Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Thứ Ba sau CN 4 - mùa Chay
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Ed 47,1-9.12
1 Khi ấy, thiên sứ dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía Đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ.2 Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng bắc và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía đông, và này: nước từ phía bên phải chảy ra.3 Người ấy đi ra phía đông, tay cầm dây đo, đo 1.000 xích rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến mắt cá chân.4 Người ấy đo 1.000 xích nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến đầu gối. Người ấy lại đo 1.000 xích nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến ngang lưng.5 Người ấy còn đo 1.000 xích nữa: đó là một con sông, tôi không thể đi qua được vì nước đã dâng cao, khiến không thể đi qua mà chỉ bơi mới được thôi.6 Người ấy bảo tôi: "Ngươi có thấy không, hỡi con người? " Rồi người ấy dẫn tôi trở lại bờ sông.7 Khi tôi trở lại, thì này: có rất nhiều cây cối ở hai bên bờ sông.8 Người ấy bảo tôi: "Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành.9 Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.12 Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc."
ĐÁP CA: Tv 45
Đ.        Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
            Thiên Chúa nhà Giacob là thành bảo vệ ta.    (c 8)
2 Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.3 dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu,
5 Một dòng sông chảy ra bao nhánh đem niềm vui cho thành của Chúa Trời: đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao. 6 Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển; ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
8 Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta. 9a Đến mà xem công trình của Chúa, Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Tv 50,12a.14a
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ.
TIN MỪNG: Ga 5,1-3a.5-16
1 Nhân một dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang.3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không? "7 Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! "8 Đức Giê-su bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! "9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.
Hôm đó lại là ngày sa-bát. 10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng! "11 Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: "Anh hãy vác chõng mà đi! "12 Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: "Vác chõng mà đi"? "13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước! "15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.
 
BÀI GIẢNG
GIÁ TRỊ PHỤNG VỤ CHÚA GIÊSU THIẾT LẬP
Ta biết rằng trung tâm ơn cứu độ khơi nguồn từ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su, đó chính là Phụng Vụ Mới Chúa Giê-su thiết lập. Theo Tin Mừng Gioan, ông chỉ ghi lại bảy việc lạ Đức Giê-su làm, ông không gọi là phép lạ mà gọi là dấu lạ. Dấu lạ đó báo trước giá trị Phụng Vụ của Đức Giê-su được hoàn tất vào ngày thứ nhất trong tuần (Phục Sinh). Bảy dấu lạ Đức Giê-su thực hiện là cuộc tạo dựng mới, hay tái tạo nên hoàn hảo hơn, mà Chúa Cha đã khởi sự từ thuở ban đầu, nhất là sau này do tội lỗi con người làm hư hoại công trình tạo dựng của Chúa Cha, thì Đức Giê-su chuộc lại nơi Chúa Cha tất cả những ơn mà tội lỗi con người đã làm mất. Qua bảy phép lạ Đức Giê-su làm :
-          Ngài nước hóa thành rượu nho (x Ga 2,1-12).
-          Ngài cứu sống con ông sĩ quan Roma (x Ga 4,43t).
-          Ngài chữa lành người bất toại ở nơi ao Cừu (x Ga 5,1t).
-          Ngài hóa bánh nuôi dân ăn no (x Ga 6,1t).
-          Ngài đi trên sóng biển đến với thuyền các Tông Đồ (x Ga 6,16t).
-          Ngài chữa lành người mù từ thuở mới sinh (x Ga 9,1t).
-          Ngài cứu Ladarô đã chết bốn ngày được sống lại (x Ga 11).
Bởi thế, ta muốn hiểu giá trị việc Đức Giê-su cứu người bất toại 38 năm trong Tin Mừng hôm nay, thì ta phải tìm hiểu ý nghĩa của những biểu tượng sau :
A. TÌM HIỂU
I. BÀI ĐỌC Ed 47,1-9.12 :
-    Thiên sứ dẫn ông Êzekiel đến phía cửa Đền Thờ (Ed 47,1a): Báo trước Đức Giê-su là Đền Thờ bị người ta phá hủy vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng ba ngày sau Ngài sống lại (x Ga 2,19-21).
-    Nước từ dưới ngưỡng Đền Thờ chảy về phía Đông (Ed 47,1b): Phía Đông là hướng về Đức Giê-su. Ông Zacarya đã xác định Đức Giê-su là Vầng Đông viếng thăm loài người (Lc 1,78).
-    Nước chảy xuống phía nam bàn thờ (Ed 47,1c): Báo trước hành trình của Đức Giê-su khởi sự từ miền bắc xuống miền nam và bị giết ở đây.
-    Nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra thành một nguồn suối (Ed 47,2): Bên phải thuộc về những người được Chúa cứu độ (x Mt 25,34), nhờ nước và máu từ trái tim Ngài dốc ra khi bị đâm (x Ga 19,34): đã trở thành nguồn suối cứu độ.
-    Thiên sứ dẫn Êzekiel lội xuống suối bốn lần đo mỗi lần đều được 1.000 xích          (Ed 47,3): Số ngàn là thời điểm Chúa ban dư tràn ân phúc đối với những ai tuân giữ Lời Chúa (x Xh 20,6 ; Gr 32,18a) ; số 4 là khắp bốn phương trời, nói cách khác là bao phủ cả trái đất.
-    Thiên sứ dẫn Êzekiel lội suối nước đo ba lần trên thân thể ông: lần I tới mắt cá: đo 1.000 xích ; lần II tới đầu gối: đo 1.000 xích ; lần III tới ngang thắt lưng (ngực): cũng đo 1.000 xích (x Ed 47,3-5), đây là dấu chỉ trên thân thể Đức Giê-su :
·         Đo tới mắt cá: Dấu đinh ở chân Đức Giê-su.
·         Đo tới đầu gối: Dấu chỉ lúc Đức Giê-su được an táng, hai tay Ngài xuôi xuống tới đầu gối. Vậy đây là dấu chỉ thương tích tay của Đức Giê-su.
·         Đo tới ngực: Dấu chỉ Đức Giê-su bị đâm ngang cạnh sườn thấu tim.  
-    Con suối nước dâng cao ông Êzekiel không thể lội qua được (Ed 47,5b): Dấu chỉ ơn cứu độ nhờ Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su không suy thấu, không ai kín múc hết được: ơn cứu độ phong phú và dồi dào cho hết mọi người tin nhận Đức Giê-su là Cứu Chúa. Thánh Phao-lô hô lên: “Ôi! Thẳm sâu sự giàu có, khôn  ngoan thượng trí của Thiên Chúa” (Rm 11,33a).
-    Thiên sứ dẫn ông Êzekiel trở lại hai bên bờ suối có nhiều cây ăn trái lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết, lúc nào cũng có trái mới nhờ nước từ Thánh Điện chảy ra. Trái dùng làm lương thực, lá dùng làm thuốc (Ed 47,6.12): Dấu chỉ nguồn cứu độ phát xuất từ Đức Giê-su làm no thỏa khát vọng con người được cứu độ và tha thứ mọi tội lỗi. Người phụ nữ xứ Samari thưa với Đức Giê-su: “Thưa Ngài, xin Ngài ban cho tôi nước hằng sống để tôi hết khát, khỏi đến đây kín nước nữa” (Ga 4,14-15).
-    Nước chảy ra biển chết, nước biển hóa lành (Ed 47,8): Biển là sào huyệt của ma quỷ, nên Đức Giê-su cho phép quỷ xuất khỏi một người nhập vào đàn heo và lao xuống biển (x Mt 8, 31-32). Bởi đó thánh Gioan nói về ngày cánh chung không còn sự dữ hay quỷ không còn làm hại con người, lúc đó biển không còn nữa (x Kh 21,1), cũng là nhờ hiệu quả ơn cứu độ Đức Giê-su thực hiện trong Phụng Vụ Ngài thiết lập, khi Ngài từ cõi chết sống lại.
-    Nước chảy tới đâu sinh vật lúc nhúc, có rất nhiều cá (Ed 47,9): Dấu chỉ ơn cứu độ của Đức Giê-su ban đem lại sự sống dồi dào cho mọi người (Ga 10,10).
II. TIN MỪNG Ga 5,1-3a.5-16
- Gần Cửa Chiên (Ga 5,2a),dấu chỉ nói về Đức Giê-su trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Ngài như con chiên bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm không mở miệng (x Is 53,7). Ông Gioan Bt giới thiệu Đức Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng khử trừ tội trần gian” (Ga 1,29).
- Hồ nước ở Giê-ru-sa-lem tên là Bêthesđa (Ga 5,2b), tiếng Do Thái có nghĩa là “Nhà Có Nhiều Hồng Ân”. Nhà đó phải hiểu là thân xác Đức Giê-su bị đâm, khơi nguồn ơn cứu độ (x Ga 2, 21-22 ; 19,34).
- Hồ này có năm dãy hành lang (Ga 5,2c): Đó là hình cuốn sách được mở ra: Có bốn cạnh và gáy giữa. Là dấu nói về ngày Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ như lời thánh Gioan diễn tả trong sách Khải huyền: “Một cuốn sách không ai có thể mở trừ Con Chiên, Ngài đến lãnh lấy sách và mở ra, tức thì có bốn Sinh Vật cùng với hai mươi bốn Lão Công phủ phục trước Con Chiên (bốn Sinh Vật đó chính là bốn tác giả Tin Mừng ; 24 Lão Công là dân Israel cũ và Israel mới), tay cầm bình hương dâng lời cầu nguyện và hát xướng bài ca mới: Ngài đáng lãnh lấy sách và mở ấn: vì Ngài đã chịu tế sát và đã mua chuộc cho Thiên Chúa bằng máu Ngài, người thuộc mọi dòng họ, tiếng nói và mọi dân  mọi nước” (x Kh 5,1-9).
- Một người đã mắc bệnh 38 năm được Đức Giê-su chữa lành (Ga 5,5.9): Con số này làm ta lưu ý đến con số 40 trong Kinh Thánh, nhằm diễn tả thời gian chay tịnh và thanh luyện để hưởng ơn cứu độ: Lụt Hồng thủy 40 ngày (x St 7,4) ; dân bỏ Ai Cập về đất Chúa Hứa 40 năm (x Ds 14,34) ; ông Mô-sê lên  núi Sinai sau 40 ngày được Chúa ban Luật để trao lại cho dân (x Xh 24,18) ; Đavid cai trị Giê-ru-sa-lem 40 năm (x 2Sm 5,4) ; Đức Giê-su chay tịnh 40 đêm ngày (x Mt 4,2) ; Chúa Giê-su Phục Sinh ở với các môn đệ 40 ngày (x Cv 1,13). Thế nên ta mới hiểu người được Đức Giê-su  chữa lành xảy ra vào đầu cuộc đời công khai của Ngài. Thực vậy, sau tiệc cưới Cana, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ (x Ga 2). Lần đầu tiên Ngài lên Đền Thờ vào dịp lễ này của người Do Thái, Ngài gặp người bệnh đã 38 năm,và Ngài đã chữa lành, nêu dấu chỉ còn hai năm nữa Ngài sẽ bị giết chết, sau đó Ngài phục sinh hoàn tất ơn cứu độ, nêu giá trị con số 40 mà Kinh Thánh  đã đề cập như trên.
- Đức Giê-su ra lệnh cho người bất toại vác chõng mà đi (Ga 5,8): Báo trước việc Đức Giê-su vác thập giá lên đồi Sọ vì tội nhân loại (x Ga 19,17), để ban sự sống thật dồi dào cho ai đến với Ngài nhờ lãnh Bí tích Khai Tâm.
- Đức Giê-su chữa lành bệnh nhân vào ngày thứ bảy làm cho người Do Thái bất mãn (Ga 5,9-10): Ngày Hưu Lễ là ngày thánh thuộc Luật Phụng Vụ buộc phải nghỉ, đến nỗi không được ra khỏi nhà (x Xh 16,29 ; 31,12-17). Nhưng Đức Giê-su chủ đích ba lần làm phép lạ cứu người vào ngày Hưu Lễ (x Ga 5,9 ; 6, 4 ; 9,14), là dấu chỉ Ngài từ cõi chết sống lại sau ba ngày được an táng trong mộ, rồi về Trời cầu nguyện cho loài người, mỗi khi Hội Thánh cử hành Phụng Vụ theo lệnh Ngài truyền (x 1 Cr 11,23-24), thay thế cho Phụng Vụ Do Thái cử hành theo Luật Mô-sê (x Dt 10, 11t) để những ai đến tham dự thì được sống dồi dào (x Ga 10,10), đó là lý do Ngài nói: “Cha Ta hằng làm việc, Ta cũng thế” (Ga 5,17). Có nghĩa là nếu một giây phút nào Thiên Chúa ngưng làm việc trong Phụng Vụ Hội Thánh cử hành, thì thế giới này sẽ ra tro bụi. Sách Sáng thế ghi: Sau 6 ngày Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi (x St 2,2), thì đó chỉ là dấu báo trước Đức Giê-su được an táng trong mộ ngày thứ 7.
Vậy Đức Giê-su cùng với Cha Ngài luôn luôn làm việc là để hoàn tất công trình tạo dựng, đặc biệt ở nơi con người, mà Đức Giê-su đã làm trọn ý Cha trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày thứ bảy Ngài “nghỉ” trong mộ, và ngày Chúa nhật (ngày thứ tám), ngày thứ nhất trong tuần, Ngài từ cõi chết sống lại, lúc đó Ngài làm hoàn hảo ý nghĩa giá trị Phụng Vụ ngày thứ bảy của người Do Thái, như ông Mô-sê đã truyền cho dân phải tuân giữ vì ba lý do :
·   Phải nghỉ việc ngày thứ bảy để mừng công trình tạo dựng Chúa đã hoàn tất (x  Xh 20,8-11 ; 31,7): Chúa Giê-su sống lại hoàn tất công trình tạo dựng, đặc biệt con người được trở nên giống Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Phục Sinh (vào ngày Chúa nhật).
·   Phải nghỉ việc ngày thứ bảy để tạ ơn Chúa đã cứu dân thoát nô lệ Ai Cập (x Dnl 5,12-15):  Nhờ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su, cứu những ai tin vào Ngài được thoát nô lệ satan, thoát tội lỗi, thoát thần chết (vào ngày Chúa nhật).
·   Phải nghỉ việc ngày thứ bảy để tạ ơn Chúa đã ban Luật cho dân qua ông Mô-sê ở núi Sinai (x Xh 24,16): Chúa không chỉ ban Luật cho dân Do Thái mà Ngài còn ban Luật ghi trên thân xác và linh hồn của mọi Ki-tô hữu (x 2 Cr 3,3) khởi đi từ ngày lễ Ngũ Tuần: ngày thứ tám cũng là ngày Chúa nhật (x Cv 2).
  Vậy ba ý nghĩa và giá trị nghỉ ngày thứ bảy (Hưu Lễ) để kính Chúa đã chuyển đổi vào Chúa nhật, ngày Chúa Phục Sinh.

B. GIÁO HUẤN
Qua các Bài đọc trong Phụng Vụ hôm  nay, Hội Thánh muốn chúng ta hiểu và sống những điểm giáo lý sau đây :
1/ Thời Đức Giê-su biết bao nhiêu bệnh nhân muốn được lành bệnh, họ cần có người đưa xuống hồ đầu tiên khi Thiên thần đến khuấy động nước. Như vậy, người bị liệt 38 năm, vì quá yếu, lại không có người đưa xuống hồ mỗi khi có nước động, nên bệnh nhân càng đau khổ khi người khác xuống trước được lành bệnh.
Hôm  nay, bất cứ tội nhân nào nghe lời Hội Thánh đi  đến Nhà Thờ dự Phụng Vụ, thì đều được lành mạnh cả hồn xác, được sống đời đời hơn những bệnh nhân nằm bên bờ hồ Bêthesđa, chỉ có một người xuống hồ trước nhất khi có nước động mới được lành bệnh.
2/ Gần Cửa Chiên có hồ tên Bêthesđa, gồm năm dãy hành lang, những ý nghĩa chúng ta đã tìm hiểu như trên, thì chúng ta phải đi đến xác quyết rằng: Mỗi khi ta dự Phụng Vụ, Hội Thánh lại mở Sách Thánh công bố Lời hằng sống cho ta và ta được ăn “thịt cừu” (rước lễ). Thì chính ta là “Nhà Có Nhiều Hồng Ân” (Bêthesđa).
3/ Người được lành bệnh bắt đầu chưa biết tên người cứu mình. Chỉ khi người ấy vào Đền Thờ mới được biết Vị chữa lành bệnh cho chính là Đức Giê-su (x Ga 5,12-14: Tin Mừng). Cũng thế, khi ta được ơn Chúa ban, ta muốn được biết rõ về Thiên Chúa, Đấng yêu ta, ta phải đến Nhà Thờ dự Phụng Vụ mới gặp chính Chúa Giê-su Phục Sinh qua Bí tích Thánh Thể, và Ngài bảo ta như Ngài đã nói với người được chửa lành: “Từ nay con đừng phạm tội nữa, kẻo khốn hơn trước” (Ga 5,14: Tin Mừng). Một khi ta được dự tiệc Thánh Thể thì ta hãy cầu nguyện cùng Chúa: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ” (Tv 51/50,12a.14a: Tung Hô Tin Mừng).
4/ Chúa bảo người bị bệnh vác chõng mà đi vào ngày sabbat là dấu chỉ Ngài muốn ta phải chấp nhận cực khổ đi dự Phụng Vụ thì ta hưởng trọn vẹn nguồn ơn cứu độ khơi nguồn từ “Đền Thờ Giêsu” bị đâm trên thập giá, đã tuôn trào nguồn suối cứu độ, đem lại sự sống cho muôn sinh vật, mà trí con người  không ai suy thấu, cũng như không ai kín cạn nguồn ơn cứu độ đã được báo trước qua thị kiến của ngôn sứ Êzekiel trong Bài đọc.
Vậy ta hãy tạ ơn Chúa, vì “Ngài là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo. Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Giacob là thành bảo vệ ta” (Tv 46/45,2.8: Đáp ca).
 THUỘC LÒNG
Ta đến cho chiên Ta được sống và sống cách dồi dào (Ga 10,10).
          http://phaolomoi.net
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
 

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: