Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN NĂM A
BÀI GIẢNG

Bài đọc 1 : ( Is 22:19-23). Bài đọc 2 : ( Rm 11:33-36). Tin Mừng : ( Mt 16: 13-20)

HỘI THÁNH HÔM NAY

Đức Giêsu biết rõ dân chúng nhận định về Ngài như thế nào. Nhưng như để gián tiếp cho chúng ta thấy rằng dân chúng cũng có mặt trong buổi tiến cử hôm nay, nên Ngài đã hỏi các môn đệ: “ Người ta bảo Thầy là ai?” Thay mặt cho dân chúng, các ông đã trình lên Thầy ý kiến, nhận định của họ: “ Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy giả. Kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Dân chúng xem Ngài như một kẻ chết sống lại. Rồi Đức Giêsu quay về với các môn đệ là những người đi theo Ngài để xem các ông nhận định thế nào:“ Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đại diện cho anh em, ông Phêrô đã tuyên xưng: “ Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Qua lời tuyên xưng của ông Phêrô, Đức Giêsu đã xác nhận: “ Này anh Simon con ông Gioana, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Như thế, lời tuyên tín của Phêrô không phải do con người, nhưng là do sự mặc khải của Chúa Cha. Khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, ông Phêrô đã nói lên căn tính của Ngài là Đấng được xức dầu, là Đấng Mêsia mà muôn dân mong đợi, là Đấng  cứu thế. Từ đây, Đức Giêsu đã đổi tên ông Phêrô và tiến cử ông vào một chức vụ mới: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” Phêrô trở thành người đứng đầu Hội Thánh sơ khai ở nơi trần thế.

Đức Giêsu có vội vàng  lắm không khi chỉ mới nghe một lời tuyên xưng như thế mà đã quyết định ngay việc thiết lập Hội Thánh trên nền tảng đức tin của ông Phêrô? Đức Giêsu không vội vàng, cũng không sai lầm, mặc dù Ngài biết những khuyết điểm của ông: Ông là một ngư phủ, ít học, bộc trực. Ông ba lần khẳng định ông yêu mến Thầy, nhưng rồi lại ba lần ông chối Thầy. Đức Giêsu không lấy tiêu chuẩn khôn ngoan hay đạo đức làm nên tảng để trao trách nhiệm, nhưng Ngài dựa trên đức tin, đức mến và lòng nhiệt thành. Ông Phêrô tuy yếu đuối, bất tài nhưng ông lại là một con người khiêm tốn, đầy nhiệt tình, tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã khai sinh Hội Thánh bằng việc rao giảng Tin Mừng, loan báo nước Thiên Chúa đã hứa trong Kinh Thánh. Ngài đã khai sinh Nước Trời trên trái đất. Trước hết, Ngài tuyển chọn nhóm Mười Hai với Phêrô làm thủ lãnh. Việc tiến cử ông Phêrô làm thủ lãnh không những có hiệu lực với các tông đồ mà còn có hiệu lực cho những người kế vị ông.

Một vị linh mục kia cảm thấy rất chán nản vì giáo dân của ngài tỏ ra hờ hửng, thiếu thái độ hợp tác. Môt hôm, cha sở loan báo Giáo Hội đã chết, và Chúa Nhật tới, nếu không ngại, họ có thể đến để dự nghi thức an táng cho Giáo Hội. Ai nấy đều lấy làm lạ về điều cha sở loan báo.

Sáng Chúa nhật sau, mọi người đến và nhìn thấy một chiếc quan tài được đặt trên gian cung thánh, nắp còn mở để sang một bên.

Cha sở mời mọi người, từng người một, lên chào Giáo Hội lần cuối. Mọi người lần lượt đi lên, nhìn vào quan tài để xem thi hài Giáo Hội như thế nào. Họ thấy dưới đáy quan tài có một tấm gương lớn. Khi họ nhìn vào đó, họ nhìn thấy gì? Họ đã nhìn thấy Giáo Hội.

Kitô hữu hôm nay không phải chỉ hiệp thông cầu nguyện và xây dựng Giáo Hội phổ quát, nhưng còn được kêu gọi cầu nguyện, cộng tác để xây dựng Giáo Hội địa phương là Giáo phận, Giáo xứ; vì ở đây, chúng ta được sinh ra trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng các bí tích, được chăm sóc mục vụ từ nơi cộng đoàn. Đừng đứng bên ngoài Giáo Hội để chỉ trích phê phán, nhưng hãy ý thức vai trò tích cực của mình trong công việc xây dựng giáo phận, giáo xứ. Đó là sự tích cực xây dựng và cộng tác với Giáo Hội hoàn vũ.

LM GIUSE TRỊNH NGỌC DANH


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: