BÀI GIẢNG
Bài đọc 1 : ( Ml 1: 14b- 2:2b.8-10). Bài đọc 2 : ( 1 Tx 2: 7-9,13). Tin Mừng : ( Mt 23:1-12)
KHIÊM NHƯỜNG VÀ PHỤC VỤ
Nguyên nhân của rất nhiều lỗi lầm trong thế giới hôm qua cũng như hôm nay là việc không nhất quán giữa lời nói và hành động: nói mà không làm. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã phê phán mạnh mẽ các kinh sư và những người Pharisiêu là những người giả hình; và nhân đó, Ngài đưa ra cho chúng ta một bài học sống khiêm nhường và phục vụ.
Đối với người giả hình, bên ngoài, họ tỏ ra là những người tốt lành, thánh thiện, gương mẫu, nhưng bên trong, họ chẳng ra gì; vì lời nói của họ không đi đôi với việc làm: “ Các kinh sư và các người Pharisiêu ngồi trên tòa Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói, thì anh em hãy làm, hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn đụng ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.” Rồi trước mặt kẻ khác, họ tỏ ra mình là người cao trọng hơn kẻ khác. “Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và đước thiên hạ gọi là “ ráp-bi”.
Ngược lại, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một cách sống mới: “ Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ ráp bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”. Như thế, địa vị của mỗi người trong Nhà Thiên Chúa là đồng đều, vì tất cả là anh em. Tất cả chúng ta chỉ có một Cha, một Thầy, một vi Lãnh Đạo. Nhiệm vụ của chúng ta trong Nhà Thiên Chúa là tôn kính Thiên Chúa và phục vụ anh em. Ai được Thiên Chúa trao cho quyền giáo huấn thì hãy thực hành quyền ấy trong tinh thần phục vụ. Những mối liên kếtmà Thiên Chúa muốn đặt giữa những chi thể trong Thân Thể Ngài, là để phục vụ cho sự hiệp nhất và sứ mạng của Hội Thánh.
Tâm lý chung của con người là thích được người khác đề cao, được nể phục, thích phô trương những thành tích, khả năng của mình bằng cách hạ bệ người khác, thích được phục vụ, thích có uyền lực hay địa vị trong xã hội hay Giáo hội. Chúa không chê trách chức vụ hay địa vị trong các tập thể xã hội hay tôn giáo, nhưng từ những địa vị, chức vụ ấy thay vì khiêm tốn và phục vụ thì người ta lại lợi dụng chúng để khoe khoang, kiêu ngạo. Có lẽ vì chưa thực sự tự tin vào chính bản thân mình, nên chúng ta mới cố gắng tìm cách phô trương vỏ bọc bên ngoài để phủ lấp những thiếu sót bên trong.Không chân thành với chính bản thân mình, chỉ là giả dối.
Thầy Tăng Tử nói với đức Khổng Tử: Tôi biết nhà thầy có ba điều, tôi học mãi mà chưa làm được. Nhà thầy thấy người ta có được một điều phải mà quên cả trăm điều trái của người ta, thế là nhà thầy dễ tính; thấy người có điều gì phải, thì vui vẻ như là mình có, thế là thầy không ganh tị; nghe thấy điều gì phải, thì nhất quyết làm, rồi sau mới nói, thế là nhà thầy chịu khó. Nhà thầy là người dễ tính, là người không ganh tị, là người chịu khó, tôi học mãi ba điều ấy của nhà thầy mà chưa có thể làm được.” ( Cổ Học Tinh Hoa, Tuyết Uyển)
Tất cả Giáo Hội, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân đều phải bình tâm suy nghĩ lại cách sống của mình: chúng ta đã sống khiêm nhường và phục vụ Thiên Chúa và anh em theo lời Thầy Giêsu dạy chưa hay vẫn sống theo nếp sống cũ của các luật sĩ và người Pharisiêu! Hãy luôn nhớ rằng:“ Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” Sống chân thật, khiêm nhường và phục vụ là bản chất phải có của những chứng nhân của Đức Kitô.
LM GIUSE TRỊNH NGỌC DANH