BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : 2 V 25, 1-12
1 Ngày mồng mười tháng mười, năm thứ chín triều Xít-ki-gia-hu, Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, cùng toàn thể đạo quân tiến đánh Giê-ru-sa-lem. Vua đóng trại và đắp chiến luỹ chung quanh để đánh thành.2 Thành bị vây hãm cho đến năm thứ mười một triều vua Xít-ki-gia-hu.3 Vào mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, và không có bánh cho dân trong xứ.4 Thành bị chọc thủng một lỗ. Đang đêm, tất cả các binh lính đi ra theo con đường cửa giữa hai bức tường, gần vườn của vua, -bấy giờ quân Can-đê đang bao vây thành-, rồi họ đi theo con đường hướng tới A-ra-va.5 Đạo quân Can-đê rượt theo và đuổi kịp vua trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô; toàn thể đạo quân của vua bỏ vua chạy tán loạn.6 Chúng bắt vua và đem lên Ríp-la gặp vua Ba-by-lon, chúng tuyên án kết tội vua.7 Chúng cắt cổ những người con của vua Xít-ki-gia-hu trước mắt vua cha. Rồi vua Ba-by-lon đâm mù mắt vua Xít-ki-gia-hu, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Ba-by-lon.
8 Ngày mồng bảy tháng năm, -đó là năm thứ mười chín triều Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon-, quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan, thuộc hạ của vua Ba-by-lon, vào Giê-ru-sa-lem.9 Ông đốt Nhà ĐỨC CHÚA, đền vua và mọi nhà cửa ở Giê-ru-sa-lem; ông còn phóng hoả đốt mọi dinh thự các nhà quyền quý.10 Toàn thể đạo quân Can-đê, dưới quyền quan chỉ huy thị vệ, phá huỷ các tường thành chung quanh Giê-ru-sa-lem.11 Quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan bắt những người dân còn sót lại trong thành, những người đã đào ngũ theo vua Ba-by-lon, và những người thợ thủ công còn sót lại phải đi đày.12 Nhưng quan chỉ huy thị vệ chừa lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác.
ĐÁP CA : 136
Đ. Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm. (x c 5a.6a)
1 Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xi-on; 2 trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn.3 Bọn lính canh đòi ta hát xướng, lũ cướp này mời gượng vui lên: "Hát đi, hát thử đi xem Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài! "
4 Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? 5 Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại!
6 Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm, nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giê-ru-sa-lem làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.
BÀI GIẢNG
CHỈ DUY CHÚA GIÊSU CỨU TA THOÁT NÔ LỆ SATAN
Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay (2 V 25, 1-12) ghi lại biến cố lịch sử đau thương nhục nhã nhất của dân Israel, một dân Chúa đã tuyển chọn và hứa đưa vào định cư trên miền đất chảy sữa và mật. Như thế trên trần gian chỉ có dân Israel được Chúa ưu ái chăm sóc cho họ được sống hạnh phúc sung mãn. Khi họ đã được định cư vào miền đất Hứa, họ xây đền thờ Giêrusalem để đặt hai Hòm Bia Thiên Chúa đã từng cứu họ thoát tay kẻ thù. Đền Thờ này là một kiệt tác, đến nỗi sử gia Giuse Flavius nói : “Một trăm vẻ huy hoàng của vũ trụ, thì Giê-ru-sa-lem chiếm 90”. Đền Thờ này dân Israel dâng kính Thiên Chúa, họ coi đây như một pháo đài có Chúa ở cùng để gìn giữ họ. Kẻ thù nào cả gan động đến dân tộc Chúa chọn, chắc chắn Chúa không tha mạng. Thế nhưng vào năm 587 đến 583 trước công nguyên, Giêrusalem hoàn toàn thất thủ, dân bị lưu đày bên Babylon.Biến cồ này khởi sự vào năm 587 trước công nguyên, khi vua Khitkigiahu khởi nghĩa chống lại quân Canđê, quân Canđê trở lại tiêu hủy Giêrusalem cùng với Đền Thờ. Quân đội Israel phải đục tường mà tháo chạy, nhưng cũng bị bắt hết, còn vua Israel thì bị chọc thủng mắt, trói bằng xích đồng, đưa về nhốt tại Babylon, và toàn dân bị bắt lưu đày cùng với vua.
Sở dĩ dân Israel phải khốn như vậy là vì họ đã không nghe và thực hành Lời Chúa qua các ngôn sứ được Chúa sai đến răn dạy họ. Nhưng đó là dấu chỉ về những ai vào thời Tân Ước không nghe Lời Chúa qua Hội Thánh, thì chắc chắn sẽ bị làm nô lệ cho Satan, còn khốn nạn hơn dân Do Thái làm nô lệ cho Babylon. Người Do Thái quan niệm rằng kẻ nào bị cùi là hậu quả của tội lỗi, ai động đến người cùi thì cũng bị dơ (bị mắc tội). Do đó người cùi chỉ dám cất tiếng xin Đức Giêsu : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi nên sạch”. Đức Giêsu có quyền tỏ ý muốn,bệnh cùi biến mất ngay, vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài lại động vào người cùi và nói : “Ta muốn, hãy nên sạch”, và ngay đó phung hủi người ấy đã được sạch (x Mt 8, 2-3 : Tin Mừng). Dưới con mắt của người Do Thái, họ hiểu rằng Đức Giêsu đã tha tội cho người cùi. Và Đức Giêsu còn muốn mọi người phải nhận ra Ngài có quyền như thế, để minh chứng duy mình Ngài giải phóng người ta khỏi nô lệ Satan, và Đức Giêsu đã biết trước khi Ngài động vào người cùi là phạm Luật Do Thái, người ta sẽ ghét Ngài và lấy cớ giết Ngài. Nhưng chính lúc những kẻ có tội giết Ngài, Ngài mới thực sự tha tội cho cả loài người, nhưng chỉ ai tin thờ Ngài là Thiên Chúa Cứu Độ, mới được Ngài giải phóng khỏi tội lỗi, thoát nô lệ Satan.
Vậy Đức Giêsu qua việc chữa lành người cùi trong Tin Mừng hôm nay, Ngài muốn mọi người xác tín rằng :
1/ Phục vụ ai là chấp nhận phiền hà mất mát, càng bị quấy rầy,càng mất mát, thì Đức Ái càng lớn, Chúa càng thưởng công nhiều.
2/ Đức Giêsu hết lòng thương người cùi, nên Ngài động vào người ấy, nghĩa là “Đức Kitô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (THTM) tức là Ngài muốn gánh lấy tội của người đó, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia (53,2-4): “Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề”. Để qua việc Đức Giêsu chữa lành anh cùi, người ta nhận Ngài là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã loan báo trước, hầu họ được sự sống đời đời như Ngài nói : “Sự sống đời đời là nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai là Đức Ki-tô Giê-su (Đấng Mêsia)” (Ga 17,3).
Ông Abraham là mẫu người sống lòng mến tuyệt vời, đã hết lòng thương cháu Lot, sẵn sàng nhường đồng cỏ mầu mỡ, xanh tốt cho cháu. Nhưng sau này chính nơi cháu Lot chọn, miền đất Sôđôm, đã trở thành mồi ngon cho bọn cướp, chúng đến tàn sát hết mọi kẻ chống lại chúng, và bắt Lot cùng với toàn bộ tài sản của Lot. Nghe tin dữ ấy, ông Abraham vội vàng đem quân đi giải vây và lấy lại toàn bộ tài sản cho cháu Lot. Rõ ràng ông Abraham đã có lòng bác ái đối với Lot, ông nhường cho cháu chọn đồng cỏ tốt, và nhất là không màng chi đến mạng sống của mình khi nghênh chiến với quân thù để cứu cháu (x St 13.14).
Nhờ có lòng mến như trên, ông đã được Thiên Chúa hứa: "Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc. Ta sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều: Ta sẽ làm cho ngươi thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây sẽ là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này." (St 17,4-7).
"Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác.Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì” (St 17,9-10 : Bài đọc năm lẻ).
Đây là Giao Ước thứ hai giữa Thiên Chúa và ông Abraham (x St 15), ở đây có thêm dấu chỉ cắt bì để được thuộc về dòng tộc của ông. Vì thế, tên ông Abram được Thiên Chúa đổi thành Abraham, có nghĩa từ nay Thiên Chúa là chủ vận mệnh của ông (x St 15), và là “cha của vô số dân tộc” (x Rm 4,17)
Không những thế, Thiên Chúa còn hứa cho người vợ chính thức của ông : “Xa-rai, vợ ngươi, ngươi không được gọi tên là Xa-rai nữa, nhưng tên nó sẽ là Xa-ra.Ta sẽ chúc phúc cho nó, Ta còn cho nó sinh cho ngươi một con trai, và đặt tên là Isaac. Ta sẽ chúc phúc cho nó, nó sẽ trở thành những dân tộc; vua chúa các dân sẽ phát xuất từ nó” (x Bài đọc năm lẻ).
3/ Việc Đức Giêsu bảo người cùi đến trình diện hàng tư tế để dâng lễ tạ ơn theo Luật dạy (x Lv 14, 1-32), khi được các tư tế chứng nhận khỏi bệnh thì,người ấy mới được trở lại sinh hoạt với cộng đoàn. Đó cũng là dấu chỉ Chúa chỉ muốn cứu con người trong Hội Thánh của Ngài. Vì thế Hiến Chế Hội Thánh số 9 nói : “Chúa không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết”.
4/ Người đến Đền Thờ trình diện và dâng lễ. Người Công Giáo, sau khi được lãnh Bí tích Thánh Tẩy, người ấy đã được thuộc về dòng tộc của Chúa Giêsu, hơn xưa người Do Thái sau khi chịu cắt bì, chỉ được kể là dòng tộc của tổ phụ Abraham. Nếu họ năng đến Nhà Thờ để hiệp thông với các tư tế thời Tân Ước dâng Lễ tạ ơn Chúa. Đặc biệt, nhờ lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô trong Hy Tế, hằng ngày ta được tẩy sạch tội lỗi, hơn máu con vật hàng tư tế Cựu Ước lấy vảy trên người mới được khỏi cùi (x Lv 14, 6-7), và còn được Chúa Giêsu làm Chủ cuộc đời mình, được đồng hóa với Ngài, được sống bằng sự sống của Thiên Chúa (x Dt 2,11 và Ga 6,57) hơn tổ phụ Abraham xưa. “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 127/126,4 : Đáp ca năm lẻ).
Trong Tin Mừng của Mattheu tuy có ghi Đức Giêsu cấm người cùi nói về Ngài. Nhưng không ghi người ấy có tuân lệnh hay không. Còn trong Tin Mừng của Marco và Luca đều ghi lệnh cấm của Đức Giêsu, nhưng :
- Mc 1,45 : Người cùi rao giảng về Đức Kitô mạnh hơn, khiến dân kéo đến với Ngài và chỉ tìm được Ngài nơi vắng vẻ.
- Lc 5,15 :Dân chúng loan truyền về Ngài và tin ấy lan rộng khắp nơi, khiến nhiều người kéo đến để được nghe Ngài dạy trước khi được chữa lành bệnh, còn Ngài thì lại rút vào nơi vắng cầu nguyện.
Vậy Mc và Lc nhấn mạnh lệnh Đức Giêsu cấm loan báo về Ngài không được ai tuân theo. Điều nghịch lý này Ngài muốn nhấn mạnh :
* Việc rao giảng không do Luật dạy hay cho phép mà khởi đi từ lòng mến, như lời thánh Tông Đồ nói : “Tôi có sự thật về Đức Kitô không ai bịt miệng tôi được” (2 Cr 11,10).
* Đặc biệt ông Luca nhấn mạnh việc chữa lành bệnh không quan trọng, mà đến nghe Lời Chúa và cùng với Đức Giêsu cầu nguyện mới quan trọng, vì đây là nguyên lý giải quyết mọi đau khổ, thoát nô lệ Satan.
Mà thực, người ta chỉ nghe Lời Chúa và cầu nguyện qua Phụng Vụ của Hội Thánh cử hành, đây là thể thức cầu nguyện giá trị trổi vượt hơn mọi lề thói cầu khẩn phát xuất từ tình cảm trong dân. Chân lý này đã được tiên báo qua tâm tư của người Do Thái, khi bị lưu đày bên Babylon, họ chỉ mong được trở về Giêrusalem để cầu nguyện cùng Thiên Chúa : “Giê-ru-sa-lem hỡi lòng này nếu quên ngươi,lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm” (Tv 137/136, 5a.6a : Đáp ca năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Tôi có sự thật về Đức Kitô không ai bịt miệng tôi được (2 Cr 11,10).
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH