BÀI GIẢNG
ĐỜI
SỐNG HỘI THÁNH CHÚA KITÔ
Qua các Bài đọc
trong Thánh Lễ hôm nay, Lời Chúa cho chúng ta hiểu về đời sống Hội Thánh Chúa
Kitô :
-
Hội Thánh Chúa Kitô là một cộng đoàn
tốt xấu lẫn lộn.
-
Sống trong Hội Thánh phải kiên tâm
chịu đựng trong niềm hy vọng chiến thắng sự dữ nhờ Chúa.
-
Khi người Công Giáo nhỏ lại, thì Chúa
thêm rộng tay che chở mọi người.
-
Trách nhiệm canh tân môi trường để
cùng sống vươn lên.
***
I. HỘI THÁNH CHÚA KITÔ LÀ MỘT CỘNG ĐOÀN
TỐT XẤU LẪN LỘN.
Đức Giêsu nói : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống
tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm
cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng
xuất hiện.” (Mt 13,24b-26: Tin Mừng).
-“Người đi gieo giống tốt vào ruộng”. Chính là Đức Giêsu
và những người được Ngài sai vào trần gian gieo hạt giống Lời Chúa, gieo gương
lành vào lòng tha nhân.
-“Kẻ gieo cỏ lùng vào ruộng”. Chính là Satan
cùng những kẻ theo nó gieo lời nghịch chân lý, trái ý Chúa, gây thói xấu đầu
độc mọi người. Thực ra thì chẳng ai thấy quỷ gieo cỏ lùng, mà tiếc thay chỉ
thấy người đời quanh ta, mà nhiều lúc lại là chính mình! Bởi thế mỗi người nếu
khiêm tốn và thành thật nhìn lại mình, thì có lẽ từ sáng đến tối chưa gieo một
câu Lời Chúa vào lòng người, cũng như chưa làm được việc lành nào để đồng loại
bắt chước, mà toàn làm bậy, nói láo, tệ hơn cỏ lùng mọc bên lúa. Vì cỏ lùng
không biến lúa giống nó, nhưng kẻ làm bậy nói láo thì lôi kéo người anh em theo
quỷ thành con cái hỏa ngục gấp đôi mình! (x Mt 23,15b).
Thực ra, hướng về
điều xấu thì nghịch với bản tính Chúa phú bẩm cho mỗi người. Bởi lẽ ai cũng
thích điều thiện. Nhưng thế nào là thiện thế nào là ác? Và có thực hiện được
hay không, thì còn phải lệ thuộc vào sự giáo dục và ý muốn của Thiên Chúa cũng
như ơn Ngài ban.
1/ Hành thiện lệ thuộc vào giáo dục.
Một người không
được giáo dục theo giáo lý Công Giáo, nhiều khi họ làm điều ác lại cho là thiện.
Đan cử như ông Saulô đi bách hại người Công Giáo thời Giáo Hội sơ khai, ông lại
cho đó là để bảo vệ giá trị Luật Chúa ban qua ông Môsê, bảo vệ uy quyền Chúa.
Vì thế Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Có
kẻ giết được anh em mà lại tưởng là tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 16,2).
2/ Lệ thuộc vào ý Chúa và ơn Chúa.
Thực vậy, cả đến
thánh Tông Đồ, cột trụ Hội Thánh, còn phải thốt lên sự yếu đuối bất lực của
mình, ông thú tội với giáo đoàn Roma : “Tôi
biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy,
muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì
tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19).
Điều ấy làm ông ray rứt và đau khổ, vì muốn “nên hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5,48), nên đã ba lần ông thưa
cùng Chúa : “Xin Chúa đừng để cái dằm đâm
vào thân xác con, đừng sai thủ hạ satan đến vả mặt con”. Nhưng Ngài quả quyết
với tôi : “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự
yếu đuối”, nên tôi hiểu rằng Chúa cho phép sự dữ tấn công tôi, để tôi khỏi tự
cao tự đại về những mạc khải phi thường tôi đã nhận được. Vì thế tôi rất tự hào
về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr
12, 7-10).
Nhìn vào lịch sử
Hội Thánh hơn 20 thế kỷ qua, nhất là vào những năm 1378 – 1417, gần ½ thế kỷ, các Hồng y và cả Giáo
hoàng tranh giành nhau quyền bính :
- Nào là Giáo hoàng ở Roma
(Ý)
- Nào là Giáo hoàng ở Avignon (Pháp).
- Nào là Giáo hoàng ở Pisa (Bỉ).
Vị nào cũng nhận
mình là Giáo hoàng chính thức, kế vị thánh Phêrô, rồi vị này phê bình vị kia!?
Trải qua kinh nghiệm với những biến
cố như trên, Hội Thánh phải khiêm tốn nói về mình : “Hội Thánh tuy là thánh, vì Đầu của Hội Thánh là Chúa Kitô Giêsu, Ngài
là Đấng Thánh, nhưng Hội Thánh còn ôm ấp trong lòng các tội nhân. Do đó, Hội
Thánh không ngừng phải sám hối và canh tân.” (Hiến Chế Hội Thánh số 8).
Chúng ta có nhận ra khuôn mặt Hội
Thánh như trên, thì mới hiểu được Lời Đức Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn cỏ lùng: “Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con
cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ.
Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là cácThiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ
lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như
vậy. Con Người sẽ sai các Thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù
gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng
chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công
chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”
(Mt 13, 38-43 : Tin Mừng).
Vậy nếu có ai hỏi tôi : “Tại sao trong Hội Thánh Công Giáo có nhiều
thói xấu từ thủ lãnh đến giáo dân, mà bạn còn tin theo làm gì ?” Thì tôi
trả lời : “Nếu Hội Thánh là tổ chức của
loài người, thì những thói xấu ấy đã kéo Hội Thánh sụp đổ, nhưng Hội Thánh qua
bao thế kỷ vẫn đứng vững, vì Hội Thánh là của Thiên Chúa, cho nên tôi tin!”
II. SỐNG TRONG HỘI THÁNH PHẢI KIÊN TÂM
CHỊU ĐỰNG TRONG NIỀM HY VỌNG CHIẾN THẮNG SỰ DỮ NHỜ CHÚA.
Đức Giêsu nói : “Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng
cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải
ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?
" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó! " Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn
chúng tôi ra đi gom lại không? " Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ
lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi,
còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi." (Mt 13, 26-30 : Tin
Mừng).
Trong nghề nông, ai cũng thấy : Rất
khó phân biệt cây lúa với cỏ lùng, để nhổ cỏ mà thiêu đi. Đấy là lý do Chúa
không muốn ai diệt kẻ ác sớm. Vì đã bất lực không phân biệt cỏ lùng và lúa, thì
làm sao biết kẻ dữ người lành, nên Chúa muốn người lành phải sống chung với kẻ
tội lỗi. Vả lại “người ta chỉ nhìn bề
ngoài mà đánh giá, còn Thiên Chúa thì nhìn tận đáy lòng mọi người” (1Sm
16,7). Kinh nghiệm cha ông ta để lại : “Dò
sông dò biển được, nhưng ai có thể dò được lòng người”. Rất nhiều lúc ta
nhìn bề ngoài tưởng là tốt hóa ra xấu ; hoặc tưởng xấu mà thực chất nó tốt.
Một ông chồng kia
có máu ghen, mỗi khi đi làm về thường hỏi con : Hôm nay có ai đến nhà thăm má
không? Nhiều lần bé lắc đầu, nhưng lần kia, ba nó vừa cất tiếng hỏi : Hôm nay, ba đi vắng có ai đến nhà mình không? Bé
vui vẻ đáp : Có bác Năm đến hôn má con. Thế là ông đùng đùng nổi giận, chạy
thẳng xuống bếp thấy vợ đang ngồi giặt quần áo, ông xông vào đánh túi bụi, bà
vợ không biết chuyện gì hoảng sợ la lớn cầu cứu lối xóm, người ta kéo đến nhà
hỏi chuyện gì, ông chồng phân bua : Tôi đi vắng nó rước trai về, con tôi nói
thì không thể sai được. Người ta hỏi em bé : Con nói gì với ba, mà ba đánh mẹ
như vậy? Bé mếu máo vì thấy mẹ bị ba đánh, nó giơ tay chỉ vào gò má thưa : Con
nói bác Năm đến nhà hôn vào má con nè!.. Nghe thế ai cũng ngỡ ngàng ….!?
Ta dư biết không bao giờ cỏ thành
lúa ; nhưng có khi kẻ ác sau này lại là thánh. Đan cử :
- Biệt phái Saulô nhận trát các thượng tế, ông đi lùng bắt
người Công Giáo ở Đamas (x Cv 9). Nhưng khi ông được Chúa Ki-tô chộp lấy, ông
đã trở thành vị Tông Đồ xuất sắc nhất, đến nỗi ông khoe với giáo đoàn Corintho
: “Thiết tưởng nào tôi có thua gì các
Tông Đồ thượng đẳng kia” (2Cr 11,5). Bởi đó ông hãnh diện kêu gọi : “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đối với
Chúa Ki-tô” (1Cr 11,1).
- Bà Maria Madalena bị bảy quỷ ám, thế mà nhờ gặp Đức Giêsu,
được Ngài trừ quỷ cho, từ bấy giờ bà góp tiền của chung đường truyền giáo với
các Tông Đồ đi theo Đức Giêsu, và bà là người đầu tiên đưa Tin Mừng Chúa Giêsu
Phục Sinh cho các môn đệ (x Lc 8,1-3 ; Ga 20,18).
- Ông Augustin, hơn 30 năm đằm mình trong tội lỗi, nhưng nhờ
người mẹ kiên tâm cầu nguyện, ông đã trở thành thánh Giám mục Tiến sĩ của Hội
Thánh.
Khi ta nhìn mảnh
đất không một cọng cỏ mọc, thì mảnh đất đó cũng chẳng trồng trọt được gì. Nếu
thế thì Chúa để cho kẻ xấu sống chung với người lành, để người lành có dịp tỏ
lộ đức ái, nhất là cầu nguyện cho họ, thì lại được đồng danh với Đức Giêsu là
“Con Đấng Tối Cao” (x Lc 1,32=Lc 6,35). Trong cùng một ý tưởng này, thánh
Phaolô nói với giáo đoàn Corintho : “Những
sự chia rẽ giữa anh em thế nào cũng có,nhưng nhờ vậy mới biết rõ ai là người
đạo đức chắc chắn” (1Cr 11,19)
Vậy đừng ai sợ sự
ác thắng sự thiện, vì “Thiên Chúa hành
động theo sức mạnh của Ngài cách công minh chính trực, Ngài là Chúa bá chủ vạn
vật, nên nương tay với muôn loài. Kẻ nào không tin Chúa nắm trọn quyền năng,
thì Ngài tỏ sức mạnh, kẻ nào biết như thế mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.
Nhưng Chúa khoan hồng, vì Ngài làm chủ sức mạnh, Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà
cai quản mọi người. Nhưng có thể sử
dụng quyền năng bất cứ lúc nào Ngài muốn. Làm như thế Chúa dạy mọi dân rằng :
Người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho loài người niềm hy vọng tràn
trề, là kẻ có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12,16-19 : Bài đọc I). Vì “mọi kẻ thù phải đặt làm bệ kê chân Ngài”
(Tv 110/109, 1). Nhưng “Chúa là Đấng nhân
hậu và khoan hồng” (Tv 86/85,5a : Đáp ca). Nhìn vào thực tế trong xã hội : Kẻ yếu mới lo diệt đối thủ, còn người
mạnh sống thảnh thơi, chẳng quan tâm ai hại mình. Vì người mạnh muốn diệt ai lúc
nào là tùy ý muốn. Đan cử như nước Mỹ, vì là một cường quốc, chính quyền chẳng
cấm ai biểu tình, dân tha hồ bày tỏ ý kiến riêng, dù đối lập với Nhà nước, miễn
là có lý do.
III. KHI NGƯỜI CÔNG
GIÁO NHỎ LẠI, THÌ CHÚA THÊM RỘNG TAY CHE CHỞ
MỌI NGƯỜI.
Đức Giêsu nói : “Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ
ngôn khác. Người nói : "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ
lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống,
nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời
tới làm tổ trên cành được." (Mt 13, 31-32 : Tin Mừng).
Việt Nam không có loại cải như ở
Palestin, nếu Đức Giêsu đến VN, chắc chắn Ngài sẽ nói : “Nước Trời giống như
cây trứng cá”, vì hạt trứng cả nhỏ nhất trong các hạt nhưng gieo xuống nó mọc
lên cành lá sum suê, ai cũng thích ngồi dưới gốc nó nghỉ ngơi, trẻ con thì leo
trèo hái trái.
Hội Thánh phải nhỏ bé, biểu lộ rõ
nhất là khi bị trù dập vì Tin Mừng, thì Hội Thánh lại càng phát triển. Đan cử :
- Ông Gioan Bt ngăn cản vua Hêrôđê không được cướp vợ anh
mình, nên ông bị cắt đầu, thì Đức Giêsu lại bắt đầu đi rao giảng (x Lc 3,19-22
; Lc 4). Ông Gioan chỉ là chiếc đèn dầu được thắp vào ban đêm, đã bị dập tắt (x
Ga 5,35) ; thua xa Đức Giêsu là Mặt Trời Công Chính mọc lên đem sự sống cho
muôn loài (x Lc 1,78b-79).
- Người ta giết Đức Giêsu thì các Tông Đồ lên đường đi khắp
thế gian ban Thánh Tẩy và rao giảng Lời cho những người thiện tâm (x Mt 28).
- Phó tế Stephano bị ném đá chết, thì các tín hữu liền tản đi
khắp đi, đến đâu họ cũng giảng Tin Mừng (x Cv 7-8).
Đó là sức bật của
Tin Mừng như chiếc lò xo càng bị lực nén mạnh, nó càng bung lên mạnh hơn ; nước
tích lại nhiều trở thành lụt lội ; khí ép trong bình, xì ra rất mạnh. Bởi thế, ông
Tertuliano nói : “Máu các thánh Tử Đạo là
hạt giống phát sinh các Ki-tô hữu”.
Điểm vài chứng từ để
hiểu thêm về mầu nhiệm Hội Thánh tuy bé nhỏ nhưng che chở cho muôn dân :
- Nhìn vào Giáo Hội
địa phương như ở Việt Nam, bị mang tiếng là “phản động”, nhưng nếu không có đạo
Công Giáo được các giáo sĩ phương tây đưa đến thì làm sao dân Việt có chữ quốc
ngữ, có nhiều trường học được xây dựng ?
- Nhìn vào Giáo Hội hoàn cầu, chính
nhờ việc rao giảng Tin Mừng, mà xóa đi giai cấp nô lệ, nhờ Công giáo mà thế
giới có lịch dùng chung vào triều đại Giáo hoàng Grégorio XIII, từ năm
1505-1583, có cách ký âm chung cho mọi dân tộc nhờ thày dòng Giuon.
- Trong thế chiến II, nếu không nhờ
Đức Giáo hoàng Pio XII can thiệp, thì chính quyền Ý đã dùng vũ khí của Marconi
tiêu diệt hết nhân loại, nếu không tùng phục dưới quyền nước Ý.
- Sau khi ông Gorbachov gặp Đức Giáo
hoàng Gioan Phaolô II, thế giới chỉ còn một khối. Người ta đặt câu hỏi : “Có phải Đức Giáo hoàng xúi ông Tổng Bí thư
Liên Xô dẹp bỏ Cộng sản không ?”
Ngài trả lời : “Tôi chỉ có nhiệm vụ nhắc
lại chân lý của Đức Kitô.”
IV. TRÁCH NHIỆM
CANH TÂN MÔI TRƯỜNG ĐỂ CÙNG SỐNG VƯƠN LÊN.
Đức Giêsu nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà
kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Mt 13,33 :
Tin Mừng). Đức Giêsu muốn ta nhớ đến bà Sara
lấy chút men vùi vào ba đấu bột
làm bánh đãi ba người khách lạ, lòng nhân ái ấy Chúa đã cho vợ chồng già
Abraham và Sara son sẻ được sinh Isaac. Từ dòng giống này muôn dân được chúc
phúc (x St 18 và 22). Nhưng thực ra phúc lành Chúa ban cho muôn dân từ dòng
giống ông Abraham, chỉ khởi đi từ lúc Con Thiên Chúa sinh vào đời, phục vụ đến
chết để cứu muôn dân.Vì “ngoài Đức Giêsu Kitô, không ai có thể
được cứu độ” (Cv 4,12). Mà Chúa muốn ta phải sống đức ái mới thu gom nhiều người
về cho Ngài, như thánh Gioan Maria Vianey nói : “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến”. Sống đức ái trở thành
muối và ánh sáng cho thế gian (x Mt 5,13). Muối là loại thực phẩm rẻ tiền,
chẳng ai quan tâm, thế nhưng bữa tiệc mà thiếu muối (thực phẩm lạt) chẳng ai
muốn ăn. Đời con người thiếu muối thì cũng hết sống ; thịt, cá không ướp muối
ra ươn thối ; thiếu ánh sáng không ai biết đường mà đi, mọi người bó tay chẳng
làm được việc gì, thiếu ánh sáng mặt trời thì không thể có môi trường trong
sạch và cũng không có sự sống.
Vậy Hội Thánh Công Giáo muốn chứng
tỏ sức vươn của mình để muôn dân nương nhờ, thì mỗi tín hữu phải biết quý trọng
năng tham dự Phụng Vụ Thánh Thể, để được Chúa Thánh Thần chiếm đoạt và hướng
dẫn, như thánh Tông Đồ nói : “Có Thần Khí
giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay
nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng
thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp
cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.” (Rm 8,26-27 : Bài đọc II). Nhất là
nhờ Chúa Thánh Thần (Thần Khí) cho ta được kết hợp với Đức Giêsu mà tạ ơn Chúa
Cha : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con
xin ngợi khen Cha, vì đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn”
(Mt 11,25 : Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Tôi chịu thua lỗ về hết mọi sự trước mối lợi tuyệt vời là
học biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi! (Pl 3,8).
LM GIUSE ĐINH QUANG THỊNH