khen : thật tốt đẹp! (x Mc 7,37 ; Lc 13,17) Cho nên “tất cả những ai đã được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Mà nếu ai thuộc về Đức Ki-tô, thì người ấy thuộc dòng dõi tổ phụ Abraham, những người được thừa hưởng lời chúc phúc của Thiên Chúa” (x Gl 3,22-29 : Bài đọc).
Thế nên, khi Đức Giê-su nghe một phụ nữ cất tiếng khen Mẹ Ngài, thì Ngài điều chỉnh lại lời khen ấy : "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11,28 : Tin Mừng).
Vậy phúc lộc cao cả như trên, Thiên Chúa không chỉ muốn ban riêng cho Đức Maria, mà Ngài muốn ban cho tất cả những ai làm con Thiên Chúa, làm con Đức Mẹ, một khi họ biết noi gương Mẹ của mình : lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.
Đó là “Giao Ước đã lập ra muôn đời Chúa nhớ mãi” (Tv 105/104,8a : Đáp ca).
THUỘC LÒNG

Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.(Lc 11,28).



Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: