BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Is 65,17-21
17 Đức
Chúa phán như sau: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến
thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. 18 Nhưng thiên hạ sẽ vui
mừng và luôn mãi hỷ hoan
vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn
hoan hỷ
và dân ở đó thành nỗi vui mừng. 19 Vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ hoan hỷ,
vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu
la. 20 Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi
thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà
chết là bị nguyền rủa. 21 Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng
nho và được ăn trái”.
ĐÁP CA: Tv 29
Đ. Lạy
Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt. (c 2a)
2 Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì
đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con.4 Lạy
Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
5 Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca
mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người. 6 Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả
đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
11 Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót
thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. 12a Khúc ai ca, Chúa đổi
thành vũ điệu, 13b Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài
mãi mãi ngàn thu.
BÀI GIẢNG
TÍN ĐIỀU CÁC THÁNH CÙNG THÔNG CÔNG
Ngoài Ki-tô giáo, hầu hết các tôn
giáo khác, nhất là Phật Giáo, người ta tin rằng mỗi người được cứu độ là do tự
sức mình diệt tham sân si, riêng Ki-tô giáo ơn cứu độ quan trọng nhất là do
công nghiệp, tình thương, ý muốn cứu độ của Chúa Giê-su, sau đó là Đức Tin của
cộng đoàn liên hệ dựa vào Chúa Giê-su, gọi là Tín Điều Các Thánh Cùng Thông
Công, cuối cùng mới là Đức Tin và công nghiệp của người được Chúa cứu độ.
Thực vậy, vị sĩ quan Roma có đứa
con sắp chết được Đức Giê-su cứu sống là nhờ Đức Tin tuyệt vời của người cha
xin Đức Giê-su cứu con ông. Ta biết trong Tin Mừng Gioan, vị sĩ quan ngoại giáo
này là người thứ ba được gặp Đức Giê-su trong lộ trình truyền giáo của Ngài :
-
Người đầu tiên được nghe Đức Giê-su giảng dạy đó
là ông Ni-cô-đê-mô, vị đầu mục Do Thái
ở Giê-ru-sa-lem, ông này đại diện cho giới trí thức cao cấp nhất trong Do-Thái
giáo, ông không dám gặp Đức Giê-su ban ngày, vì sợ người Do-Thái thấy, nên ông đã
tìm đến Ngài vào ban đêm, Đức Giê-su đã phải vất vả dạy giáo lý cho ông suốt
đêm, mà xem ra không thuyết phục được ông về ơn tái sinh. Khi trời hừng sáng, vì
sợ người khác biết, ông vội vàng từ biệt Đức Giê-su (x Ga 3, 1-21).
-
Sau cuộc đàm thoại với ông
Ni-cô-đê-mô, Đức
Giê-su và các môn đệ lên đường tiến về miền Samari, một thành bị người Do-Thái kết
án là lạc đạo. Đức Giê-su đi đường thấm mệt và đói khát nên ngồi bệt bên bờ
giếng Giacob. Lúc ấy có người phụ nữ
Samari ra kín nước, Ngài xin chị nước giếng để uống. Bắt đầu chị khước từ vì
người Do Thái (Đức Giê-su) không gần gũi với người Samari, kỵ hơn nữa là không
thể nào một người đàn ông Do-Thái xa lạ lại chuyện trò với phụ nữ dân ngoại một
cách công khai. Thế nhưng chỉ một lúc sau, Đức Giê-su đã khéo léo làm cho chị
tin vào Ngài là Đấng ban Nước Hằng Sống, và chị nhận ra Ngài là Vị Ngôn Sứ, là
Đấng Ki-tô, rồi vui mừng chạy về thành loan báo tin vui này. Thế là cả thành
Samari kéo ra gặp Đức Giê-su, gặp được Ngài họ vất vui mừng và xin Ngài lưu lại
với họ. Ngài đã lưu lại ở đó hai ngày. Và có nhiều người hơn nữa đã tin vào Lời
Ngài ; họ nói với người phụ nữ: “Không
phải vì câu chuyện của chị mà chúng tôi tin, vì chính chúng tôi đã nghe và
chúng tôi biết: thật Ngài là Đấng Cứu Thế” (x Ga 4,1-42).
-
Sau hai ngày Đức Giê-su lưu lại
vùng đất dân lạc đạo,
vào ngày thứ ba Ngài tiếp tục lên đường tiến về miền Bắc Galilê, vừa đặt chân
đến miền đất này, thì vị sĩ quan ngoại
giáo Roma nghe tin Đức Giê-su tới, ông vội chạy ra đón Ngài và thưa: “Xin Ngài xuống chữa con tôi vì nó sắp chết”.
Đức Giê-su nói cùng ông: “Nếu các ngươi
không thấy dấu lạ điềm thiêng, ắt các ngươi sẽ không tin”. Vị sĩ quan thưa:
“Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, trước khi
con tôi chết”. Đức Giê-su bảo ông: “Ông
hãy đi, con ông sống đấy”. Người ấy đã tin vào Lời Đức Giê-su nói với mình
và đi về. Khi ông đi xuống thì người nhà đến đón gặp ông và nói: “Con ông sống rồi”. Ông hỏi họ: “Hồi mấy giờ nó đã khá lại ?” Họ nói: “Hôm qua, vào giờ thứ bảy, cậu đã qua được
cơn sốt”. Người cha nhận ra chính vào giờ ấy Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống” ; nên ông đã tin làm một
với tất cả gia đình ông. Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm khi Ngài bỏ
Giu-đê mà về Ga-li-lê (x Ga 4,43-54: Tin Mừng).
Ta biết Đức Giê-su bị lên án tử
vào giờ thứ sáu (theo giờ của người Do Thái) tức là 12 giờ trưa (x Ga 19,14-16)
; giờ thứ bảy (1 giờ chiều) Ngài đang bị treo trên thập giá, chính là lúc Ngài Ngài
dâng Hy Lễ mới lên Cha Ngài, thay thế cho lễ tế Do- Hái giáo dâng chiên cừu bò
lừa. Nhờ Hy Lễ mới này, ai tin vào Ngài qua lời rao giảng của Hội Thánh (x Lc
10,16), cũng là trực tiếp được nghe Lời Chúa Giê-su giảng dạy (x Dt 1,1-2), thì
được thoát tay tử thần và được sống sung mãn như Thiên Chúa (x Ga 6,57). Do đó,
dấu lạ thứ hai Đức Giê-su làm tại miền Ga-li-lê cứu con ông sĩ quan ngoại giáo
thoát chết vào ngày thứ ba, sau khi Ngài rời vùng Samari, trở thành dấu chứng
cho giá trị Hy Tế của Đức Giêsu thiết lập bắt đầu khai diễn vào ngày thứ ba, sau
khi Ngài từ cõi chết sống lại, ban cho những ai đã nhờ nước Thánh Tẩy mà được
tái sinh nên chi thể của Chúa Giê-su là cây nho thật, chân lý này được báo
trước qua dấu lạ thứ nhất Đức Giê-su làm trong tiệc cưới tại Cana: nước (Bí
tích Thánh Tẩy) hóa thành rượu nho (Bí tích Thánh Thể) (x Ga 2,1-11).
Như thế, Đức Tin của viên sĩ quan
ngoại giáo quả là tuyệt vời, vì dân Samari tin vào Đức Giê-su đã trổi vượt hơn
ông Ni-cô-đê-mô, đầu mục Do-thái ở Giê-ru-sa-lem (từng dâng lễ tại Đền Thờ),
nhưng vẫn còn thua xa đức tin của vị sĩ quan này, ông chưa cần đến Đức Giê-su
lên tiếng, thì ông đã tin rằng nếu Ngài gặp con ông là nó thoát chết. Sau cùng,
dù Đức Giê-su không đến nhà ông, ông đã tin vào Lời Ngài nói: “Ông về đi con ông sống đó”. Quả thật,
trên đường về, người nhà đã chạy ra báo tin: “Con ông đã mạnh khỏe rồi”, ông hỏi lại: “Lúc mấy giờ?” Họ đáp: “Vào giờ
thứ bảy”. Ông nhớ đúng vào giờ thứ
bảy Đức Giê-su đã nói với ông: “Con ông
sống đó”. Và tuyệt vời hơn nữa, chẳng những Đức Giê-su cứu con ông khỏi
chết mà qua dấu lạ này, cả nhà ông đã tin vào Đức Giê-su, thì cả gia đình được
sống đời đời.
Rõ ràng nhờ người cha đã tin vào
Lời Đức Giê-su, đặc biệt qua dấu chỉ giờ thứ bảy là giờ Ngài dâng Lễ trên thập
giá làm cho con ông được sống. Tin mừng này phải được nhân lên nơi tất cả những
người làm cha mẹ, không được thua Đức Tin của ông sĩ quan ngoại giáo, nên phải
siêng năng và mau mắn đến tham dự Thánh Lễ, để nhờ Đức Tin của người thủ lãnh
trong cộng đoàn mà những người thuộc về mình được sự sống thật dồi dào. Vì thế
ngôn sứ Amos kêu gọi: “Hãy tìm điều lành
chứ đừng tìm điều dữ, rồi anh em sẽ được sống, và Chúa sẽ ở cùng anh em”
(Am 5,14: Tung Hô Tin Mừng).
Quả thật, ai sống Đức Tin như ông
sĩ quan ngoại giáo Roma, chắc chắn sẽ được Chúa thực hiện những điều Ngài đã báo
trước qua miệng ngôn sứ Isaia: “Này đây
Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại
trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan, vì những gì
chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem (Phụng Vụ mới Hội
Thánh cử hành), nên nguồn hoan hỷ và dân
ở đó thành nỗi vui mừng. Tại Giê-ru-sa-lem (ai đến dự Phụng Vụ của Hội
Thánh) Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ
nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe tiếng than khóc kêu la, nơi đây không còn
ai chết yểu, mọi người đều sống thọ trên trăm tuổi, là dấu chỉ họ được hạnh
phúc viên mãn (nhờ tin vào Chúa Giê-su),
để người ta sẽ được sống yên ổn, công việc làm ăn được thành công” (x Is
65,17-21: Bài đọc).
Vậy chỉ những ai tham dự Thánh Lễ
với tất cả lòng tin tưởng nơi Chúa giống vị sĩ quan ngoại giáo Roma, thì họ đều
cất tiếng ngợi khen: “Lạy Chúa, con xin
tán dương Ngài vì đã thương cứu vớt” (Tv 30/29,2a: Đáp ca).
Nhằm nêu cao bậc sống gia đình
trong năm “Quốc Tế Gia Đình – 1994”, vào ngày lễ Chúa Chiên Lành – 24/04/1994,
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã phong chân phước cho bà Ê-li-sa-be-ta
Cal-no-ri-mo-ra.
Bà Cal-no-ri-mo-ra
sinh ngày 21 tháng 11 năm 1774, tại Ro-ma, bà thuộc gia đình giàu có, và được
cha mẹ giáo dục Đức Tin rất chu đáo. Năm 22 tuổi, bà lập gia đình với một luật
sư, và đã có với chồng hai cô con gái. Vài năm sau đó, bà phát hiện ra chồng
ngoại tình, hay lấy trộm tiền của vợ đi nuôi bồ nhí! Bà đã khuyên lơn nhiều
lần, nhưng bù lại bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn, đến nỗi người ta phải đưa vào
bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chê vì chồng đã quá tay đối với bà, bác sĩ khuyên đưa
bà về để gặp con trước khi chết ! Nhưng Chúa thương cho bà bình phục, từ bấy
giờ ông chồng ở luôn với vợ bé! Bà phải một mình làm việc cần cù nuôi hai con
gái. Năm 1801, bà mắc một căn bệnh hiểm nghèo lúc mới 27 tuổi, nhưng Chúa lại cho
bà được bình phục, sau đó bà gia nhập tu hội đời thuộc Dòng Chúa Ba Ngôi. Nhà
bà biến thành nơi cầu nguyện cho những người đau khổ. Hằng ngày bà đều xin mọi
người cầu nguyện cho chồng bà biết sám hối trở về đường ngay nẻo chính, và bà
cũng giúp đỡ nhiều người về đời sống vật chất cũng như tinh thần.
Ngày 05 tháng 02 năm
1825 Chúa đã cất bà ra khỏi thế gian, hưởng dương 51 tuổi. Vậy sau 25 năm bà
liên lỉ cầu nguyện trong nước mắt cho người chồng trở về. Lúc vợ chết ông mới
thương vợ thương con mãnh liệt, ông sám hối và trở về phục tang vợ, nhiều người
thấy ông, ai cũng chế nhạo: “Nước mắt cá
sấu!” Ông cam phận chịu đựng để một phần nào đền tội mình! Sau ngày an táng
vợ xong, ông trù liệu tiền bạc nuôi hai con chính thức và các con ngoại hôn,
rồi ông xin gia nhập Dòng Chúa Ba Ngôi, và trở thành linh mục sống rất gương
mẫu.
Thật là có lý khi Chúa dạy: “Phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí !”
(Lc 18,1); Khi cầu nguyện phải hết lòng tin tưởng và phó thác, vì “Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho ta được hơn
ngàn trùng những điều ta cầu xin hay mơ ước!” (Ep 3,20). Thực vậy “điều
ta xin dường như không thấy, nhưng điều ta được lại vượt quá ước mơ”. Và
như vậy, nhờ Đức Tin của vợ đã cứu cả gia đình bớt nỗi khổ đau, đặc biệt là
chồng trở thành một Linh mục rất nhiệt thành và thánh thiện. Đó là Tín Điều Các
Thánh Cùng Thông Công.
THUỘC LÒNG
Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống
đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống (Ga 5,24).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH