BÀI GIẢNG
ĐÓN NHẬN ƠN CỨU ĐỘ NHỜ BIẾT SÁM HỐI
VÀ XIN
CHÚA THƯƠNG XÓT !
Ngay từ đầu chương 18
của Tin Mừng Luca, ông đã ghi lại Lời Đức Giê-su kêu gọi chúng ta: “Phải cầu nguyện luôn không được nản chí”
(Lc 18,1b), và ngay sau đó Ngài đưa ra hai mẫu cầu nguyện: Bà góa kiên trì xin
ông thẩm phán bạo ngược bênh vực (x Lc 18,2-8), và hai người lên Đền Thờ cầu
nguyện (x Lc 18, 9-14: Tin Mừng). Phụng Vụ hôm nay Hội Thánh muốn chúng ta suy
nghĩ về tâm tình cầu nguyện của hai ông Biệt phái và thu thuế để rút ra điểm
giáo lý mà thực hành.
Cầu nguyện với Chúa
điều tiên quyết là phải nhớ thực hành Lời Chúa dạy: “Ai hạ mình xuống sẽ
được nhắc lên; còn kẻ nào nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống” (Lc.18,14: Tin Mừng). Vì ơn cứu độ
không chỉ hệ tại do công đức của con người, mà nhất là hệ tại lòng thương xót
Chúa đổ xuống trên những tấm lòng khiêm nhường, vì Chúa chống lại kẻ kiêu căng
tự mãn.Vậy thế nào là kiêu căng tự mãn? Thế nào là khiêm nhường ? Căn cứ vào
Lời Chúa hôm nay: Kiêu căng là kẻ tự mãn cậy dựa vào sức mình như ông Biệt phái
triệt để giữ Lề Luật mà khinh dể người khác (x Lc 18,9: Tin Mừng) ; còn khiêm
nhường là người biết mình tội lỗi, bất
lực trước đòi hỏi của Luật, như người thu thuế, nên chỉ còn trông cậy vào lòng
Chúa xót thương (x Lc 18,13: Tin Mừng).
Ông Biệt phái và người
thu thuế trong Tin Mừng hôm nay minh hoạ rõ nét khuôn mặt kẻ kiêu căng tự mãn,
bị Chúa gạt đi, và chân tướng người khiêm nhường được Chúa nâng lên :
A. CHÚA CHỐNG LẠI KẺ KIÊU NGẠO TỰ MÃN.
Hai thái độ kiêu ngạo tự
mãn của ông Biệt phái:
1. Cậy dựa vào thế lực việc
làm hơn Lề Luật dạy :
Ông nói:
+ “Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần”
(Lc.18,12a: Tin Mừng): Trước lưu đầy Ba-by-lon, Luật chỉ buộc mỗi năm ăn chay
một lần vào dịp lễ xá tội (x Lv.16,29.34). Sau lưu đày, thêm một lần nữa để nhớ
cảnh tàn phá Giê-ru-sa-lem. Nhưng những người Biệt phái tỏ ra đạo đức, mỗi tuần
ăn chay thêm hai lần vào ngày thứ hai và thứ năm, để đền bù những thiếu sót của
dân đối với Lề Luật.
+ “Tôi nộp thuế thập phân về hết mọi vật tôi mua”
(Lc.18,12b: Tin Mừng): Luật này đầu tiên chỉ nhắm đến những nguời sản xuất, dù
lợi tức nhỏ như thì là, rau húng, bạc hà (x Lv 17,30 ; Mt.23,23). Thuế này cũng
nhắm trên cả lợi tức do súc vật mang lại (x Lv 27,32). Ông Biệt phái này còn
nộp thuế thập phân trên hết mọi vật ông mua, điều này Luật không buộc.
Nhưng Luật đâu có sức
cứu độ con người, giá trị của Luật bất quá chỉ cho ta nhận ra tội (x Rm 3,20 ;
7,7), và nó còn giam giữ con người trong tội lỗi (x Gl 3,22). Tại sao thế ? Bởi
vì Luật luôn luôn có hai mặt đối lập :
+ Mặt tiêu cực: cấm ta làm điều xấu
+ Mặt tích cực: dạy ta làm điều tốt.
