Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM A
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

Bài đọc 1 : ( Gr 20: 10-13). Bài đọc 2 : (Rm 5:12-15). Tin Mừng : ( Mt 10:26-33)

ANH EM ĐỪNG SỢ

Trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng có nhiều thứ phải sợ: Sợ chết chóc, sợ chiến tranh, sợ bệnh tật, sợ đói kém. Sự sợ hãi nói lên sự yếu kém, bất lực của con người trước thiên nhiên và số phận. Một đôi khi, nếu thiếu can đảm và cảm thấy sợ hãi, đó là một việc bình thường và tự nhiên. Đó cũng là một trong những bản chất của con người. Sự sợ hãi không nhất thiết là một điều xấu. Đôi khi sợ hãi có chức năng  bảo vệ, cảnh báo cho chúng ta về sự hiện diện của một nguy hiểm. Trong trường hợp này, sợ hãi là một ân huệ. Tuy nhiên, sợ hãi có thể là một dị tật. Nó làm tê liệt con người và làm cho con người trở nên hèn nhát.

Ngày xưa, có một con chuột rất sợ mèo. Một thầy phù thủy thương hại nó, hóa phép cho nó thành con mèo. Nhưng sau đó, nó lại sợ những con chó. Thầy phù thủy lại biến nó thành con chó. Nhưng rồi nó lại sợ những con báo. Thầy phù thủy lại hóa cho nó thành con báo. Nhưng rồi nó lại sợ những thợ săn. Tới nước này, thầy phù thủy bỏ cuộc. Ông biến nó trở lại thành con chuột, và nói: “Tao làm cho mày điều gì, cũng chẳng giúp được mày, vì mày có tâm hồn một con chuột.”

Trước khi sai các môn đệ công khai đi loan báo giáo huấn và làm chứng về Ngài trước mặt thế gian, Đức Giêsu biết trước số phận “ trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ”, nên Ngài đã cho họ biết trước những gì sẽ xảy ra, những nguy hiểm nào các ông sẽ phải gặp: nào là bị nộp cho các hội đồng, bị đánh đập, bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền... và Ngài đã động viên họ: “Hãy nói giữa ban ngày, đừng có sợ.”

Làm sao họ không sợ được khi trong quá khứ họ chưa một lần đứng trước công chúng, làm sao họ có thể đủ khả năng để thuyết phục và làm chứng về Thầy của mình được khi chính bản thân họ vẫn còn lờ mờ về giáo huấn của Ngài! Họ có lý để sợ hãi vì thiếu tự tin vào khả năng của mình dù đã được Thầy trang bị cho “ quyền trên các thần ô uế để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”( Mt 10:1)

Khi bảo với các môn đệ: “ anh em đừng sợ hãi”, Đức Giêsu muốn gợi lên trong lòng của họ niềm tin và sự tín thác vào Ngài. Ngài động viên họ can đảm vượt qua sợ hãi: “ Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.”( Mt 10: 19) Như thế, Ngài khuyến khích họ hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa.

Là Kitô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa quyền năng trên mọi thế lực, thế mà chúng ta lại sợ nhưng thế lực có thể giết chết thân xác . Điều đó chứng tỏ niềm tin và sự phó thác vào Thiên Chúa của chúng ta còn yếu kém. Đức tin giúp chúng ta sống tín thác và can đảm.

Cách đây ít năm, tại một quốc gia nọ đang tiến hành cuộc bách hại Giáo Hội, một nhóm tín hữu đã bí mật họp nhau cầu nguyện. Thình lình cửa phòng bật tung ra vì sức đạp của chiếc giày đinh của một người lính trang bị súng máy. Anh ta nhìn quanh rồi lạnh lùng ra lệnh cho mọi người: “ Ai không tin vào ông Kitô thì nhanh chân ra khỏi nơi đây ngay trong  lúc còn thời gian cho các người.” Một bầu khí im lặng ngột ngạt; rồi từ từ, từng người một, bắt đầu đi ra cửa. Chỉ còn lại một nhóm người ít ỏi. Họ nhận thức rõ việc họ làm; vì thế, họ quyết định ở lại và chấp nhận tất cả cho dù chuyện gì có thể xảy ra.

Cuối cùng, người lính đi đến khóa cửa lại, từ từ trở vào, đứng trước mặt những người còn lại. Anh ta mỉm cười, rồi nói: “ Tôi cũng tin vào Đức Kitô. Chẳng thà chúng ta không có những con người như thế còn tốt hơn nhiều.”

Đức tin dẫn chúng ta đến lòng can đảm và phó thác vào Đấng chúng ta tin. Đức tin giúp chúng ta tin chắc lời Thiên Chúa là chân lý. Đức tin giúp chúng ta can đảm vững vàng trong lời nói và hành động.

LM GIUSE TRỊNH NGỌC DANH


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: