BÀI GIẢNG
SÓNG GIÓ TRONG CUỘC ĐỜI
Là con người ai trong cuộc đời
cũng gặp nhiều sóng gió, nhất là người Công Giáo lại cảm thấy mình gặp nhiều
sóng gió hơn ai hết. Có ba loại sóng gió làm khổ con người :
-
Sóng
gió bởi thiên nhiên gây nên.
-
Sóng
gió bởi dục vọng, thân phận yếu đuối con người gây ra.
-
Sóng
gió bởi sống sai giáo lý của Chúa.
I. SÓNG GIÓ BỞI THIÊN NHIÊN GÂY NÊN.
Sóng gió do thiên nhiêngây nên như thuyền các Tông Đồ gặp sóng gió trên biển
(x Ga 6, 16-21: Tin Mừng), hoặc
lụt lội, động đất, bệnh tật, chết chóc, tất cả chúng đều có thể bất ngờ phủ lên
đầu mọi người.
Lý do Chúa để thiên nhiên gây sóng
gió cho ta để biết rằng: Thế giới này không phải là nhà vĩnh viễn của ta, và có
khi do loài thụ tạo Chúa dựng nên, nó cướp lấy sự sống ta. Bởi đó, ta khao
khát một thế giới hạnh phúc vĩnh cửu.
II. SÓNG GIÓ BỞI DỤC VỌNG, THÂN PHẬN YẾU ĐUỐI CON NGƯỜI GÂY
RA.
Cụ thể như thánh Phao-lô, vị Tông
Đồ xuất sắc nhất, cũng bị tính xác thịt nổi loạn, làm ông chới với, như ông thú
nhận với giáo đoàn Roma: “Chẳng có gì
lành cư ngụ trong tôi, sự thiện tôi muốn,
tôi không làm, còn điều dữ tôi ghét, tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19), và ông nói:
“Đã ba lần tôi nài xin Chúa đừng để satan
vả mặt tôi, nhưng Chúa trả lời: “Ơn
Ta đủ cho ngươi,vì quyền năng chỉ được bày tỏ vẹn toàn trong yếu đuối”. Ông
Phao-lô nhận ra lý do Chúa cho phép sự dữ tấn công, “để tôi
khỏi tự cao tự đại vì những mạc khải phi thường tôi đã nhận được” (2 Cr
12,7-10). Và như thế càng thấy đời mình làm việc thành công, thì lại càng phải
bám chặt lấy Chúa mà tạ ơn, để nói với mọi người đang ngưỡng mộ
mình: “Chúa đó” (x Ga 21,7),
chứ đừng vênh vang tự đắc như thể mình đã không lãnh nhận bởi Chúa (x 1Cr 4,7).
Vậy “ngã vào tội là người ; ở lại
trong tội là quỷ” (ngạn ngữ Đức). Chúa không muốn ai ở lại trong tội
giống quỷ, vì người ta được dựng nên giống Thiên Chúa! (x St 1,26-27).
Bởi đó ta hãy năng đến tham dự
Phụng Vụ và thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa
Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 51/50,12a ).
III. SÓNG GIÓ BỞI SỐNG SAI GIÁO LÝ CỦA CHÚA.
Có ba loại sóng gió bởi sống sai
giáo lý của Chúa.
§ Sóng gió bởi không tin quyền giáo
huấn của Hội Thánh.
§ Sóng gió do không chu toàn sứ mệnh
ngôn sứ.
§ Sóng gió vì đảo lộn sứ mệnh Chúa
trao.
§ Sóng gió bởi tội đòi làm “thầy
cả”.
1/ Sóng gió bởi
không tin quyền giáo huấn của Hội Thánh.
Vì Chúa muốn mọi người phải được
cứu độ trong một “chuồng chiên” là Hội Thánh Ngài lập, nhất là phải tin vào
quyền giáo huấn của Hội Thánh mà Chúa Giê-su đã trao (x Mt 11,25-26 ; 16,13-19
; Ga 18,19-23 ; Gl 1,8), vì không thể tìm được chân lý vẹn toàn ngoài Hội
Thánh. Thế mà, có nhiều kẻ đã không xác tín như vậy, nên đã ly khai với Hội
Thánh ; nhất là họ thấy nhiều người Công Giáo sống thiếu gương mẫu, không phải
chỉ ở nơi giáo dân, mà còn lần lên tới Giáo hoàng, khiến họ càng không tin vào
quyền giáo huấn Chúa chỉ trao cho Hội Thánh, cho nên họ tách thành nhiều giáo
phái theo ý mỗi người: Nào là Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo ! Sự cố đau lòng
này trái với lời cầu nguyện của Đức Giê-su cho Hội Thánh Ngài được luôn hiệp
nhất: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một như
Con ở trong Cha và Cha ở trong Con” (Ga 17,21-23), không biết bao giờ lời
cầu nguyện này mới được ứng nghiệm !? Thảm họa này tệ hơn xưa kia bà Ma-ri-am
thấy ông Mô-sê lấy vợ ngoại giáo người Kush, nên bà không tin Chúa dùng riêng
ông để nói Lời Chúa cho dân, bà nói: “Dễ
chừng Chúa chỉ phán dạy qua Mô-sê mà thôi sao, Ngài đã không phán dạy ngang cả
chúng ta đó ư ?” Chúa nghe được, Ngài phạt bà bị cùi tức khắc ! (x Ds
12,1-13) Loại sóng gió bởi tội mất niềm
tin vào quyền giáo huấn của Hội Thánh nên lập ra các giáo phái khác, Chúa không
muốn nó xảy ra vì nó chỉ làm khổ mọi người, làm mất vinh danh Chúa ! Thế mà có
ai nhận ra sóng gió đó là do bởi tội mình gây nên, để bắt chính mình phải làm sống
đúng ý Chúa theo giáo huấn của Hội Thánh ?!
2/ Sóng gió do không
chu toàn sứ mệnh ngôn sứ.
Nhìn vào đời sống Hội Thánh sau
hơn 20 thế kỷ, tỷ lệ người Công Giáo không gia tăng, nhưng lại đi xuống cách
trầm trọng! Ngày 5 tháng giêng năm 2010, Đài Chân Lý Á Châu loan tin: “Công Giáo Hòa Lan cách đây 50 năm là một
nước có sức truyền giáo mạnh, nhưng ngày nay 41% tuyên bố vô thần, 58% không
còn biết gì về lễ Giáng Sinh nữa. Nhiều Nhà Thờ thành ký túc xá, tiệm buôn hoặc
biến thành Nhà Thờ Hồi Giáo ! Giới trẻ hiếm có người dạy giáo lý cho, nên chúng
không biết hỏi ai về niềm tin. Một số Linh
mục Dòng Đaminh và Dòng Tên chủ trương Thánh Lễ không cần Linh mục, chỉ
một số giáo dân quy tụ lại cầu nguyện để cùng đồng tế với nhau ! Công Giáo Hòa
Lan có nguy cơ biến mất !”
Dân Chúa hôm nay đang tái diễn
cảnh thất bại thời con cháu Noe xây tháp Babel:
Họ muốn xây tháp chạm Trời, nhưng không thành công, vì không chung một ngôn
ngữ, thế là họ phải tản đi khắp thế giới (x St 11,1-9). Ngày nay nhiều người
Công Giáo bỏ đạo, hoặc sang tôn giáo khác, cũng chỉ vì người ta đến Nhà Thờ
nghe nhiều vị giảng cách tự biên tự
diễn, không giảng đúng với Luật Hội Thánh trong Hiến Chế Phụng Vụ của Công Đồng
Vat.II :
-
Khi
cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh
giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, Hội Thánh đã trích từ Kinh
Thánh những Bài đọc để diễn giải trong Bài giảng” (số 24).
-
Bài giảng thuộc phần hoạt động của
Phụng Vụ, nên phải có thời giờ thích hợp để giảng giải…Phải
hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng
giải đúng với Nghi lễ. Tiên vàn bài giảng phải múc lấy từ nguồn Kinh Thánh
và Phụng Vụ , vì như thế là rao truyền việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch
sử cứu độ (số 35).
-
Bài giảng phải căn cứ vào Thánh
Kinh để trình bày
các mầu nhiệm Đức Tin và các Qui Tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ
năm Phụng Vụ. Bài giảng rất đáng được
coi như một phần của chính Phụng Vụ (số 52).
Vào ngày 23 tháng 03 năm 2010, Đài
Chân Lý Á Châu lại đưa tin: Tổng Giám mục Pháp tại Paris, mùa Chay năm 2010 đã mời
một giáo trưởng Do Thái đến giảng Tĩnh Tâm tại Nhà Thờ Notre-Dame (Nhà Thờ Đức
Bà), nhiều giáo dân phản đối bằng việc lần hạt Mân Côi, thì bị đuổi ra khỏi Nhà
Thờ. Ta biết người Do Thái chỉ tin vào Cựu Ước dọn lòng người để đón chờ Đấng
Mésia, còn Đức Giê-su chỉ là một ngôn sứ, thì họ có dẫn người ta tin vào Đức
Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất không? Và vị giáo trưởng Do Thái đó có dựa vào
những bản văn Kinh Thánh được Hội Thánh
chọn để khai triển các mầu nhiệm Đức Tin và những Quy Tắc cho đời sống người
Ki-tô hữu theo Hiến Chế Phụng Vụ số 52 của Công Đồng Vaticano II hay không? Thế
mà vị Tổng Giám mục này đã dùng quyền đuổi những người chống đối ra khỏi Nhà
Thờ ! Đó có phải là lạm quyền bính hay không? Lẽ ra ông Giám mục này bị đuổi ra
khỏi Hội Thánh mới phải!
Vậy chỉ khi người giáo dân đi dự lễ bất cứ nhà thờ
Công Giáo nào, cũng được nghe lời giáo huấn do các chủ chăn khai triển từ các
bản văn Kinh Thánh mà Hội Thánh đã chọn, làm đúng với Quy Luật Phụng Vụ đã dạy
như trên, thì chắc chắn tháp Babel mới càng ngày càng được xây dựng rộng và cao
hơn ngày lễ Ngũ Tuần, mà giáo dân được Thủ lãnh Phê-rô chỉ huy xây dựng (x Cv
2).
3/ Sóng gió vì đảo
lộn sứ mệnh Chúa trao.
Cụ thể các Tông Đồ của Đức Giê-su
vào thời Giáo Hội sơ khai được giáo dân tín nhiệm, đến nỗi họ bán hết tài sản
góp cho các Tông Đồ để chia sẻ đồng đều cho mọi người. Quả thật, bản chất việc
làm này là tốt, vì đã diễn tả dân Chúa
sống thời cánh chung trong Nước Trời chẳng ai thiếu thốn gì. Vì thế, các
Tông Đồ mải mê công việc này mà xao
nhãng cầu nguyện và giảng Lời, tức là bỏ bổn phận chính yếu mà làm việc
phụ, hậu quả gây sóng gió trong cộng đoàn, các tín hữu bất hòa với nhau ! Kinh
Thánh đã trách: “Nhiều kẻ giữ đạo hình thức, vì nó loại bỏ điều chính mà làm điều phụ”
(2Tm 3,5). Thánh Augustin nói: “Bạn chạy
khỏe lắm đó, nhưng trật đường mất rồi”. Nhưng nhờ Chúa soi sáng cho các
Tông Đồ nhận biết mình sai lầm, nên các ông đã chọn bảy người có uy tín trong
dân gọi là Phó tế, để trao việc quản lý tài sản của Giáo Hội và chia sẻ của cải
cho mọi người không ai dư, không ai túng thiếu ; còn các
Tông Đồ trở về với nhiệm vụ chính là cầu nguyện và giảng Lời, từ bấy giờ
Hội Thánh được bình an và phát triển (x Cv 6,1-7).
Như vậy các Tông Đồ khi đảo lộn sứ
mệnh được Chúa trao phó trong ngày lãnh Bí tích Thánh Tẩy, đặc biệt khi lãnh nhận
Bí tích Truyền Chức, sứ mệnh được Chúa trao qua Hội Thánh là:
I- Tư Tế (cầu nguyện)
II- Ngôn sứ (giảng Lời)
III- Vương đế (điều hành, quản trị, và phục vụ cộng đoàn)
Thế nhưng, các Tông Đồ đã triệt để
thi hành sứ mệnh vương đế, và đưa lên hàng ưu tiên (hạng III đưa lên hạng I).
Họ đã chẳng giống Thầy Giêsu, Ngài vốn dĩ là Vua, nhưng xem ra Ngài không thể
hiện quyền Vua, cụ thể có lần một người xin Ngài can thiệp vào việc chia gia
tài, thì Ngài đã khước từ ! (x Lc 12,13-14), và mặc dù Ngài dư khả năng cho kẻ
đói ăn và chữa lành mọi bệnh tật, nhưng nếu vì việc ấy làm ngăn trở việc cầu
nguyện và giảng Lời, thì Ngài phải trốn nhu cầu của dân mà đi (x Mc 1,21-39).
Thế thì Đức Giê-su chỉ lo chu toàn hai sứ mệnh Tư tế và Ngôn sứ, lại là cách
Ngài chu toàn sứ mệnh Vương đế.
Một số Linh mục tại vùng quê vẫn
còn cường điệu tỏ vương quyền của mình một cách lố bịch: Giáo dân nào không vừa
ý cha Sở, thì bị cha Sở dứt phép Thông Công trước cộng đoàn, trong khi Giáo
Luật không cho phép Linh mục có quyền đó!
4/ Sóng gió bởi tội
muốn làm “thầy cả”.
Thực tế không ai có thể tự mình
giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống mà phải biết phân công việc làm cho người
khác theo khả năng của họ. Cụ thể có một số Linh mục năng nổ ôm đồm mọi việc,
nên xao nhãng việc cầu nguyện và giảng Lời, vì dồn hết thời giờ vào việc mình
không có khả năng chuyên môn, như vừa làm kiến trúc sư, kỹ sư, vừa đi mua vật
liệu xây dựng ! Lại có Linh mục tham gia vào cơ cấu chính quyền, dù Giáo Luật
không cho phép! Kìa ông Mô-sê, khi ôm đồm giải quyết mọi việc trong cộng đoàn,
đã chẳng đi tới đâu, nên nhạc phụ góp ý cho ông: Phải chia cộng đoàn ra từng
đơn vị nhỏ, 1000, 100, 50, 10 người, mỗi đơn vị ấy đặt một thủ lãnh. Các thủ
lãnh tự ý giải quyết những vấn đề trong cộng đoàn của mình. Khi giải quyết
không được, mới đem trình ông Mô-sê, lúc ấy ông Mô-sê mới can thiệp vào việc
của cộng đoàn. Nhờ vậy mà ông Mô-sê không còn quá bận rộn, có đủ sáng suốt để
giải quyết mọi vấn đề, từ bấy giờ cộng đoàn được ổn định, phát triển không
ngừng (x Xh 18,13-23).
Sau khi chúng ta đã nhận định về
những nguyên nhân và tai họa của những loại sóng gió tấn công con người, cho ta
hai xác tín :
a- Có sáu loại sóng gió xô vào đời
ta, nhưng chỉ có hai loại sóng gió đôi lúc Chúa cho phép xảy ra: sóng gió do
thiên nhiên và sóng gió bởi tội con người. Những loại sóng gió này Chúa đều
nhằm giáo dục và huấn luyện ta, nếu có
gây tai họa, thì chỉ thiệt thân xác một số người trong một thời gian ngắn. Trái
lại, bốn sóng gió: không tin vào quyền giáo huấn Hội Thánh, không chu toàn sứ
mệnh ngôn sứ, đảo lộn sứ mệnh Chúa trao, đòi làm “thầy cả”, hoàn toàn do con
người gây ra, nó phá hoại hạnh phúc hồn xác mọi người và kéo dài cho đến vô tận.
b- Sóng gió vì bỏ cầu nguyện và giảng
Lời, không ai khác mà là chính hàng giáo sĩ làm hại biết bao người cả hồn lẫn xác,
bởi vì giáo dân chẳng ai được quyền dâng Lễ hay giải tội, cũng chẳng ai được
phép đứng trên Tòa giảng mà phán, trừ giáo sĩ. Bởi đó dựa vào lời thánh Gioan Maria
Vianey, ta có thể nói: “Giám mục thánh thiện, Linh mục đạo đức ;
Giám mục đạo đức, Linh mục tầm thường ; Giám mục tầm thường, thì Linh mục ra
quỷ ; Linh mục ra quỷ, Hội Thánh sụp đổ!”
Tại sao khi ta bị tai họa sóng gió
xảy đến, ta chỉ quy trách nhiệm cho Thiên Chúa làm khổ con người, mà không biết xét mình để từ bỏ lối sống lạc
xa giáo lý của Chúa !
Vậy mỗi khi ta làm việc gì hãy cầu
nguyện với “Đức Ki-tô nay đã phục sinh,
chính Người đã tạo thành vạn vật, và xót thương cứu độ loài người” (Tung Hô
Tin Mừng), để “xin đổ tình thương xuống
chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33/32,22: Đáp
ca).
THUỘC LÒNG
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II nhắc nhở cho
hàng giáo sĩ: “Một
mối nguy thường xuyên nơi các chủ chăn trong Hội Thánh là năng nổ, đắm chìm
trong công việc của Chúa, mà quên mất Chúa (bỏ cầu nguyện) của công việc”