Ai vi phạm điều Luật
cấm dĩ nhiên là có tội. Nhưng ai biết điều tốt mà không làm thì cũng có tội (x
Gc.4,17). Trong thực tế, không có ai thi hành trọn vẹn điều tốt họ muốn, cũng
không thể tránh hết điều xấu họ ghét. Chính thánh Phao-lô cũng đã thú nhận sự
bất lực này với tín hữu: “Điều tốt tôi muốn, tôi đã không thi hành, nhưng
chính tôi lại làm điều tôi ghét” (Rm.7,15.18-19) ; Nên ông đã thưa với Chúa: “Xin đừng để Sa-tan vả mặt con, cũng xin
Chúa rút cái dằm đâm vào con, đã ba lần tôi xin Chúa cứu tôi, Chúa đáp lại: Ơn
Ta đủ cho con, vì sức mạnh được biểu lộ trọn vẹn trong yếu đuối !” (2
Cr.12,7-9).
Thế mới hiểu lý do
thánh Phao-lô nhắc lại lời Thánh vịnh (14/13,1-3) và kết luận: “Không ai
công chính, không một ai … hết thảy đều lầm lạc hư đốn cả lũ ! Ta biết rằng mọi
điều Lề Luật nói là nói cho kẻ ở trong Lề Luật, hầu mọi miệng lưỡi phải khóa
lại, và tất cả thế gian phải tự nhận
mình mắc án của Thiên Chúa, bởi chưng do tự việc làm của Lề Luật, không xác
phàm nào sẽ được giải án tuyên công trước mặt Chúa”(Rm.3,10-20).
2.
Khinh bỉ và kết án người khác:
Ông Biệt phái đến Đền
Thờ cầu nguyện mà ông không nhìn lên Chúa để xin Ngài giúp mình cố gắng hơn,
hầu điều chỉnh cuộc đời trở nên hoàn hảo như Cha trên trời (x Mt.5, 48). Vì ông
mới chỉ dâng Chúa 1/10 của cải ông có
được, thua xa Chúa cho ông cả vũ trụ (x St 1,28 ; 2,16), cả “Con Một Ngài và gia ân vạn sự cho ông làm
một với Ngài” (x Rm.8,32). Đúng như người đời thường nói: “Nhìn lên (Chúa) không bằng ai, cúi xuống
không ai bằng mình!” Do đó cách giữ Luật của ông là để vênh váo với đời,
đạp vào mặt người khác. Ông nói: “Tôi
không như những người khác: gian tham, bất lương, ngoại tình, hay là như tên
thu thuế kia” (Lc 18,11: Tin Mừng).
- Tại sao ông ta dám kết
án người thu thuế là kẻ gian tham? Vì thời ấy chính quyền Roma không trực tiếp
thu thuế dân Do Thái mà trao cho người
bản xứ đứng thầu, chỉ cần nộp đủ chỉ
tiêu Roma đã đặt ra, và người thu thuế được hưởng huê hồng số thu phụ trội !
Ông Gia-kêu, trưởng ty quan thuế đã thú nhận có gian lận, nên ông xin đền gấp
bốn (x Lc 19,8).
- Tại sao thu thuế là kẻ
bất lương ? Vì dân Do Thái đang có khát vọng độc lập, muốn thoát ách thống
trị đế quốc Roma, thế mà kẻ lấy thúê của dân đem nộp cho ngoại xâm là củng cố
thế lực cho đế quốc, là hành động bất lương: rước voi về dày mồ, là hành động
phản dân hại nước !
- Tại sao thu thuế lại bị
Biệt phái đồng hoá với kẻ ngoại tình ? Thưa vì người Do Thái
chỉ sống cậy nhờ vào danh Chúa, chứ không cậy nhờ vào chiến xa pháo mã như dân
ngoại (x Tv 19,8). Ở đây người thu thuế đã đánh mất niềm tin này. Đó là một thứ
“đĩ thánh”.
Ta biết rằng: “Thiên
Chúa là Thần chí công, Người không tây vị, Người không nể mặt kẻ giàu để hại người
nghèo”(Hc
35,12-13). Do đó, Đức Giê-su kết án loại Biệt phái này: “Hắn đưa mình lên, sẽ bị hạ xuống, và không được giải án tuyên công”
(Lc.18, 14: Tin Mừng).
B. NGƯỜI SỐNG KHIÊM NHƯỜNG ĐƯỢC CHÚA NÂNG LÊN.
Người thu thuế đến Nhà
Thờ chỉ thấy mình có tội, chẳng những anh thua xa Thiên Chúa, mà anh còn thua
cả người Biệt phái đang đứng trước mặt,
nên anh quá xấu hổ: “Không dám ngước mắt lên trời, anh đấm ngực mà
thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thuơng xót tôi là đứa tội lỗi!” (Lc.18,13: Tin
Mừng).
Thực ra, người ta có gì
mà không do lãnh nhận từ Trên ban cho (x Ga 3,27). Cho dù cả việc thi hành Lề
Luật như ông Biệt phái trong Tin Mừng hôm nay. Thế thì có gì mà phải lên mặt
vênh váo (x 1 Cr 4,7), có gì đáng kể mà
dâng cho Chúa, ngọai trừ ý thức mình chỉ là tội nhân ngay từ trong thai
mẫu (x Tv 51/50,5-7), nên cầu khẩn Chúa xót thương, bởi vì “Chúa nghe lời
người oan khổ kêu xin, nỗi hồn đắng cay là của lễ được Chúa chấp nhận” (Hc
35,14-16). Với niềm tin ấy người tội lỗi dám kêu lên với Chúa: “Lạy Chúa con
thờ, là Thiên Chúa cứu độ, xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công
chính. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài
cũng không chấp nhận.Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một
tấm lòng tan nát giày vò, Chúa không khinh chê !” (Tv 51/50, 16.18-19).
Để xác quyết cụ thể và
rõ nét hơn, tác gỉa Lu-ca đã cho ta thấy tên trộm có lòng sám hối kêu cầu Đức
Giê-su Thập Giá xót thương, chỉ có thế anh được Ngài cho thừa hưởng ơn cứu độ
đầu tiên: “Hôm nay,Ta cho ngươi ở trên Thiên Đàng làm một với Ta” (Lc 23,43).
Tuy nhiên Phụng Vụ hôm nay không chủ ý kết án mọi người Biệt phái, cũng chẳng
có ý tâng bốc hết mọi kẻ thu thuế. Nhưng qua lối sống đạo của ông Biệt phái và
người thu thuế, Hội Thánh muốn chúng ta bắt chước đời sống của Biệt phái
Phao-lô là hình ảnh đứa “con cả” (x Lc 15,11-32), là những người nắm giữ Luật Chúa
và rao truyền, đó chính là các Giám mục và Linh mục: Trước kia ông Phao-lô rất
tự mãn về việc cẩn thủ, triệt để giữ Luật Mô-sê, ông cuồng nhiệt đến nỗi đi giết
những ai sống đạo không giống ông (x Cv.9). Ông tồi tệ hơn người Biệt phái đến Nhà
Thờ trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng ông đã được Chúa chộp lấy (x Pl 3,12), mạc
khải Con của Ngài cho ông, để ông đi giảng Tin Mừng cho muôn dân (x Gl 1,15-16), nên ông vênh vang trong Chúa
mà khoe với đồ đệ Ti-mô-thê: “Chúa Giê-su
bước vào trần gian để cứu những người tội lỗi, trong số đó tôi là người thứ
nhất” (1Tm 1,15). Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ mình đã chiếm đoạt được ơn
cứu độ, vì ơn cứu độ luôn ở phía trước, bởi thế ông nói: “Tôi đang ruổi theo để chụp lấy chiếm đoạt, dù tôi đã được Đức Giê-su
chụp lấy chiếm đoạt, nhưng tôi vẫn chưa kể mình đã chiếm đoạt được rồi, điều
quan trọng nhất là tôi quên phía sau mà lao mình về phía trước, nhắm đích tôi
chạy đến giải thưởng của ơn cứu độ từ trên cao, Thiên Chúa đã ban bố trong Đức
Ki-tô” (Pl 3,13-14).
Vì thế ông nói với Giám
mục Ti-mô-thêu, học trò của mình rằng: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến
chính nghĩa, tôi đã chạy đến cùng đường, nhưng chỉ có Chúa, Đấng phán xét chí
công xử cho tôi. Chính Ngài dành triều
thiên cho tôi (chứ không phải Lề Luật tôi giữ được), cả lúc tôi bị điệu ra tòa
chiến đấu một mình, vì mọi người đã bỏ mặc tôi,nhưng công phúc đó tôi
xin đừng ai kể đến, và chính lúc ấy tôi có vững được Đức Tin là vì có Chúa phù
hộ tôi, và ban sức mạnh cho tôi, Ngài cứu thoát tôi khỏi miệng sư tử, Chúa cho
tôi thoát khỏi hành vi ám muội, và chỉ có Ngài cứu tôi vào Nước Trời” (2Tm.4,
6-18).
Ngày nay, mỗi khi ta
đến Nhà Thờ dâng Lễ cầu nguyện, ngay phút đầu ta đã phải thành khẩn thú tội với
Chúa và cùng anh chị em, và ba lần xin Chúa Ki-tô thương xót ta (trong Thánh lễ
có 14 lần nói đến tâm tình sám hối tội lỗi của cả cộng đoàn và của riêng chủ tế
cộng lại),cuối cùng ta được Ngài đón nhận cả cái xấu nhất nơi ta (lưỡi), Ngài ở
với ta để dạy ta biết cách giữ Luật, và dạy ta biết yêu thương, đón nhận đồng
loại với cả cái xấu của họ, ngõ hầu ta đi tập họp những kẻ kiêu ngạo, tự mãn về
cho Chúa Giê-su, để Ngài chộp lấy họ như Chúa Giêsu “chộp” lấy Biệt phái
Phao-lô, và như thế để minh chứng rằng “Luật
chỉ là quản giáo dẫn ta đến gặp Đức Giê-su, để trong Ngài ta mới được trở nên
công chính hòng được cứu độ” (Gl 3,24).
Hội Thánh nhắc lại sự
bất trung của bà Gô-mơ đối với chồng là ngôn sứ Hô-sê. Ta biết ngôn sứ Hô-sê đã
có trái tim yêu và trung tín với cô vợ điếm, như Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Đã yêu là yêu đến cùng” (Ga 13,1), mà
kêu gọi ta trở về với Chúa, vì ta không kém tồi tệ như bà Gô-mơ, đáng lẽ Chúa
xé nát thân ta, để rồi Ngài lại băng bó và chữa lành ta, thì Ngài lại để cho
nhân loại xé nát Con Một của Ngài vì tội ta, nhưng sau ba ngày Ngài đã sống lại
để làm cho những ai liên kết với Ngài thì cũng được chia phần Phục Sinh vinh
hiển, dù Ngài biết tình yêu của chúng ta mờ nhạt, lúc ẩn, lúc hiện, “như mây bay trước gió, như làn sương dưới
ánh dương”. Dầu vậy Ngài vẫn cần ta đáp lại bằng tình yêu ấy, bởi vì “Chúa muốn tình yêu chứ không
cần hy lễ, Ngài ưa việc nhận biết Thiên
Chúa hơn là dâng lễ toàn thiêu” (Hs 6,1-6: Bài đọc và Đáp ca).
Vậy :
- Làm việc lành theo Luật: Tốt thôi.
- Sám hối vì phạm Luật: Tốt hơn.
- Làm lành và sám hối: Tốt nhất.
Thực vậy, việc sám hối
không những bảo đảm được Chúa cứu độ, mà cả lúc xem ra ta biết sám hối với
người đời, thì ta cũng được lời lãi ngay từ đời này, đan cử :
- Vợ Tổng thống Mỹ Bill Clinton, năm 1994 cho
xuất bản cuốn hồi ký của bà: bao nhiêu
sóng gió chồng bà gây ra, bởi ông đã dan díu với nhiều phụ nữ khi còn tại chức.
Cuốn sách ấy bà thu về được 8.000.000 USD.
- Thấy vợ Tổng thống Mỹ kiếm lời dễ quá, cô
Monica Luinki, người tình bất chính của ông
Bill Clinton cũng cho xuất bản cuốn hồi ký của cô và thu được 6.000.000
Mỹ kim.
- Năm 2001, ông Bill
Clinton sau khi chấm dứt hai nhiệm kỳ làm Tổng thống gây nhiều xì-căng-đan,
cũng cho ra đời cuốn hồi ký. Nhờ cuốn sách ấy ông đã thu về được 12.000.000 USD
!
(Trích từ đài Chân Lý Á
Châu ngày 08/08/2001)
Nếu ba người trên chân
thành sám hối như Chúa khen ông thu thuế
trong Tin Mừng hôm nay, thì họ còn được lời nhiều hơn cả ông Phê-rô, hơn ông thu thuế, và còn hơn cả anh trộm lành,
đẹp nhất là giống Biệt phái Phao-lô trở về ! Có thế ta mới cảm nghiệm được giá
trị lời kinh vẫn đọc: “Ngày hôm nay, anh
em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa” (Tv 95/94, 7b.8a: Tung Hô Tin
Mừng).
THUỘC LÒNG
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng
Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Chúa không khinh chê!
(Tv 50,19).
http://phaolomoi.net
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH