BÀI GIẢNG
ĐÓN NHẬN CHÂN LÝ LÀ ĐÓN
NHẬN THIÊN CHÚA
Thiên Chúa đã
phú bẩm cho loài người ai cũng khao khát chân lý. Nhưng làm sao ta biết được
chân lý để đón nhận và đem ra thực hành ?
Các Bài đọc
trong Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta bốn tiêu chuẩn để đón nhận chân lý :
C Chỉ có một Cha chung trên trời và Thầy dạy duy nhất là
Đức Kitô.
C Đừng sống đạo hình thức như nhiều người Do Thái giả hình.
C Không nhiễm “men Biệt phái” mà phải lây “men Giêsu”.
C Sống khiêm nhường phục vụ theo gương Thầy Giêsu.
I. CHỈ CÓ MỘT CHA CHUNG
TRÊN TRỜI VÀ THẦY DẠY DUY NHẤT LÀ ĐỨC KITÔ
Đức Giêsu dạy: “Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của
anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi
mình là thầy, là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô”
(Mt 23,9-10: Tin Mừng).
Ở đây Đức Giêsu
không có ý dạy ai phá đổ tôn ti trật tự trong xã hội, để không còn biết ai là
kẻ trên người dưới. Chính các Tông Đồ cũng gọi các tín hữu là con của mình (x
1Cr 4,15.17 ; Gl 4,19 ; 2 Tm 1,2 ; 1Ga 2,1.12,14.18) có ý nói mọi Kitô hữu đã
nhìn nhận các ngài là cha sinh ra họ làm con Thiên Chúa. Vì thế ông Phaolô nói
với các tín hữu thuộc giáo đoàn Côrintho: “Bởi
trong Đức Giêsu Kitô, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr
4,15). Anh em Tin Lành gọi thủ lãnh của họ là mục sư (thầy chăm sóc), tiếng
Pháp là Pasteur, danh này Đức Giêsu dùng để chỉ
về Ngài (x Ga 10,11) ; Anh Giáo gọi vị thủ lãnh của họ là “người giúp
việc”, tiếp Pháp là Ministre, cũng có nghĩa là “bộ trưởng”.
Vậy mọi loại
người trên trái đất, đặc biệt là người Công Giáo khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy,
được tái sinh bởi một Cha chung trên trời, và chỉ có một Thầy, một Vị Lãnh Đạo
duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, bất cứ điều gì nghịch với Giáo Lý
Thầy Giêsu đã truyền cho Hội Thánh công bố, thì đó không phải là chân lý. Chỉ
có Chúa Giêsu là Thầy dạy Chân Lý hướng dẫn hết thảy mọi người, nhất là người
Công Giáo phải tôn trọng yêu thương đồng loại như anh em trong đại gia đình Hội
Thánh.
Từ những nhận
định trên, ta phải xác tín hai điều sau :
1/ Bao lâu loài người nhìn
nhận nhau là anh em, cùng là con một Cha trên trời, nên phải thương yêu đùm bọc
nhau, thì thế giới này mới có hòa bình, cuộc sống là Thiên Đàng. Đúng như lời
kinh đọc: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau”
(Tv133/132,1).
2/ Bao lâu cả loài người
cùng đón nhận Lời Thầy Giêsu dạy do Hội Thánh Công Giáo công bố và đem ra thực
hành, loài người mới sống trong chân lý, có bình an, có hạnh phúc thật.
Đúng vậy, nếu
vợ chồng bất đồng với nhau về chỗ ở: vợ thì nói đất ở thành phố đắt, bán đi về
quê mua đất rộng rãi cho con cái sau này hưởng, lại bớt gương xấu con cái không
nhiễm lây ; chồng lại nói phải ở thành phố tôi mới có việc làm, con cái đi học
thuận tiện. Như thế cả vợ cả chồng đều nói đúng, nhưng nếu ai cũng cứ làm theo
cái đúng của mình, thì gia đình tan nát! Chỉ khi nào cả gia đình đón nhận một
ý, thực hành một điều, gia đình với có hòa bình, có an vui sum họp. Ta biết cả
Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn Chân Lý, thế mà Thầy dạy Chân Lý chỉ có một là Đức Giêsu Kitô (x Mt 23,10)
II. ĐỪNG SỐNG ĐẠO HÌNH
THỨC NHƯ NHIỀU NGƯỜI DO THÁI GIẢ HÌNH
Đức Giêsu nêu
hai khuôn mặt người sống Đạo giả hình chỉ vì dựa vào Luật Môsê :
-
Ký
lục:
Là người sao chép và dạy Luật Môsê, dưới mắt người Do Thái, họ là thầy dạy Đạo
chính thức hay là giáo lý viên rất mẫu mực.
-
Biệt
phái:
Đây là loại người cuồng nhiệt, triệt để tuân giữ Luật Môsê. Họ giữ cặn kẻ từng
chi tiết của Luật, bởi đó họ rất tự mãn nhờ giữ Luật mà trở nên công chính, nên hay lên mặt khinh dể
người khác (x Lc 18,9).
Hai loại người
trên thường khoe khoang hình thức sống Đạo của họ:
1- Họ đeo thủ phù (x Mt 23,5b: Tin
Mừng): Theo Luật Môsê trong sách Xh 13,9 ; Dnl 6,8, buộc mọi người vào giờ cầu
nguyện phải đeo thủ phù trên trán, cột nơi cổ tay, và đọc: “Lạy Chúa, Vua hoàn vũ, chúc tụng Ngài đã
thánh hóa chúng con bằng huấn lệnh Ngài, và đã truyền cho chúng con mang lấy
thủ phù này”.
Đây là một
chiếc hộp nhỏ làm bằng da, đựng bốn đoạn Kinh Thánh :
*
Xh 13,1-10: Chúa phán: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con đầu lòng,
người cũng như loài vật, để nhớ ngày Ta đưa các ngươi ra khỏi Ai Cập về định cư
miền đất Canaan của dân ngoại mà Ta
đã cho các ngươi chiếm lấy. Các ngươi phải ăn bánh không men bảy ngày và kể lại
cho hậu thế những điều kỳ diệu Ta đã dùng cánh tay hùng mạnh thực hiện, để đưa
các ngươi ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập”.
*
Xh 13,11-16:
Chúa phán: “Hãy dâng cho Ta các con đầu
lòng, nhưng sau đó được chuộc lại, để nhớ việc Ta đã giết các con đầu lòng của
người Ai Cập, có thế chúng mới để các ngươi được tự do đi thờ phượng Thiên Chúa”
.
*
Dnl 6,4-9: Chúa phán: “Các ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng
hết sức, và ghi lòng tạc dạ, hãy lặp đi lặp lại cho con cháu các ngươi nghe mọi
nơi và mọi lúc”.
*
Dnl 11,13-21:
Chúa phán: “Các ngươi hãy tuân giữ Luật thì Ta sẽ cho mưa thuận gió hòa, để các
ngươi có mùa thu hoạch hoa trái, Ta sẽ cho cỏ mọc lên làm lương thực cho gia
súc của các ngươi ăn. Các ngươi không được thờ thần nào ngoài Ta. Nếu các ngươi
không thi hành những Lời Ta dạy, tai họa sẽ ập đến trên các ngươi”.
2- May dài tua áo (x Mt 23,5c: Tin
Mừng): Đó là một chùm lông bằng len hay lụa có nhiều màu sắc, đính vào bốn góc
tấm vải làm áo choàng của người Do Thái, mục đích nhắc nhở họ thường xuyên nhớ
đến Luật Chúa và đem ra thực hành (x Ds 15, 37-39). Chính áo choàng của Đức
Giêsu cũng đính chùm lông này (x Lc 8,44).
Hình thức sống
Đạo trên đây giống như một tu phục, nhưng nhớ rằng “áo dòng không làm nên thày tu”, đã nhập Dòng nào thì phải mang tu
phục Dòng đó. Đó là kỷ luật của Dòng để nhắc nhở cho một tu sĩ sống xứng đáng
với ơn gọi theo Hiến pháp của Dòng. Nhưng có những tu sĩ đã lợi dụng áo dòng để
đóng kịch đạo đức, trở thành lối sống đạo giả hình. Thánh Phaolô cũng là một
Biệt phái gương mẫu, chắc chắn ông cũng đeo thủ phù và có tua áo dài, nhưng sau
khi ông được thấm nhuần giáo lý của Thầy Giêsu, thì chính ông lại gay gắt lên
án loại người sống đạo giả hình theo Luật Môsê dạy, ông nói với Timôthê, đồ đệ
của ông: “Họ phản trắc, nông nổi, lên mặt
kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa ; hình thức đạo của họ còn giữ,
nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh hãy xa lánh cả những người ấy” (2
Tm 3,4-5).
Lối sống đạo
hình thức đó cũng giống như một kịch sĩ trên sân khấu, người diễn viên hoàn
toàn phải làm theo người đạo diễn, từ lời nói, cử chỉ, nó khác với căn tính của
diễn viên.Ta cứ nhìn diễn viên đóng vai
Ngộ Không, trong phim “Tây Du Ký” anh ta là một người trí thức, có địa vị trong
chính quyền Trung Quốc, nhưng anh luyện tập, bắt chước những cử chỉ của khỉ
thật nhuần nhuyễn, ai nhìn anh diễn xuất cũng lấy làm tâm đắc: thật là giống
khỉ ! Nhưng ai dám bảo anh là loài khỉ ? Khi anh quá quen với những cử chỉ của
khỉ, đến nỗi trở thành như bản năng, vợ anh chịu không nổi, phải ra tòa ly dị !
Các Luật sĩ và
Biệt phái quá quen sống lề thói đeo thủ phù, may dài tua áo, trở thành những kẻ
đóng kịch đạo đức, Đức Giêsu phê bình loại người này: “Họ nói mà không làm, họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta,
nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho
thiên hạ thấy. quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật
dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc,chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa
được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là Rabbi”
(Mt 23,4b-7: Tin Mừng).
Vì lối sống đạo
của Luật sĩ và Biệt phái giả hình như thế, nên Đức Giêsu lên tiếng nhắc nhở cho
mọi người: “Chớ có bắt chước !” (x Mt
23,3b: Tin Mừng).
3- Biệt phái tìm chỗ
nhất trong tiệc tùng và chỗ nhất nơi hội đường (x Mt 23,6: Tin Mừng). Chỗ nhất
nơi hội đường là chỗ quay mặt vào dân, xây lưng lại tráp Lề Luật (tráp Lề Luật
đặt giữa chính diện hội đường, tượng trưng cho nơi cung thánh của Đền Thờ
Giê-ru-sa-lem có đặt hai bia đá ghi Mười Giới Răn Chúa). Như thế, họ muốn mọi
người phải tôn trọng danh họ như tôn kính Luật Chúa vậy.
4- Những người Biệt
phái ưa được mọi người bái chào nơi công trường và được người ta xưng hô là
Rabbi
(x Mt 23,7: Tin Mừng). Danh hiệu Rabbi bởi tiếng Hy Bá là “Rab” có nghĩa là
“Lớn”, thời Đức Giêsu lại có nghĩa là “Chúa”. Người ta thường thêm một tiếp vĩ
ngữ của ngôi thứ nhất thành “Rabbi”, có nghĩa là “Chúa tôi”. Khi nói cách long
trọng, người ta gọi là “Rabbuni” (x Ga
20,16), cũng có nghĩa như chữ Rabbi, đây là danh tương đương với chức Tiến sĩ.
Như thế Biệt phái muốn mọi người phải kính trọng họ như Thiên Chúa, hay ít nhất
là thầy Tiến sĩ Luật, họ cố tình gạt Lời kinh họ vẫn đọc: “Hãy để kẻ khác khen con, chớ không phải miệng con, một người xa lạ, chớ
không phải môi con” (Cn 27,2).
Hãy biết rằng :
Người đi không
cầu có bóng, mà bóng vẫn theo
Người
hô không mong tiếng dội, mà tiếng vẫn vọng.
Người
đức độ không đợi khen, mà danh vang lừng.
Vậy bạn hãy lo cho mình có tài có đức thật, chứ đừng
buồn vì người khác không biết đến tài đức của bạn!
Ta cứ nhìn muôn
tạo vật trong vũ trụ, Chúa ban cho chúng vẻ đẹp, ai cũng tấm tắc khen ngợi, vì
qua nó cho ta nhận ra dấu vết của Thiên Chúa. Thánh Kinh nói muôn tạo vật vô
tri đều biểu lộ vinh quang Thiên Chúa: “Chẳng
một lời một lẽ, chẳng nghe được âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu,
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 19/18,4-5). Còn ta là con
Thiên Chúa sao lại không “tỏa ra hương
thơm của Chúa Kitô giữa những người được cứu độ và những kẻ bị hư mất!” (2Cr 2,15).
Vào thời Đệ nhị
thế chiến, nhà bác học lừng danh của thế kỷ 20 là Anh-tanh (Einstein), người
gốc Do Thái, ông từ nước Đức sang lánh nạn ở Mỹ, mới đến đất Mỹ, bạn bè phê
bình ông không mặc y phục xứng với nhà trí thức, mà cứ trong bộ quần áo bình
dân?! Ông Anh-tanh đáp: “Để làm gì ? Có
ai biết tôi là nhà bác học đâu?” Thời gian sau, những chương trình nghiên
cứu khoa học của ông đã nổi tiếng khắp nước Mỹ, bạn bè vẫn thấy ông trong bộ
quần áo cũ, người ta lại gạn hỏi: “Sao
ông cứ mặc y phục ấy vậy?” Ông Anh-tanh trả lời: “Có sao đâu, vì ai ai cũng biết tôi là nhà bác học rồi mà!”
Như thế ông
Anh-tanh đã sống Lời Đức Giêsu dạy: “Sự
khôn ngoan của con người được minh chứng bằng công việc mình làm!” (Mt
11,19b).
III. KHÔNG NHIỄM “MEN BIỆT
PHÁI” MÀ PHẢI LÂY “MEN GIÊSU”
Đức Giêsu dạy
mọi người đừng bắt chước lối sống đạo giả hình của Biệt phái (x Mt 23,3b: Tin
Mừng), nghĩa là ta phải bắt chước gương sống của Ngài.
BIỆT PHÁI
|
CHÚA GIÊSU
|
-
Biệt phái dạy mà không làm (x Mt 23,3).
|
+
Đức Giêsu làm rồi mới dạy (x Cv 1,1).
|
-
Biệt phái bó gánh nặng Lề Luật chất trên vai người khác, còn chính họ không giơ ngón tay lay
thử (x Mt 23,4).
|
+
Đức Giêsu nâng đỡ bổ sức cho những ai mang ách và gánh vác nặng nề (x Mt 11,25).
|
-
Biệt phái khoe khoang công đức (x Mt 23,5).
|
+
Đức Giêsu cấm người nhận ơn Ngài nói về Ngài (x Mc 1,46).
|
-
Biệt phái chiếm chỗ nhất trong bàn tiệc (x Mt 23,6a).
|
+
Đức Giêsu trở nên kẻ nô lệ phục vụ mọi người trong bàn tiệc (x Ga 13,6).
|
-
Biệt phái khóa cửa Nước Trời, chặn lối không cho người ta vào (x Mt 23,13).
|
+
Đức Giêsu mở cửa Trời cho tội nhân biết sám hối xin theo Ngài (x Lc 23,43).
|
-
Biệt phái chinh phục người tòng giáo rồi biến họ thành con cái hỏa ngục gấp đôi (x Mt 23,15).
|
+
Đức Giêsu chinh phục Phaolô, biến ông từ một kẻ ác hơn sói trở thành người phục vụ Tin Mừng đắc lực và Ngài ân cần chăm sóc mọi người như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh (x Cv 9 ; Cv 20,17t ; Lc 13,34).
|
Đúng là “mọi người chỉ có một Thầy, một Vị Chỉ Đạo là
Đức Kitô” (Mt 23,9b.10b: Tung Hô Tin Mừng).
Như thế Chúa
đòi hết mọi loại người trên mặt đất muốn đón nhận được chân lý, phải nghe Lời
Chúa do Hội Thánh công bố qua Phụng Vụ, dù chủ chăn có lối sống bất xứng, thì
hãy nhớ Đức Giêsu đã nói: “Khi các Luật
sĩ ngồi tòa Môsê giảng dạy, các ngươi
phải nghe và thực hành, nhưng đừng làm theo hành vi của họ, vì họ mà họ không
làm” (Mt 23,3: Tin Mừng). Và Đức Giêsu còn nói: “Ta đến không đem bình an nhưng đem gươm giáo, con cái chống cha mẹ, cha
mẹ chống con cái” (Mt 10,34-36). Có nghĩa là nếu cha mẹ nói điều gì không
đúng ý Chúa, thì ta không được nghe. Truyện ông Gionathan, con vua Saolê và đã
minh chứng chân lý này: Gionathan bênh vực lẽ phải nơi David, chống lại ý định
vua cha mưu kế hạ sát David chỉ vì ghen tương, ông bằng lòng mang tiếng bất
hiếu, có lần vua cha đã phóng giáo nhằm giết Gionathan, và như thế Gionathan
chấp nhận mất quyền nối ngôi vua (x 1Sm 20).
Vậy chúng ta phải khiêm tốn đón nhận chân lý
bất cứ từ phía nào tới,dù người đó là con nít hay người lớn, trí thức hay vô học,
thù hay bạn, nếu ở nơi họ có những điều
đúng với giáo huấn của Hội Thánh dạy, thì đó là ta đón nhận được chân lý, đón
nhận chính Chúa, chống chân lý là loại trừ Thiên Chúa (x Lc 10,16).Thậm chí ta
còn phải học nơi quỷ, vì nó tin Thiên Chúa hơn nhiều người, và nó đã nói cho
mọi người biết Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa (x Gc 2,19 ; Mc
1,24).
IV. SỐNG KHIÊM NHƯỜNG
PHỤC VỤ THEO GƯƠNG THÀY GIÊSU
Đức Giêsu dạy: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm
người phục vụ anh em.1Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ
mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,11-12: Tin Mừng).
Đức Giê-su muốn
mọi người phải được làm lớn tức là nên hoàn hảo theo mẫu Cha trên trời (x Mt
5,48), mà ai thấy Đức Giê-su là thấy Chúa Cha (x Ga 14,9). Khi Chúa dựng nên
loài người, Ngài nói: “Chúng Ta hãy dựng
nên loài người giống Chúng Ta” (St 1,26), không phải là giống Thiên Chúa
thiêng liêng vô hình, mà mọi người phải sống rập khuôn như Đức Giê-su (x 1Ga
2,6): “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên
Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm
nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình,vâng lời cho đến nỗi bằng
lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn
Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9).
Do đó bất cứ ai
muốn được Chúa chúc phúc, không bị Ngài chúc dữ như Biệt phái và Luật sĩ, thì
phải biết sống đổi đời như Biệt phái Phaolô, sau khi ông được Chúa chộp lấy,
Ngài đổi con tim độc ác của ông bằng con tim yêu thương của Ngài (x Pl 2,5).
Nhờ thế ông Phaolô đã trở thành mẫu kêu gọi muôn người trở về với Thiên Chúa,
ông nói: “Đức Giêsu đến trần gian để cứu
những người tội lỗi, trong số đó tôi là người thứ nhất” (1Tm 1,15). Và ông
đối xử với các tín hữu như cha mẹ đối với con cái, ông nói: “Chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng chẳng khác
nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi đã
quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của
Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người
thân yêu của chúng tôi. Hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm
ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh
em. Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe
Lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như
Lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của Lời ấy, Lời đó tác động nơi anh em là
những kẻ tin” (1Tx 2, 7b-9.13: Bài đọc II).
Cách sống của
ông Phaolô đối với các tín hữu trong tình cha con như đáp ứng lời ngôn sứ
Malaki: “Tất cả chúng ta chẳng có cùng
một Cha hay sao?chẳng cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta hay sao? Thế mà
sao chúng ta lại phản bội nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta” (x
Ml 2, 10: Bài đọc I).
Do đó ông
Phaolô đã trở thành mẫu người được Chúa chúc phúc, trái với hàng tư tế đã bị
nguyền rủa, như Chúa nói qua miệng ngôn sứ Malaki: “Hỡi các tư tế, đây là lệnh truyền dành cho các ngươi: Nếu các ngươi
không nghe và không lưu tâm tôn vinh danh Ta, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai
họa, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai họa. Các ngươi đã đi trệch
đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Ta sẽ làm cho các
ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ
đường lối của Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật. (Ml 2,1.2.9: Bài đọc I).
Vậy mỗi người
Công Giáo muốn đáp ứng lời mời gọi của thánh Tông Đồ: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Chúa Kitô” (1Cr 11,1),
thì hãy sống tinh thần trẻ thơ: “Hồn con
xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi” (Tv 131/130: Đáp
ca).
THUỘC LÒNG
Đón nhận chân lý là đón
nhận Chúa Giêsu, khước từ chân lý là khước từ Chúa Giêsu, vì chỉ nơi Chúa Giêsu
mới có chân lý (theo Mt 23,10 ; Ga 18,37c).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH