Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Thứ 5 sau CN 25 TN năm Chẵn
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Gv 1, 2-11
2 Ông Cô-he-lét nói: "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.3 Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời ?4 Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn.5 Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên.6 Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng.7 Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục.8 Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.9 Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra :dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ ? 10 Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: "Coi đây, cái mới đây này !", thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi.11 Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế ; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.
ĐÁP CA: Tv 89
Đ.        Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. (c 1)
3 Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: "Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! " 4 Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!
5 Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, 6 nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
12 Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.13 Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.
14 Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.17 Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.

BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 14,6
Hall-Hall: Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Hall.
TIN MỪNG: Lc 9, 7-9
7 Khi tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy."8 Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! " Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại."9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? " Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.
 
 
BÀI GIẢNG
ẨN THÂN NƠI CHÚA KHÔNG CÒN PHÙ VÂN
Ta biết vua Salomon, ông không xin Chúa ban ơn phúc - lộc - thọ, chỉ xin Chúa ban cho tấm lòng biết nghe, làm Chúa hài lòng và Ngài đã ban cho ông khôn ngoan và giàu có đến nỗi không ai sánh được (x 1 V 3,9-13). Nhưng cuối đời, ông nhìn lại chỉ thấy mọi sự là phù vân, đây không phải là trải nghiệm riêng vua Salomon, mà là hết thảy mọi người nhìn lại đời mình, ai cũng thốt lên như lời vua Salomon: “Mọi sự chỉ là phù vân”. Vì vậy, nhận ra trong đời mọi sự chỉ là phù vân không chỉ riêng cá nhân vua Salomon, mà là của cả tập thể. Cho nên khi vua Salomon viết tác phẩm Giảng viên để răn đời, ông không đề tên mình, mà ông lấy danh “Qohelet”, có nghĩa là cộng đoàn. Tác giả viết: “Phù vân quả là phù vân, lợi lộc gì đâu cho con người phải chịu đựng bao nhiêu gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời ? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến,  nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lại lặn, gió thổi đi rồi lại vòng lại, nước chảy ra biển mà biển không tràn, sông chảy tới đâu từ đó sông lại tiếp tục… Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ. Điều đã có, rồi ra sẽ có, chẳng có gì mới ở trên đời” (x Gv 1,2-11: Bài đọc).
Như vậy Qohelet muốn nói: Con người có lúc xuất hiện trên mặt đất, có ngày khuất đi, rồi  sẽ có thời tái xuất hiện nhờ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su. Ngày ấy: “Mọi người sẽ từ cõi chết sống lại,và mỗi người lãnh thành quả đời mình tùy theo lành hay dữ đã làm khi còn trong thân xác” (2 Cr 5,10). Ai không kết hợp với Chúa Giê-su thì ngày cánh chung mọi sự đối với họ không chỉ là phù vân mà còn trở thành án phạt,  như Lời Đức Giê-su nói: “Phải vào lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỷ cùng các chư thần của nó” (Mt 25,41) ; Trái lại, ai sống kết hợp với Chúa Giê-su, mọi sự đã thuộc về họ kể cả tội lỗi, như vậy của phù vân lại trở thành phù hộ. Đó là lý do thánh Tông Đồ nói: “Ở đâu tội lỗi nhiều, ở ân sủng chan chứa” (Rm 5,10).
Do đó, ai thuộc về Chúa Ki-tô thì không còn run sợ. Kẻ sống không Giê-su và nán lại trong tội ác, tâm hồn họ lúc nào cũng mất bình an. Đan cử như vua Hê-rô-đê, ông tưởng đã giết được ông Gioan Bt là nhổ được cái gai làm ông nhức óc, vì ông Gioan Bt phản đối vua cướp vợ của anh làm vợ mình. Nhưng thực ra vua Hê-rô-đê là kẻ thất bại, vì sau khi ra lệnh cắt đầu ông Gioan, tâm hồn ông lúc nào cũng nơm nớp lo sợ ông Gioan sống lại để báo oán, như thuở xưa vua Sao-lê không nghe lời ngôn sứ Samuel, nên bị quân Philitinh dấy lên tấn công. Ông cảm thấy bất lực trước sự dũng mãnh của đối phương, ông run sợ cầu cứu với Thiên Chúa nhưng Ngài không thèm trả lời, thời điểm ấy ngôn sứ Samuel đã qua đời. Ông giả dạng là thường dân đến với thầy chiêm, xin gọi hồn ngôn sứ Samuel về, hy vọng được ông Samuel chỉ đường phản công quân Philitinh, nhưng ông Samuel hiện về lại nói: “Tại sao ngài thỉnh ý tôi, trong khi ĐỨC CHÚA đã rời khỏi ngài và đã trở nên thù địch với ngài? ĐỨC CHÚA đã hành động như Người đã dùng tôi mà phán: ĐỨC CHÚA đã giật vương quyền ra khỏi tay ngài và ban cho một người khác là Đa-vít. Bởi vì ngài đã không nghe tiếng ĐỨC CHÚA và đã không trút cơn thịnh nộ của Người xuống A-ma-lếch, cho nên hôm nay ĐỨC CHÚA đã xử với ngài như thế” (x 1Sm 28, 3-18).
Cái chết của ông Gioan là cây đèn cháy sáng đã được nhiều người hưởng dùng nay bị dập tắt (x Ga 5,35 ; 3,30), thì Mặt Trời Công Chính là Chúa Giê-su lại xuất hiện (x Lc 1,78), mà vua Hê-rô-đê lại tưởng Đức Giê-su là ông Gioan Bt sống lại để chúc dữ ông như ngôn sứ Samuel đã hiện về báo điều ác sẽ xảy ra cho vua Sao-lê. Thực vậy, khi vua Hê-rô-đê nghe biết tất cả những việc lẫy lừng Đức Giê-su làm, ông lo lắng phân vân vì có kẻ nói: “Gioan đã sống lại từ cõi chết ; kẻ khác nữa nói: đó là ông Ê-ly-a hiện về, mà Ê-ly-a hiện về nhiều người thời ấy kể cả môn đệ Đức Giê-su đều hiểu là ông Gioan Bt” (x Mt 17, 9-13). Nghe thế vua Hê-rô-đê rúng động hoảng hốt thốt lên: “Gioan ta đã cho chém đầu rồi mà?” (Lc  9,7-9a: Tin Mừng). Tâm trạng vua Hê-rô-đê bất an như vậy là minh chứng Lời Kinh Thánh: “Kẻ ác luôn luôn chạy trốn, dù không ai đuổi bắt” (Cn 28,1). Đúng là “chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người thì mặt vàng như nghệ” (tục ngữ). Con hổ sau khi xâu xé con mồi, nó lăn quay ra ngủ ngon, trái lại con người dù có hạ gục được đối thủ cũng không làm sao chợp mắt được ! Bởi vậy “thà chết vì chân lý hơn là sống không chân lý”. Muốn có chân lý phải tìm gặp Chúa Giê-su, như vua Hê-rô-đê trong lúc hoảng sợ lại muốn đi gặp Đức Giê-su (x Lc 9,9b: Tin Mừng).
Ý hướng của vua Hê-rô-đê muốn gặp Đức Giê-su trở thành lời thúc bách con người tội lỗi của ta cũng phải giống Hê-rô-đê tìm gặp Đức Giê-su, vì chỉ ai đến nghe Lời Đức Giê-su, người đó mới gặp được chân lý (x Ga 18,37).
Đối với người Công Giáo, tìm gặp chân lý, tìm gặp Chúa Giê-su cụ thể phải là dâng, dự Lễ với Hội Thánh, vì mỗi lần ta hiệp dâng Thánh Lễ cách trọn vẹn là ta được đồng hóa với Chúa Giê-su (x Ga 6,57 ; Gl 2,20). Chính vì vậy, ngay sau khi vua Hê-rô-đê muốn đi gặp Đức Giê-su, thì tác giả Luca cho thấy ngay Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Đây là dấu chỉ Đức Giê-su lập Bí tích Thánh Thể, để đáp ứng khát vọng những ai đi tìm chân lý, tìm gặp Chúa Giê-su Phục Sinh (x Lc 9,10t). Bởi vì, chỉ trong Thánh Lễ ta mới nói được: “Trải qua bao thế hệ, Chúa là nơi chúng con trú ẩn” (Tv 90/89,1: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Kẻ ác luôn luôn chạy trốn, dù không ai đuổi bắt! Còn người công chính đứng vững tựa sư tử non ! (Cn 28,1)

 

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: