BÀI GIẢNG
ĐI DỰ LỄ LÀ CÙNG LÊN TRỜI VỚI MẸ MARIA
Ngày
trọng đại vinh hiển nhất của Mẹ Ma-ri-a cũng như của con cái Mẹ là được
Chúa cho hồn xác lên Trời. Ta hãy tìm hiểu:
- Lý do Mẹ
được lên Trời.
- Địa vị của
Mẹ Ma-ri-a.
- Nhân đức của
Mẹ Ma-ri-a.
- Sứ mệnh của
Mẹ Ma-ri-a.
- Vinh quang
của Mẹ Ma-ri-a.
- Mẹ mời gọi
con cái Mẹ cùng lên Trời.
1- LÝ DO MẸ ĐƯỢC CHÚA CHO HỒN XÁC LÊN TRỜI.
Không
phải mãi tới năm 1950, Đức Giáo hoàng Pio XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ
Hồn Xác Lên Trời, Chúa mới cho hồn xác Mẹ lên Thiên Đàng, mà niềm tin Mẹ
Ma-ri-a được Chúa cho hồn xác lên Trời đã khai mào ngay từ thời Giáo
Hội sơ khai. Đó cũng là lý do các tác giả Tin Mừng không ai ghi nhận sau
khi Chúa Giê-su phục sinh, Ngài đi gặp Đức Mẹ, vì các tác giả sách Tân
Ước muốn xác định : Mẹ Ma-ri-a luôn luôn ở bên cạnh Con Mẹ, không có
một giây phút nào Mẹ-Con xa nhau, nghĩa là ngay cả khi Chúa Giê-su lên
Trời trên thập giá (x Lc 23,43) thì Mẹ cũng đồng hành. Chúa Giê-su Phục
Sinh chỉ đến với những người chưa được lên Trời với Ngài. Và như vậy,
ngày Đức Pio XII tuyên bố tín điều Hồn Xác Mẹ Lên Trời là ngài muốn cổ
võ cho toàn thể loài người phải biết cùng với Mẹ Ma-ri-a cám ơn Chúa, vì
Ngài đã cho hồn xác Mẹ chúng ta được lên Trời trước, là dấu bảo chứng
chắc chắn Mẹ đã ở đâu thì Mẹ cũng muốn cho chúng ta là con cái Mẹ được ở
đó.
Ngay
từ thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đã tin hồn xác Mẹ lên Trời, như
lời thánh Phao-lô viết cho giáo đoàn Cô-rin-tô : “Như mọi người vì
liên đới với A-đam phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô
(A-đam cuối cùng) cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo
thứ tự của mình, mở đường là Đức Ki-tô, rồi đến những người thuộc về Đức
Ki-tô (chắc chắn Mẹ Ma-ri-a phải được ưu tiên) vào buổi quang lâm của
Ngài” (1Cr 15,22-23 : Bài đọc II).
2- ĐỊA VỊ CỦA MẸ MA-RI-A.
Trong
tiệc cưới Ca-na, Mẹ nói với loài người : “Hãy đến với Giê-su, Ngài
bảo gì cứ làm theo!” (Ga 2,5) Lời này Mẹ lặp lại nguyên văn lời vua
Pha-ra-ôn nói với toàn thể loài người khi lâm cảnh đói khổ chạy đến với
vua xin mua lương thực, thì vua lại nói : “Hãy đến cùng Giu-se, ông
bảo gì cứ làm theo!” (St 41,35) Mà Giu-se là tiền thân của Đức
Giê-su. Vào thời điểm ấy, vua Pha-ra-ôn là người giàu có nhất trên thế
gian, vì nhờ tài năng và sự khôn ngoan của Giu-se, vua ra lệnh cho ông
Giu-se bung tiền mua lại tất cả thóc lúa của dân trong bảy năm được mùa,
để rồi sẽ bán lại cho dân vào thời bảy năm mất mùa tiếp theo đó, và như
vậy cả thế giới, ai cũng cần chạy đến với vua Pha-ra-ôn, ai cũng phải
tôn trọng vua. Địa vị và danh dự của vua Pha-ra-ôn đã báo trước địa
vị và danh dự của Đức Mẹ, vì nhờ Giê-su Con Mẹ khôn ngoan hơn Giu-se
đã tích trữ tất cả ơn của Chúa trong các Bí tích Ngài lập, rồi trao cho
Mẹ cũng như Hội Thánh quản lý, để tùy Mẹ và Hội Thánh phân phát cho
những ai cần chạy đến xin lương thực bất tử (x Ga 19,25-27).
3- NHÂN ĐỨC CỦA MẸ MA-RI-A.
Có
hai nhân đức đặc biệt của Mẹ, Mẹ muốn chúng ta dõi theo :
a- Đoán
ý muốn của người khác để phục vụ. Trong Tin
Mừng ghi lại hai lần Đức Mẹ phục vụ dù chưa ai đến cậy nhờ, mà Mẹ đã
biết tình hình người ta đang cần gì, thì Mẹ mau mắn giúp đỡ họ ngay. Cụ
thể:
- Mẹ nghe tin bà Ê-ly-sa-bét, chị họ
đã gần 100 tuổi mà đang mang thai được 6 tháng, Mẹ hiểu ngay thân phận
phụ nữ vào hoàn cảnh như thế rất cần người đến giúp đỡ, thế là Mẹ mau
mắn lên đường… (x Lc 1,57t).
- Trong tiệc cưới Ca-na, Mẹ thấy
người ta đang lo lắng đi tìm rượu đủ cho thực khách, vì chủ tiệc không
trù liệu đủ. Thế là Mẹ đứng ngay lên đến nói với Giê-su Con Mẹ : “Họ
hết rượu rồi”, và Đức Giê-su đã làm cho họ dư rượu mới ngon hơn
rượu cũ (x Ga 2,1-11).
b- Mẹ
đặt việc cầu nguyện đứng hàng đầu trong các sinh hoạt, đặc biệt
Mẹ liên kết các Lời trong Sách Thánh thành bài ca tuyệt vời chúc tụng
Chúa (x Lc 1,46-55 : Tin Mừng). Mẫu cầu nguyện này Hội Thánh đã muốn cho
con cái Mẹ noi gương bắt chước như lời Hội Thánh dạy : “Việc
cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh” (Hiến Chế
Mạc Khải số 25)
Khi Mẹ lên đường tới nhà nhà bà
Ê-ly-sa-bét, ai cũng nghĩ là ông Luca phải ghi lại rất nhiều việc Đức Mẹ
giúp chị họ mình, nhưng ông không cho ai thấy Mẹ làm gì, chỉ thấy Mẹ
cầu nguyện và làm mọi người rộn lên niềm vui, kể cả Gio-an còn trong
bụng mẹ cũng nhảy mừng (x Lc 1,44 : Tin Mừng).
4- SỨ MỆNH CỦA MẸ MA-RI-A.
a- Đời phục vụ của Mẹ
diễn tả và báo trước chương trình Thiên Chúa cứu độ loài người.
Đọc lại Tin Mừng Lu-ca, ai cũng nghĩ
là Mẹ cần phải ở lại nhà chị họ để phục vụ khi người chị sinh con. Thế
mà, tác giả Lu-ca cho biết : Ma-ri-a bắt đầu đến nhà bà Ê-ly-sa-bét, bà
đã có thai được 6 tháng, phải ngoài 3 tháng nữa, bà mới sinh con. Vậy mà
Mẹ Ma-ri-a chỉ đến ở nhà người chị có 3 tháng rồi trở về quê (x Lc 1,56
: Tin Mừng). Như vậy khi Mẹ trở về nhà thì Gio-an mới sinh ra! Thánh sử
Lu-ca có ý ghi như thế để xác quyết rằng : Mẹ đã báo trước chương
trình cứu độ loài người của Con Mẹ : sau khi Con Mẹ phục vụ ba năm,
bị giết và an táng trong mồ ba ngày, rồi phục sinh về Trời (trở về Quê),
lúc ấy các Tông Đồ ra đi rao giảng, và Hội Thánh được sinh ra (x Mt
28,19-20).
b- Mẹ cộng tác với Chúa để hoàn tất cuộc sáng
tạo loài người.
Hai ông Lu-ca và Gio-an ghi lại 6 lần Mẹ Ma-ri-a nói trong Kinh Thánh:
- Mẹ thưa với
thiên thần trong ngày truyền tin : “Việc đó xảy đến thế nào vì tôi
không biết đến người nam” (Lc 1,34).
- Mẹ đáp lại
sau khi được sứ thần giải thích nguyên nhân Mẹ sinh Con Thiên Chúa : “Xin
Chúa làm cho tôi điều Chúa nói” (Lc 1,38).
- Mẹ cầu
nguyện dài nhất tại nhà chị họ Ê-ly-sa-bét : “Linh hồn tôi ngợi khen
Đức Chúa ….” (Lc 1,46-55).
- Mẹ trách Đức
Giê-su trốn cha mẹ ở lại Đền Thờ dạy giáo lý : “Sao con làm thế, đây
cha mẹ đã vất vả tìm con!” (Lc 2,48).
- Mẹ nói với
Đức Giê-su trong tiệc cưới Ca-na: “Nhà này hết rượu” (Ga 2,3).
- Và Mẹ nói
với loài người : “Chúa bảo gì cứ làm theo!” (Ga 2,5)
Thuở
ban đầu Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, Ngài nói 6 lần trong sáu ngày, vạn
vật xuất hiện rất tốt đẹp. Ta lưu ý Thiên Chúa nói lần thứ 6 trong ngày
thứ sáu : “Chúng ta hãy dựng nên loài người giống Chúng Ta” (St
1,26-27). Nhưng thực ra lúc ấy loài người chỉ là một sinh vật (x 1Cr
15,45 ; Gv 3,18-19 – bản dịch CGKPV). Loài người chỉ
thoát ra khỏi kiếp sinh vật trở nên giống Thiên Chúa khi biết nghe và
thực hành lời Mẹ Ma-ri-a dặn: “Giê-su bảo gì
cứ làm theo!” (Ga 2,5)
5- VINH QUANG CỦA MẸ.
Sách
Khải huyền diễn tả vinh quang của Mẹ : “Một người phụ nữ, mình khoác
mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”
(Kh 12,1 : Bài đọc I) :
- “Mình
khoác áo mặt trời” : Mặt trời ám chỉ Thiên Chúa (x Lc
1,78), như vậy vinh quang của Mẹ là được Thiên Chúa ban cho giống Ngài
- “Chân đạp
mặt trăng” : Người Do-thái hiểu mặt
trăng là thần lớn nhất trong các thần minh ở trên trời. Thế thì Đức
Ma-ri-a còn vượt trên hết mọi thần thánh. Nói cách khác các vị thần chỉ
là bệ kê chân Đức Ma-ri-a.
- “Đầu đội
triều thiên mười hai ngôi sao” : Đó là hình ảnh Mười Hai
môn đệ Đức Giê-su (Hội Thánh) vây quanh Mẹ, vinh quang các phần tử trong
Hội Thánh là nhận vinh quang Chúa đã ban cho Đức Mẹ. Nói cách khác,
vinh quang của Đức Ma-ri-a là cộng lại vinh quang của mọi người được
Chúa cứu độ.
6- MẸ MỜI GỌI CON CÁI MẸ CÙNG LÊN TRỜI.
Người ta hỏi Chúa Giê-su : “Nước Trời ở đâu?”
Chúa trả lời ngay : “Nước Trời ở giữa các người” (Lc 17,21).
Để hiểu Nước Trời ở giữa loài người, tác giả
Lu-ca diễn tả 3 lần Chúa Giê-su lên Trời :
- Ngài lên
Trời ngay khi còn treo trên thập giá ở đồi Sọ, như Ngài nói với tên trộm
lành : “Hôm nay, anh ở trên Thiên Đàng với Ta” (Lc 23,43).
- Chúa lên
Trời trong đêm Chúa nhật Phục Sinh, tại Bê-ta-ni-a. Thánh sử Lu-ca ghi :
“Chúa Giê-su dẫn môn đệ đến Bê-ta-ni-a, đoạn Ngài giơ tay chúc lành
cho họ. Và xảy ra là đang khi Ngài chúc lành cho họ, thì Ngài đã từ biệt
họ và được nhắc lên Trời” (Lc 24,50-51).
- Chúa lên
Trời vào ngày thứ năm tại núi Cây Dầu. Tác giả Lu-ca ghi : “Sau cuộc
thương khó, Chúa Giê-su đã cho môn đệ thấy mình vẫn sống, với nhiều tang
chứng đành rành. Suốt 40 ngày (tức là ngày thứ năm sau Chúa nhật Phục
Sinh) Ngài đã hiện ra với họ và nói về Nước Thiên Chúa. Rồi Ngài lên
Trời xa cách các môn đệ … Bấy giờ các môn đệ trở về Giê-ru-sa-lem từ núi
Cây Dầu, gần bên Giê-ru-sa-lem” (Cv 1,3.11-12)
Lên Trời lần thứ I tại đồi Sọ chính là lúc Chúa
đang dâng Lễ ; lên Trời lần thứ II vào đêm Chúa nhật, thời gian Giáo Hội
sơ khai dâng Lễ, tại địa điểm Bê-ta-ni-a, là nhắc nhở ta khi dâng Lễ
phải có trái tim nghe Lời Chúa như chị Ma-ri-a em của Matta (x Lc
10,38-42) ; lên Trời lần thứ III vào ngày thứ năm, nhằm ngày Chúa Giê-su
lập Bí tích Thánh Thể, địa điểm ở núi Cây Dầu, nơi Chúa Giê-su cầu
nguyện bắt đầu Hy-tế của Ngài (x Lc 22,39-46).
Vậy Thiên Đàng ở giữa loài người, chính là Thánh
lễ Hội Thánh cử hành mà thánh sử Lu-ca đã nhấn mạnh ba lần, qua cách
ông viết Chúa Giê-su lên Trời ba lần.
Tại tiệc cưới Ca-na báo trước hình ảnh tiệc Cưới
Con Chiên, Hy-tế Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a căn dặn loài người : “Giê-su
bảo gì, cứ làm theo!” (Ga 2,5) Cụ thể làm theo Lời Chúa Giê-su dạy
là “vác Thánh giá hằng ngày theo Ta”, là Mẹ muốn chúng ta đi dự
Lễ mỗi ngày để cùng với Mẹ bước chân vào Nước Trời mà ca tụng Thiên Chúa
đã ban cho loài người một người Mẹ sống đạo mẫu mực để chúng ta dõi
bước theo : “Hoàng hậu – Maria - đứng bên hữu Đức Vua, mặc đồ trang
điểm vàng ròng lộng lẫy. Lòng hoan hỷ đoàn người tiến bước, vẻ tưng bừng
vào tận hoàng cung” (Tv 45/44,10.16 : Đáp ca).
Việc ca tụng Mẹ Maria chính là ca tụng Thiên
Chúa, cũng như người ta nhìn một pho tượng tuyệt đẹp, đương nhiên ai
cũng khen ngợi tài khéo của nhà điêu khắc. Thế thì Đức Maria là tuyệt
tác của Thiên Chúa trong muôn loài Ngài dựng nên…
THUỘC
LÒNG.
Mẹ
Maria dạy loài người chỉ một câu : “Giê-su bảo gì cứ làm
theo!” (Ga 2,5)