BÀI GIẢNG
AI CÔNG TRẠNG HƠN AI?
Bài đọc 1: (Is. 55:6-9)
Bài đọc 2: (Phil. 1:20-24,27)
Tin Mừng: (Mt. 20:1-16)
Sau khi Chúa Giêsu cho các môn đệ biết phần thưởng dành cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Ngài là sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp vào ngày tái sinh, Ngài cho các ông nghe Dụ ngôn Thợ Làm Vườn Nho.
“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng, đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.” Giá thỏa thuận với thợ là 1 quan tiền cho một ngày làm việc. Có người làm từ sáng sớm, nhưng cũng có những người đến giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín mới được ông chủ bảo: “Hãy đi làm vườn nho,tôi tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” ; rồi mãi đến giờ mười một, tức 5 giờ chiều, ông lại đi ra và cũng gặp những người còn đứng tìm việc làm: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho”.
Ông chủ vườn nho không quan liêu hách dịch. Ông không ngồi đó chờ người ta đến xin việc làm. Ngược lại, ông đích thân ra đi tìm thợ làm vườn nho từ sáng sớm cho đến giờ thứ 11. Ông không quan tâm đến thời gian làm việc sớm hay muộn, nhưng căn cứ vào công việc và nhu cầu làm việc. Ông lo lắng đến vườn nho. Ông lại tỏ ra yêu thương quảng đại, hiểu được nỗi khổ của những người thợ chờ chực đến giờ thứ 11 mà chẳng ai mướn.Bất kể giờ nào, ông đều mướn thợ vào là vườn nho cho ông.
Người chủ vườn nho ấy là hình ảnh Chúa Giêsu. Vườn nho là biểu tượng Nước Trời. Đi tìm thợ làm vườn nho là lời mời gọi trở thành con dân của Thiên Chúa, lời mời gọi đón nhận Tin Mừng để được ơn cứu dộ, động thời cũng là lời kêu gọi trở thành tông đồ để phục vụ cho Nước Trời. Sứ vụ của Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người là đem Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người. Suốt ba năm giảng dạy, loan báo Tin Mừng cứu độ đều nhắm đến dân ngoại và người tội lỗi: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi” (Mt.15:24); như người chăn chiên để lại chín mươi chín con chiên kia trên núi để đi tìm con chiên lạc, Chúa Giêsu đã đi đến với dân ngoai, với những người tội lỗi, vì “ Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất” (Mt.18:14)
Chúa Giêsu đến thế gian không phải là xóa bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn. Người ta cho rằng công bằng là mắt đền mắt, răng đền răng. Người vào làm giờ thứ nhất thì phải lãnh tiền công nhiều hơn những người làm việc vào cuối ngày. Nhưng Chúa Giêsu lại đến để kiện toàn bằng luật yêu thương: mến Chúa và yêu tha nhân như chính mình, tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
Những người thợ làm vườn nho từ sáng sớm cho đến những người vào làm vào giờ thứ 11. Tất cả đều cần việc làm. Những người may mắn được gọi vào làm việc từ sáng sớm đã an phận, yên tâm.Chỉ những người chờ chực trông ngóng vào giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, thậm chí đến giờ thứ 11 mà chưa có ai mướn mới bốn chồn. Càng về chiều, nỗi lo lắng càng dâng cao. Cũng may, tất cả đều được ông chủ vườn nho truyển dụng: “Cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho”.
Chiều đến, ông chủ vườn nho cho gọi các người làm vườn nho lại để trả tiền, “bắt đầu từ người vào làm sau chót tới những ngườ làm trước nhất”, mỗi người cũng chỉ nhận được một quan tiền. Những người vào làm trước nhất thấy thế cằn nhằn: ”Mấy người sau chót này, chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Lời so bì ganh tị của những người thợ vào làm vườn nho từ sáng sớm có lẽ cũng tương tự như lời của người anh cả trách móc cha đối xử tốt với người em đi hoang trở về trong dụ ngôn người Cha Nhân Hậu.! Nếu xét theo các hành xử của con người thì việc trả lương như thế là bất công, nhưng hành động và suy nghĩ của Thiên Chúa khác hành động và suy nghĩ của con người.
Những người thợ vào làm giờ thứ nhất là những người Pharisiêu và Do Thái nói chung. Họ là những người có tư tưởng câu nệ về lề luật. Họ tự cho mình là những kẻ thánh thiện hơn người và huênh hoang tự đắc lên mặt khinh chê kẻ khác.Họ đã kích Chúa Giêsu làm bạn, ăn uống với quân thu thuế và người tội lỗi. Họ coi những người thợ vào làm vườn nho vào những giờ cuối là không xứng đáng lãnh tiền công như họ. Họ cằn nhằn, kể công với Thiên Chúa. Họ nghĩ họ xứng đáng được hưởng nhiều hơn. Nhưng Chúa Giêsu lại phán: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Trới trước các ông” (Mt. 21:31).
Có một câu chuyện về ngày phán xét như sau:
Trong ngày phán xét, có một nhóm người đang tụ tập ngoài cửa thiên đàng chờ mở cổng để vào.
Họ rất vui vẻ. Họ là những người bạn cũ lâu ngày mới gặp nhau.Tay bắt mặt mừng. Có người thuộc hội Đạo Binh Đức Mẹ, có người đã là những thành viên trong các Hội đồng giáo xứ, người thì sinh hoạt lâu năm trong các đoàn thể đạo đức khác. Không ai ngạc nhiên vì sao họ được gặp nhau ở đây.
Bỗng họ nghe từ xa xa có tiếng reo hò. Ngạc nhiên, có người hỏi: “Gì thế nhỉ?”
Có người đáp: “Chúa cũng tha cho những người khác nữa!”
Họ ngạc nhiên: “Cái gì! Chúa cũng tha cho những người phạm nhiều tội lỗi nữa ư?”
Tất cả họ đều cảm thây khó chịu. Kế đó, họ lại nghe tiếng kèn vang lên. Họ hỏi nhau: “Lại cái gì thế nữa?”. Cuối cùng thì họ biết rằng cuộc phán xét đã kết thúc, thế nhưng họ vẫn còn đứng chờ ở ngoài cửa thiên đàng.
Ơn Cứu độ, lòng thương xót rộng lượng của Thiên Chúa không có hệ thống giá trị. Chúng ta không thể lấy một chút công trạng của mình để so sánh với tình thương, lòng quảng đại của Thiên Chúa qua cái chết trên thập giá,chết cho người mình yêu. Phô trương công trạng và đòi hỏi quyền lợi riêng tư so với ân sủng dồi dào của Thiên Chúa là hẹp hòi, ích kỷ. Tất cả những gì chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa là ân huệ, là quà tặng phát xuất từ tình yêu bao la của Thiên Chúa. Chúng ta mắc nợ với Thiên Chúa chứ Thiên Chúa không mắc nợ chúng ta. Thay vì so bì với người khác thì hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì “Tôi muốn cho người vào làm sau chót cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? “
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa. Cách Thiên Chúa đối xử với chúng ta rất khác với cách đối xử thông thường của chúng ta với nhau. Câu hỏi của ông chủ vườn nho: “Có phải vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức chăng?” không thể áp dụng vào lẽ công bình mà phải hiểu về lòng khoan dung độ lượng. Đó là lòng độ lượng của Thiên Chúa.
Đừng thắc mắc: Ai là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, và ai là những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót? Hãy để cho Thiên Chúa sắp đặt. Điều quan trọng là hãy tự hỏi: Tôi đã may mắn được kêu gọi làm thợ vườn nho cho Chúa, nhưng tôi đã làm việc như thế nào?
Lm. Giuse Trịnh Ngọc Danh